Ông đồ Nghệ tân thời

Thứ Ba, 31/03/2009, 14:30

Hồi đó tôi làm việc ở báo Văn nghệ. Đang ngồi một mình trong phòng thì có một người gầy đen hăm hở bước vào: "Em là Ông Văn Tùng. Nghe mấy đứa nó bảo anh là ông đồ gàn. Em vào xem ông đồ Trực có gàn hơn ông đồ Tùng không nào...".

Gặp lần đầu mà Tùng tự nhiên như đã quen thân từ lâu. Phong cách Nghệ, giọng nói Nghệ của Tùng khiến tôi cũng tự nhiên với Tùng từ phút đầu. "Em quê ở Nam Đàn. Anh quê ở Diễn Châu phải không? Em dạy học Trường cấp III Diễn Châu một thời gian khá lâu...". Tùng cùng tuổi với tôi, sinh năm Bính Tý, nhưng Tùng xưng hô với tôi là "em". Không phải chỉ lần này, mà những lần gặp sau, Tùng vẫn xưng là "em". Có lẽ đó là tính khiêm tốn của anh.

Hiển hiện trước mặt tôi là một người đàn ông dáng khắc khổ, gầy guộc, đen đủi. Ăn mặc xuềnh xoàng. Đôi giày đã cũ sờn. Cổ quàng chiếc khăn len xộc xệch. Anh rút trong túi ra một bao thuốc vỏ nhăn nheo. Điếu thuốc cũng cong như cái que khô. Hút liên tục.

Có lẽ do hợp tạng nhau, cứ đến báo Văn nghệ là anh vào phòng tôi.

Có lần, tôi vội xuống phòng dưới, bảo anh pha trà rồi anh em ta cùng uống. Lúc tôi quay lại, đã thấy anh đổ nước sôi đầy ấm và đang dốc lọ chè vào ấm. Thấy động tác pha trà buồn cười, tôi hỏi anh: "Ông làm cái gì thế?". "Em pha trà". "Pha trà thì phải cho chè vào trước, rồi mới đổ nước sôi vào. Ông lại làm ngược quy trình". Tùng cười khà khà: "Đàng nào thì cũng uống được".

Một lần tôi rủ anh đi ăn trưa ở quán lòng lợn phố Nguyễn Du. "Ông thích uống rượu hay uống bia?". "Em uống gì cũng được". Trời hơi lạnh, tôi rót ra hai chén rượu. Nhưng chẳng thấy anh nhấp gì cả. Chỉ thấy anh ăn lòng, mà chỉ ăn lòng khâu mác và tiết, gan, chứ không ăn thịt thủ, dạ dày... "Ông không uống rượu à?". "Ờ nhỉ !" - Anh nâng chén rượu lên và tợp một hơi hết sạch, rồi lại tiếp tục gắp lòng ăn.

Chỉ một lát sau, anh đứng dậy: "Em no rồi". Cô Hà chủ quán liếc nhìn, mỉm cười: "Có lẽ bác ấy yếu răng, chỉ ăn được tiết". Tôi là khách quen, cho nên cô chiều, làm thêm một đĩa tiết nữa. Tùng lại thật thà ngồi xuống tiếp tục cầm đũa. "Ông uống với tôi một chén nữa cho vui nhá". Tùng xua xua tay: "Em uống thế, đủ rồi".

Ăn xong, tôi rủ anh vào quán cà phê. Tôi đoán, anh không thích ngồi lâu ở quán lòng lợn vì đông người và ồn ào. Ngồi trong quán cà phê yên tĩnh, anh em sẽ trò chuyện được lâu. Nhưng thật là bất ngờ... Tôi vừa nâng tách nhấp một chút thì anh đã tợp một hơi cạn tách cà phê...

Tôi thấy ở con người này có những nét là lạ, vui vui thật thà. Tôi rất thích cái cốt lõi thật thà của anh, không mảy may khách sáo, không mảy may đưa đón thớ lợ, không mảy may tô vẽ trang trí bề ngoài. Cái thật thà nhiều khi còn nguyên chất của một nhà văn tỉnh lẻ.

Cô nhân viên hành chính báo Văn nghệ nói với anh: "Bác Tùng hay vào đây chơi thì bác cầm luôn báo biếu, em gửi qua bưu điện nhỡ mất báo". Ông Văn Tùng đút tay vào túi quần, rụt cổ, nói thật thà: "Cô cứ gửi qua bưu điện để bà con láng giềng biết tôi là nhà văn".

Vì quý nhau ở tính thật thà, chúng tôi thường qua lại gặp nhau, nói chuyện quê hương, chuyện văn chương. Chị Hạnh, vợ Tùng, quý mến bạn chồng, niềm nở trò chuyện với tôi. Hôm ấy, trời đã trưa, chị ra chợ Khâm Thiên mua một ít sườn về để anh em tôi uống rượu. Thức nhắm đã bày, rượu đã rót, mà Tùng cứ nói liên miên, toàn chuyện ông Khổng Tử, ông Quản Trọng, ông Lão Tử...

Chị Hạnh nhắc chồng cầm đũa nâng chén. Tôi nhâm miếng sườn xào chua ngọt, rồi để xương xuống bàn trước mặt tôi. Tùng không dùng đũa, tay cầm miếng sườn gặm rồi cũng đặt xương xuống trước mặt tôi, miếng thứ nhất, rồi miếng thứ hai, thứ ba... Dường như chị Hạnh thấy chồng cứ để xương trước mặt khách thì chướng quá, đưa tay thúc vào hông chồng. Nhưng Tùng không hiểu ý vợ, cứ gặm sườn và cứ để xương trước mặt khách... Chị chắt lưỡi và đứng dậy...

Ông Văn Tùng là như thế, thật thà đến vụng về.

Hồi kháng chiến chống Pháp, anh đã đi học ở khu học xá Trung Quốc. Rồi về nước, anh từng là giáo viên cấp III ở Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tây...; đã từng đứng trên bục giảng về văn học Trung Quốc cho lớp bồi dưỡng các nhà văn trẻ; đã từng tham dự các trại viết văn ở Đại Lải, Đà Lạt...

Thỉnh thoảng anh đến báo Văn nghệ, hai anh em trò chuyện thân tình. Anh không uống trà, chỉ hút thuốc lá và uống nước trắng. Anh say mê nói chuyện về văn học Trung Quốc. Khi thì khoe mới đọc một tài liệu về Đỗ Phủ, khi thì khoe mới đọc một tài liệu về Bạch Cư Dị... Thông thạo tiếng Trung Quốc và am hiểu  nhiều về văn học Trung Quốc, sao anh không dịch? Thiên hạ khối người biết bập bẹ chữ Hán đã dịch vung tí mẹt - "dịch chung" với những người giỏi chữ Hán. Còn Ông Văn Tùng, ôm bồ chữ trong người mà không đem trình thiên hạ? Tôi động viên anh: Dịch những tài liệu đó để in báo Văn nghệ. Anh ngơ ngác hỏi: "Báo Văn nghệ cũng in những tài liệu này à".

Từ đó, anh tự phát hiện ra khả năng của mình, dịch bài báo rồi dịch sách. Khi đã khơi thông được luồng chảy tri thức trong người, anh hì hục làm việc như người nông dân hì hục cày cuốc trên mảnh đất màu mỡ còn bỏ hoang.

Chiều mùa hè, tôi đến thăm anh. Nhà vắng. Chỉ một mình anh ở nhà. Mặc quần đùi, đánh trần. Ngồi gò lưng bên bàn, dịch sách Trung Quốc. Cơ thể anh vốn đã gầy và đen, lúc này càng thấy anh gầy, vai nhô lên, xương sườn xương sống giơ ra, cùi tay gộc gạc như que củi, mồ hôi nhễ nhại... Tôi im lặng bước đến, đứng sau lưng anh một hồi lâu. Anh mê mải cúi đầu trên trang giấy. Chiếc kính cận xê lên xịch xuống. Mồ hôi nhỏ giọt nhòe cả chữ... Thỉnh thoảng nâng cốc uống một ngụm nước trắng và rít một hơi thuốc lá...

Đêm giao thừa. Tôi đến dự cỗ nhà đứa cháu ở làng Kim Liên, trên đường về, tôi rẽ vào nhà Ông Văn Tùng dưới chân đê La Thành. Lúc ấy đã 11 giờ đêm. Mấy đứa con anh đi chơi giao thừa. Vợ anh đã ngủ. Một mình Ông Văn Tùng ngồi bên ngọn đèn dịch sách. Rét. Anh dùng chăn trùm kín đầu và người. Ngón tay trái run run đặt trên hàng chữ trang sách in. Tay phải run run cầm bút viết... Thỉnh thoảng nâng cốc uống một ngụm nước trắng và rít một hơi thuốc lá... Tôi khẽ đưa ngón tay đụng vào lưng anh, anh vẫn chăm chú cúi đầu trên trang giấy...

Tôi chợt nhớ hình ảnh con ong lấy mật. Ong chúi đầu vào nhị hoa và đôi cánh cứ đập liên hồi để giữ thăng bằng giữa không trung, tôi sờ nhẹ vào cánh mà ong vẫn không biết... Sợ anh giật thột, tôi đến ngồi ở bàn khách, thấy chai rượu đã uống dở, tôi tự rót ra tách. Cố gây ra tiếng động lách cách để anh biết có người. Bỗng anh tung chăn đứng dậy, miệng thét: "Hùi...hùi...hùi...". Thì ra anh ngỡ là con mèo đang ăn vụng cỗ trên bàn thờ. Không đeo kính cận, anh khuơ lung tung hai tay trông rất buồn cười. "Trực đây mà". "A... chào anh...".

Anh ngồi xuống ghế, thản nhiên hút thuốc lá, rót nước trắng ra cốc. Tôi cũng thản nhiên rót thêm một chén rượu. Chén rượu của tôi chạm vào cốc nước trắng của anh. Ngày tết cũng như ngày thường, vậy thôi, Ông Văn Tùng đọc sách, dịch, viết, hút thuốc lá và uống nước trắng. Hùng hục làm việc. Mặc thế nào cũng được. Ăn thế nào cũng được. Chỉ trong vòng bảy năm anh nổi tiếng trong làng văn là một dịch giả tiếng Trung Quốc.

Năm 1995, anh được giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn với cuốn "Khổng Tử truyện". Khi lên nhận giải, anh cầm cuốn sách áp vào ngực, để bìa ra phía ngoài hiện rõ ba chữ "Khổng Tử truyện". Trong hội trường, có tiếng xì xào: "Cái lão này hâm. Hâm tỉ độ". "Không phải hâm đâu, ông đồ Nghệ khoe chữ đấy mà...".

Đồng thời với dịch thuật, anh còn viết khảo cứu, biên soạn, sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết. Cái thật thà vụng về ngoài đời, người ta còn tha thứ được. Nhưng trong tác phẩm văn học, cái thật thà vụng về của anh có lần xuýt bị tai nạn.

Truyện ngắn "O Bảy" in báo Văn nghệ, anh lấy nguyên mẫu từ làng quê. Vì quá yêu quê hương, anh bê nguyên xi cả tên người và địa danh vào tác phẩm. Không ngờ tình yêu vụng về ấy lại gây ra phản ứng kịch liệt của bà con và lãnh đạo địa phương. Nghe nói O Bảy để dành 30 viên đạn để "bắn chết thằng Tùng. Thằng Tùng vu khống tôi chửa hoang...". Thấy tình hình rắc rối, báo Văn nghệ cử nhà thơ Trần Thị Thắng cùng với một trung úy công an vào tận Nam Lĩnh (quê Ông Văn Tùng) để dàn xếp.

Sự hiểu lầm qua đi nhanh chóng. Cái còn lại là tình yêu chân thật. Ngoài 70 tuổi, Ông Văn Tùng có nguyện vọng về cư trú tại làng quê trong những năm cuối đời, vui thú cùng bà con làng xóm. Lãnh đạo xã cắt cho anh một mảnh đất. Anh mua một ngôi nhà cổ đưa về dựng trên mảnh đất ấy, và chuyển cái "quán văn chương" từ Hà Nội về quê hương.

Ngôi nhà cổ kính, chỉ cần treo thêm mấy cái kệ sách lủng lẳng trên xà nhà là giống in hệt gian nhà của một ông đồ Nghệ truyền thống. Trong gian nhà ấy, "ông đồ Nghệ tân thời" Ông Văn Tùng hí húi viết, đọc sách và uống nước chè xanh chuyện trò rôm rả với bà con thân thuộc...

Võ Văn Trực
.
.