Tài không kể tuổi

Thứ Sáu, 09/03/2012, 08:00

Họa sĩ Lê Thi tên thật là Lê Thị Thi. Bà sinh năm 1920 tại làng Thọ Hạc, xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cả đời bà, phần lớn thời gian sống ở Thanh Hóa. Chỉ sau này, khi về già bà mới chuyển ra Hà Nội sống cùng con cháu. Dù lưng còng rạp nhưng bà đi lại khá nhanh nhẹn. Da dẻ bà vẫn hồng hào, gương mặt phúc hậu, đặc biệt là trí tuệ vẫn minh mẫn như không hề có dấu hiệu của tuổi tác...

Đến với hội họa khi đã ngoài 70 tuổi và chưa hề qua bất kỳ một trường lớp hội họa nào, đến nay, khi bước vào tuổi 92, bà đã có gia tài tranh đồ sộ với khoảng 2.000 bức vẽ. Tranh của bà không chỉ tham gia hơn chục triển lãm (trong đó có 5 triển lãm cá nhân) mà còn đạt nhiều giải thưởng như: Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Trãi hay bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Bên cạnh giá trị nghệ thuật tự thân, dường như mỗi tác phẩm của bà còn là câu chuyện về sức sáng tạo không mệt mỏi của một họa sĩ tóc bạc, da mồi.

1. Dù không có trong tay địa chỉ chính xác và số điện thoại của lão họa sĩ Lê Thi nhưng tới đầu xóm Chùa, phường Phúc La, quận Hà Đông, chúng tôi đã được người dân nơi đây chỉ dẫn tận tình. Dường như tới đây, chỉ cần hỏi nhà "bà lão vẽ tranh" thì ai cũng biết. Họa sĩ Lê Thi hiện đang sống cùng vợ chồng người con trai duy nhất của mình trong căn nhà gỗ được làm theo kiểu nhà sàn của người miền núi bên dòng sông Nhuệ hiền hòa. Một mặt sàn được dành riêng cho bà. Nó vừa làm nơi bà vẽ tranh vừa làm nơi nghỉ ngơi, tiếp khách. Bên ngoài là một ban công bằng gỗ rộng nhìn ra vườn hoa xuân đang khoe sắc và dòng sông Nhuệ uốn quanh. Đây cũng là nơi những khi nắng ấm, họa sĩ Lê Thi thường ngồi vẽ.

Có thể nói, cho đến nay, họa sĩ Lê Thi là một trong những họa sĩ đặc biệt của giới mỹ thuật Việt Nam và chuyện bà xuất hiện trong làng hội họa có lẽ vẫn là một chuyện "độc nhất vô nhị". Cuộc đời bà là minh chứng cho việc tài năng có thể phát lộ ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bà kể, năm 1982, người con trai của bà đi công tác nước ngoài gửi về cho con gái mình hộp màu vẽ. Tình yêu hội họa trong bà trỗi dậy. Bà vừa dạy cháu vẽ những hình khối cơ bản vừa tìm hiểu về lĩnh vực hội họa bằng cách đọc say mê những sách hướng dẫn vẽ tranh của cháu. Đến khi ngồi dạy cháu học bài, để bài học thêm sinh động, dễ hiểu, mỗi khi dạy đến một chữ cái nào đó, bà thường vẽ hình minh họa. Ví dụ khi dạy đến chữ G, bà vẽ con gà, đến chữ C, bà vẽ con cá, đến chữ H, bà vẽ bông hoa... Giờ đây, bà vẫn còn giữ được quyển sổ dạy cháu học từ cách đây hơn hai chục năm. Dù giấy đã ngả màu thời gian nhưng những nét vẽ của bà vẫn lưu lại sinh động, chân thực. Đến năm 1994, bà bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên. Nhưng bà bảo, đọc thì đọc vậy, đến khi ngồi trước tấm toan, bà lại bỏ qua hết tất cả những nguyên tắc về màu sắc, bố cục, hình khối mà hoàn toàn vẽ theo cảm xúc của mình.

Thời gian đầu, bà học vẽ rất đặc biệt. Vốn yêu những bức tranh phong cảnh của danh họa người Nga Lêvitan, lại được người cháu tặng cho cuốn sách chụp những tranh của danh họa này, trong vòng một tháng, bà ngồi tỉ mẩn chép lại hơn 30 bức tranh của Lêvitan. Bà bảo, chép tranh không chỉ khiến tay bà mềm mại, uyển chuyển mà bà học ở đó những nét vẽ, bố cục mà bà chưa biết, từ đó, sáng tạo những nét mới lạ cho vào tranh của mình.

Họa sĩ Lê Thi đang hoàn thiện một tác phẩm của mình.

2. Giai đoạn họa sĩ Lê Thi vẽ được nhiều nhất là những năm từ 1994 đến 1997 với khoảng hơn 500 bức. Phần lớn là tranh phong cảnh và bằng sơn dầu hoặc bột màu. Chiêm ngưỡng thế giới màu sắc của họa sĩ Lê Thi, người xem dễ dàng nhận thấy bà đưa vào tranh của mình những gì gần gũi, thân thuộc nhất. Đó là phong cảnh làng quê nơi bà sống gần trọn cuộc đời với cây đa, bến nước, con đò, bờ tre, gốc rạ... Những bức tranh của bà luôn khiến người xem hoài niệm về một miền quê thanh bình trong ký ức, một quê hương Việt Nam yên ả, hiền hòa. Gần đây, ngoài vẽ, bà còn có những học trò đặc biệt. Đó là những người yêu thích hội họa đủ mọi lứa tuổi, nghe tiếng của bà tự đến xin học hỏi.

Bà chia sẻ: "Tôi cứ vẽ theo sở thích, vẽ những gì gần gũi, thân thuộc, cũng chẳng nghĩ sau này mình lại được nhiều người biết đến". Cho đến khi, tình yêu hội họa của một cụ bà bước vào tuổi thất thập lan đến Vụ Mỹ thuật (Bộ Văn hóa - Thông tin - Truyền thông bấy giờ). Lãnh đạo Vụ bèn cử người đến tìm hiểu tranh của bà. Ngay sau đó, đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Truyền thông Nguyễn Khoa Điềm đến thăm, tặng bằng khen và quyết định tổ chức triển lãm tranh cho riêng bà. Triển lãm được tổ chức tại Phòng Triển lãm của Trường Đại học Mỹ thuật năm 1997 và đó cũng là triển lãm tranh đầu tiên của họa sĩ Lê Thi. Hơn 70 bức tranh tại triển lãm đã khiến người xem phải sửng sốt trước những nét vẽ tài hoa, sinh động của một cụ bà chưa từng học qua một lớp hội họa nào. Sau đó liên tục trong các năm 1998, 1999, 2000, bà được mời tham dự các cuộc triển lãm như “Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng", Triển lãm tranh phụ nữ quốc tế Việt - Pháp do bà Điềm Phùng Thị tổ chức, Triển lãm Mỹ thuật người cao tuổi... Điều khiến bà hài lòng nhất là vào năm 2000, bà đã tổ chức được triển lãm tranh cá nhân riêng với tên gọi "Quê" tại Thanh Hóa với gần 80 bức tranh như là một cách để tri ân quê hương, nơi nuôi dưỡng và khơi gợi niềm cảm hứng hội họa trong bà.

Bà bảo, niềm yêu thích của bà với văn học nghệ thuật đã có từ khi còn rất nhỏ. Sinh ra trong một gia đình đông con ở Thanh Hóa, bà cũng như các chị em gái của mình không được đi học vì theo quan niệm phong kiến, chỉ con trai mới được đi học. Nhưng, chỉ bằng cách mày mò tự học, cả 8 chị em bà đều biết chữ. Cha bà là ông cử rất mê văn chương nên nhà có nhiều sách. Mỗi khi cha không để ý, bà lại lấy sách, báo của cha đọc trộm. Vớ cái gì đọc cái nấy, từ Phong Hóa, Thời nay, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy... đến truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của các tác giả Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ... Trong đầu óc non nớt của cô bé Thi ngày ấy có một tình yêu, sự hâm mộ đặc biệt với các văn nghệ sĩ. Đến nỗi, cô đã từng ước mình được là người rót nước, bưng trà trong các cuộc gặp mặt của các nhà văn, nhà thơ để được nghe họ trò chuyện.

Vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà Lê Thi vừa đùa rằng dường như bà không có tuổi thơ bởi ngay từ nhỏ, bà đã có những suy nghĩ già dặn hơn nhiều so với tuổi. Bà tập làm thơ từ năm 6 tuổi. Đến nay, bà vẫn còn nhớ những câu thơ "rất người lớn" bà viết thời ấy, khi mới 10 tuổi như: "Bảng lảng trời chiều giá hắt hiu/ Trên không vẳng tiếng sáo diều reo/ Rung rinh trên áng trời vàng nhạt/ Phảng phất mây bay cơn gió chiều...". Cùng với làm thơ, hội họa cũng là niềm đam mê của cô bé Thi. Cô vẽ bất cứ khi nào rảnh rỗi, ở bất cứ đâu: lấy que vẽ xuống đất, lấy than vẽ lên tường... Nhiều đến nỗi thường xuyên bị cha mẹ la mắng vì tội vẽ… lung tung. Nhưng bà bảo, bà chỉ thực sự đến được với hội họa khi đã trải qua hết những khúc quanh của cuộc sống.

3. Gần đây, sức khỏe của họa sĩ Lê Thi yếu hơn nhưng bà vẫn cố gắng duy trì cho mình thói quen vẽ 2 tiếng mỗi ngày vào buổi sáng. Bà tâm niệm, mình đến với hội họa muộn màng, lại không được học hành cơ bản nên phải lấy sự chăm chỉ tập luyện làm bí quyết. Bà tập vẽ từ những chi tiết nhỏ nhất, kỳ cục vẽ đến khi nào ưng ý mới thôi. Giờ bà đang vẽ tuyết, sắp tới sẽ tập vẽ mây, vẽ nước... Với bà, hội họa là nơi bà gởi gắm tình yêu đất trời, tình yêu cuộc đời, yêu con người vào đó, dù cuộc đời bà trải qua bao thăng trầm, biến cố. Chồng mất khi con trai duy nhất mới 7 tháng tuổi, bà ở vậy một mình làm đủ thứ nghề để kiếm sống và nuôi con ăn học, từ đan lát, làm ruộng đến làm bún, nuôi tằm dệt lụa... Với bà, thế giới của cái đẹp là một thế giới trong trẻo, đầy những hoài niệm. Có lẽ đó là nguyên nhân để bà chỉ có thể cảm xúc với những gì nhẹ nhàng... Những gì nặng nề, u uất, bà không vẽ được.

Một điều ở lão họa sĩ Lê Thi khiến người tiếp xúc ngưỡng mộ là mặc dù hơn 90 tuổi nhưng bà sử dụng thành thạo máy tính. Hàng ngày, bà vẫn thường xuyên lướt web để theo dõi tin tức. Thậm chí thường xuyên "chát" với cháu con, bạn bè qua yahoo, skype... Bà bảo, năm 2007, tức là khi đã 87 tuổi, bà có ý định viết tiểu thuyết nhưng tay thì run, tài liệu lại nhòe. Viết tay mà nhờ con cháu thì bất tiện. Thấy các cháu đánh máy nhoay nhoáy, bà hỏi: "Giờ bà học có được không?". Cháu gái bà bảo được. Thế là bà bắt tay vào học. Cuốn tiểu thuyết "Ngược dòng" dày hơn 600 trang xuất bản năm 2009 hoàn toàn do bà tự tay đánh máy. Bây giờ, cùng với toan, cọ, màu vẽ thì chiếc máy tính xách tay là vật bất ly thân của bà.

Trò chuyện với lão họa sĩ Lê Thi, điều đọng lại trong chúng tôi là sự đam mê nghệ thuật quên tuổi tác, quên ngày tháng ở bà. Bà chỉ tiếc là dự định, đam mê còn nhiều mà sức lực, thời gian thì lại giới hạn. Nhưng với bà, còn sức là còn vẽ, còn viết. Đó là cách bà sẻ chia tình yêu với cuộc đời

Thảo Duyên
.
.