Tác giả “Những vần thơ của Quỷ Satan”: Tiếp tục bị truy sát

Thứ Hai, 14/03/2016, 07:58
Iran đang trao giải 600.000 USD cho bất kỳ ai lấy được đầu của nhà văn Salman Rushdie, tác giả của "The Satanic Verses" (Những vần thơ của Quỷ Satan).  Trước đó, một số cá nhân liên quan đến tác phẩm "Những vần thơ của Quỷ Satan" của tác giả Salman Rushdie từng gây rúng động thế giới một thời cũng đã bị "truy sát". 


Dịch giả người Nhật Hitoshi Igarashi đã bị đâm chết vào năm 1991. Cùng năm, dịch giả người Ý Ettore Capriolo cũng bị đâm ngay tại căn hộ của ông ở Milan nhưng may sống sót. Sau đó, chuyên gia xuất bản người Na Uy William Nygaard bị bắn đến ba lần ở Oslo nhưng cũng may mắn qua khỏi vào năm 1993. Riêng dịch giả người Thổ Nhĩ Kỳ là Aziz Nesin thì trốn thoát được trong một vụ tấn công đốt khách sạn vào năm 1993, có điều vụ tấn công này đã khiến 37 người vô tội thiệt mạng. Cuốn sách cũng bị cấm xuất bản tại nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Sudan, Bangladesh và Nam Phi. "Những vần thơ của Quỷ Satan" được cho là xúc phạm sâu sắc đến giới tăng lữ Hồi giáo.

Tổng số tiền thưởng để lấy đầu văn sĩ lên đến hàng triệu USD

Những thù hằn nhằm vào văn sĩ tài hoa Salman Rushdie dường như vẫn chưa chấm dứt. Tờ Guardian ngày 24 -2 vừa qua cho biết, 40 phương tiện truyền thông trực thuộc nhà nước Iran mới đây đã cùng nhau hùn tiền thưởng cho ai giết được Rushdie, số tiền mà họ treo thưởng là 600.000 USD. Trong khi đó, hãng tin Fars news agency của nhà nước Iran cũng cho biết, đây là nỗ lực hợp tác lớn nhất của các phương tiện truyền thông trong việc tìm cách thực thi cho bằng được án tử đối với tác giả Salman Rushdie kể từ khi luật fatwa được giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini ban ra vào năm 1989 vì ông cho rằng, tác phẩm của Rushdie là phỉ báng đạo Hồi.

Nhà văn Salman Rushdie.

Như vậy, về mặt lý thuyết thì tổng số tiền thưởng cho việc hạ sát Rushdie giờ đây đã lên đến hàng triệu USD. Luật fatwa này đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên bình diện quốc tế cũng như khiến Vương quốc Anh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran trong gần một thập kỷ. Vào năm 1998, Tổng thống Iran khi đó là Mohammad Khatami đã nói rằng, luật fatwa dành cho Rushdie "đã chấm dứt", nhưng thực tế nó vẫn chưa được chính thức gỡ bỏ mà trái lại, vẫn được nhắc đến nhiều lần vào các dịp kỷ niệm bởi lãnh tụ tôn giáo tối cao hiện nay là Ali Khamenei cùng với các quan chức trông coi về mặt tôn giáo khác vốn mang nặng tư tưởng cực đoan.

"Luật fatwa do Imam Khomeini ban ra là một sắc lệnh tôn giáo và nó sẽ không bao giờ mất đi sức mạnh hoặc bị xóa mờ" - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Iran là Seyed Abbas Salehi cho hãng tin Fars biết. Riêng tác giả Rushdie đã phải sống trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát ở Vương quốc Anh trong nhiều năm kể từ khi luật fatwa được ban ra.

Tại hội chợ sách Frankfurt, Đức năm 2015, sau khi biết được tác giả Rushdie sẽ giữ vai trò diễn giả thì đoàn Iran đã không tham dự và đồng thời kêu gọi các quốc gia theo đạo Hồi khác cùng tẩy chay. Bộ Ngoại giao Iran nói rằng, hội chợ "đã lạm dụng danh nghĩa tự do ngôn luận để mời một người bị các quốc gia theo đạo Hồi thù ghét, không những thế còn tạo cơ hội cho Salman Rushdie phát biểu". Hiện một số nhóm Hồi giáo cứng rắn vẫn phản đối nhà văn Salman Rushdie và dọa tẩy chay các tổ chức nào có liên hệ với ông.

Viết sách kể về một thập kỷ trốn chạy

Nhà văn Salman Rushdie cho biết, ông đang có kế hoạch viết sách kể về một thập kỷ trốn chạy mối đe dọa ám sát từ chính quyền Iran, và sẽ sử dụng bản lưu trữ những ghi chép cá nhân của mình hiện lưu tại Đại học Emory (Mỹ). Ông hiện là giảng viên đặc biệt tại Đại học Emory, thành phố Atlanta, nơi ông đã tặng các tư liệu của mình cho thư viện trường. Đại học Emory cũng đang mở một cuộc trưng bày đặc biệt về các bản viết tay, thư từ và bức ảnh của tác giả này.

Trong cuộc họp báo trước khi cùng các nhà báo thăm  khu trưng bày, nhà văn Rushdie tiết lộ về cuốn sách sắp tới: "Đó là câu chuyện của tôi và trong đó có một số điều cần phải được nói ra". Bộ sưu tập tư liệu đặc biệt của Đại học Emory gồm cả những cuốn nhật ký riêng của nhà văn Salman Rushdie viết trong thời gian ông lẩn trốn, nhưng thư viện trường cho biết các tài liệu này sẽ không được giới thiệu cho công chúng chừng nào nhà văn vẫn còn sống. Ngoài ra, còn có bản thảo các tiểu thuyết của ông, các tác phẩm chưa xuất bản, những bức ảnh thời trẻ và nhiều bức thư do các nhân vật nổi tiếng gửi tới bày tỏ sự ủng hộ ông.

Gây tiếng vang nhờ kể chuyện dài, hào hứng và bất ngờ

Trước cuốn sách gây hằn thù trên, Rushdie được biết đến với giải Man Booker (giải thưởng văn học cho các quốc gia nằm trong cộng động Anh) năm 1981 cho cuốn tiểu thuyết "Những đứa trẻ lúc nửa đêm". Năm 1993, tác phẩm này được bình chọn là tiểu thuyết xuất sắc nhất trong 25 năm giải thưởng Booker Prize. Năm 2007, Rushdie đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước hiệp sĩ. Và mới đây nhất, cuốn "Nàng phù thủy thành Florence" ra đời, gây tiếng vang trong cộng đồng yêu văn học.

Trong bài phỏng vấn được Lévai Balázs thực hiện, Salman Rushdie có nói rằng: "Tách câu chuyện ra khỏi văn học là một nhầm lẫn", và "phản xạ đầu tiên của tôi là không làm cho độc giả chán". Cuốn "Nàng phù thủy thành Florence" có hàng chục câu chuyện lớn nhỏ khác nhau, tạo nên một thế giới chuyện kể phong phú và huyền ảo, pha lẫn sắc màu Ðông - Tây.

Tự nhận là một nhà văn được cả hai cộng đồng văn học Ấn Ðộ và Anh chấp nhận, Salman Rushdie dựng nên phông nền cho cuốn tiểu thuyết thứ tám của mình bằng chính chất liệu của hai cộng đồng ấy. Florence thời Phục hưng và đế chế Mughal nằm trên tiểu lục địa Ấn Ðộ thế kỷ thứ 16 - thời kỳ rực rỡ của văn học, nghệ thuật và tôn giáo. Cuốn sách kể hai câu chuyện chính song song nhau, bên cạnh hàng loạt câu chuyện khác. Ðó là cuộc phiêu lưu của nàng công chúa Qara K#z thuộc vương triều Mughal. Ðó còn là cuộc sống của ba người bạn từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành tại Florence. Mỗi người mang một niềm tin khác nhau vào cuộc đời.

Giáo chủ Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini quyết hạ sát nhà văn Salman Rushdie.

Nổi bật và là yếu tố gắn kết hai câu chuyện là sức sống của nàng công chúa thất lạc Qara K#z. Nàng bắt đầu ra đi khỏi một vùng đất, chu du khắp nơi để rồi tái xuất tại chính vương quốc mà nàng đã từ bỏ sau quãng thời gian dài, trong một hình thái khác. Song trong suốt cuộc hành trình đầy biến động đó, tâm trí nàng vẫn chỉ đắm chìm trong một thế giới khép kín, bất biến của tự do, tình yêu và sự khát khao nhục thể.

Cùng với "Haroun và biển truyện" đã được xuất bản trước đây tại Việt Nam, "Nàng phù thủy thành Florence" một lần nữa chứng tỏ Salman Rushdie luôn là người biết kể những câu chuyện dài theo một cách rất đặc biệt, đầy hào hứng và tràn ngập bất ngờ..

Nhận giải thưởng văn học lớn nhất Đan Mạch

Nhà văn Salman Rushdie cũng đã vinh dự nhận được giải Hans Christian Andersen - giải thưởng văn học lớn nhất của Đan Mạch - với phần thưởng lên tới 500.000 knoner (89.000 USD). Bắt đầu được trao từ năm 2010, giải Andersen dành tặng các nhà văn có tác phẩm mang phong cách gần gũi với đại văn hào Andersen.

Trong thông báo mới đây, ban giám khảo cho hay Salman Rushdie "chia sẻ tình yêu  nghệ thuật kể chuyện cổ tích" với Andersen. Bên cạnh đó, Rushdie còn được ca ngợi là tác giả "có một không hai, người thông qua sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực toàn cầu và khả năng tưởng tượng để miêu tả tầm quan trọng của những cuộc hành trình và giao thoa văn hóa trong thời đại chúng ta, từ đó làm giàu cho nền văn học thế giới". Lễ trao giải cho Rushdie được tổ chức tại Odense - thành phố quê hương của Andersen. Trước Rushdie, một số nhà văn khác từng vinh dự nhận giải thưởng này như Paulo Coelho, J.K. Rowling hay Isabel Allende. Rushdie cũng là cha đẻ của nhiều tác phẩm thiếu nhi được mến mộ.

Mới đây, Sir Salman Rushdie đã được một trường đại học tại Ireland trao giải thưởng mang tên nhà văn James Joyce. Phát biểu tại buổi lễ nhận giải James Joyce  ở University College Dublin, Rushdie cho biết, ông đã học được "sự táo bạo của ngôn ngữ" từ James Joyce. Những người từng được trao giải này trước đây có nhà văn Bill Bryson, diễn viên hài Will Ferrell và cựu cầu thủ Gary Lineker.

Trong cuộc trò chuyện với sinh viên tại trường, nhà văn nói: "Đóng góp ít ỏi của tôi là tạo nên tiếng Anh của người Ấn để song hành cùng tiếng Anh của người Ireland, tiếng Anh của người vùng Caribbean và tiếng Anh của người Úc". Ông nói thêm: "James Joyce có lẽ đóng vai trò nguồn cảm hứng đối với tôi nhiều hơn bất kỳ nhà văn nào khác. Được nhận giải mang tên ông thật sự là một điều xúc động". Cũng tại buổi trò chuyện này, ông đã đọc một trích đoạn trong tác phẩm "Nàng phù thủy thành Florence".

Trường Minh (tổng hợp)
.
.