Pác Bó những ngày thu Tháng Tám

Thứ Bảy, 02/09/2006, 09:45

Pác Bó hôm nay không những là một khu di tích lịch sử, một địa danh thiêng liêng, niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam mà còn là một bảo tàng lớn để giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ người Việt Nam sau này.

Những cán bộ lão thành ở tỉnh Cao Bằng kể rằng, đầu những năm 40 của thế kỷ 20, trước những chuyển biến của cách mạng thế giới và trong nước; Hồng quân Liên Xô bắt đầu mở cuộc phản công lớn tấn công quân Phát-xít Đức; nhận rõ thời cơ của cách mạng Việt Nam đã đến,  ngày 28/1/1941 Người đã vượt qua cột mốc 108, biên giới Việt-Trung trở về nước.

Sở dĩ Bác chọn Pác Bó làm đại bản doanh để lãnh đạo cách mạng Việt Nam là vì nơi đây theo Bác: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên, thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ...”

Sử sách còn ghi rằng, những ngày đầu mới về nước, Người ở nhà ông Lý Quốc Sùng, cách hang Cốc Bó 100m. Đến ngày 8/2/1941, Bác chuyển vào ở trong hang Cốc Bó. Tại đây, công việc đầu tiên của Bác là dịch cuốn lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt.

Liên tiếp trong hai tháng 3 và 4 năm đó, từ Pác Bó, Người đã sang Trung Quốc công tác nhiều lần. Sau khi từ Trung Quốc trở về, cũng trong những ngày tháng 4 năm 1941, Bác đã triệu tập hội nghị lãnh đạo tỉnh Cao Bằng để tổ chức thí điểm thành lập mặt trận Việt Minh. Sau đó, một sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam là từ ngày 10 đến 19/5 năm 1941, Người chủ trì hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nặm. Tại Hội nghị này đã quyết định thành lập mặt trận Việt Minh và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng khác.

Để phát triển lực lượng cách mạng, cũng tại Pác Bó vào giữa năm 1941, Bác Hồ đã tổ chức lớp tập huấn chính trị, quân sự cho một số cán bộ của Đảng. Trong những người dự lớp huấn luyện trên, sau này được người ta nhắc đến như các đồng chí Bằng Giang, Lê Quảng Ba, Sơn Tùng, Tùng Hoa, Bình Dương, Vĩnh An, Hải Tâm, Bảo An... Sau sự kiện đó, ngày 6/6/1941 Người viết thư gửi nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, cũng trong thời gian này, Bác đã cử một số thanh niên Cao Bằng đi Liễu Châu, Trung Quốc học lớp huấn luyện về sử dụng vô tuyến điện. Tại đây, người còn sáng lập Báo “Việt Nam độc lập”. Số đầu tiên phát hành vào ngày 1-8-1941 và Người là cây viết chính của tờ Báo.

Và cũng tại đây, ngày 13/8/1942 Người chính thức đổi tên là Hồ Chí Minh và lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với lực lượng cách mạng ở Trung Quốc và các nước đồng minh. Đây cũng chính là quãng thời gian Người bị Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bắt và cầm tù từ ngày 27/8/1942 và đến tận tháng  9 năm 1943 mới được trả tự do. Trong thời gian ở tù, Bác đã viết cuốn “Nhật ký trong tù”.

Sau khi thoát khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch,  Người trở lại Pác Bó. Ngày 22/12/1944, theo chỉ đạo của Bác, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay đã ra đời. Đến tháng 2/1945, Người lại rời Pác Bó để đi Côn Minh, Trung Quốc và đến tháng 4 thì trở lại Pác Bó.

Cách mạng thành công, mãi đến năm 1961, tức sau 16 năm Bác Hồ mới có thời gian trở về thăm lại Pác Bó, thăm đồng bào tỉnh Cao Bằng, những người đã gắn bó với Bác trong những năm tháng Người hoạt động tại đây. Trong chuyến thăm này, Bác đã căn dặn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng nói chung, nhân dân Pác Bó huyện Hà Quảng nói riêng cần phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, xây dựng tỉnh Cao Bằng thành tỉnh giàu đẹp.

Thực hiện lời căn dặn đó của Bác, những năm qua Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực, vượt qua những khó khăn thử thách, phát triển KT-XH, quốc phòng – an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng xứng đáng là quê hương đầu nguồn cách mạng của Tổ quốc. Pác Bó hôm nay không những là một khu di tích lịch sử, một địa danh thiêng liêng, niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam mà còn là một bảo tàng lớn để giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ người Việt Nam sau này

Ngọc Tước
.
.