Sự thật về cuộc sống gia đình của Picasso

Thứ Sáu, 04/03/2005, 07:43

Sau 30 năm từ giã cuộc đời, những sáng tác của danh họa Picasso không còn gây thêm tranh cãi nữa, nhưng riêng câu hỏi “Picasso là người thế nào?” thì dường như vẫn bỏ ngỏ.

Ông tàn bạo hay nhân hậu? Hào phóng hay bủn xỉn? Ông yêu phụ nữ hay là tận dụng họ? Đau đáu với những câu hỏi này hơn cả chính là những hậu duệ của Picasso. Mới đây, Olivie Vidmaier Picasso, một trong những người cháu của ông, đã cho xuất bản cuốn sách nhan đề Picasso, sự thật về cuộc sống gia đình.

Mẹ của Vidmaier là con gái của bà Marie-Thérèse Walter, tình nhân của Picasso. Olivie lên 10 tuổi thì ông ngoại anh - danh họa Picasso qua đời. Và bây giờ, ở tuổi 42 anh mới thử đi tìm lời giải cho những câu hỏi đã khiến anh day dứt từ lâu.

Đã có khá nhiều sách viết về Picasso. Tuy nhiên, đời tư của danh họa bị phanh phui nhiều nhất là trong cuốn hồi ký của Marina Picasso - con gái Paul (Paul là con trai của Picasso với người vợ đầu tiên, Olga Kokhlova) - được ấn hành đầu thập niên 90. Trong cuốn sách này Marina mô tả ông nội mình như một thiên tài độc ác đã “biến con người thành vật hiến sinh cho những họa phẩm lừng danh của mình”, đơn cử như việc đã khiến cha đẻ của tác giả tự vẫn một cách bi thảm.

Vidmaier Picasso đã bác bỏ quan điểm của Marina và kết tội người chị họ này xuyên tạc sự thật. Theo Vidmaier thì bố Marina có vấn đề về thần kinh (từng phải điều trị nhiều năm) và việc ông tự sát không thể đổ lỗi cho Picasso. Trong cuốn sách của mình Vidmaier đã đề cập đến ba vấn đề luôn gây tranh cãi khi nói đến Picasso, đó là: tiền bạc, quan điểm chính trị và phụ nữ. Vidmaier không chỉ dựa vào hồi ức của mẹ anh, người vốn có quan hệ tốt với danh họa cho đến khi ông qua đời, mà còn nghiên cứu kỹ lưỡng các tư liệu về Picasso, đồng thời phỏng vấn nhiều người trong số bạn bè và người quen còn lại của họa sĩ.

Trong thực tế, có một thời gian hết tai ương này đến bi kịch khác cứ giáng xuống đầu những người thừa kế của họa sĩ vĩ đại. Năm 1977 Marie-Thérèse Walter  tự vẫn, năm 1986 - lại đến người vợ thứ hai của Picasso là Jacqueline Roque tự kết liễu cuộc đời. Đây cũng là thời điểm Vidmaier, với tư cách là một luật sư  được những người trong họ ngoại mời đứng ra thu xếp các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ của Picasso.

Trong cuốn sách của mình, Vidmaier cố gắng chứng minh rằng: “Người ta dễ liên tưởng đến một hình ảnh Picasso trụy lạc khi nhớ đến số phụ nữ mà ông đã yêu trong vòng 80 năm. Nhưng thực ra ông đã yêu họ một cách chân thành và không có chuyện tàn nhẫn với họ. Có điều, trong cuộc đời ông mọi phụ nữ đều đóng vai trò nhỏ bé hơn so với hội họa”. Tuy nhiên, tình ái luôn là một phần không thể tách rời sáng tác của Picasso “thậm chí ngay cả khi bị những lý do chính trị chi phối (như thời gian ông vẽ bức “Guermica”) thì hình ảnh phụ nữ vẫn xuất hiện và ảnh hưởng đến sáng tác của ông. Phụ nữ đối với ông tựa như màu nước đối với chổi lông, như một cái gì đó không thể tách rời” - Vidmaier viết.

Bà ngoại của tác giả gặp họa sĩ khi mới 17 tuổi (năm 1927) và trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho ông suốt 10 năm sau đó. Nhưng ngay cả khi đã chia tay nhau họ vẫn tỏ ra thân thiết và thường xuyên thư từ cho nhau. “Chính vì vậy mà bà đã tìm đến cái chết sau khi Picasso qua đời. Ông là mối tình duy nhất của bà, và bà không thể sống khi thiếu ông”, -  Vidmaier viết.

Còn về chuyện tiền bạc, Vidmaier khẳng định, rằng Picasso đã giúp đỡ vật chất cho tất cả những người thân quen cho đến cuối đời: “Ông luôn làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha và người chủ”. Về quan điểm chính trị, họa sĩ không bao giờ là một kẻ xu thời.

Khi được hỏi, anh đã phát hiện được điều gì mới mẻ về Picasso trong quá trình viết cuốn sách này, Vidmaier nói: “Sự nhân hậu của ông, đặc biệt là đối với con cái”. Khi cuốn sách ra đời, không có gì ngạc nhiên là tác giả đã nhận được lời cảm ơn không chỉ của mẹ ruột mà của cả những người khác trong dòng họ Picasso, trừ Marina

Phan Minh Ngọc
.
.