Nữ văn sĩ Elfriede Jelinek - Sự phản kháng của phái yếu

Thứ Sáu, 17/07/2009, 09:30
Trước "thềm" của giải Nobel Văn học năm 2004, nhiều người trong giới chuyên môn dự đoán giải thưởng sẽ thuộc về một trong ba gương mặt nữ sáng giá: Nhà văn  Assia Djebar Algeria, nhà thơ Đan Mạch Inger Christensen và  Joyne Caral Oates nhà văn Mỹ. Nhưng rốt cuộc, giải đã được trao cho Elfried Jelinek, nữ nhà văn Áo viết tiếng Đức hàng đầu thế giới đương đại.

Mười tám thành viên suốt đời của Viện Hàn lâm Thụy Điển, trong đó có bốn vị là nữ đã bỏ phiếu kín chọn Jelinek, với lý do: "Những dòng chảy âm thanh và phản âm thanh đầy nhạc tính trong tiểu thuyết và trong kịch của Elffriede Jelinek, với năng lực tu từ ngoại hạng đã phát lộ cái bất hợp lý của những sáo mòn trong xã hội cùng các quyền uy chinh phục của chúng... Thông qua những trang viết của bà, truyền thống phụ nữ dị giáo được hình thành và nghệ thuật văn chương được mở rộng. Bà không thương lượng với xã hội hay với thời đại của mình, bà cũng chẳng thích nghi với độc giả...

Nếu văn học theo định nghĩa là một sức mạnh không uốn mình trước bất cứ điều gì, thì trong thời đại chúng ta, bà là một trong những đại diện chân chính nhất của nó"... Quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển không chỉ gây bất ngờ đối với giới chuyên môn, mà còn bất ngờ ngay với chính bản thân người được trao giải.

Cuộc đời cầm bút của Elfriede Jelinek thêm một lần nữa chứng minh: Lao động nhà văn là loại hình lao động hết sức đặc biệt, nhọc nhằn, đòi hỏi người tham gia phải có tư chất và năng khiếu văn chương thiên phú. Nếu thiếu đi một trong hai điều này, dù có cố đến mấy cũng không thể sáng tác nổi một câu thơ, một trang sách, đừng nói gì đến những thiên tiểu thuyết, những kịch bản có tầm thời đại khiến hết thảy công chúng phải kính nể.

Elfriede Jelinek sinh ngày 20/6/1946 tại thị trấn Murzzuschlag, tỉnh Styria, nước Áo. Bà lấy chồng người Đức và cuộc sống của bà luôn dịch chuyển qua lại giữa Áo, Đức, Italia. Cha của Jelinek là một nhà hóa học người Czech gốc Do Thái, còn mẹ là tín đồ Thiên Chúa giáo người Rumani gốc Đức, tính tình hà khắc. Những muốn con gái trở thành thần đồng âm nhạc, hai ông bà đã vô tình tạo cho Jelinek những áp lực nặng nề. Ngay từ nhỏ, Jelinek đã được cha mẹ cho học đàn piano, organ, tiêu, rồi tiếp tục học sáng tác ở Nhạc viện Vienna.

Sau khi Jelinek tốt nghiệp trung học, họ lại bắt Jelinek học Lịch sử Mỹ thuật và Kịch nghệ tại Đại học Vienna. Khi đã trưởng thành, đã hơn một lần Jelinek cay đắng thừa nhận "người cha có khuynh hướng xã hội và người mẹ Thiên Chúa giáo tư sản - hai thế giới ấy đụng độ nhau trong tôi và nghiền nát tôi". Đây là một trong những lý do dẫn đến những "phản kháng" trong các tiểu thuyết của Jelinek. Nhưng dẫu sao cũng phải thừa nhận rằng, hai ông bà đã có công hướng cho cô con gái độc nhất học những nghề nếu xem qua chẳng có gì kiên quan đến nghề viết, nhưng thực ra đã tạo "nền tảng" cho một người làm nghệ thuật văn chương.

Giống như phần đông các văn sĩ, Jelinek chập chững bước vào địa hạt văn chương bằng những vần thơ non nớt nhưng "thật lòng" và rung cảm. Nhưng chỉ ngay sau khi ra tập thơ đầu mang tên "Bóng của Lisa", Jelinek chuyển ngay sang viết tiểu thuyết và sau đó là viết kịch, vì cảm thấy "chỉ có một phần trăm nhân loại quan tâm và hiểu được thơ", vì thơ hầu như không tải hết những tư tưởng, những dự báo, những phản kháng của người cầm bút đối với xã hội đương thời...

Đọc Jelinek, độc giả cảm nhận được những dòng chảy bất tận của một sự "phản kháng", không phải là sự phản kháng về ách áp bức bóc lột theo nghĩa đơn thuần, mà là phản kháng lại những cách thức, những lề thói, những quy ước trói buộc và bóp nghẹt cái phần "người" trong mỗi "con người".

Ngay từ tiểu thuyết đầu tay "Bé ơi, chúng ta là những con mồi" xuất bản lần đầu năm 1970, Jelinek đã lựa chọn cho mình một mảng đề tài rất nhạy cảm và cực "sốc": Bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Hầu như tất cả các tác phẩm của Jelinek, bao gồm tiểu thuyết, kịch bản truyền thanh và sân khấu... đều là sự biến tấu trên một chủ đề: "tính dục nữ và sự xung đột của phái tính", "sự tưởng chừng bất khả của nữ giới trong việc tự tìm kiếm bản thân mình một cách toàn diện, để họ không bị đối xử như những hình mẫu rập khuôn". Độc giả có thể tìm thấy sự "biến tấu" này trong hàng loạt tác phẩm tiếp theo của bà: "Michael: một cuốn sách trẻ con cho tụi nhóc", "Khi mặt trời lặn là lúc đóng cửa hàng", "Những cô người tình", "Những kẻ bị cấm cửa", "Khát dục", "Cái chết và cô gái", "Cô giáo dạy dương cầm"... Tất cả những cuốn sách đó đều "chủ ý phơi bày một thế giới tàn bạo, ở đó người đọc phải đương đầu với một thể chế của bạo lực và quy phục mà đối tượng phải chịu đựng là những người phụ nữ ở mọi lứa  tuổi".

Tiểu thuyết "Cô giáo dạy dương cầm" là câu chuyện về Erika Kohut, một nữ giảng viên nhạc viện Vienna, người đã được bà mẹ quyền uy của mình "định hình" từ thuở ấu thơ. Erika không hề muốn trở thành nhạc sĩ nổi tiếng vì cô biết mình không có tài năng. Nhưng cô không thể phản kháng nổi sự áp đặt hà khắc của bà mẹ. Trong "Cô giáo dạy dương cầm", Jelinek đã bóc trần những gì được coi là cấm kị của cuộc sống văn hóa trong một gia đình người Áo, trình diện cho chúng ta thấy một cô giáo dương cầm nghiêm trang, ăn mặc đỏm dáng và khéo léo lại sa đọa đến mức luôn lén lút dòm ngó những màn trình diễn khiêu dâm, rình mò những cặp trai gái làm tình và luôn thủ trong người một lưỡi dao cạo, dùng nó để dấm dúi cắt da thịt mình...

Cuốn sách đã phơi bày mối quan hệ không bình thường giữa cô giáo và bà mẹ độc đoán. Kohut còn "xé rào" quan hệ tình dục lén lút với cậu học trò của mình. Những trang cuối của cuốn tiểu thuyết là cảnh cô giáo bị cậu học trò nện cho một trận nhừ tử, phải cố lết về nhà, máu chảy ròng ròng trên lối đi...Tất cả những câu chuyện có vẻ như trái chiều đó được Jelinek kể bằng một thứ "văn phong linh hoạt, tỉnh bơ, bóng loáng như các mốt của thời hậu hiện đại, cái thứ văn phong không cố tình dấy lên ở độc giả một cảm xúc nào; một thứ văn phong nó chỉ là nó, được biểu hiện qua những quy chiếu mang tính liên văn bản và hoàn toàn chỉ là chữ nghĩa của riêng nó".

Giống như tất cả các tác phẩm khác của Jelinek, "Cô giáo dạy dương cầm" nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, gây tranh cãi gay gắt, nhưng lại được đạo diễn nổi tiếng người áo Michael Haneke dựng thành bộ phim cùng tên. Bộ phim đã đoạt ba giải thưởng trong Liên hoan phim Cannes năm 2001.

Có thể ví Jelinek như một cây đàn đa thanh. Bà không chỉ viết tiểu thuyết mà còn viết kịch, đồng thời là một dịch giả uyên thâm. Bà từng dịch tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng thế giới, như Thomas Pynchon, Georges Feydeau, Eugene Labiche, Christopher... Trước khi đến với giải Nobel, bà từng nhận 20 giải thưởng, bao gồm các giải thưởng trong nước và quốc tế về văn chương, kịch nghệ, sân khấu truyền thanh. Về một phương diện nào đó, các giải thưởng này đã "dọn đường" cho Jelinek đến với giải thưởng văn chương cao quý nhất.

Không chỉ là tác giả của những tác phẩm gây sốc, bản thân Jelinek cũng nổi tiếng là một cây bút luận chiến dũng cảm với một website luôn chuyển tải những bình luận về các vấn đề nóng bỏng. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, Jelinek tạm rời xa mảng đề tài "bạo dâm" của phái nữ để tập trung vào tấn công chủ nghĩa phát xít, bao gồm những tội ác trong quá khứ và những mầm mống mới trỗi dậy. Cùng với "Thời tuyệt vời, tuyệt vời" , "Lũ trẻ chết chóc", "Nhà hát Burg", Jelinek chỉ trích quyết liệt việc nước Áo từng dính líu với Đức Quốc xã và sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan chính trị. Bà gọi Áo là "một quốc gia của tội phạm".

Để đối phó lại một nhà văn thuộc phái "chân yếu tay mềm", năm 1998 nhà cầm quyền Áo ra lệnh cấm trình diễn các vở kịch của Jelinek. Đối lại, Jelinek đe dọa sẽ rời khỏi Tổ quốc và không cho phép trình diễn kịch của mình tại các nhà hát Áo.

Nếu ai đó ưa thích một giọng văn mượt mà, một kết cục dễ nắm bắt, một quy tắc không bị xáo trộn, một kết thúc sạch sẽ, có hậu... sẽ cảm thấy thất vọng khi đọc Jelinek. Phần đông độc giả đều cảm thấy rất khó khăn trong việc cảm thụ  văn chương của Jelinek, vì "bản chất những trang viết của Jelinek thường khó xác định. Bởi chúng trượt giữa văn xuôi và thơ ca, giữa thần chú và thánh ca, ẩn chứa những hồi kịch cùng những trường đoạn phim", vì ngôn ngữ của bà là thứ "ngôn ngữ của truyện khôi hài hay ngôn ngữ báo chí, quảng cáo... trộn lẫn chúng thành một thứ văn quái dị trong những trang viết phê phán xã hội đương thời".

Jelinek là một trong rất ít nhà văn đương đại không có mặt tại lễ trao giải Nobel diễn ra tại Thụy Điển năm ấy

Mai Hiền
.
.