Tài tình như ông có mấy người?

Thứ Tư, 22/10/2008, 17:00
Trong kho giai thoại về các văn nhân thi sĩ Trung Quốc có mẩu chuyện kể về một nhà thơ kỳ tài thường viết được rất nhiều bài thơ tuyệt bút về cảnh trăng nước và tình đời. Một lần không hiểu vì say cảnh trăng lồng bóng nước quá đẹp hay vì một lẽ nào khác mà ông đã nhào người xuống sông, tưởng ôm được vầng trăng vào lòng, không may lại bị nước cuốn đi...

Nhà thơ kỳ tài đó là Lý Bạch (sinh tháng 5 năm 701, mất năm 762).

Đỗ Phủ từng làm thơ kể về Lý Bạch thế này: Lý Bạch uống một đấu rượu thì làm trăm bài thơ - Ngủ say trong quán rượu trên chợ Trường An - Nhà vua đến gọi về vẫn không chịu lên thuyền - Tự xưng là tiên trong làng rượu.

Không phải giai thoại nào cũng đúng cả 100%. Song cũng chẳng bao giờ vô lý vô cớ mà thành giai thoại được.

Số là Lý Bạch vốn quê ở Thanh Liêm, Chương Minh, Thiểm Tây. Nhưng suốt thời trai trẻ cho đến lúc về già, với một thanh kiếm bên mình để làm dáng hơn là để hộ thân, ông đã đi hầu khắp đất Trung Quốc hồi đó, viết tới ngót 1.000 bài thơ đủ loại, xướng họa với không biết bao nhiêu bậc quyền quý và cả đám hạ dân đương thời. Tính ông vốn ngang tàng phóng túng đến mức gần với sự tự phụ ngông nghênh, song được cái lòng ông trong sáng minh bạch, tài ông được ví như tiên giáng thế, bởi vậy đã không ít kẻ ghen tị dèm pha, ấm ức bực bội với Lý Bạch, và cũng có rất nhiều người hâm mộ  ông. Họ ước ao trong đời được gặp ông một lần cũng thỏa.

Thời Lý Bạch trưởng thành và hoạt động sôi nổi là thời xã hội Trung Quốc có khá nhiều biến động dữ dội. Những năm Khai Nguyên (713 -741) là những năm thịnh vượng của nhà Đường, dân gian no đủ, thi ca chuyển dần từ hình thức  chủ nghĩa sang việc thể hiện khí cốt con người với ngôn từ, nhịp  điệu tinh tế, chải chuốt. Vào cuối thời Khai Nguyên, vua quan sa vào con đường hành lạc hủ bại, bỏ mặc triều chính, dân chúng khắp nơi bị bọn địa chủ bóc lột thậm tệ, lâm vào cảnh cơ cầu đói rét. Và kế đó là sự biến An - Sử (755 - 763) làm nghiêng ngửa triều đình, cộng với các cuộc đánh dẹp, chinh phạt thôn tính lẫn nhau giữa các tập đoàn phong kiến, khiến số dân trong nước mười phần chỉ còn  bảy.

Là người từng được rèn luyện cẩn thận về chữ nghĩa thi cử và võ thuật từ nhỏ dưới khuôn nhà khá giả, Lý Bạch sớm tự cho rằng mình là một kẻ sĩ giàu tiềm năng. Thế nhưng ông không lao vào việc lập thân bằng con đường thi  cử để làm quan. Khi du ngoạn đến những miền sơn cước, ông kết bạn với các đạo sĩ vừa để cầu tiên học đạo, vừa để tạo thêm thanh thế. Khi vui chân đến các chốn thị thành đô hội theo lời thỉnh cầu của bạn bè (số đông là văn nhân và quan chức địa phương), ông lại tìm cách kết thân với các bậc tai mắt của triều đình trung ương. Làm như thế, Lý Bạch hy vọng rằng một mai, ông sẽ từ địa vị của một khách áo vải, lãng du, một bước sẽ  lên "hàng khanh tướng" để  giúp vua thay Trời "cứu trợ dân", làm cho "thiên hạ yên ổn, bốn biển thanh bình".

Xem thế, đủ biết nhà thơ tự là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liêm cư sĩ này thực ra không hề muốn theo con đường hưởng lạc cá nhân ngông nghênh đáng ghét, mà ông là một người nhập thế tích cực, có chủ kiến riêng. Song Lý Bạch đã lầm, ở thời ông, không phải đạo sĩ nào cũng được trọng dụng, còn bọn có tai mắt trong triều, phần vì không hiểu được hoài bão của ông, phần vì đã hiểu, nhưng rất không muốn ông bằng vai phải lứa với chúng nên đã có lần chúng làm ông suýt chết. May sao, đến năm 742, ông được đạo sĩ Ngô Quân tiến cử lên vua Đường Huyền Tông.

Ở với Huyền Tông, bề ngoài quả thực Lý Bạch rất được trọng vọng. Lúc đầu nhà thơ ngỡ rằng mình đã gặp minh quân trong tâm trạng đắc ý, và ông đã viết một số bài thơ miêu tả cảnh sinh hoạt cung đình (như 8 bài "Cung trung hành lạc"). Vốn là người mẫn cảm, chẳng bao lâu sau, Lý Bạch nhận ra: Đường Huyền Tông chỉ coi ông và muốn ông như một thứ bồi bút làm vui và làm danh giá cho ngôi vua của ông ta mà thôi. Vỡ mộng, quá buồn chán, Lý Bạch uống rượu la đà và đôi khi còn mượn rượu để bày tỏ sự khinh mạn của mình trước cảnh chen chúc nhục nhã nơi triều chính. Chưa đầy ba năm ở tại Trường An với vua Đường theo lời tiến cử, Lý Bạch đã tìm cớ ra đi.

Thế là, nếu như trước đây, ông đã biết thực chất của bọn quan chức địa phương, giờ đây, ông còn biết cả "phẩm hạnh" của đấng tối cao cùng bọn bung xung ở cạnh ông ta, ông càng khó nghĩ, khó bước. Tự trong thâm tâm, Lý Bạch vẫn tin ở ý chí và tài năng cùng đức hạnh của mình, ông vẫn mong có dịp lập công với đời. Song qua hoạt động bên ngoài, đã không ít khi ông bộc lộ sự chán chường đến mức tiêu  cực.

Gặp lúc An Lộc Sơn đánh vào Tràng An, Đường Huyền Tông bỏ kinh đô chạy, Lý Bạch lại ra giúp con vua là Lý Lân chiếm giữ miền trung hạ du Trường Giang. Lý Hanh lên ngôi vua, sợ Lý Lân thắng được giặc sẽ mạnh lên, giành mất ngôi của mình nên phái đại binh đến đánh. Lân bị giết, Lý Bạch bị khép tội nặng, may nhờ tướng Quách Tử Nghi xin cho, nên bị đày đi Dạ Lang (nay thuộc Quý Châu).

Năm 761 Lý Bạch lại hăng hái xin theo quân Lý Quang Bật đánh đuổi quân Sử Triều Nghĩa, tưởng sẽ thỏa khát vọng lập công, song tuổi cao sức yếu, ông nhuốm bệnh rồi năm sau qua đời.

Thất bại trên đường chính trị nhưng Lý  Bạch lại để  lại công danh thi ca vang dội. Dào dạt chảy trong nguồn thơ tưởng như bất tận của ông là chất trữ tình thật đa dạng.

Chất trữ tình đó có lúc được thể hiện qua hình ảnh con đại bàng đầy tráng khí:

Đại bàng một lúc lên theo gió,
Chín vạn dặm cao vút tận trời.
Dẫu khi gió ngừng sa xuống đất
Chân còn lê tới tận biển khơi.

(Tặng Lý Ung)

có lúc được bộc bạch qua một nỗi buồn vô tận vô cùng: Cất chén tiêu sầu, sầu cứ sầu/ Rút dao chặt nước, nước cứ chảy... (Trên lầu Tạ Diễu ở Tuyên Châu…)

Nhiều khi, giữa mạch thơ trữ tình mạnh mẽ ấy của Lý Bạch, cũng có những câu đọc lên thấy xót xa thay cho tình cảnh của ông: Tôi vốn chẳng bỏ đời/ Tự người đời bỏ tôi (Tiễn Thái Sơn nhân).

Chúng ta hiểu: Sống trong thời tao loạn khốc liệt, người có khí phách phò vua giúp dân mà không gặp minh quân, thì buồn đau tê tái bơ vơ cô độc cũng là thường. Nhưng hình như số phận cũng còn ưu ái cho thi nhân những người bạn liên tài, họ hiểu và quý trọng ông. Một ngày nọ, nhà thơ thấy: Đầu giường ánh trăng dọi/ Ngỡ mặt đất phủ sương/ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương, rồi cất bước ra đi mà chưa biết về đâu, thì đã thấy Uông Luân đưa tiễn, thơ ông ghi lại rằng:

Vừa khi Lý Bạch xuống thuyền
Bỗng nghe trên bến nổi liền "Đạp ca"
Thẳm sâu nghìn thước Đào Hoa
Uông Luân tình bác tiễn ta sâu đằm

(Tặng Uông Luân - Thủy Liên dịch)

Đến bây giờ cũng chưa mấy ai rõ cái bài ca dân giã nào đã được Uông Luân cùng đám người đưa tiễn như đồng loạt cất lên trên bến sông Đào Hoa nọ - nghe đâu là họ vừa hát vừa giẫm chân giơ tay như múa nên được gọi là điệu hát Đạp ca, nhưng tình cảnh, tình bạn của họ thì muôn đời sau đều có thể cảm nhận được. Đọc bài "Độc tọa Kính Đình sơn" của Lý Bạch, ta còn thương cảm và kính nể thi nhân hơn:

Chim trời bay đi đâu hết
Để mây lẻ lững lờ trôi
Nhìn nhau mãi không chán mắt
Chỉ ta với Kính Đình thôi

(Thủy Liên dịch)

Bên cạnh những vần thơ trực tiếp bộc lộ tâm tư của mình như thế, Lý Bạch cũng có nhiều bài thơ viết về cảnh vật rất đặc sắc. Ở những bài thơ viết về cảnh trí thiên nhiên này, ông thường có lối viết ít theo khuôn phép cấu trúc truyền thống mà rất chú trọng về chữ nghĩa, ngôn từ. Sự cách tân mạnh dạn ấy của ông đã giúp ông có được những dòng thơ có sức sống lâu bền như các bài: "Nhìn thác nước ở Lư Sơn", "Đường đi Thục khó", "Nhìn núi Thiên Môn"... Đây là một đoạn trong bài "Sáng ra  đi từ thành Bạch Đế" nổi tiếng:

Sáng từ Bạch Đế giữa ngàn mây.
Muôn dặm Giang Lăng tới một ngày.
Tiếng vượn đôi bờ kêu không dứt,
Ngàn non thuyền nhẹ đã qua ngay.

(Tương Như dịch)

và đây là một đoạn khác trong bài "Đêm xuôi đình Chinh Lỗ":

Chèo thuyền xuống bến Quảng Lăng,
Xuôi đình Chinh Lỗ một vầng trăng treo.
Hoa đồi như giải gấm thêu,
Trên sông đám lửa như chiều sao sa.

(Tương Như dịch)

Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng: Nếu như viết về thiên nhiên, thơ Lý Bạch thường tỏ rõ sự phóng khoáng của trí tưởng tượng, thì khi viết về cảnh đời, vẫn với trí tưởng tượng ấy, thơ ông lại bộc lộ một sự khái quát lớn của một phong cách hiện thực nghiêm ngặt.

Sinh thời, con người tài hoa ngang dọc Lý Bạch từng nói quá về mình  là: Một ngày có thể làm thơ vạn lời/ Cứ đứng chờ bên lưng ngựa mà xem. Chúng ta bình tĩnh bỏ quá cho ông về một cách nói khoa trương ước lệ mà suốt thời phong kiến nhiều thi gia vẫn mượn, chúng ta đọc kĩ thơ ông hơn… Này là thơ ngụ chí, này là thơ cảnh quan, kia là thơ về người phụ nữ, nọ là thơ viết lúc biệt ly, đây là thơ chiến trận... chúng ta sẽ thấy là trên một vùng đất mênh mông có hàng nghìn vạn người từng dùng chữ Hán để làm thơ, kể được như ông, chắc không có đến người thứ mười

Nguyên An
.
.