Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của văn hào Brazil Jorge Amado (1912-2012)

Sòng phẳng với chính mình

Thứ Sáu, 09/03/2012, 08:00
Là một cây đại thụ của nền văn học Brazil thế kỷ XX, Jorge Amado đồng thời còn là một nhà văn rất có "duyên" với bạn đọc Việt Nam. Tính đến nay, hầu như tất cả các tác phẩm tiêu biểu nhất của Amado đều đã được dịch ra tiếng Việt, trong đó, những tác phẩm như: "Đất dữ", "Miền đất quả vàng", "Ca cao", "Teresa", "Dona Flor và hai người chồng"... đều được in với số lượng lớn và tái bản nhiều lần...

Sinh thời, dù từng được đề cử Giải thưởng Nobel, song có thể do bị định kiến là một nhà văn sáng tác theo khuynh hướng "hiện thực XHCN" mà cho đến khi từ giã cõi đời, Amado vẫn không được vinh danh bởi giải thưởng văn học cao quý nói trên. Tuy nhiên, điều đó không ngăn trở tầm ảnh hưởng quốc tế của Amado. Hiện tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng và được chuyển thể thành những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Jorge Amado (1912-2012), xin được ôn lại một số câu chuyện thú vị liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông...

1. Trong lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết "Đất dữ" của Amado xuất bản ở Nga, nhà văn  Ilya Ehrenburg đã có một nhận xét cao hơn hết thảy mọi lời ngợi ca: "Có một thời, trước khi biết đến một Brazil qua các tài liệu báo chí và các công trình nghiên cứu, bạn đọc nhiều nước trên thế giới thường chỉ biết đến một Brazil qua tác phẩm của Jorge Amado".

Là con một điền chủ ở vào thời sa sút, gia đình chủ yếu sống bằng nghề trồng ca cao, gần như cả tuổi thơ của cậu bé Amado đã trải qua trong một khu phố nghèo của thành phố Salvador, thủ phủ bang Bahia (vốn là thủ đô của Brazil trước năm 1763). Ước tính, trong số trên một trăm cuốn sách được ra đời từ bàn tay sáng tạo không ngừng nghỉ của Amado, đã có rất nhiều cuốn được tác giả chấp bút tại Salvador. "Tôi viết sách là để tái tạo thực tế Brazil, tái tạo cuộc sống của nhân dân. Tất cả nội dung các cuốn sách đều thoát thai từ thực tế cuộc sống" - Amado từng bộc bạch quan điểm sáng tạo của mình như vậy.

Thực tế, ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay được viết năm Amado mới 19 tuổi là cuốn "Xứ sở của ngày hội Carnaval", cho đến các cuốn "Ca cao" (xuất bản năm 1934), "Mồ hôi" (xuất bản năm 1935), tiếp đến là "Đất dữ" (xuất bản năm 1943) và "Miền đất quả vàng" (xuất bản năm 1944), Amado đã tạo dựng nên một bộ "liên hoàn tiểu thuyết về đề tài ca cao", qua đó thể hiện nỗi cùng cực của người dân bị bọn chủ đồn điền bóc lột tàn tệ và cuộc đấu tranh quật cường của họ để chống lại những bất công, ngang trái. Amado từng khiêm tốn nhìn nhận rằng ông "vốn không phải sinh ra để thành người nổi tiếng" và chỉ thấy mình "là một nhà văn bình thường" như mọi nhà văn khác, tuy nhiên,  ngược với những gì Amado đánh giá về mình, tác động xã hội từ những trang sách mà Amado viết ra rất lớn.

Trong nhiều cuốn sách của Amado được dịch in ở nước ngoài, các nhà làm sách thường cho in kèm ngoài bìa dòng chữ "Nhà văn Brazil nổi tiếng nhất". Nhiều độc giả Liên Xô trước đây đã coi tác phẩm "Hầm ngầm của tự do" của Amado như một "Chiến tranh và hòa bình" của thế kỷ XX. Cuốn "Xứ Bahia của những vị Thánh" được văn hào Pháp Albert Camus ghi nhận là "cuốn tiểu thuyết hoành tráng làm ngây ngất lòng người". Còn cuốn "Gabriela, nhành nguyệt quế và hoa đinh hương" và "Dona Flor và hai người chồng" là hai cuốn tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của Amado. Hai tác phẩm này cũng nhiều lần được chuyển thể thành phim truyện nhựa, trong đó, bộ phim được dựng theo tiểu thuyết "Dona Flor và hai người chồng" đã trở thành bộ phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Brazil.   

Là nhà văn của những người nghèo khổ, tài năng của Jorge Amado phát lộ từ rất sớm. Ngoài hai mươi tuổi, ông đã viết nên những tác phẩm lớn, được dịch, giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài. Sau này, Amado chủ động đứng vào hàng ngũ các nhà văn Cộng sản. Từng là thành viên Hội đồng Hòa bình thế giới, năm 1961, Jorge Amado đã được trao tặng Giải thưởng Lênin vì những công lao đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ hòa bình và xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Dona Flor và hai người chồng" của Amado được xuất bản tại Việt Nam.

Là nghị sĩ Cộng sản của bang Sao Paulo, bản thân Amado từng bị nhà cầm quyền bỏ tù. Ông đã phải sống lưu vong nhiều năm tại nước ngoài, trong đó có Argentina và Pháp.

Jorge Amado từ trần ngày 6/8/2001 tại Salvador, thành phố quê hương, khi đã ngấp nghé tuổi 90. Sự ra đi của ông gây xúc động mạnh trong công chúng yêu văn học toàn thế giới. Tại bang Bahia, chính quyền đã quyết định để tang người con ưu tú của mình trong 3 ngày.

2. Jorge Amado là một nhà văn có lối sống rất đỗi thẳng thắn, trung thực. Thẳng thắn với người và trung thực với chính mình. Trong suốt cuộc đời trải dài với nhiều hoạt động xã hội sôi nổi, phong phú, nhà văn đã có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân vật đặc biệt, nhiều danh nhân văn hóa… và là nhân chứng của nhiều sự kiện từng bị ém nhẹm trong vòng bí mật.

Mặc dù tự hứa với mình có những chuyện "sống để dạ, chết mang đi" song thực tế, đã có những chuyện được nhà văn bật mí cùng độc giả trong cuốn hồi ký có nhan đề "Hải trình ven bờ" (đã được dịch giả Ngân Xuyên giới thiệu trên báo chí Việt cách đây ít lâu). Trong cuốn hồi ký này, bạn đọc có thể bắt gặp những câu chuyện hết sức bất ngờ, hé mở phần "con người thực" của không ít nhân vật nổi tiếng. Điều đáng nói là cách nhìn nhận sự việc của tác giả.

Không hề tỏ ra cao đạo, "ngụy quân tử", Amado đã đưa ra những câu chuyện mà ông xem là rất "đời". Ví như chuyện nhà văn Trung Quốc Quách Mạt Nhược, một "nhà thông thái và học giả", người từng giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới và là thành viên Ủy ban Giải thưởng quốc tế Stalin, một người rất khiêm tốn, không hề khoe khoang với ai tước vị này, vậy mà trong một Hội nghị, đã có cách hành xử gây ngạc nhiên cho nhiều đại biểu: Ông chậm rãi đi vòng quanh ghế ngồi của nữ diễn viên điện ảnh xinh đẹp Valentina, bấy giờ là vợ của nhà thơ Nga nổi tiếng Simonov (bạn đọc Việt Nam biết nhiều đến Simonov qua thi phẩm "Đợi anh về") rồi bất ngờ đặt hai bàn tay lên hai bầu ngực gần như để trần sau lần áo rộng cổ của Valentina.

Không hề phê phán cách hành xử của văn hào Trung Quốc, trái lại, nhà văn của xứ sở lễ hội Carnaval đã thể hiện một sự "ưu ái" đặc biệt khi ông thốt lên lời cảm thán: "Sau lần chứng kiến việc làm đó, niềm kính trọng của tôi đối với Quách Mạt Nhược tăng lên gấp bội". Có thể trong chúng ta, không phải ai cũng đồng tình với nhận xét này của Amado, song không thể phủ nhận là khi thốt lên những lời ấy, ông rất trung thực, chí ít là trung thực với chính mình. Hãy xem các nhân vật trong tiểu thuyết "Dona Flor và hai người chồng" nói với nhau những gì. Đây là lời thổ lộ của Vadinho - người chồng đầu tiên của Dona Flor với Dona Flor: "Anh là người đến đánh thức nỗi lo âu trong em và gặm nhấm dục vọng ẩn sâu trong người em, trong sự cả thẹn của em. Anh ta (tức Theodoro, người chồng sau của Dona Flor) chăm sóc cho tiết hạnh của em, cho danh dự của em, để em được đời tôn trọng. Anh ta là khuôn mặt của em lúc buổi sáng. Anh là bóng đêm của em, người tình em không sao cưỡng lại được, cũng chẳng có can đảm làm thế. Cả anh và anh ta đều là chồng em, là hai khuôn mặt của em, mặt phải, mặt trái của em. Em cần cả hai để được hạnh phúc". Với quan điểm này, ta có thể thấy Amado luôn cân bằng giữa đời sống tinh thần và đời sống tình dục. Càng hiểu sao ông bênh vực cho cách hành xử bất thường của Quách Mạt Nhược, khi mà ở Trung Quốc, việc phụ nữ phải ăn mặc "kín cổng cao tường" gần như là một ức chế đối với nhà văn…

Sinh thời, Jorge Amado từng hơn một lần được đề cử Giải thưởng Nobel về văn học, song, như ở đầu bài đã nói, vì những lý do mang màu sắc chính trị, ông đã không với tay được tới giải thưởng danh giá nói trên. Phát biểu quan điểm của mình về việc này, ông cho rằng, việc không được Giải thưởng Nobel không hề làm ông đau khổ, một phần vì theo ông, một nhà văn sáng tác chỉ để tìm kiếm giải thưởng là một sự bất hạnh, và phần nữa - có lẽ là lý do chính yếu "tôi không bao giờ nghĩ mình xứng đáng nhận nó bởi vì tôi biết giới hạn của mình rõ hơn bất cứ nhà phê bình nào…". Có lẽ đây không chỉ là sự khiêm tốn như ai đó nhận xét, mà là sự sòng phẳng, trung thực với chính mình

Triệu Đình Cung
.
.