Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả

Thứ Tư, 07/07/2010, 11:19

Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ Tế Hanh: Bài "Những ngày nghỉ học". Cùng với "Quê hương", đây là "hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó xác định giá trị về nhà thơ Tế Hanh" (nhận xét của nhà văn Nhất Linh trên báo Ngày nay năm 1939). Bài thơ này ít nhiều có "dây mơ rễ má" với bài thơ của một thi sĩ Pháp sáng tác vào thế kỷ XIX.

Đó là Sully Prudhomme với bài thơ "Chiều dài bến cảng".

Sau đây là bản dịch bài thơ "Chiều dài bến cảng" của nhà thơ Ngô Văn Phú:

Con tàu lớn đậu bên bờ cảng
Sóng trắng đu đưa, giữa lặng tờ
Để ý gì đến những nôi đưa
Từ những bàn tay những người vợ trẻ. 

Nhưng đã đến những ngày từ giã
Bởi ước ao đất lạ, trời xa
Những người vợ, thêm một lần lệ ứa
Khi đám đàn ông háo hức phong ba 

Và buổi ấy, những con tàu lớn
Chạy trốn dần bến cảng yêu thương
Bỗng cảm thấy thân hình vạn tấn
Có những vành nôi níu giữ linh hồn
 

Đọc "Những ngày nghỉ học" của Tế Hanh, tôi cũng như nhiều bạn yêu thơ rất lấy làm tâm đắc với hai câu tác giả tả sự ly biệt, trong đó ông cảm nhận về tiếng còi tàu:

Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi réo kẻ về

Thật bất ngờ, trong một lần trò chuyện với tác giả, nhà thơ Tế Hanh tâm sự: Khi viết hai câu này, ông thầm nhớ tới hình ảnh những bàn tay vẫy của những người vợ trẻ tiễn chồng đi biển (những bàn tay như thể đưa nôi) - hình ảnh rất cảm động trong bài thơ của thi sĩ Pháp Prudhomme (sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về ảnh hưởng của thơ Pháp đối với các nhà Thơ Mới, tôi thấy ông có nhắc lại chuyện đó).

Nhưng phải đến năm 1995 tôi mới được đọc toàn văn bài thơ qua bản dịch của nhà thơ Ngô Văn Phú.

Bài thơ ghi lại thật cảm động buổi tiễn biệt xảy ra trên cảng. Con tàu - mà trên đó là những người đàn ông đang háo hức sắp được chiêm ngưỡng những vùng đất lạ, trời xa - tưởng như nằm giữa một sự giằng níu: một bên là sóng biển đu đưa, một bên là sóng của những bàn tay đưa vẫy (của những người vợ trẻ). Và vô hình trung, con tàu "với thân hình vạn tấn" ấy bỗng chốc như thể đứa trẻ được nằm trong vành nôi chở che, yêu thương của người thân. Đất liền (trong đó có những người vợ hiền) bấy giờ như một nguồn động viên, một sự đảm bảo bình an cho con tầu trước một chuyến ra khơi đối mặt với đại dương mênh mông bão tố.

Từ những ý tưởng này mà nảy nở, mà thoát thai ra những câu thơ kia của Tế Hanh, đó quả là sự bí ẩn kỳ diệu của sáng tạo nghệ thuật.

Sully Prudhomme là nhà thơ nổi tiếng của nước Pháp. Ông sinh năm 1839, mất năm 1937. Thuở nhỏ, ông rất giỏi toán và đã từng có ý định thi vào Đại học Bách khoa để trở thành kỹ sư. Nhưng vì mắc bệnh nặng nên ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Ở tuổi ba mươi, ông bị liệt và phải cắt bỏ hai chân. Có lẽ vì thế mà sự khát khao bay bổng thể hiện đậm nét trong những câu thơ trên.

Prudhomme là người cổ vũ cho thơ truyền thống, phản đối lối thơ theo Chủ nghĩa Tượng trưng, suy đồi. Năm 1901, ông được trao giải Nobel Văn học, trở thành người đầu tiên trên thế giới được trao tặng giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên, vì lý do bệnh tật, ông đã không đến Thụy Điển để nhận giải.

Prudhomme được xem là một sự "trớ trêu" của giải Nobel. Trong khi có những nhà văn mà tác phẩm đã tạo nên một sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả, song lại không được giải Nobel thì ngược lại, Prudhomme là người đầu tiên được nhận giải thưởng này nhưng bản thân tác phẩm của ông hiện rất ít người còn nhắc nhớ, ngay cả tại nước Pháp, quê hương ông. Ở Việt Nam, thơ Prudhomme từng có mặt ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ XX. Bài thơ "Chiếc bình vỡ" nói nỗi đau của trái tim con người khi đến với tình yêu đã được nhà thơ Đông Hồ dịch. Một bản dịch được đánh giá là tương đối "thoát nghĩa"

Nguyễn Đức Long
.
.