Sự trùng hợp thú vị

Thứ Ba, 16/09/2014, 08:00
Trong cuộc sống, sự trùng hợp kể cả ngẫu nhiên âu cũng là điều thường tình. Nhưng sự trùng hợp của hai bài hát sau đây thì quả là rất độc đáo, thú vị.

Đó là bài "Qua miền Tây Bắc" của nhạc sĩ Nguyễn Thành và "Đường lên Tây Bắc" của nhạc sĩ Văn An.

Thứ nhất, hai tác giả đều là nhạc sĩ quân đội. Họ ngang tuổi nhau (thuộc thế  2x). Đến nay, đều đã qua đời. Cả đời họ không giữ chức vụ gì đáng kể.

Thứ hai, hai bài hát trên đều là sáng tác đầu tay của hai anh bộ đội yêu âm nhạc chứ chưa phải là nhạc sĩ. Có thể nói khi ấy họ còn mù mờ về âm nhạc, chỉ võ vẽ mấy nốt, chưa thạo ký, xướng âm. Cả Nguyễn Thành và Văn An đều viết ra hai bài trên vào năm 1952, trước khi chiến dịch Tây Bắc diễn ra (chứ không phải viết trong chiến dịch Điện Biên Phủ như nhiều người vẫn lầm tưởng). Hai nhạc sĩ đều viết trên đường hành quân lên Tây Bắc.

Thứ ba - điều này mới thú vị: Cả hai tác giả đều xé vỏ bao thuốc lá để viết lên đó vì không có giấy. Và suýt nữa cả hai bài hát bất hủ đã không lưu truyền được đến ngày nay do tác giả viết xong tự thấy không hài lòng đã  hủy bỏ (Nguyễn Thành vò nhầu nát "bản thảo" rồi vứt đi; Văn An lờ tịt như chưa hề viết ra).

Nhạc sĩ Văn An.

"Qua miền Tây Bắc" được một đồng đội của Nguyễn Thành biết nhạc, nhặt vỏ bao thuốc lá, vành ra đọc và nói với tác giả: "Bài này hay thế sao cậu bỏ đi? Cứ dạy thử cho các anh em hát. Tớ tin mọi người sẽ thích cho mà xem". Lúc đó nguyễn Thành mới tự tin hơn, bèn nghe lời bạn, dạy cho mọi người hát. Quả là họ rất thích thú, càng hát càng hào hứng. Chỉ hát vài lần, họ đã thuộc lòng vì bài vừa hay, lại rất ngắn gọn, dễ hát, các quãng giai điệu đều rất thuận tai, âm vực hẹp, phù hợp với thể ca khúc quần chúng: "Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu, đèo cao, bao khó khăn vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/ Về đây giải phóng quê nhà…".

Có thể nói bài hát đã rút ngắn thêm quãng đường các chiến sĩ hành quân rất vất vả lên Tây Bắc trong chiến dịch năm đó (1952) để cuối cùng làm nên chiến thắng của trận đánh, tạo thuận lợi để bộ đội ta bước vào chiến cục Đông - Xuân 1953 -1954 tiến tới tổng phản công và kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu như chúng ta đã biết.

Trường hợp bài "Đường lên Tây Bắc" của Văn An cũng tương tự. Khi sáng tác, Văn An có thói quen hát âm ư giai điệu, có khi có lời ca đi kèm, có khi không. Nhưng như vậy cũng đủ để đồng đội của ông nghe "lỏm" được. Xin nhớ là lúc đó, các chiến sĩ đều rất trẻ, chỉ ở độ tuổi đôi mươi hoặc hơn một chút, rất nhạy cảm với âm nhạc. Thấy Văn An hát nhỏ, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng nghe giai điệu mấy câu đầu, họ đã rất thích (Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Nếp nhà sàn thấp thoáng/ Đằng xa tiếng hát dân quân/ Tiếng reo lưng đồi nương…"). Sau đó, chẳng thấy người bạn "nhạc sĩ" nói gì đến bài hát, có người mới nhắc: "An! Bài hát cậu sáng tác đến đâu rồi? Sao không làm nốt?". Văn An thú thực là đã viết xong nhưng không vừa ý nên bỏ đi rồi, coi như không có. Khi ấy họ mới yêu cầu ông hát lại từ đầu đến cuối cho nghe. Nghe xong, họ đều chung nhận xét là bài rất hay, không thể bỏ đi được và yêu cầu ông dạy mọi người. Thế là ai nấy rất nhanh chóng thuộc như trường hợp bài "Qua miền Tây Bắc" của Nguyễn Thành.

Một điểm giống nhau nữa giữa Nguyễn Thành và Văn An là sau hòa bình lập lại (1954) đến lúc qua đời, hai nhạc sĩ đều có dịp trở lại Tây Bắc nhiều lần nhưng không ai viết được bài nào vượt qua được hai cái "bóng" của chính mình.

Một chi tiết trùng lặp giữa hai bài trên cũng cần nhắc đến là tuy rất nổi tiếng, được nhiều nơi dàn dựng, biểu diễn, rồi phát trên đài, trên truyền hình nhưng tác giả của cả "Qua miền Tây Bắc" và "Đường lên Tây Bắc" đều chưa lĩnh được một đồng nào ở đâu gọi là nhuận bút, tiền tác quyền. Nhưng hai nhạc sĩ vẫn vui vẻ chấp nhận vì cho rằng đó là tình trạng chung của nhiều bài hát có giá trị khác ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hôm nay, thế hệ trẻ có thể có người không biết đến hai bài hát trên, nhưng những ai ở tuổi 70 trở lên, nhất là từng có dịp tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Bắc năm xưa thì không thể quên hai bài hát này. Họ còn thuộc lòng như những kỷ niệm tươi rói, hào hùng trong cuộc đời binh nghiệp của mình

Nguyễn Đình San
.
.