Ông Acsimet của điện ảnh Bưng biền

Chủ Nhật, 30/04/2017, 08:00
Giữa cuộc chiến sinh tử; giữa vùng nước mặn sình lầy mênh mông của Đồng Tháp Mười, không nước ngọt, không điện, không phòng lạnh, những thước phim ra đời: “Trận Mộc Hóa”, “Chiến dịch Trà Vinh”, “Trận La Ban”, “Hết đời đế quốc”... Câu chuyện làm phim của ông và đồng đội khiến bạn bè quốc tế nghiêng mình cảm phục khi chạm vào thước phim cũ kỹ thấm đẫm máu và nước mắt, mở đầu điện ảnh Bưng biền - thuở bình minh của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.


1.Tháng 9-1947, chi đội 14 do Khu bộ trưởng Trần Văn Trà trực tiếp chỉ huy, phục kích đánh đoàn xe quân sự của địch tại Giồng Dứa (Cai Lậy, Mỹ Tho). Người chụp hình trong trận đánh này là Mai Lộc thuộc tổ Nhiếp ảnh Khu 8. Ông dũng cảm xông trận và chụp được rất nhiều ảnh sống động như: Quân ta xung phong, đoàn xe của địch bị bốc cháy, quân ta bắt tên đại tá công binh La Fouge.

Sau trận đó, tổ Nhiếp ảnh Khu 8 tổ chức triển lãm. Ai ai cũng phấn khởi, tự hào khi nghe đồng chí Mai Lộc thuyết minh về những bức ảnh, thuật lại trận đánh oai hùng của quân ta. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Chính ủy Khu 8 buột miệng: “Giá mấy bức ảnh này cử động được thì sức động viên của nó đối với đồng bào và quân ta càng to lớn hơn”.

Nghe vậy, Mai Lộc liền thưa: “Dạ, những bức ảnh động đó được gọi là phim. Nếu cách mạng cần thì sẽ có người đứng ra đảm nhiệm tạo hình ảnh động đó”. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh hỏi dồn:

- Anh nói có người biết làm phim?

- Dạ, đó là anh Khương Mễ.

- Anh Khương Mễ có ở đây không?

- Thưa, anh đang công tác tại Ban Tuyên truyền Thủ Dầu Một ở Khu 7. Nếu Khu 8 xin Khương Mễ về chắc chắn ảnh sẽ tạo dựng ra ngành làm phim cho kháng chiến.

NSƯT Khương Mễ thời làm phim ở Khu 8.

Vậy là Khương Mễ chuyển về Khu 8. Ngày 15-10-1947, Điện ảnh Bưng biền Khu 8 thành lập. Đó là một quyết định táo bạo nếu không nói rằng quá phiêu lưu. Bởi điện ảnh Việt Nam lúc ấy chỉ là con số không. Làm thế nào để có một cơ sở kỹ thuật điện ảnh trong một đầm lầy mênh mông, đồng khô cỏ cháy và ngập ngụa nước phèn?

Mỗi lần nhớ về những tháng năm gây dựng điện ảnh Bưng biền Khu 8, các nhà điện ảnh lão thành như An Sơn, Hồ Tây, Nguyễn Đảnh, Trương Thành Hỷ, Nguyễn Kế Nghiệp lại nghẹn ngào nhớ đến người anh cả Khương Mễ. Đó là tháng năm đầy gian nan, khốn khó mà họ phải đánh đổi bằng máu để làm nên những thước phim lịch sử.

Được cấp 300 ngàn tiền Đông Dương ngân hàng, Khương Mễ nhận nhiệm vụ mang số tiền lớn ấy ra tận Sài Gòn – trở lại sào huyệt của địch – để mua đồ kỹ thuật. Thời gian ông tham gia nhóm “Người Việt Nam làm phim” của Antoine Giàu ở Sài Gòn (quay 1939-1940) đã cho ông vốn liếng nhất định để làm phim. Gặp lại bạn học Nguyễn Văn Dĩ ở Sài Gòn, hai người mừng vui khôn xiết.

- Ở bưng biền đang đánh giặc mà tụi mày cũng làm phim được à?

- Được chớ. Mình làm cho mình, cho cách mạng. Mai mốt giải phóng, con cháu còn biết ngày xưa cha ông nó đánh giặc hào hùng ra sao.

Nghe Khương Mễ nói, Nguyễn Văn Dĩ sẵn sàng giúp đỡ người bạn thân, nhanh chóng liên lạc sang Paris mua sắm máy móc. Nguyễn Văn Dĩ tìm căn nhà kho tại sân bóng đá vườn Tao Đàn để lập trụ sở liên lạc và chứa máy móc cho Việt Minh. Hai tháng sau, hàng về. 

Khương Mễ đóng vai một nhà tư sản tức tốc ra Sài Gòn. Tại đây ông đóng giả là nhân công rồi cùng Nguyễn Văn Dĩ tháo rời máy móc, giả là hàng nội địa để đánh lừa các trạm kiểm soát Phú Lâm – Cai Lậy. Một, hai lần trót lọt.

Nhưng trạm yết hầu Phú Lâm, cửa ngõ Sài Gòn là cửa ải sinh tử. Mỗi lần qua cửa ải này, chị Cảnh, chị Ngọc luôn sử dụng chiêu thức “mỹ nhân kế”. Chị Cảnh bỏ bùa được tên sếp bót Phú Lâm. Hắn mê mệt cô thiếu nữ ăn vận tân thời, nói tiếng Tây như gió. 

Lần khác, xe từ chiến khu đến trạm Phú Lâm, như thường lệ, chị Ngọc duyên dáng trong tà áo dài bước xuống chào hỏi nhẹ nhàng. Địch bắt chị tra hỏi và khám xét thì tìm thấy một bức thư ngắn của Mai Lộc gửi cho Nguyễn Văn Dĩ. Địch tức tốc bắt chị Ngọc và Nguyễn Văn Dĩ vào bót catinat, tra tấn dã man.

Máu của đồng đội đã đổ. Khương Mễ quyết không phụ sự hy sinh của họ. Và chỉ từ cuốn sách “Cinéma Amanach Prisma”, trí sáng tạo tuyệt vời của ông đã khai sáng cho một nền điện ảnh ra đời trong lửa đạn.

2. Ngày còn đi học, cậu bé của mảnh đất Đồng Tháp đã bộc lộ được tài năng và óc sáng tạo. Giờ thủ công, thầy giáo thường không chấm điểm cho Khương Mễ vì nghĩ rằng vật dụng như chiếc đồng hồ, hộp đựng bút… trong bài tập thầy giao về nhà, cậu học trò này chắc chắn nhờ thợ mộc làm. Trong khốn khó chiến tranh, tài lẻ ấy trở thành cứu tinh.

Nhận lô hàng đầu tiên từ Paris gửi về, chưa kịp vui mừng, Khương Mễ tá hỏa khi chiếc máy tráng phim không hề giống chiếc máy hồi ông còn làm phim ở Sài Gòn. Hóa ra đây là chiếc máy tráng phim cải tiến mới sản xuất của Pháp. Không biết dùng như thế nào giữa đầm lầy phèn chua, chẳng lẽ bó tay? Ông quyết định cải tạo. Toàn bộ chiếc máy ông chỉ lấy có thùng tráng bằng inox. Ông tiếp tục phát minh ra một cái guồng quay như cái sa quay sợi dệt vải có nắp đậy kín, có lỗ cho thuốc tráng phim vào.

Phần tráng phim càng gian nan hơn khi chỉ có một ít loại phim 8 ly – loại phim đòi hỏi bài thuốc hết sức phức tạp nên Khương Mễ phải chong đèn mù u đọc cuốn “Cinema Amanach Prisma” suốt đêm mới tìm ra được cách pha chế thuốc.

Phải 5 lần tráng phim với 5 bài thuốc khác nhau mới cho ra được phim dương bản để chiếu luôn. Nhưng mặt phim bị rạn, phải tráng phim trong phòng lạnh thì phim mới mịn. Nhưng làm sao có được cái phòng lạnh ở giữa Đồng Tháp Mười? Chuyện hoang tưởng! Cả Khương Mễ và đồng đội rơi vào bế tắc. Ông thẫn thờ cả ngày, đi vào đi ra, mất ăn mất ngủ.

NSƯT Khương Mễ và vợ - nghệ sĩ Tuyết Trinh trong những năm tháng cuối đời.

Đêm nọ, khi anh em đang say giấc, ông vùng dậy. Tiếng “Ơ-rê-ca! Ơ-rê-ca!” (Tìm ra rồi! Tìm ra rồi!) reo trong đầu. Ông sung sướng nhảy cẫng đánh thức tất cả mọi người. Cái phòng lạnh “made in Khương Mễ” là một cái thùng dài tầm 1 mét, chậu nước thuốc tráng phim đặt trên lớp mùn cưa ủ nước đá. Hơi lạnh tỏa ra sẽ tráng phim thành công. Vậy là anh em lại bơi xuồng ra tận Ấp Bắc, lên Mỹ Tho mua nước đá.

Mẩu phim thời sự “Trường Quân chính Khu 8” được coi là khai sinh vẻ vang cho điện ảnh Bưng biền. Nối tiếp theo là các phim thời sự về hoạt động kháng chiến của quân và dân Khu 8, trong đó hoành tráng nhất phải kể đến phim về nhân dân Đồng Tháp Mười đắp cạn kênh Dương Văn Dương ngăn tàu giặc. Đến tháng 8-1948, Tổ Nhiếp – Điện ảnh Khu 8 đưa phóng viên điện ảnh của mình xuất trận, khi Tiểu đoàn 307 tổ chức đánh trận Mộc Hóa theo chiến thuật công đồn đa viện, làm nên những thước phim hào hùng về Tiểu đoàn 307 dũng mãnh.

Đồng chí Lê Duẩn xem xong gợi ý rằng làm sao có được nhiều bản phim lưu động chiếu đi nhiều nơi để động viên tinh thần yêu nước và tôn vinh chiến công của Tiểu đoàn 307 thì hay quá. Khương Mễ coi gợi ý ấy như mệnh lệnh tối cao.

Ông ngày đêm mày mò và một lần nữa, “nhà máy in phim” tiện dụng được ông sáng chế từ cái máy quay cổ lỗ sĩ và chiếc hộp sắt chỉ có toàn dây cót ra đời. Ban ngày dùng ánh sáng trời, ban đêm dùng đèn măng – xông để in phim. Nhờ sự sáng tạo đó mà ông in được rất nhiều bản phim “Trận Mộc Hóa” để gửi ra Trung ương, Khu 7, Khu 9…

Về sau, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam, tiếp tục cho ra đời những bộ phim gây tiếng vang như: “Cô Nhíp”, “Khói trắng”, “Chiều sâu lòng đất”, “Vợ chồng A Phủ”, “Hai người lính”…

Năm 1997, khi Khương Mễ đã 81 tuổi, Hội Điện ảnh Pháp mời ông sang tham dự Liên hoan phim tại Amiens, miền Nam nước Pháp, với tên gọi thân mật “ông già điện ảnh”. Ông xúc động khi mình trở thành một trong hai nhân vật chính được tôn vinh tại Liên hoan phim quốc tế lần thứ 17 này. Người Pháp chiếu những bộ phim mà ông và đồng đội thực hiện khi còn ở Đồng Tháp Mười. Khỏi phải nói, các phóng viên và người làm điện ảnh Pháp đã ngạc nhiên và cảm phục trước tình yêu điện ảnh và sự sáng tạo kỳ diệu của Khương Mễ như thế nào.

Ông ra đi đã hơn 10 năm nhưng trong ký ức của bà Khương Mỹ Lý, hình ảnh cha và đồng đội cặm cụi làm việc trong chiếc mùng để tránh đàn muỗi dày đặc bâu vào phim vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ. Những kỷ vật của cha, bà trao lại cho Nhà Bảo tàng điện ảnh của nghệ sĩ Quang Đạt. Để ngày ngày bao thế hệ nghệ sĩ đến tham quan, tưởng nhớ đến “ông Acsimet” của điện ảnh Bưng biền thuở nào.

Mai Quỳnh Nga
.
.