Nước, cát và máu ở rừng ô rô

Thứ Tư, 02/12/2015, 08:00
Khu Lê là nơi ngày xưa nhiều người thân của tôi đã ngã xuống và cũng là nơi ngày nay vẫn còn chứa trong lòng cát và rừng bao điều kỳ diệu…

Anh bạn ở Công an tỉnh Bình Thuận vốn là người quê ở khu Lê Hồng Phong điện thoại báo tin "nước về Khu Lê rồi!…". Nghe giọng như reo. Tôi bật người nhỏm dậy như thể đang nghe bạn tôi nói vừa phát hiện ra hành tinh mới. Theo thiết kế, công trình cấp nước Khu Lê Hồng Phong được đầu tư chủ động phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha trên địa bàn đang gặp khó khăn về nguồn nước. Điều đó cũng mở ra hy vọng về một màu xanh trù phú nơi vùng khô hạn khi dòng nước mát sắp về cuối năm nay.

Đồi cát ở chiến khu Lê Hồng Phong. 

Chiến khu Lê Hồng Phong (Khu Lê) trong kháng chiến chống Mỹ có diện tích khoảng 60km2, gồm 6 xã, ngày nay thuộc xã Hòa Thắng và Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Sau khi đồng chí Tổng Bí thư Đảng Lê Hồng Phong bị địch bắt lần hai tại Phan Thiết, quân dân Bình Thuận ghi nhớ công lao và khâm phục ý chí kiên cường bất khuất của người lãnh tụ cộng sản đã lấy tên ông đặt cho căn cứ địa cách mạng Bình Thuận từ thời kháng Pháp.

Địa hình Khu Lê nằm tại khu vực động cát, rừng cây gai ô rô chằng chịt rất hiểm trở, nhưng rất lợi thế cho bộ đội, du kích ẩn quân, trú ngụ lâu dài. Khu Lê là vùng đồi cát nóng bỏng, vào mùa khô nguồn nước cạn kiệt. Thời chiến tranh, muốn có nước để uống và dùng trong sinh hoạt, quân dân Khu Lê có lúc phải đổi bằng máu. Phải đi hàng giờ leo dốc, cát lún ngập chân mới đưa về căn cứ được một gánh nước.

Ngày đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong một ngày chỉ được cấp nửa lít nước sinh hoạt, khan hiếm như bộ đội Trường Sa những năm 80. Ở khô hạn tận tuyệt, khó tin rằng con người có thể sống trên đồi cát cao gần 30m so với mực nước biển, như một sa mạc hoang hóa. Nhưng Khu Lê đã không bao giờ khuất phục.

Nhiều cuộc càn quét, bao vây của địch kéo dài nhiều tháng trời. Bom đạn ngày nào cũng xối xả trút xuống cánh rừng ô rô của Khu Lê. Nhưng địch đã bị đánh bật ra, nhiều xe tăng, máy bay và bộ binh địch bị loại khỏi vòng chiến. Ông Nguyễn Văn Quý, du kích của Khu Lê nhớ lại: "Giữa sa mạc cát mênh mông chỉ có những tán rừng ô rô và cây xương rồng mới sống được. Chúng tôi không chỉ chiến đấu với bom đạn mà còn với kẻ thù dai dẳng và khắc nghiệt hơn là nguồn nước. Ngày trước, người dân nơi đây từng ví von bằng cụm từ "tắm lửa", do không có nước nên muốn tắm họ cứ đốt lửa trùm khăn cho vã mồ hôi rồi lau khô thế là đã… tắm".

Sống trong vùng hoang mạc thiếu nước, đời sống cơ cực là thế, nhưng không có người dân nào muốn rời bỏ chiến khu ra vùng ấp chiến lược của địch. Để thích nghi, những khu rừng tự nhiên đã có sẵn những thứ giúp con người và muông thú "cầm cự" sống qua mùa khô. Dây giác rừng phủ kín tán chằng chịt thân leo, chỉ cần chặt một khúc khoảng gần một mét có thể hứng được nửa lon sữa bò nước tinh khiết. Khi uống có vị chan chát nhưng có thể "cầm hơi" đỡ khát. Lượng nước tích trong thân của dây giác rất lớn. Các loại cây lá như lá vang, cóc rừng, cò ke, đọt xoay, lá dừng, cà na…có thể nhấm nhá lá, quả có vị chua, kích thích lưỡi tiết nước bọt làm dịu cổ họng khát đắng. Các loại củ dưới đất như khoai rạng, khoai nho, khoai từ, khoai mỡ, khoai mỳ… vừa ăn sống no bụng vừa có nước trong củ. Nếu sau một vài cơn mưa đổ xuống, những người lính sống trong rừng có thể tìm thấy nước đọng trong những bọng cây mục thân, tuy nước chứa đầy loăng quăng nhưng có thể cuộn lá làm ống hút từng giọt đỡ khát.

Đưa nước về chiến khu Lê Hồng Phong.  

Chiến Khu Lê không bao giờ chết khát như kẻ thù đã nghĩ, dù  trong cát, nước có cả máu của các chiến sỹ hy sinh trên đường đi lấy nước về căn cứ. Giữa trưa, cũng là lúc bắt đầu những cơn khát. Khô môi, miệng đắng, lưỡi trở nên nhám nhúa, khô quánh chẳng còn chút nước bọt nào. Bộ đội hành quân thường được bố trí giấu nước trong các bọng cây lớn dọc đường, khi quá khát có thể tìm đâu đó uống qua cơn. Nhưng không phải lúc nào cũng có nước để giấu và cũng có thể tìm thấy.

Những ai từng đến vùng đất cát trắng Khu Lê, hẳn nhớ bài thơ "Phan Thiết có anh tôi" của Hữu Thỉnh xao động lòng người:

Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi
Chính ở đây anh thấy biển lần đầu
Qua cửa hầm
Sau những ngày vượt dốc
Biển thì rộng, căn hầm quá chật
Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai
Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi
Tim anh đập không sao ghìm lại được
Gió nồng nàn hơi nước
Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi
Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya
Những người lính mở đường đi lấy nước
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ
Mất chỉ còn cách nước một vài gang…

Bài thơ viết về người lính giữa rừng chiến Khu Lê sáng đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhưng đau đáu trong đó, là những cơn khát nước mùa khô kiệt sức, những khát vọng sâu thẳm về hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, sự nghiệt ngã và khốc liệt của chiến tranh. Nước ở rừng chiến khu năm xưa khan hiếm đến mức người dân trong vùng quen tiết kiệm từng giọt. Khi làm thịt gà, người ta cứ để nguyên con khô như vậy nhổ lông. Nhiều người mãi sau này mới bỏ thói quen nấu cơm không vo gạo.

Người ta chỉ vò gạo khô trên tay nếu gạo xấu, nhiều cám, vảy bẩn. Còn gạo sạch, chỉ cần lượm các vỏ mày trấu sót lại là rót nước vào xâm xấp và nấu. Cán bộ chiến sỹ mùa khô chỉ dùng một lon sữa bò nước, một tuần có thể được tắm một lần, chủ yếu là "tắm lửa"... Nước làm khô héo, cạn kiệt chiến khu Lê Hồng Phong, nhưng dưới mặt đất con người vẫn sống, chiến đấu, lao động, những cây xương rồng vẫn nở hoa và loài dông vẫn chạy xoàn xoạt trên cát mỗi ngày.

Cây ô rô gai ở chiến khu.

Có câu hát: "Rừng ô rô là chiến khu lịch sử/ Nước Bàu Thiêu pha máu đỏ quân thù". Điệp khúc rừng ô rô tồn tại, hoành tráng và hiên ngang giữa vòng vây bốn mặt của đối phương. Phía Đông là biển với tàu chiến, giang thuyền có thể đổ bộ. Tây, Nam, Bắc là đại bác từ Tà Zôn, Ma Lâm, Mương Mán…Vậy mà Khu Lê vẫn bất khả xâm phạm. Kẻ địch cũng sợ thiếu nước. Nếu chẳng may bị quân ta bao vây, chặn đứt lối về, chúng sẽ phải chết khô. Thiên nhiên ban tặng cho toàn đất cát Khu Lê ba bàu nước, nhưng lại đặt không đúng vị trí và không hoàn thành "sứ mệnh" ngay từ tên gọi. Bàu Cạn - đúng nghĩa đen, khi trời dứt mưa, nước cạn. Bàu Thiêu - cũng tiêu nước khi hết mưa, đáy bàu nứt nẻ trắng. Chỉ có Bàu Trắng - có cả Bàu Ông, Bàu Bà - quanh năm tích nước mạch giữa tim động cát, nhưng lại đặt lệch hẳn ngoài vùng ven, cách trung tâm Khu Lê khoảng 20km. Dùng gánh quảy hai thùng nước đi về nếu ở gần cũng trọn buổi, ở xa cũng trọn ngày.

Từ năm 2005 tỉnh Bình Thuận đã triển khai Dự án "Thu trữ nước mưa bằng hồ xi măng đất và vật liệu HDPE kết hợp trồng cây xanh chống sa mạc hoá". Dự án được sự tài trợ của Quỹ Phát triển môi trường toàn cầu Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (GEF/SGP), Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Bình Thuận phối hợp theo dõi và hỗ trợ. Ông Võ Quốc Toàn, một người dân ở vùng sa mạc chiến khu Lê cho biết: "Có nước, trồng cây màu xen rừng cây trôm năm đầu là trên 15 triệu đồng/ha chưa tính thu nhập từ cá nuôi ở các hồ chứa". Ông phấn khởi: "Nếu những vùng đất ở sa mạc như thế này được cải tạo thành đất canh tác, người dân nơi đây không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu vào một ngày không xa".

Chiến khu Lê đã có một hệ thống thu trữ nước mưa trên cát và hệ thống tưới bổ sung vào mùa khô gồm 17 hồ chứa nước lớn và 12 hồ nhỏ; trồng hơn 2.200 cây xoan chịu hạn và 4.500 cây dầu lai. Thành công bước đầu của mô hình là căn cứ khoa học đáng tin cậy cho việc cải tạo, phát triển sinh thái bền vững và cần được nhân rộng cho hơn 52.000 ha đất sa mạc hoang hóa ven biển thuộc 2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng. Những vùng đất cằn cỗi đã dần biến mất và thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của một sức sống mới.

Hoa xương rồng vẫn có thể nở trên sa mạc, chất anh hùng vẫn không phai trên mảnh đất này… Nước đã đưa về Khu Lê, sẽ làm thay đổi kỳ diệu nơi đây, cả rừng cây Neem chịu hạn bao trùm lấy những hàng cây trôm lấy mủ cho giá trị kinh tế cao, tạo nên một hệ sinh thái bền vững, khí hậu trở nên ôn hòa, mát mẻ. Du lịch sinh thái phát triển, đặc sản biển, con dông cát chiến khu sẽ làm cho kinh tế phát triển nhanh, mạnh và đời sống người dân sẽ khấm khá lên. Chắc chắn cái tên "vùng sa mạc" Chiến khu Lê chỉ còn trong dĩ vãng...

Cây Trôm, Tháng 10/2015

Hoàng Châu
.
.