Sức sống của Tân cổ giao duyên

Thứ Năm, 31/12/2015, 14:50
"Tân cổ giao duyên" là một trong những sáng tạo độc đáo đặc trưng Nam Bộ, một thể loại được giới mộ điệu cổ nhạc ưa chuộng hơn 50 năm qua. Người đi tiên phong sáng tạo ra thể loại này là soạn giả - Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu. Sinh thời, cố GS-TS Trần Văn Khê từng khẳng định: "Anh Bảy Bá chính là người khai sinh ra và viết nhiều nhất thể loại "Tân cổ giao duyên". Trong số hơn 2.000 bài vọng cổ của anh có vô số bài "Tân cổ giao duyên" hay…".

Cha đẻ của "Tân cổ giao duyên" là ai?

Tên thật của ông là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông thứ bảy nên thường được gọi với cái tên Bảy Bá. Ông sớm nổi tiếng với cây đàn tranh, khi mới tròn 15 tuổi. Cha mẹ mất, ông rời quê, bắt đầu cuộc phiêu lưu vào ca trường nhạc giới từ hồi cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Ở đất Sài Gòn, Viễn Châu có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ tài danh như: Năm Châu, Trần Hữu Trang, Duy Lân, Lê Hoài Nở... và học hỏi được nhiều kỹ năng về tư duy sáng tác từ những soạn giả nổi tiếng này. Đến năm 1950, được sự khuyến khích, động viên của soạn giả Nguyễn Thành Châu tức Năm Châu, ông viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng" với bút danh mới là Viễn Châu, hàm ý nhớ về quê hương Đôn Châu của mình.

Vở tuồng này đã gây tiếng vang lớn trên sân khấu Việt kịch Năm Châu, mở đường cho những thành công tiếp sau đó. Người yêu mến sân khấu cải lương không thể nào quên được những vở tuồng nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu như: Hàn Mặc Tử, Hoa Mộc Lan, Đời cô Nga, Nợ tình, Tình mẫu tử.v.v…

Soạn giả - NSND Viễn Châu, cha đẻ của "Tân cổ giao duyên".

Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, Viễn Châu mạnh dạn làm một cuộc cách tân điệu "Vọng cổ" thành "Tân cổ giao duyên" bằng việc ghép tân nhạc vào bản vọng cổ thật nhuần nhuyễn, làm cho nó quyến rũ hơn, sinh động hơn. Ông đã nâng điệu "Vọng cổ" lên một sắc thái mới, từ nhạc điệu, ý thơ cho đến lời ca, điển tích và hơn hết là cái thần, là ý tình luôn đong đầy.

Bản "Tân cổ giao duyên" đầu tiên có tên gọi "Chàng là ai", tân nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Thiết, Viễn Châu biên soạn lời vọng cổ, Lệ Thủy ca, Hãng đĩa Hồng Hoa thu âm và phát hành. Lập tức dư luận có những phản ứng gay gắt. Một số nhà báo, nhạc sĩ nổi tiếng cho rằng, soạn giả Viễn Châu là người làm hư hại bài "Vọng cổ", vốn được xem là quốc túy, quốc hồn của âm nhạc dân tộc, kêu gọi dân chúng tẩy chay. Soạn giả Viễn Châu vẫn bình thản đọc tất cả các bài báo, lắng nghe hết các ý kiến khen chê, suy ngẫm để rồi quyết định vẫn tiếp tục sáng tác "Tân cổ giao duyên" làm phong phú thêm màu sắc cho bản "Vọng cổ".

Sự kiên trì, nhẫn nại của ông, cuối cùng cũng chinh phục được mọi người. Sau thành công ngoài mong đợi của đĩa "Tân cổ giao duyên" "Cô hàng chè tươi - Chàng là ai", soạn giả Viễn Châu tiếp tục chọn những bản nhạc có giai điệu êm ái, nhẹ nhàng của các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh… để soạn lời vọng cổ và được đông đảo giới mộ điệu đón nhận nồng nhiệt. 

Thời cực thịnh

Khi viết "Tân Cổ giao duyên", người viết buộc phải chuyển tải lời vọng cổ theo đúng nội dung, ý tưởng ban đầu của bản tân nhạc. Thông thường, có hai cách viết "Tân cổ giao duyên". Cách thứ nhất, người soạn giả lấy một bài tân nhạc mà mình ưng ý, chuyển tải lời vọng cổ phù hợp với nội dung theo ý tưởng của bài tân nhạc. Cách thứ hai, người viết đưa thẳng một đoạn tân nhạc vào bài vọng cổ, sau đó viết tiếp lời ca như một bài vọng cổ bình thường.

Thập niên 1960-1970 là thời kỳ hưng thịnh nhất của "Tân cổ giao duyên". Thời điểm này, những bản nhạc mới với giai điệu trữ tình Bolero nhẹ nhàng, lời ca dung dị, mộc mạc, gần gũi rất được đại bộ phận quần chúng nhân dân ưa chuộng và những bản nhạc trữ tình này cũng phù hợp với khán giả mộ điệu âm nhạc tài tử và cải lương. Do đó, một số soạn giả cải lương như: Loan Thảo, Yên Lang, Thế Châu, Mộc Linh, Thu An, Thiếu Linh, Kiên Giang, Quy Sắc, Hoàng Khâm, Yên Ba.v.v… bắt đầu chuyển hướng sáng tác cho loại hình độc đáo này.

Soạn giả Viễn Châu đã có trên 1.000 bài "Tân cổ giao duyên". Người thứ hai phải kể đến là soạn giả Loan Thảo. Hai soạn giả này nổi trội hơn hết về bút pháp và ca từ. Những chi tiết đơn giản ở đời thường, khi hai ông đưa vào tác phẩm qua sự trau chuốt đã thành những ngôn từ văn chương bóng bẩy và hàm súc. "Tân cổ giao duyên" của họ quyện chặt giữa nhạc tân và vọng cổ thành một thể hoàn chỉnh, thống nhất. Nội dung luôn bám sát trạng thái tâm lý của chủ thể nhân vật trong bài hát, ngôn từ thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể, vừa mộc mạc, vừa trữ tình sâu lắng, lại vừa có tính triết lí nhân sinh. Những bản  Rước tình về với quê hương, Bánh bông lan, Con gái của mẹ, Mười thương, Mưa trên phố Huế, Tình sử Dương Qúy Phi, Chuyện tình Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử.v.v… của hai soạn giả nổi tiếng này vẫn sống trong lòng người mộ điệu đến tận hôm nay.

Các hãng băng đĩa, các nhà xuất bản tranh nhau ghi âm, xuất bản những bài "Tân cổ giao duyên" và đều đạt lợi nhuận cao. Nhờ vậy mà các nghệ sĩ sân khấu cải lương có thêm đất diễn và có thêm nguồn thu nhập không nhỏ. NSƯT Mỹ Châu kể: "Ban ngày đi tập tuồng, rồi thu âm, tối đến đi diễn tuồng, diễn xong lại vào phòng thu để thu âm tiếp, gần sáng mới về nhà ngủ. Hễ đi diễn tỉnh thì ban ngày phải xin ông bầu quay về Sài Gòn thu, chiều quay lại đoàn để diễn tiếp. Cứ thế, nghệ sĩ chúng tôi không có thời gian rảnh để nghỉ ngơi".

Những khuôn mặt nghệ sĩ từng thành công với "Tân cổ giao duyên": (từ trái sang) Mỹ Châu, Minh Vương, Thanh Nga, Lệ Thủy.

"Tân cổ giao duyên" - văn hóa giao tiếp của người Nam Bộ

Văn hoá giao tiếp Nam Bộ đã thể hiện một cách rõ nét trong "Tân cổ giao duyên" qua 5 đặc trưng: bộc trực và thẳng thắn, hồn hậu và chất phác, dân chủ và bình đẳng, tinh thần trọng phụ nữ, tính thoáng mở đậm nét. Lời vọng cổ trong các bản "Tân cổ giao duyên" nếu có dùng hình ảnh ẩn dụ hoặc nói vòng vo thì thông thường, sau phần hoa mỹ ấy sẽ là những lời chân thật từ tận đáy lòng.

Bản "Ngồi tựa sông đào" có đoạn:"Chiếc tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát, xuồng câu tôm đậu sát nhành da. Thấy em còn chút mẹ già, muốn vô hoạn dưỡng biết là được chăng?". Trong "Tân cổ giao duyên", những trợ từ, ngữ khí như: ờ, hứ, nè, ủa, chèn ơi, những từ thuộc phương ngữ Nam Bộ như: hổng ấy (nghĩa là "nếu không thì"); hổng lẽ ("không lẽ"); mơi mốt ("mai mốt"); tui ("tôi"); hông ("không"); lợi ("lại"); ráng ("cố gắng")… xuất hiện với số lượng dày đặc. "Tân cổ giao duyên" chính là đặc sản của cư dân Nam Bộ trong quá trình kế thừa và biến cách văn hoá truyền thống.

Chính vì có sự kế thừa đó nên chất trữ tình, mượt mà, sâu lắng của bản "Tân cổ giao duyên" trở nên truyền cảm mãnh liệt. Sau năm 1963, thể loại độc đáo này đã chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường âm nhạc miền Nam so với điệu "Vọng cổ" thuần tuý (gồm 6 câu, ví dụ  như các bản: Tôn Tẫn giả điên, Trọng Thuỷ Mỵ Châu, Người đánh đàn trên bắc Mỹ Thuận…).

Thời gian sau này, "Tân cổ giao duyên" được phát triển theo hướng hiện đại hoá: những bài tân nhạc được chọn không còn lấy bối cảnh là làng quê thân quen, nội dung không còn là sự tỏ tình một cách tinh tế; ngược lại, tiết tấu thường tương đối nhanh và mạnh, phong cách mang âm hưởng từ dòng nhạc pop đương đại, nhạc rock, nhạc dance (ví dụ như bản: Anh là tia nắng mặt trời, Tóc em đuôi gà, Lời tỏ tình dễ thương…). Do không có sự ăn khớp trong làn điệu, có những lúc sức hút của bản "Tân cổ giao duyên" đã bị giảm đi đáng kể.

 Những bài tân nhạc thích hợp để tạo ra bản "Tân cổ giao duyên" mới nên là những bài nhạc mang âm hưởng dân ca như: Điệu buồn phương Nam, Trên nhịp cầu tre, Người em sầu mộng,Tơ duyên, Hương thầm,… Nội dung thể hiện trong bản "Tân cổ giao duyên" cũng cần thoát khỏi con đường mòn vốn có, không cần thiết lúc nào cũng lấy bối cảnh là làng quê, trai gái tự tình bên ao làng hay trách móc nhau vì tình duyên dang dở. Đó chính là con đường để cân bằng và lấy lại vị thế của "Tân cổ giao duyên" trong lòng người mộ điệu, nhất là trong lòng lớp người mê vọng cổ và cải lương Nam Bộ.

Phạm Thái Bình
.
.