Phong Slư: Máu và lửa

Thứ Hai, 18/09/2017, 08:02
Phong slư là thơ tình yêu. Thơ trữ tình. Một thể thơ thất ngôn truyền thống của người Tày. Bài phong slư được chia bốn câu thành một khổ. Nội dung bài thơ có thể ngắn, dài, có khi cả mấy trang giấy. Tùy theo sức sáng tạo và tình cảm của người viết. Nhưng bài phong slư nhất thiết phải được thể hiện trên giấy hồng điều. 

Theo dân gian Tày, màu đỏ là của máu và của lửa. Màu của tâm nguyện chiến thắng. Màu của may mắn. Họ không bao giờ viết nó trên những tờ giấy màu nhợt nhạt, trắng bệch. Họ cho rằng đó là những tình cảm nước đôi, trắng đen lẫn lộn, đầy sự lập lờ giả dối. Người Tày coi sự giả dối là một hành vi ăn cắp. Ăn cắp lòng tin, là một hành vi đáng khinh bỉ nhất. Người tử tế đứng đắn, không bao giờ chơi với kẻ đạo đức giả. Huống chi trong tình yêu, tình bạn.

Cha ông chúng tôi viết phong slư bằng chữ nôm Tày. Đến lứa đàn anh đàn chị viết bằng chữ la tinh phiên âm Tày Nùng. Lời thơ bóng bẩy mượt mà, đa phần viết theo lối khoa trương, cách điệu. Nói đây chết cây… châu Phi.

Lập tuyết khẩu mủa xuân đang slí
Mọi thình bjooc lắp lý phông khao
Mật mèng dú chang đông vén vẹn
Ước xuân mà én nhạn rổp căn

Tạm dịch:

Lập tuyết vào mùa xuân vừa lúc
Đang đến kỳ nở rộ muôn hoa
Bướm ong từ rừng xa núi thẳm
Mong xuân về én nhạn hòa ca

Phong slư hầu như chỉ nói về các cung bậc tình cảm, của những người đang yêu. Khi nó là tiếng nói thủ thỉ tâm tình. Lúc hóa thành dòng thác nhớ nhung tha thiết. Nào ai biết ai nay nhớ mai quên. Sẵn sàng bỏ người tình theo chân người khác. Nghĩa là trăm mối tơ vò trong gan ruột. Nghìn cung bậc tình yêu chắt ra thành lời bài hát. Tự mình viết lấy là chính. Nhưng cũng có nhiều người không biết chữ, đành phải nhờ mấy ông slấy sli nhà thơ bình dân viết hộ.

Tiết mục hát đối đáp Phong Slư “Chập nọng pây háng” của người Tày vào mùa Xuân.

Viết xong bài thơ, mới được một nửa công việc. Người ta tô vẽ minh họa vào bên lề bài thơ. Khi là đôi con chim én ngậm thư. Hoặc chim bồ câu bay qua cánh đồng hoa hồng thắm. Hoặc vẽ hai con rồng chầu mặt trăng. Chầu lâu đến nỗi rồng hóa thành sông thành suối. Nỗi nhớ chảy bạc cả cánh rừng. Vậy mà trăng vẫn xa. Vẫn mãi mãi xa. Tình người sao chẳng thể gần nhau. Có lá phong slư dài hàng mét. Người ta treo nó lên như tranh, ở nơi phòng ngủ của riêng mình. Họ trả công cho ông slấy sli con gà, ống gạo. Hoặc túm bánh cóoc mò bánh sừng bò. Xem đây là nhuận bút của một thời. Mấy ông nhà thơ bình dân vui vẻ bằng lòng chẳng hề chê ít.

Thời nhà Mạc dời đô lên Cao Bằng (1594-1677), triều đình đã mở trường học cho nhân dân quanh vùng. Họ còn tổ chức các khóa thi chọn người tài, phục vụ cho việc an dân trị quốc. Vì thế quê tôi đã sớm hình thành đội ngũ trí thức, có khá nhiều người tài giỏi xuất chúng. Đặc biệt có một vài cây bút đã hình thành phong cách, có dấu ấn cá nhân. Song, họ vẫn là nghệ nhân bình dân làm thơ, nhân dân gọi họ là slấy sli.

Những người nổi tiếng nhất, là ông Bế Văn Phụng ở Bản Vạn châu Thạch Lâm nay thuộc Hòa Anh và Vua Ca Đáng Nông Quỳnh Vân. Ông là người ở tổng Nga Ổ, châu Thượng Lang, nay thuộc Trùng Khánh. Ông Nông Quỳnh Vân đã để lại tác phẩm "Lượn Tam nguyên" độc đáo, truyền đến tận ngày nay.

Tiếp đến là ông đồ Hậu, ở vùng núi Lam Sơn, vào đầu thế kỷ XX. Một ông đồ là người nổi tiếng, lãng mạn đa tình, nhưng thơ thậm hay. Thơ ông viết như gà đẻ trứng. Nhiều đến nỗi không nhớ thơ mình đang nằm rải rác ở đâu. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng tích cực, lan truyền sâu rộng ở vùng đồng bào Tày.  

Tại sao người ta gọi là Vua Ca Đáng thì hơi lạ. Vì suốt đời ông ấy chỉ lấy nghiệp cầm ca làm vui. Có thể gọi vua một cách phiếm chỉ. Gọi vua thơ, nghe có vẻ hợp lý hơn. Ông để lại hậu thế nhiều bài thơ tình "rớm máu".

Các slấy sli người Tày, sử dụng ngôn ngữ Tày cực kỳ điêu luyện và chuẩn xác. Thơ ông đồ Hậu có thể sánh ngang với thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà Huyện Thanh Quan.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, thơ ông đã được con cháu nội tộc sưu tầm và xuất bản. Tôi có nghe nhà thơ Nông Quốc Chấn kể rằng: Chính thầy Hậu đã từng dạy chữ nho, truyền dạy cho mấy anh em ông biết cách làm thơ. Họ rất tự hào về người thày văn chương đầu tiên của mình.

Bất kể thanh niên người Tày Cao Bằng hay Bắc Kạn, họ đều lấy thơ của các ông hát lượn đối đáp. Hát tràn đêm vẫn chưa hết vốn. Nhiều người đã chép tay trên giấy bản. Truyền cho nhau đọc đến nỗi mờ nhòe mặt chữ. Thơ phong slư đã trở thành tài sản văn hóa độc đáo, để đời cho con cháu.

Ngày xưa, phong slư dùng để ngâm là chủ yếu. Họ ngâm vào bất cứ chỗ nào và bất cứ lúc nào. Nhớ người yêu là ngâm phong slư. Nếu lòng này không nói ra được thì tóc ốm tám tháng và mắt đau một năm. Nỗi nhớ người yêu chảy ra từ mười đầu ngón tay, xuống đến gót chân. Nỗi nhớ không còn đường đi. Nỗi nhớ buộc phải nhả ra đằng miệng.

Ôi! Giá mà các bạn được nghe người ta ngâm phong slư trong khoảng trời chiều. Người của bạn sẽ chảy ra như sáp ong như chì nướng. Bởi một nỗi buồn tím tái từ hoàng hôn loang ra, gặp phải lòng người đang buồn rầu. Nỗi lòng bất an đang bị nắng nhuộm vàng như nghệ, nhột nhạt buồn buồn như bãi cỏ. Nỗi lòng này chuyển ngược lên đỉnh núi. Đá núi cũng thẫn thờ, huống chi trái tim các chàng các nàng đang yêu.

Ngày nay, nhiều người dùng phong slư để hát lượn. Hoặc nói thơ. Giống như các nhà thơ ngày nay đọc thơ trên nền nhạc. Từ lâu, ngâm thơ đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của người Tày. Họ có thể hát khi đi rừng hái củi. Đi làm cỏ nương. Đi bắt ong đất. Đi đào củ mài. Chẳng ngứa cổ cũng hát cho rừng núi có tiếng người. Những khi buồn, vừa cất tiếng hát lên đã ướt cả hai bên má. Mặn mòi thương nhớ rỉ ra từ đôi mắt biếc.

Phong slư không có mùa. Như tình yêu con người quanh năm không ngày tháng. Chỉ khi nào tự cấu véo thật mạnh vào da đùi mình, không còn cảm giác đau, khi đó mới ngừng yêu.

"Cẩu slíp pi nhằng pàn khảu sluổm". Nghĩa là "Chín mươi tuổi còn bò vào cửa buồng". Các bạn thấy đấy. Đời sống tình yêu của người Tày mạnh mẽ đến mức nào.

Y Phương
.
.