Số phận đặc biệt của một bài ca bất hủ

Thứ Ba, 26/09/2017, 08:03
"Câu hò bên bờ Hiền Lương" là trường hợp thật đặc biệt với cảm xúc cũng rất đặc biệt của nhạc sỹ từ chuyện tình cảm động của một đôi nam nữ ở hai bên đầu cầu Hiền Lương ngày ấy...


Là người Việt Nam từng sống vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, có thể nói không ai không biết và ưa thích bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Giờ đây, cứ mỗi lần có dịp đến cầu Hiền Lương, trái tim ta lại bồi hồi nhớ đến giai điệu bài hát và những lời ca thật da diết nhớ thương: “Bên ven bờ Hiền Lương/ Chiều nay ra đứng trông về/ Mắt đượm tình quê/ Ôi mắt đượm tình quê/ Xa xa đoàn thuyền nan/ Buồm căng theo gió xuôi dòng/ Bỗng trong sương mờ /Không gian trầm lắng nghe câu hò…”. Nhưng bài hát được ra đời như thế nào và có số phận “long đong lận đận” ra sao thì không mấy người biết rõ.

"Câu hò bên bờ Hiền Lương" là trường hợp thật đặc biệt với cảm xúc cũng rất đặc biệt của nhạc sỹ từ chuyện tình cảm động của một đôi nam nữ ở hai bên đầu cầu Hiền Lương ngày ấy.

Chuyện kể rằng, những năm sau hòa bình lập lại (1954), đất nước ta tạm thời bị chia cắt. Từ vĩ tuyến 17 trở ra là chế độ miền Bắc của chúng ta, còn từ đó vào Nam thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Có một anh bộ đội tên là Phan Đình Đồng (sinh năm 1915), quê ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) từng chiến đấu chống thực dân Pháp ở chiến trường Bình – Trị - Thiên.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp.

Sau năm 1954, anh được tập kết ra Bắc, phụ trách trạm đèn biển ở Cửa Tùng. Lúc anh lên đường thì vợ anh – tên là Nậy – đang mang thai đứa con gái út được 3 tháng. Như một linh cảm kỳ lạ, năm 1955, đúng vào đêm chị Nậy sinh con thì anh Đồng từ bờ Bắc bí mật vượt sông Bến Hải trở vào Nam. Tình hình lúc này không cho phép anh ở lại lâu nên chỉ kịp hôn vợ, con rồi phải nhanh chóng trở ra Bắc tiếp tục làm nhiệm vụ gác đèn biển. Đó là một đêm rét cắt ruột. Mẹ con chị Nậy phải nằm co ro trong căn hầm bí mật chỉ có vài mét vuông.

Lúc chia tay vợ đi tập kết, anh Đồng hẹn ước sau 2 năm nữa sẽ trở về với vợ con (khi đó, hiệp định Giơ-ne-vơ quy định sau 2 năm – tức 1956 – sẽ hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất 2 miền). Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm bội ước, không thực hiện lời cam kết. Thế là việc thống nhất không thành. Tình trạng chia cắt đất nước phải kéo dài suốt hơn 20 năm (1954 – 30/4/1975). Thế là đằng đẵng gần 20 năm trời, ngày nào anh Đồng cũng lên đỉnh ngọn hải đăng Cửa Tùng, làm xong nhiệm vụ, lại dõi nhìn về hướng Nam – nơi vợ con đang mong ngóng chờ đợi mình từng giây phút. Mỗi lần nhìn những cột khói đen mịt mù bốc lên từ phía quê hương ở bờ Nam, lòng anh lại càng cồn cào, đứng ngồi không yên.

Cuối năm 1955, chị Nậy (lúc này vừa sinh con) tham gia hoạt động du kích. Chị thường giả vờ làm người buôn cá, vào tận sát các đồn địch để bán với mục đích lân la dò hỏi, tìm hiểu tình hình. Tuy gánh cá đè nặng trên vai nhưng chị vẫn kiên nhẫn tính nhẩm từng bước đi để về cộng lại, từ đó mà tính ra cự ly từng đồn địch, giúp bộ đội nã pháo trúng đích chính xác.

Trong một lần chạm trán với địch ở vĩ tuyến 17, chị đã ngoan cường chiến đấu và anh dũng hy sinh. Lúc này chị là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Gio Hải (huyện Gio Linh). Chiến tranh mỗi lúc càng khốc liệt hơn, gia đình Phan Đình Đồng về sau chỉ còn sống sót cô Phan Thị Hoa là con gái út của anh Đồng, cũng là một o du kích can trường, quả cảm giống mẹ cô ngày trước – chị Khổng Thị Nậy.

Cuối năm 1972, sau gần 20 năm biệt vô âm tín, anh Đồng mới biết con gái mình đang có mặt ở xã Vĩnh Kim – bờ Bắc sông Bến Hải, đang làm nhiệm vụ thu nhận thêm quân để đưa vào bờ Nam chiến đấu. Anh tìm đến gặp con gái. Khi anh đến, có 5 cô gái cùng trạc tuổi nhau, đều nói tiếng Quảng Trị ra đón. Vậy mà linh tính đã mách bảo, ông nhận ra được đúng con gái mình, đến ôm chầm lấy con. Hai cha con tuôn trào nước mắt. Các cô gái khác cũng trào lệ khi chứng kiến cảnh gặp lại rất đỗi cảm động của hai cha con.

Cuộc gặp gỡ giữa anh Đồng và cô con gái út tên Hoa chỉ diễn ra trong chốc lát vì ngay sau đó, cô phải trở vào bờ Nam tiếp tục hoạt động. Sau ngày đất nước được thống nhất (30/4/1975), cô Hoa  lấy chồng cùng quê ở bờ Nam. Biết vợ mình còn người cha già đang sống cô đơn ở bờ Bắc, chồng cô quyết định sang mua nhà định cư ở thị trấn Cửa Tùng để được gần gũi, thuận tiện trong việc chăm sóc cha.

Trạm canh đèn biển của Phan Đình Đồng (giờ xin được gọi là ông) đã bị bom địch san lấp trong chiến tranh, nhưng ông thấy như là đã trở thành một phần máu thịt của mình. Vậy nên ông đã quyết định cất một ngôi nhà nhỏ cạnh bờ biển, sát ngọn hải đăng khi trước. Và tuy đã già yếu, mắt mờ, chân run nhưng ngày ngày, ông vẫn chống gậy ra bờ biển nhìn về phía bờ Nam để chìm đắm vào ký ức với bao kỷ niệm về người vợ yêu thương đã son sắt chờ chồng, nơi có các con đã hy sinh vì Tổ quốc.

Sau này, ở Cửa Tùng, hai ngọn hải đăng đã được xây lại thay thế cái cũ bị san lấp trong chiến tranh. Ông Phan Đình Đồng cũng đã qua đời mấy năm nay, chỉ còn người con gái út tên Hoa như đã nói cũng đã ở tuổi ngoài 60 hiện đang sinh sống ở thị trấn Cửa Tùng.

Đó là toàn bộ câu chuyện tình cảm động về người lính gác đèn biển có tên Phan Đình Đồng ở Cửa Tùng suốt mấy chục năm.

Ông Phan Đình Đồng - nguyên mẫu trong ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.

Cuối năm 1956. Lúc này, nhạc sỹ Hoàng Hiệp đang học sáng tác ở trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Trong một lần thày trò của trường đi thực tế ở vĩ tuyến 17, tình cờ ông gặp một người lính gác đèn biển có dáng vẻ thật đặc biệt. Đó là sự lầm lũi, thầm lặng với đôi mắt lúc nào cũng đăm đắm nhìn về phía bờ Nam như chìm vào một thế giới nội tâm không dễ người khác có thể thấu tỏ.

Người lính này đã để lại cho Hoàng Hiệp một ấn tượng đặc biệt ngay từ lần gặp đầu tiên khiến ông cứ bị ám ảnh mãi đôi mắt sâu thẳm, vời vợi của anh. Rồi lần trở lại nơi đây vào năm sau -1957 - Hoàng Hiệp gặp lại anh lính và quyết định làm quen, tiếp xúc để khám phá nhân vật. Và Phan Đình Đồng – tên người lính – đã vừa chỉ tay về phía một làng quê ở bờ Nam, nơi có những hàng dương cao ngất, vừa kể hoàn cảnh của mình cho nhạc sỹ nghe. Anh lính cho nhạc sỹ biết nhà mình ở cái làng quê phía xa xa, nơi có những hàng dương cao ngất. Ở đó đang có vợ con sinh sống nên ngày ngày anh lên đây không chỉ làm nhiệm vụ mà còn để nhìn về quê hương.

Anh cho biết không ít lần đã nhìn thấy ai như vợ, con mình đang từ xóm ra bãi biển để nhận cá mang ra chợ bán. Những lúc như thế, anh muốn gọi thật to tên vợ, con cho đỡ nhớ. Nhưng rồi cũng chỉ là tiếng sóng Cửa Tùng vỗ ì oạp suốt đêm ngày, cồn cào như cõi lòng anh. 

Ngay trong đêm đó, bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương" được ra đời. Kết thúc đợt thực tế, trở về Hà Nội, nhạc sỹ Hoàng Hiệp đem bài hát đến Đài Tiếng nói Việt Nam và được chấp nhận. Sau khi vang lên trên làn sóng, bài hát nhanh chóng có sức lan tỏa, nhiều thính giả gửi thư về Đài khen hay, yêu cầu được nghe lại. Nhưng khi bài hát đã bắt đầu lan truyền, có ý kiến của một người có cương vị cho rằng âm điệu yếu đuối, ủy mị, giống với “nhạc vàng”.

Vậy nên lập tức bị đình chỉ phát sóng. Rất may là sau đó, Bác Hồ đã khen bài này chứa chan tình cảm, nói đúng được hiện trạng đất nước bị chia cắt, có nội dung rất “chính trị” là khơi gợi ý chí đấu tranh thống nhất đất nước. Bác cho đây là bản tình ca bất diệt của tinh thần yêu nước, tin tưởng ở ngày mai non sông sẽ thống nhất, bà con hai miền Nam, Bắc sẽ được sum họp một nhà.

Thế là từ đó, bài hát được phục hồi và sống mãi đến hôm nay và muôn đời sau. Suýt nữa một tác phẩm âm nhạc có giá trị lớn bị khai tử nếu không có vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc can thiệp. Qua đây ta thấy, Bác Hồ không chỉ là một lãnh tụ, nhà tư tưởng vĩ đại mà còn là nhà văn hóa lớn với sự cảm thụ nghệ thuật tinh tế, sâu sắc và chính xác.

Xin nói thêm một chút về cái tên bài hát. Có rất nhiều văn bản và lời giới thiệu đã nhầm là "bến Hiền Lương" thay vì "bờ Hiền Lương". Theo NSƯT Văn Hanh – ca sỹ từng nhiều năm làm việc ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, năm nay đã hơn 80 tuổi - ông là người đầu tiên thu thanh bài này để phát trên làn sóng. Sau đó, khi bài hát nổi tiếng mới có nhiều ca sỹ khác tiếp tục thu. Chính ông đã nhìn tận mắt chữ của Hoàng Hiệp trong văn bản là “bờ” chứ không phải “bến”. “Bờ” quả là chính xác vì tại hai đầu cầu Hiền Lương không có bến nào để tàu, thuyền neo đậu mà chỉ là đôi bờ sông chạy dài.

Nguyễn Đình San
.
.