Nữ văn sĩ George Sand: Người đàn bà giàu năng lượng yêu thương

Thứ Tư, 15/12/2010, 10:23
Với một di sản đồ sộ, gồm 25 tiểu thuyết, 7 cuốn tiểu luận và nhiều vở kịch, tài năng văn chương của George Sand đã chinh phục được người đọc từ tầng lớp bình dân tới những người khó tính nhất. Văn hào Pháp Flaubert cho biết, ông rất phục tài kể chuyện của George Sand. Bản thân văn hào Nga Dostoeivski cũng nói, ông chịu ảnh hưởng sáng tác của bà...

Là nữ văn sĩ nổi tiếng bậc nhất nước Pháp thế kỷ XIX, trong hơn bảy mươi năm của cuộc đời mình, George Sand (1804-1876) đã luôn khuấy động dư luận bởi các tác phẩm có nội dung bứt phá, kêu gọi sự "cởi trói" cho những tình cảm riêng tư của con người, cũng như bởi chính những mối tình "kinh thiên động địa" của mình. Chí ít thì trong những năm tháng trẻ trung, bà đã có hai thiên tình sử được hậu thế mãi lưu truyền: Đó là mối tình bất hủ với thi sĩ lớn của nước Pháp Alfred de Musset và với thiên tài âm nhạc người Ba Lan Frédéric Chopin. George Sand thực sự là người đàn bà hấp dẫn. Không dưng mà Gustave Flaubert, tác giả của "Bà Bovary" đã phải nhận xét: "Phải quen nàng như ta đã từng quen biết mới thấy được hết thảy những gì là nữ tính trong trái tim con người vĩ đại này".

George Sand tên thật là Amantine Aurore Lucile Dupin. Bà sinh ngày 1/7/1804 tại Paris, trong một gia đình mà cha là một sĩ quan quân đội, mẹ xuất thân từ tầng lớp bình dân. Bởi cha mất sớm, thuở nhỏ, George Sand chủ yếu sống với bà, rồi sau đó vào tu viện. Năm 1821, ở tuổi 17, George Sand kết hôn với Nam tước Casimir Dudevant. Cuộc hôn nhân hoàn toàn mang tính sắp đặt chứ không xuất phát từ tình yêu. Sau khi sinh đứa con trai đầu lòng - Maurice, quan hệ giữa hai người ngày càng xung khắc. George Sand bị rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý. Trong một lần đến khám tại nhà một thầy thuốc ở Paris, George Sand đã gặp lại Stéphane Ajasson de Grandsagne, chàng trai bà từng gặp và đem lòng "thầm yêu trộm nhớ" tại Nohant sáu năm trước. Ngày 13/9/1828, người con thứ hai (cô bé Slolange) của George Sand ra đời. Nhiều người cho rằng, chính Ajassion de Grandsagne, chứ không phải Casimir Duevant mới là cha đẻ của đứa bé. Gia đình Dudevant rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Casimir lao vào các cuộc rượu chè, gái mú, ngày càng tỏ ra thô bạo với vợ con. Thế không đừng được, hai người phải đi đến một thỏa thuận: Casimir ở lại Nohant, còn George Sand sống một nửa thời gian trong năm tại Paris.

Năm 1830, George Sand có mối quan hệ ngoài hôn nhân với Jules Sandeau - một luật sư kém tuổi mình. Chính Sand đã chủ động "mách bảo" cho Jules Sandeau cách vượt rào, đột nhập vào phòng ngủ của mình khi người giúp việc và con cái đã ngủ say, còn ngài nam tước Casimir thì đang chìm đắm trong men rượu.

Cuộc tình lãng mạn này đã hướng George Sand vào con đường văn chương (bản thân Jules Sandeau cũng là một nhà văn). Nếu như trong năm 1831, bà từng cộng tác với người tình để viết chung tiểu thuyết "Hồng và Trắng", thì ngay sau đó, liên tiếp trong hai năm 1832, 1833, bà cho xuất bản các tiểu thuyết "Indiana", "Valentine", "Lélia". Cũng từ năm 1932, bà chính thức ký tên dưới ấn phẩm của mình là George Sand, một cái tên đầy "nam tính", trong đó, "Sand" là một nửa tên họ của Sandeau.

Tranh vẽ G.Sand và F.Chopin.

Sau khi những cuốn tiểu thuyết nói trên gây được tiếng vang lớn trong dư luận, Sand  phần nào thoát khỏi vòng cương tỏa của Casimir. Nhưng bà chỉ thực hiện được việc ly hôn với ông sau những trở ngại hết sức nặng nề vào năm 1835.

"Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ". Sau 3 năm quan hệ mật thiết, khăng khít với Sandeau, tháng 12/1833, George Sand đã lại cầm tay Alfred de Musset cùng nhau đến Venice tận hưởng phút giây say đắm của tình yêu. Về tuổi đời, Musset kém Sand tới 6 tuổi, nhưng điều đó không ngăn trở thi sĩ tài danh của nước Pháp lao vào người đàn bà dày dạn tình trường như một con thiêu thân.

Bằng sự dịu dàng và tinh tế của người phụ nữ, Sand đã khơi dậy "tố chất thiên tài" của một "chàng trai mới lớn" nhưng sớm rơi vào tình trạng chán chường, bế tắc. Những ngày tháng lãng mạn ngắn ngủi rồi cũng qua đi, song từ mối tình này, Musset đã để lại cho hậu thế những kiệt tác thể hiện cả sự nồng nàn tin yêu lẫn tiếng kêu đầy khắc khoải, đớn đau của sự ly biệt (các bài thơ "Đêm tháng năm", "Đêm tháng chạp", "Đêm tháng mười", "Đêm tháng tám", các vở kịch "Lorenzaccio", "Không đùa với tình yêu").

Với George Sand, sau Musset, cuộc phiêu lưu tình ái vẫn chưa dừng lại. Danh sách những người đàn ông nổi tiếng từng ngã vào vòng tay của bà còn dài: Đó là  Eugène Delacroix, Franz Lisztn và đặc biệt là thiên tài âm nhạc Frédéric Chopin. Mối tình của nữ văn sĩ với nhà soạn nhạc này gần như mang tính tổng hợp, nó vừa là tình bạn, vừa là tình yêu, và ngoài ra, còn là tình cảm của một người chị đối với một người em trai (cũng giống như Musset, Chopin kém Sand vừa đúng 6 tuổi), thậm chí là với một người con. Từng có lúc, Sand gọi Chopin là "đứa con thứ ba của tôi".

Thật ra, trong lần gặp đầu tiên giữa hai người (vào năm 1836) tại một khách sạn trên đường Lafitte ở thủ đô Paris hoa lệ, Chopin cũng tỏ ra chưa hẳn đã thiện cảm với người đàn bà này. Ông nói với một người bạn: "Sand thật là một người đàn bà khó thương quá! Không biết cô ta có phải là đàn bà không, tôi nghi ngờ lắm". Thời kỳ này, Chopin vừa trải qua một pha "thất tình" nên gần như ông không còn khả năng yêu được ai.

Hai năm sau, trong một lần trở về Paris, George Sand đã tình cờ gặp lại Chopin. Cả hai đang trong tình cảnh "giường không đơn chiếc". Sand đã chủ động đánh tiếng với Chopin qua một lá thư gửi bá tước Albert Grzymala, bạn thân của Chopin: "Nếu tôi biết rằng Chopin đã dành tình yêu cho ai thì tôi quyết không xen vào phá rối một tâm hồn đã dành cho người khác. Và anh ấy cũng vậy, nếu Chopin biết rằng tôi như hoa có chủ...".

Năm ấy, George Sand đã 34 tuổi. Còn Chopin mới 28. Trước sự lão luyện về sử dụng ngôn từ, Sand đã hoàn toàn "đốn quỵ được Chopin. Vả chăng, trong tình cảnh một người bị bệnh lao, Chopin cũng muốn có một người đàn bà ngày đêm săn sóc, nâng giấc cho mình. Sand đưa chàng nhạc sĩ trẻ đến bác sĩ Gaubert khám bệnh. Ông này yêu cầu Chopin phải được tĩnh dưỡng. Thế là, ngay lập tức, hai người bắt đầu chuyến nghỉ mát ở đảo Baléares. Để tránh sự dèm pha của người đời, George Sand đã khôn khéo dẫn theo hai con của mình là Maurice và Solange để "nghi binh". 

Tại hòn đảo thơ mộng, nhiều đêm Sand ngồi mơ màng nghe Chopin dạo những bản đàn êm ái. Nhà họ luôn chật khách bởi cả hai đều là những tên tuổi được săn đón thời ấy.

Mặc dù trong suốt cuộc đời mình, Chopin không có tác phẩm nào chính thức đề tặng George Sand (như ông từng đề tặng Marie Wodzinska hay Konstancja, những cô gái có tình cảm sâu nặng với ông thuở đầu đời), song theo các nhà nghiên cứu thì nếu phải chọn ra một người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của Chopin thì đó không phải ai khác mà chính là George Sand. 10 năm chung sống với bà chính là 10 năm Chopin đạt tới đỉnh cao trong sáng tạo. Có thể nói, không ai hiểu Chopin hơn Sand.

Kể từ những tác phẩm đầu tay cho đến sau này, hầu hết tác phẩm của George Sand đều mang tính tự thuật. Cuộc hôn nhân tan vỡ của bà Delmare trong tiểu thuyết "Indiana" cũng chính là cuộc hôn nhân tan vỡ của tác giả ở ngoài đời. Qua tác phẩm này, George Sand đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo sự bất công của pháp luật trong hôn nhân. Bà đã phá tung mọi quy định khắt khe của xã hội và công khai bày tỏ những đam mê nhục cảm. Sand được xem là người đàn bà "giàu năng lượng yêu đương", biết thụ hưởng những giá trị đích thực của tình yêu. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét một cách thấu đáo rằng: George Sand là người biết hoan lạc nhưng không trụy lạc. Bà là một nghệ sĩ lớn với những tình yêu lớn. 

Với việc thể hiện sự đau đớn vì bất lực trong tình dục của nàng Lélia xinh đẹp (nhân vật trong tác phẩm cùng tên), Sand là nữ sĩ đầu tiên trên thế giới đã dám nói  ra những điều mà tất cả chị em đều nghĩ đến nhưng rất hiếm người đủ can đảm để bộc lộ. 

Với một di sản đồ sộ, gồm 25 tiểu thuyết, 7 cuốn tiểu luận và nhiều vở kịch, tài năng văn chương của George Sand đã chinh phục được người đọc từ tầng lớp bình dân tới những người khó tính nhất. Văn hào Pháp Flaubert cho biết, ông rất phục tài kể chuyện của George Sand. Bản thân văn hào Nga Dostoeivski cũng nói, ông chịu ảnh hưởng sáng tác của bà. Còn văn hào Victor Hugo, người cùng thời với George Sand thì không tiếc lời tụng ca: "Bà là người đàn bà thứ nhất, theo quan điểm nghệ thuật, không chỉ ở thời đại chúng ta, mà ở trong tất cả mọi thời đại".

Lại nhớ, trong ngày tiễn nữ văn sĩ về với Đất Mẹ (tháng 6/1878), Victor Hugo đã viết: "Tôi khóc một người đã khuất, tôi chào một người bất tử"

Trần Trọng Nghĩa
.
.