Sãi cả xây bảo tàng nông cụ

Thứ Bảy, 02/07/2016, 08:03
Tranh thủ những dịp đến nhà Phật tử, hoặc Phật tử đến chùa... sư phát động hiến nông cụ. Với nhiều gia đình, những nông cụ hàng trăm tuổi đã trở thành "gia bảo" nên không dễ thuyết phục. Ý tưởng chuyên nghiệp "Bảo tàng nông cụ Khmer Thất Sơn" ấy là của Hòa thượng Chau Sơn Hy - Sãi cả chùa Sà Lôn (xã Lương Phi - Tri Tôn - An Giang). Sư cho biết: "Sắp tới, sư sẽ lập hồ sơ từng món để mọi người biết về chủ nhân, lịch sử, cách sử dụng...".


Bảo tàng "1102"

Trái với vẻ đơn sơ bên ngoài, sau khi Sãi cả (danh xưng trụ trì trong chùa Phật giáo Nam Tông) Chau Sơn Hy bật hệ thống đèn chiếu sáng, căn phòng hiện lên đích thực như nhà bảo tàng, mà ngôn ngữ teen hiện nay gọi là 1102 (nhất nhất không nhì). Đây là "bảo tàng" do Hòa thượng trực tiếp gây dựng, hiện vật trưng bày cũng hết sức độc đáo, gồm toàn nông cụ cổ xưa của đồng bào Khmer. Sãi cả thì nhận chỉ là "bộ sưu tập".

"Đây là giỏ đựng cá khi đi tát đìa, tiếng Khmer gọi là Chêl - đak- rây", Sãi cả thận trọng đánh vần từng chữ cái để tôi không bị sai sót khi phiên âm: "Cái này cũng là giỏ đựng cá nhưng là loại có nắp đậy, tiếng Khmer gọi là Trun. Còn đây là Sniên (cào cá bằng tay), Kay Đom Bal (khung dệt vải, lụa)…". Tất cả đều được chế tác bằng gỗ với kỹ thuật rất công phu. Thậm chí ngay với dụng cụ đơn giản nhất là chiếc "cào" dùng để trở (trộn) lúa khi phơi, cũng được đục nẩy nền hình tượng "lưỡng long tranh châu".

Đang thả hồn theo các hiện vật lạ mắt và tên gọi lạ tai, bất chợt sư Chau Sơn Hy khiến tôi "thăng hoa" với bộ sưu tập nông cụ toàn tập: Từ khâu làm đất trên đồng cho đến thu hoạch và chế biến trong nhà… "Đây là nông cụ làm việc trên đồng, chủ yếu dành cho nam giới", Sãi cả Chau Sơn Hy cố tình trình bày theo dòng thời gian sử dụng của chuỗi nông cụ: "Cái này là cày, tiếng Khmer là Nôn - khel; cái này là bừa, tiếng Khmer là Pro - nel.

Sãi cả Chau Sơn Hy bên chiếc Pro-tisth-lon được cho là độc nhất vô nhị hiện nay.

Còn đây là Kan - điêu (dụng cụ dùng để cắt lúa sạ ngày xưa); Tung - biek cây "đập" lúa (một hình thức thu hoạch lúa dùng sức mạnh đôi bàn tay để tách hạt lúa ra khỏi bông-PV)…". Bộ sưu tập dụng cụ chủ yếu dành cho nữ giới cũng rất đa dạng. Từ cối xay lúa bằng cần đẩy tay (Thbal- kel), cối giã lúa trực tiếp bằng chài tay (Kbal- đươn) cho đến cối giã cốm dẹp (Kbal- on- re) - món ăn đặc sản của người Khmer, rồi Cho-nê (sàng lúa, gạo)…

Tôi thực sự vui mừng khi tận mắt thấy, tai nghe vị sãi cả giới thiệu về phương tiện "xe bò đua" trong bộ sưu tập phương tiện giao thông - vận tải trong phum sóc ngày xưa. "Có hình thức na ná xe bò thông dụng, nhưng xe bò cổ có phần thùng nhỏ, gọn được thiêt kế theo dáng nửa hình tròn đủ 3 người ngồi, tiếng Khmer gọi là Pro-tisth-lon, đây cũng được xem là "tổ" của môn đua bò nổi tiếng duy nhất có ở cộng đồng Khmer Thất Sơn ngày nay".

Sãi cả cho biết thêm: "Do loại hình đua bò kéo xe chỉ thực hiện trên đường bộ nên mức độ nguy hiểm cao, vì vậy sau đó đã nhường chỗ cho loại hình đua bò kéo bừa trên mặt ruộng có nước ngập xâm xấp, tính nghệ thuật và độ an toàn cao hơn. Vì thế ngày nay nhiều thanh niên Khmer chỉ biết được Pro-tisth-lon qua lời kể ông, bà hay thông tin ngắn gọn trên các phương tiện truyền thông". 

"Báu vật" của bảo tàng…

Lần đầu tiên mắt thấy, tay sờ chiếc Pro-tisth-lon, điều khiến tôi choáng ngợp nhất chính là "niên đại" của nó. Theo chữ số được khắc chìm (cả chữ số Việt lẫn chữ số Khmer) trên thành khung, chiếc xe được chế tác vào năm 1894, tính đến nay tròn 122 năm. Máu nghề nghiệp lại thôi thúc tôi truy nguyên nguồn gốc. "Xe này sư vận động Tà (ông) Hiêm ở sóc Sà Lôn tặng".

Từ thông tin ngắn gọn của Sãi cả, tôi tìm đến nhà ông Hiêm. Đó là căn nhà tường bề thế bậc nhất sóc. Đã bước qua tuổi 77 và cũng như nhiều người Khmer cao tuổi ở Thất Sơn, vốn tiếng Việt của ông Hiêm không nhiều nên phải nhờ ông Chau Biêu, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phi làm phiên dịch.

Thông qua lời dịch, ông Hiêm khẳng định: "Chiếc xe do ông nội tôi là Chau Chuôl đóng bằng gỗ căm xe vào năm 1894". Nhiều khả năng đây là hiện vật "xe bò đua" cổ nhất cộng đồng Khmer Nam bộ. Bởi chiếc xe bò duy nhất đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Giang (cũng do sư Chau Sơn Hy tặng) chỉ khoảng 70 năm. Trong khi đó, trên thực tế vẫn chưa phát hiện chiếc xe thứ 3.

"Do Thất Sơn là nơi duy nhất trong cộng đồng Khmer Nam bộ có môn đua bò và xe đua bò (Pro-tisth-lon) được chạm khắc, và bày trí tinh xảo… quý phái như "siêu xe" ngày nay với các "đại gia" nên ngay thời "hoàng kim" số lượng đã rất có hạn", anh Chau Sóc Khét (Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tri Tôn), người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử văn hóa đua bò Thất Sơn, cho biết thêm.

Việc đưa các vật này về chùa là cả chặng đường vất vả. "Nhiều lúc phải nhiều đôi ba lượt đi - về, mới rước được hiện vật", giọng chân tình của Sãi cả khiến tôi nhận ra đằng sau ánh hào quang của những báu vật nông cụ này còn có báu vật quan trọng hơn mà nếu không có nó, có lẽ những báu vật kia vẫn còn "ngái ngủ" đâu đó: Tấm lòng và tầm nhìn của Hòa thượng 55 tuổi đã kiên trì thực hiện suốt 5 năm qua. "Vì sao sư lại tâm huyết "chuyện đời" đến vậy?".

Dường như đã thường trực sẵn trong lòng, Sãi cả nói ngay: "Giúp cho nhiều người hiểu biết về ông bà, tổ tiên để sống có trách nhiệm với chính mình, với người thân và xã hội…".  Chính tâm huyết này chẳng những giúp nhà sư thuyết phục được ông Hiêm chấp nhận mà còn hiến toàn bộ vật "gia bảo". "Xe đua, giàn cày, giàn bừa là 3 vật "hồi môn" ông nội tặng khi cha lập gia đình.

Vì vậy khi người cha qua đời, gia đình xem đó như gia bảo nên quyết định lưu giữ", ông Hiêm nhớ lại - "Tôi phải cất căn nhà lá cho cả nhà ở để nhường gian nhà chính lưu giữ 3 vật gia bảo". Quý là vậy, nhưng cuối cùng ông Hiêm cũng "xiêu lòng". "Sau khi được Hòa thượng giải thích: nếu giữ lại, chỉ có con cháu trong nhà, trong họ mình biết, nếu giao cho chùa thì có cả người Kinh, Hoa xem và hiểu thêm người Khmer, thì tôi chẳng những đồng ý mà còn thuê thợ đến sửa chữa, hoàn chỉnh trước khi hiến cho chùa", ông Hiêm lý giải cho sự chuyển biến mà trước đó tưởng chừng như không gì lay chuyển được.

Phần khắc chìm chữ số chứng minh chiếc Pro-tisth-lon được chế tác vào năm 1894.

"Không có Sãi cả Chau Sơn Hy sẽ không có bảo tàng nông cụ" Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí trân trọng ghi nhận: "Không chỉ kiên trì, nhẫn nại thuyết phục người dân đồng thuận giao vật gia bảo, sư còn tỉ mỉ chỉnh - sửa từng vật cũ tưởng chừng như chỉ đáng bỏ đi thành món đồ hoàn chỉnh". 

Một "Vương Hồng Sển"  vùng Thất Sơn:

"Kan - điêu, tuy hình dáng có phần nhỏ và gọn nhưng lại là công trình chế tác rất độc đáo", Sãi cả "mê hoặc" khách xem bằng khối kiến thức chuyên sâu chẳng khác gì nhà nghiên cứu chính hiệu. "Thực chất đó là dụng cụ chuyên thu hoạch lúa mùa ruộng dưới (khác với lúa mùa ruộng trên, trồng ven khu vực chân núi thân đứng thẳng - PV), với 1 thân gỗ liền hình chữ S. Trong đó, 2 đầu cong đảm nhiệm 2 nhiệm vụ khác nhau: Đầu cong dài dùng để kéo lúa nằm dưới đất lên cho người điều khiển dùng lưỡi hái (liềm)  được bố trí ở phần giữa thân để cắt (thu hoạch) lúa. Đầu cong còn lại có tác dụng làm móc vào bắp tay khi người cắt lúa cần dùng 2 tay để gom lúa…".

Theo Sãi cả, gỗ nguyên liệu nhất thiết phải là cây ổi rừng, dẽo, bền nhưng trọng lượng lại nhẹ, rất phù hợp với công việc đòi hỏi nhiều thao tác phức tạp của nghề cắt lúa.

"Sắp tới, sư sẽ lập hồ sơ để tạo sức sống mới cho từng món đồ trong bộ sưu tập", Sãi cả đã làm tôi bất ngờ với ý tưởng hướng công việc sưu tầm vượt khỏi giới hạn "thường ngày ở nhiều bảo tàng": "nhốt hiện vật"… để hướng tới tác động theo chiều sâu văn hóa… Không chỉ muốn ghi chép nguồn gốc, lịch sử… Sãi cả còn lên hẳn kế hoạch chú thích cách chế tác, cách sử dụng từng món đồ với mong muốn thông qua giao lưu này sẽ tạo ra sợi dây kết nối đồ vật tới và đọng lại trong trái tim người thưởng thức.

Tuy chỉ mới ở vạch xuất phát, nhưng cách làm bảo tàng nông cụ Khmer của Hòa thượng Chau Sơn Hy gợi cho chúng ta nhiều điều về bài học sống có ích ở đời: Ngay cả khi lánh xa bụi trần, mọi người vẫn có thể mang lại lợi ích cho cuộc đời nếu có tấm lòng…

Lục Tùng
.
.