Nhà thơ Trần Thị Nương

Nương vào thơ để hạnh phúc

Thứ Ba, 04/08/2015, 08:00
Cuộc đời vốn lắm những nghịch lý. Nghịch lý như câu thơ chị đã viết về hạnh phúc và đau khổ ta vừa đọc trên. Nghịch lý như những con đường, những ngã ba sông vẫn đối ngược những dòng chảy. Với một người đàn bà, mê đắm với thơ và yêu thơ suốt cả cuộc đời như chị thì cái nghịch lý ấy đôi khi hóa ra lại thuận lý.

“Có lúc chẵn khía vào ta đau khổ
Có lúc lẻ loi hạnh phúc tràn đầy”.

Tôi thích thơ của chị Trần Thị Nương, yêu cái con người có khí chất mạnh mẽ bạo liệt của chị. Bị quyến rũ bởi cái duyên ăn nói như kiến bò vào lỗ tai của chị. Chị em biết và cảm thơ của nhau đã 17 năm, nhưng lần lữa mãi hôm nay tôi mới có thời gian đặt bút viết về chị. Không hiểu sao, gặp chị, ngồi trò chuyện cùng chị, đọc thơ chị, tôi cứ thấy ở nữ sỹ này có cái mộc mạc hoang dã của núi đồi, có cái thăm thẳm tràn trề nội lực của sông biển. Có cái hun hút gió, hun hút thâm sâu của cánh rừng nguyên sinh chất chứa nhiều bí ẩn trong tâm hồn không dễ gì đo đếm được của chị.

1. Cuộc đời vốn lắm những nghịch lý. Nghịch lý như câu thơ chị đã viết về hạnh phúc và đau khổ ta vừa đọc trên. Nghịch lý như những con đường, những ngã ba sông vẫn đối ngược những dòng chảy. Với một người đàn bà, mê đắm với thơ và yêu thơ suốt cả cuộc đời như chị thì cái nghịch lý ấy đôi khi hóa ra lại thuận lý.

Tôi gặp nhà thơ Trần Thị Nương lần đầu tiên cách đây chẵn 17 năm trong trại viết văn của Hội liên hiệp VHNT toàn quốc. Khi ấy, tôi - cũng một người viết, mới chập chững với nghiệp làm văn ghềnh thác đa đoan trong khi chị, một nhà thơ đã trưởng thành về tuổi đời, đã đầy đặn một cái tên trên văn đàn thơ không hề nhạt.

Tôi ở Hà Tĩnh, chị ở Yên Bái… rồi số phận của những người đàn bà viết đẩy đưa. Chị về Hà Nội sống và làm việc trước tôi 10 năm. Ngày gặp chị của 17 năm trước, chị đang hân hoan cầm quyết định chuyển công việc từ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái về làm biên tập viên chính của Báo Đại đoàn kết. Đời chị nhiều dịch chuyển, từ một cô giáo đến cán bộ tuyên huấn rồi đến biên tập viên Hội VHNT tỉnh Yên Bái. Nhưng có lẽ đây mới là một cuộc dịch chuyển lớn của số phận. Nhìn gương mặt hân hoan, ánh mắt lấp lánh niềm vui, cái miệng với hàm răng trắng đẹp hay cười một kiểu cười tít mắt của chị tôi thấy chị tràn đầy năng lượng sống. Tôi đã nghĩ ở người đàn bà làm thơ và nói chuyện rất có duyên này, có lẽ nỗi buồn không bao giờ vương lại được. Lạc quan, yêu đời, tin yêu cuộc sống đã khuôn định cho nhà thơ Trần Thị Nương một phong cách sống và một phong cách thơ rất cá tính nồng nàn, mãnh liệt, chẳng thể lẫn vào ai.

Tôi cũng như chị, đời sống một người đàn bà với nghiệp viết có những cuộc dịch chuyển khó cưỡng của số phận. Chị em gặp lại nhau ở Hà Nội. Mừng, thương và nhớ nhau. Chị ngấp nghé bước sang tuổi nghỉ hưu, tôi gập ghềnh trong đoạn đường mới, công việc mới… Chị em ngồi lặng bên nhau sau bao nhiêu thời gian… riêng mà chung. Bao nhiêu hồi ức, kỷ niệm có cả bão tố của mỗi người…

Gặp lại chị, có thể ở cái tuổi phía bên kia dốc đời, cũng có thể thời gian với những phôi pha không thể chối bỏ, tôi thấy chị lặng lẽ hơn, như từng trải hơn, ít tươi vui ồn ã hơn cái ngày xưa kiêu hãnh… Hình như số phận đã thêm một chút những dư vị đắng chát vào đời sống của những người đàn bà viết văn làm thơ chúng tôi, để đày ải, thử thách, buộc chúng tôi phải vượt thoát qua những khúc quanh của cuộc đời mới đủ cho một nghiệp viết đa đoan…

2. Có một điều tôi muốn chia sẻ rất nhiều ở bài viết này về chị, đó là những bài thơ của Trần Thị Nương. Có nhiều nhà thơ có duyên ăn nói, hấp dẫn người nghe, nhưng thơ lại không hay như nói. Trần Thị Nương trong cảm thức của cá nhân tôi thuộc týp nói hay và thơ cũng hay. Thơ của Trần Thị Nương có mạch nguồn cảm xúc dồi dào, thể hiện một tâm hồn khoáng đạt. Tình yêu của chị lấp lánh trong những câu thơ, phía sau những bài thơ, rực rỡ lộ thiên trên những trang thơ thật đẹp, thật trong trẻo, tinh khiết và không thể nói là không quyến rũ. Thơ của chị cũng đẫm nữ tính. Chất đàn bà, bản năng đàn bà ở chị nhiều hơn cái vỏ cứng kiêu hãnh bề ngoài. Có lẽ vì cũng là phụ nữ, nên tôi đọc thơ của Trần Thị Nương có chút thiên kiến, rộng rãi hơn chăng?

Tôi đã đọc thơ của chị bằng tất cả những trải nghiệm, rung động, yêu thương của đàn bà để thấy hết cái chất đàn bà bạo liệt, mạnh mẽ nhưng cũng đầy sắc sảo đớn đau của người đàn bà thông minh như chị. Tôi thích đọc thơ của chị, tìm thấy ở đó bản năng hoang dã thiên nhiên ở một người đàn bà mạnh mẽ nhưng trung thực: "Anh đừng "chém" em mà nhức rễ vàng cành/ Em có phải là cây đâu để đem về làm củi/ Anh đừng ''vạc'' em như trúc rừng nhiệt đới/ Em có rỗng đâu mà làm sáo trưa hè/ Em chỉ là hạt cát dưới lòng khe/ Trôi từ núi qua đường mỏm thác/ Hạt cát âm thầm bên vồng khoai luống mật/ Sống cùng cỏ rơm nghe lúa trổ đóng đòng/ Em chỉ là hạt cát quãng đường cong/ Giáp vịnh rồi nên bờ em phải thế…/ Hạt cát em hóa thân trên chảo lửa/ Ngô nổ rồi… Em vẫn cát mà anh…'' (Em vẫn cát mà anh).

Nhà thơ Trần Thị Nương có bài thơ nổi tiếng: "Dây bầu và Bức tường mảnh chai". Bài thơ được Tạp chí Văn nghệ Quân đội bình chọn thơ hay sau năm 1975. Có nhiều bài bình về bài thơ này. Đây là một trong những bài thơ chị viết về đời sống giàu triết lý, nhân văn, gửi gắm những thông điệp lớn trong những câu chữ dung dị. Bài thơ mãnh liệt cảm xúc, mãnh liệt tình yêu cuộc sống.

Thơ phản ánh tâm hồn người viết. Thơ cũng là những dự cảm của người viết về cuộc đời của mình, về tương lai của cái hình hài hạnh phúc mà mình có trong tay. Hạnh phúc của Trần Thị Nương, tình yêu của chị, sức sống lặng thầm mà bền bỉ của chị phải chăng cũng như những dây bầu non tơ bình thản xanh, bình thản đơm hoa kết trái, bình thản trĩu quả trên bức tường đời đầy mảnh chai sắc nhọn?. "Trên bức tường mảnh chai/ Dây bầu xanh than thản…/ Mảnh vỡ sinh ra từ vỏ nào rỗng tuếch?/ Dây bầu sinh ra từ đất mẹ xửa xưa…/ Mảnh chai nhọn hoắt. Hoa cười hồn nhiên/ Đom đóm bay qua bức tường mảnh chai/ Gặp dây bầu bật lên thành đốm lửa/ Đàn chim bay qua bức tường mảnh chai/ Gặp dây bầu hát lên thành cung bậc/ Mặt trời đi qua bức tường mảnh chai trổ những nụ trắng ngần hóa thành dây ánh sáng…/ Trên bức tường mảnh chai cứa vào không gian/ Dây bầu ung dung trĩu quả…". 

Trần Thị Nương có nhiều bài thơ hay về tình yêu, về cuộc sống. Sự thông minh, dí dỏm, cảm xúc bạo liệt đắm say đã làm nên một cá tính riêng về tình yêu của chị. Đọc thơ thấy tâm hồn của chị rành mạch, rõ ràng, không bi lụy không buồn thảm, kể cả những khi phải đối mặt với bão tố đời thường. Nhưng bao trùm lên tất cả là một sự trong trẻo thánh thiện của một tâm hồn biết cảm, biết yêu thương và tôn thờ cái đẹp tinh khiết của ái tình.

 "Khát nhau như khát nước lành/ Mà vờ trốn chạy vòng quanh cả đời/ Sương sa thấm bạc kiếp người/ Vài giây phút đợi mấy đời chờ mong" (Nhật thực). Hay "Không có con đường nào không có lối đi/ Không có đại dương nào không dễ vượt/ Đêm giá lạnh ngàn lần vẫn là đêm không lạnh/ Tin yêu thành lửa thắp trong nhau…/ Dẫu cách xa nửa quả địa cầu, sắc áo màu da nối lại gần nhau ngày về Đất Tổ/ Đá có bạc thành vôi kệ đá/ Sông đổi lòng, tách nhánh kệ sông/ Biển dội dã thủy triều kệ biển/ Yêu nhau cất sóng ở trong lòng…" (Cất sóng).

Những câu thơ đã lộ thiên chị - người đàn bà nương vào những câu thơ trong miền hạnh phúc tột cùng. Chị từng nói với tôi sau tất cả những gian nan đời chị, có lúc tưởng gục ngã trên giường bệnh, tưởng lụi tàn đổ vỡ, tưởng đau vì sự bội phản không cất nổi lời trong cho thơ nữa… Nhưng rồi chị vẫn vực lại được, vẫn thanh thản xanh, trổ hoa vàng tươi thắm, đậu những trái quả ngọt lành… Cái sức sống, tình yêu ăm ắp nội lực trong trái tim có những khi dữ dội như núi lửa phun nham thạch, có khi lạnh và vo tròn nghiệt ngã như một hạt cát bướng bỉnh sạn giữa sa mạc đời, nhưng có khi lại hiền như củ khoai mật, tha thiết như ngọn lá trầu không thắm với cau non đỏ huyết tin yêu: "Em khoan đá gọi mạch trong/ Anh men núi thẳm hứng long lanh giời/ Thoáng buồn anh thoắt tìm vui/ Em tâm giao với đất trời dịu êm/ Đau anh - nén khúc đàn đêm/ Đau em - Nhỏ máu chữ miền nhân gian…/ Khát khao anh giữa đại ngàn/ Giàu sang em đủ ngọc vàng trong tâm!..." (Cung bậc).

3.Có trong tay 11 tập thơ và hàng chục tuyển tập có thơ của chị là một gia tài giàu có đáng mơ ước của bất kỳ một người viết nào. Sau những dịch chuyển ngược xuôi, nghỉ hưu, nhà thơ Trần Thị Nương lại tìm về quê cha Đất Tổ ở Phú Thọ để sống. Chị may mắn có hai con, một trai một gái là Đào Duy Tùng và Đào Hồng Thắm giỏi giang thành đạt, đều là những giám đốc điều hành công ty kinh doanh phát đạt tại Hà Nội. Các con, các cháu vừa là của để dành, vừa là niềm tự hào sung sướng của một người mẹ, coi các con mình là sự nghiệp lớn nhất.

Giờ đây, sau những gềnh thác của đời riêng, chị một mình với một ngôi nhà đủ ấm áp đầy ắp tiếng chim ca, bên vườn nhà có khoai mật, có dây bầu leo, có thanh thản vàng hoa bên cửa sổ. Chị sống với thơ, với anh em, bầu bạn thơ tâm giao tri kỷ. Và trong cái nghịch lý ấy thì chị vẫn thản nhiên: "Ngàn năm, vạn năm, tỉ năm/ Bão xoay mặc bão. Sương vằm mặc sương/ Tĩnh tâm hóa đá vô thường/ Lặng thinh mà hút muôn phương tìm về/ Điệp trùng thành lũy nên quê/ Khèn vương hồn núi đắm mê cõi đời/ Thăng trầm... cá lặn mây trôi/ Vẫn vằng vặc đá. Đỉnh trời trăng trong/ Ai còn? Ai mất? Ai không?/ Có hay miền đá đơm bông đợi chờ'' (Đợi).

Như Bình
.
.