Nước Mỹ - Nơi chúng tôi đã đến và tác nghiệp

Thứ Hai, 27/11/2006, 14:30

Nhóm nhà báo tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải với tấm visa Mỹ và chiếc phù hiệu trong tay tưởng sẽ tác nghiệp thoải mái, nhưng dù ở Trung tâm thị trường chứng khoán New York, cửa ra vào Toà nhà Quốc hội... tới đâu cũng đụng các nhân viên an ninh Mỹ.

Làm báo thời đất nước đổi mới và hội nhập, cùng với nhiều đồng nghiệp khác ở nước ta, thi thoảng tôi cũng được đến thăm và tác nghiệp ở một số quốc gia thuộc các châu lục. Mỗi chuyến đi là mỗi lần tích luỹ thêm những kinh nghiệm quý báu trong nghề làm báo. Một trong những chuyến đi mà đến giờ với tôi vẫn còn nhớ mãi là lần được tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - quốc gia mà chúng ta vẫn quen gọi là nước Mỹ.

Có thể nói, đây là chuyến thăm có tính lịch sử, mở ra một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước: Việt Nam và Hoa Kỳ. Những năm trước, để đến được nước Mỹ, người ta phải đi đường vòng, mất hai ngày, hai đêm và phải qua khá nhiều chặng bay. Còn bây giờ, khi tuyến đường hàng không hai nước đã khai thông, cũng phải ngồi trên máy bay suýt soát gần 20 giờ.

Đến Mỹ vào thời điểm này, dường như tất cả mọi người trong đoàn nhà báo Việt Nam đều có chung một cảm nhận là dư âm của vụ khủng bố 11/9/2001 đã tạm lắng, song các công việc kiểm soát an ninh tại các cửa khẩu ra vào nước Mỹ dường như vẫn rất gắt gao, bất biết người mang hộ chiếu công vụ hay phổ thông, khách VIP hay khách du lịch hoặc doanh nhân. Có chăng chỉ loại trừ những vị khách mời của Tổng thống nước chủ nhà.

Tác giả và đoàn nhà báo Việt Nam tháp tùng Thủ tướng thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Thực tế ấy, chúng tôi bắt gặp ngay từ những giây phút đầu tiên đặt chân đến sân bay Seatac ở thành phố Seattle, thủ phủ của bang Washington, một bang nằm ở miền Tây nước Mỹ. Yêu cầu đầu tiên của các nhân viên an ninh cửa khẩu sân bay là từng hành khách để hết hành lý xách tay lên băng chuyền chuyển qua máy soi, sau đó cởi áo comple và bỏ những đồ vật gì có kim loại như đồng hồ, điện thoại di động, máy ảnh, máy quay phim, máy tính xách tay cho đến chiếc bật lửa, bút máy v.v… và cuối cùng là đôi giày đang đi cho vào một chiếc chậu nhựa để các thiết bị làm việc.

Chưa xong, khi đi qua cổng an ninh, các nhân viên an ninh còn dùng máy quét lại từng người từ đầu đến chân. Tưởng đã hết, ai nấy đều thở phào. Nhưng đó mới chỉ kết thúc công đoạn một của cuộc hành trình đặt chân vào đất Mỹ. Công đoạn 2 bắt đầu là việc kiểm tra các valy hành lý của khách. Động thái trên đã kéo dài hàng giờ chờ và đợi của các hành khách tại sân bay. Nhưng làm sao được, khi đó là việc làm của nước Mỹ thời hậu vụ khủng bố 11-9.

Sau chặng kiểm soát gắt gao ở cửa khẩu sân bay Seatac, nhóm nhà báo tháp tùng Thủ tướng với tấm visa Mỹ và chiếc phù hiệu trong tay tưởng sẽ tác nghiệp thoải mái, nhưng dù ở Trung tâm thị trường chứng khoán New York, cửa ra vào Toà nhà Quốc hội... tới đâu cũng đụng các nhân viên an ninh Mỹ. Dẫu biết rằng, đó là nhiệm vụ của họ, song kiểm soát quá chi tiết thì mặc nhiên cũng cảm thấy khó chịu.

Có lẽ trong cuộc đời làm báo, tôi cũng như các đồng nghiệp đi theo đoàn sẽ không thể nào quên cái buổi sáng ngày 21/6/2005, cái ngày mà chúng tôi được đặt chân vào Nhà Trắng, nơi được coi là trái tim của nước Mỹ, nơi hoạch định các chính sách đối nội và đối ngoại có liên quan trực tiếp đến đời sống quốc tế. Nơi đây vào buổi sáng hôm ấy diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với Tổng thống nước chủ nhà G.W. Bush.

Do biết trước thông tin về thời gian diễn ra cuộc gặp lịch sử ấy nên trước đó nhóm nhà báo Việt Nam được bạn bố trí đến đây khá sớm. Tưởng đâu có tấm phù hiệu trong tay, lại có hai tuỳ viên báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ và Sứ quán ta dẫn đường, chỉ lối, thì chuyện ra vào khu vực Nhà Trắng dễ như trở bàn tay. Ai dè vừa đến cổng Nhà Trắng nằm trên đại lộ Pensylvania ở Thủ đô Washington, cánh nhà báo bị chặn lại. Động tác đầu tiên của các nhân viên an ninh canh giữ Nhà Trắng là rà soát tên từng người xem có khớp với tên và ảnh trong visa, hộ chiếu hay không. Chưa xong, những tên, tuổi ấy lại phải khớp từng chi tiết với văn bản của Bộ Ngoại giao Mỹ trát xuống. Ai đúng tên, khớp tuổi thì vào, ai có chi tiết không đúng thì tạm đứng ngoài.--PageBreak--

Khi đã vào được căn phòng làm việc của nhóm an ninh bảo vệ Nhà Trắng coi như mới chỉ xong một công đoạn. Đoạn trình tiếp theo là tất cả các phương tiện tác nghiệp như máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim của nhà báo buộc phải để riêng ở một khu vực. Tại đó đã có sẵn các chú chó nghiệp vụ “săn sóc” nhằm phát hiện các chất nổ, chất cháy. Còn chúng tôi, thì lần lượt bước qua cổng từ. Hoàn tất các thủ tục ấy mất đứt gần 40 phút.

Tưởng thế là xong, từ trong khuôn viên Nhà Trắng bước vào phòng Bầu dục, nơi diễn ra cuộc họp báo chung giữa Thủ tướng nước ta với Tổng thống nước chủ nhà, cánh báo chí lại phải qua một cổng gác an ninh nữa. Lại đếm và soát tên từng người xem có trùng khớp với cái danh sách mà Văn phòng Nhà Trắng nhận được hay không. Nêu ra các chi tiết ấy, chúng tôi muốn nói với bạn đọc rằng, đoạn trình vào Nhà Trắng ở Thủ đô nước Mỹ mới khó nhọc làm sao.

Thời chưa xảy ra vụ khủng bố 11-9, tôi được biết Nhà Trắng mở cửa cho khách du lịch vào thăm. Còn bây giờ, vì lý do an ninh và phòng chống khủng bố, việc đó đã bị bãi bỏ. Qua câu chuyện với các bạn đồng nghiệp Mỹ tại khuôn viên Nhà Trắng tôi mới hiểu, thì ra dư âm vụ khủng bố 11-9 vẫn ngập tràn từng căn nhà của người dân thành phố Washington.

Buổi tối họ thường đi ngủ sớm, ít đi ra ngoài khiến phố xá nơi đây rất vắng, còn các khu vui chơi giải trí, cảnh sát đều có thông báo nhắc nhở người dân cảnh giác trước những việc làm liều lĩnh của bọn khủng bố. Thật là một cảnh tượng khác xa so với ở Việt Nam ta, xứ sở của hoà bình và ổn định.

Tranh thủ lúc chờ đợi cuộc họp báo diễn ra, tại phòng Bầu dục nằm ở cạnh khu vực vườn hồng Nhà Trắng, tôi tiến lại gần một ký giả người châu Á. Ông chủ động bắt tay tôi và tự giới thiệu tên là Phạm Bội Hoàn, người đã có 36 năm làm việc cho CBS News. Hà Nội là quê hương ông, trước đây gia đình ông sinh sống ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Theo lời ông thì ngần ấy thời gian, ông đã có nhiều lần vào tác nghiệp tại Nhà Trắng. Tiếp cận với nhiều đời Tổng thống Mỹ; trong đó có lần ông cùng các đồng nghiệp Mỹ tháp tùng Cựu Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam.

Tôi hỏi: "Tác nghiệp ở Nhà Trắng, cần có tố chất gì?". Ông cười và trả lời: "Phải tập đi thật nhanh, có lúc phải vừa chen, vừa chạy; vì người Việt Nam mình nhỏ bé so với các đồng nghiệp ở đây". Thế rồi chả hiểu ông lấy thông tin từ đâu, ông buột miệng nói: "Hôm nay Tổng thống Bush sẽ nói "Yes", ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Các bạn lo chuẩn bị câu hỏi đi. Tôi tin ông ấy sẽ trả lời như thế”.

9h40’, theo chương trình thì cuộc họp báo của hai nhà lãnh đạo bắt đầu, nhưng do cuộc hội đàm kéo dài hơn dự kiến nên mãi đến 10h00’, bà Mary, nhân viên báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ mới ra hiệu để chúng tôi tiến vào phòng Bầu dục.

Theo thông lệ, sau phần phát biểu của hai vị lãnh đạo, mỗi người sẽ tiếp nhận và trả lời hai câu hỏi của các nhà báo trong và ngoài nước. Nhưng lần ấy do sức ép về thời gian nên cả Tổng thống Bush và Thủ tướng Việt Nam sau khi có bài phát biểu ngắn đã bắt tay nhau rồi cùng bước vào gian phòng phía trong của phòng Bầu dục để lại sự tiếc nuối cho các ký giả tham dự cuộc họp báo.

Mặc dù vậy toàn bộ nội dung cuộc họp báo cũng như toàn văn bản tuyên bố chung của hai Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ hôm ấy chỉ ít phút sau đã được phát ra trên toàn thế giới. Đó là bức thông điệp được phát ra từ Thủ đô của Hoa Kỳ, mở ra một chương mới trong sự hợp tác của hai nước mà những người làm báo chúng tôi đã góp phần chuyển tải các thông tin ấy đến với bạn đọc ở quê nhà.

Sau sự kiện lịch sử đó, ngay buổi tối ngày 21/6/2005, tại khách sạn nơi đoàn ở đã diễn ra một sự kiện khác, đó là cả Thủ tướng và các thành viên trong đoàn đã đến chia vui với đoàn Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6. Cuộc gặp mặt ấm cúng và thân tình ấy khiến cánh báo chí Việt Nam đi theo đoàn ai cũng cảm động và tự hứa với chính mình sẽ đem hết lòng nhiệt huyết của người cầm bút hoàn thành nhiệm vụ được giao

.
.