Nữ tác giả đoạt giải văn học thiếu nhi lớn nhất hành tinh: Xứng danh "đàn chị"

Thứ Năm, 05/06/2008, 13:00

Ngày 28/5 vừa qua, lễ trao giải thưởng văn học thiếu nhi lớn nhất hành tinh mang tên Astrid Lindgren đã vinh danh một cây bút nữ Australia đang còn rất trẻ, với những đề tài và nhân vật dễ khiến người đọc... giật mình!

Giải thưởng lớn cho dòng văn học nhỏ

Ngay sau khi tác giả "Pippi Tất Dài" qua đời (năm 2002), Chính phủ Thụy Điển đã quyết định thành lập Giải thưởng Văn học quốc tế tưởng nhớ nữ văn sĩ Astrid Lindgren (1907-2002).

Đây là một giải thưởng văn chương hết sức độc đáo, vì nhiều lẽ. Thứ nhất: chỉ xét trao giải cho tác phẩm văn học nhằm vào lứa tuổi thiếu nhi; thứ hai: giá trị giải thưởng rất cao (5 triệu kronor, hoặc 550.000 euro, hơn 13 tỉ đồng tiền Việt); và thứ ba: danh tính người được giải chỉ công bố tại Vimmerby - quê hương của Astrid Lindgren.

Được biết, Ban giám khảo Giải thưởng A. Lindgren do Ủy ban Văn hóa Thụy Điển chỉ định, gồm 20 vị là nhà văn, học giả, nhà phê bình văn học, nhà quản lý thư viện, họa sĩ và Annika - người cháu của nữ văn sĩ Astrid Lindgren hiện cũng đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản.

Giải thưởng A. Lindgren những năm trước đã vinh danh 5 cá nhân và một tập thể: Maurice Sendak (Mỹ, 2003), Lygia Bojunga Nunes (Brazil, 2004), Philip Pullman (Anh) và Ryôji Arai (Nhật Bản, 2005), Katherine Paterson (Mỹ, 2006) và dự án từ thiện Banco de Libro, vì đã có cống hiến to lớn kích thích sự ham đọc của thiếu nhi Venezuela. Nối tiếp bản danh sách vẻ vang đó, là Sonya Hartnett…

Sonya Hartnett giành chiến thắng năm nay, vượt qua tổng số 155 ứng viên đại diện của 61 quốc gia. Theo thông báo của Ban giám khảo thì “đây là người đáng kể nhất trong số các nhà cách tân tiểu thuyết hiện đại dành cho thiếu niên, bằng tài nghệ kể chuyện và ngôn ngữ tinh diệu, tuyệt vời đã viết được những cuốn sách hay, có nhiều phát hiện tâm lý mà vẫn không né tránh những mặt u tối của cuộc sống. Các tác phẩm của chị là ngọn nguồn của sức mạnh".

Tuổi mới lớn và giai đoạn bản lề

Về nguyên tắc, ở những nước Anh, Mỹ, Australia và New Zealand, nhân viên thư viện không được phép giao cho một cô cậu nào đó mới đang học cấp tiểu học một cuốn truyện có ghi chú "YA" ("Young Adult") - đó là sách dành riêng cho người đọc ở lứa tuổi mới lớn, từ 17 đến 21. Hai chữ "YA" gắn liền với sáng tạo của Sonya Hartnett.

Sonya Hartnett cất tiếng chào đời năm 1968 tại Melbourne, bang Victoria (Australia), từ nhỏ chỉ mong ước sau này trở thành người trông coi vườn thú. Bây giờ, khi đã là một nhà văn nổi tiếng, chị thấy cách đối xử của người đời đối với muông thú là quá ư tàn bạo, khiến chúng bị "bật tận gốc trốc tận rễ" - thực tế đó quả là đã giết chết mọi sự tưởng tượng của chị. Chị coi nghề đáng sợ nhất là nghề đánh bẫy chó, mèo vô chủ, còn âm thanh kỳ diệu nhất, đó là tiếng sủa thân thiện của… con cún nhà mình - những điều này đều được chị kể lại trong các cuốn sách.

Khởi nghiệp văn chương rất sớm: Năm 13 tuổi, Sonya Hartnett đã viết hẳn một thiên tiểu thuyết và hai năm sau mới cho xuất bản - đó là cuốn "Kiểu gì cũng vẫn rắc rối" (1984). Tiếp đó chị đều đặn công bố những tác phẩm mới của mình: "Lấp lánh và hoa đêm" (1986); "Nhà kính" (1990); "Màu xanh cố hữu" (1994, Giải thưởng Sách thiếu nhi quốc tế IBBY-1996); "Những con chó đang ngủ" (1995, được nhiều giải thưởng trong nước); "Lũ cáo đen" (1996); "Cái then cửa quái quỷ" (1996); "Những chàng hoàng tử" (1997); "Cả lũ bạn bè nguy hiểm của tôi" (1998); "Con sói nổi sọc khi quay ngang" (1999); "Đứa trẻ ngày thứ Năm" (2000) được rất nhiều giải thưởng); "Rừng" (2001); "Chuyện một cậu bé" (2002); "Con lừa bạc" (2004); "Quy hàng" (2005); "Phong cảnh và động vật" (2006); "Con đẻ của hồn ma" (2007)…

Mỗi cuốn sách mới của Sonya Hartnett ra đời đều tạo nên những cuộc bình luận sôi nổi trong giới bạn đọc và phê bình văn học. Có nhiều tác phẩm được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới - kể cả ngôn ngữ Hán, gặt hái nhiều thành công trên văn đàn, song Sonya Hartnett vẫn không ngừng học tập.

Chị đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, và trong cuộc sống vẫn tự liệt mình "thuộc vào số những nhà đạo đức đáng gờm". Những thành công đó quả là đáng chóng mặt đối với một phụ nữ tính nết e dè, như chính nhà văn từng có lần tâm sự.

Người gỡ rối cho con em mới lớn

Nhưng khi sáng tác, điều quan tâm chủ yếu của Sonya Hartnett lại là con người ở tuổi mới lớn, và tại giai đoạn bản lề của cuộc đời khi bắt đầu gia nhập cái thế giới khắc nghiệt, tàn bạo của người lớn, trang thiếu niên, nàng thiếu nữ nào cũng mong tìm thấy bản thân mình trong đó…

Không chịu đi theo lối mòn của người khác - thường là tình cảm mùi mẫn, hoặc là giáo huấn nghiêm trang, hoặc là ly kỳ, mạo hiểm - nhà văn này thích chọn nhân vật chính là những cô, cậu ở diện "cá biệt", tinh quái, quyết liệt và đơn chiếc.

Chẳng hạn, Sonya Hartnett kể chuyện nữ nhân vật Luis (trong "Cả lũ bạn bè nguy hiểm của tôi") không chịu ngồi nhà, lêu lổng cùng lũ bạn và sa đà vào tiêm chích, trộm cắp với nhiều chuyện nghịch ngợm khác khiến người lớn sởn tóc gáy. Còn cậu bé Gabriel (trong "Quy hàng") xuất thân từ gia đình tử tế nhưng từ nhỏ đã gây nên cái chết cho người anh ruột thiểu năng và trở thành chiến hữu của những đứa trẻ điên rồ, lêu lổng…

Đấy là những cô cậu rất muốn hòa nhập với thế giới xung quanh, nhưng chúng cũng rất thiếu hiểu biết về các mối quan hệ con người nên thường suy xét một cách độc đoán và thiếu kinh nghiệm, do đó mà lâm vào những hoàn cảnh bế tắc, thậm chí nguy hiểm...

Cuốn sách mới nhất của Sonya Hartnett là "Con đẻ của hồn ma" - câu chuyện trữ tình về một cậu bé thông qua trí tưởng tượng của một phụ nữ luống tuổi, và chính cậu đã khiến bà phải một lần nữa nhìn lại tuổi thơ của mình, nhìn lại tình yêu đơn phương của mình đối với người bạn trẻ không quen biết...

Trong hành trình sáng tạo của mình, Sonya Hartnett là tác giả không chịu kê đầu lên thành công đã có để mà… ngủ tiếp. Và chị đã thử làm một cuộc đột phá có tên "Phong cảnh và Động vật" vào năm 2006.

"Phong cảnh và Động vật" là câu chuyện về tình yêu giữa một người phụ nữ độc thân với một người đàn ông đã có gia đình. Mối quan hệ của họ được xây dựng trên cơ sở sự đam mê mãnh liệt từ cả hai phía, đặc biệt là về phương diện cảm xúc, cho nên trong cuốn tiểu thuyết này, tất yếu phải có những trang mô tả cảnh nhạy cảm về sự gặp gỡ ái ân của cặp tình nhân.

Đây là một cuốn sách viết khá táo bạo về tình dục, nhưng đây cũng là một tác phẩm về sự mất mát của con người và những điều thiêng liêng khác mà con người mong mỏi được hiến dâng, nên Nhà xuất bản quyết định ấn hành dưới một bút danh lạ hoắc.

Thiết nghĩ, nếu cuốn "Phong cảnh và Động vật" lấy tên thật của Sonya Hartnett, thì nó có thể được xếp nhầm sang tủ sách dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, khi ấy, sẽ không bên nào muốn lãnh hậu quả từ những chuyện ầm ĩ phát sinh. Nhưng rồi mọi chuyện cũng vỡ lở, người ta cho rằng Sonya Hartnett dùng bút danh Cameron S. Redfern là muốn lẩn tránh trách nhiệm đối với một tác phẩm của mình, phải chăng đây là một chiêu tiếp thị rẻ tiền để bán sách?

Trên thực tế, những suy đoán này đều không đúng sự thật, nhưng thói quen nghi ngờ về các phương thức tiếp thị sách đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người nên tác giả khó lòng thuyết phục được người đọc tin vào thiện ý của mình. Vậy là Sonya Hartnett phải công khai giải thích: "Phong cảnh và Động vật" khác xa với những tác phẩm trước của mình, nó vốn nhằm vào một mục đích khác, một đối tượng độc giả khác, chủ đề của nó phức tạp hơn, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm hơn…

Chính vì những chuyện om xòm như thế, Sonya Hartnett đâm ra nghi hoặc: Phải chăng sách mình được ưa thích chủ yếu là vì mình biết chọn lựa từ mớ ký ức về tuổi thơ? Chị chọn lựa những gì? Cái cảm giác bất lực khi không thể hiểu biết và kiểm soát được thế giới xung quanh; nỗi cô đơn đáng sợ khi mất đi người bạn thân nhất của mình…

Song, chị cũng biết trân trọng những niềm vui hết sức giản đơn của trẻ nhỏ: từ hơi ấm lò sưởi trong phòng ngủ mùa đông đến chiếc kem bọc lớp chocolate mịn màng trong ngày hè, từ ít phút được xem phim hoạt hình theo "tiêu chuẩn xua cơn ngái ngủ" đến cảm giác được phóng xe đạp bon bon trên đoạn đường vừa trải nhựa v.v…

Nhưng điều quan trọng hơn cả là Sonya Hartnett đã rất rành mạch trong chọn lựa đối tượng bạn đọc của mình - lứa tuổi mới lớn và kéo theo đó là các bậc phụ huynh. Chị tâm sự: "Viết sách cho tuổi thiếu nhi, tuổi teen hay người lớn, tôi đã quen với việc phân biệt từng đối tượng độc giả mà mình hướng tới, quen với việc giải thích và bảo vệ cho những trang viết của chính mình và cũng quen với những áp lực khi cảm thấy cuốn sách của mình không phù hợp với độc giả được trù tính trước của nó".

Sonya Hartnett viết tiểu thuyết không có ý định giáo huấn, mà nhằm phản ánh quá trình trưởng thành, nhưng bằng giọng văn say đắm, tác giả vẫn duy trì một tiêu chí: không nên gây đau khổ cho con người cũng như loài vật, phải biết yêu quý thiên nhiên, biết đánh giá tri thức, biết phát triển trí tuệ! Nữ văn sĩ trẻ này có một niềm tin thiêng liêng: những cuốn sách hình thành nên nhân cách con người, những điều đọc được thời thơ ấu sẽ còn theo ta suốt cả cuộc sống sau này.

Tính giáo dục không bị rơi vào lối thể hiện khiên cưỡng và cảm tính - đó là phẩm chất quý trong sáng tạo của Sonya Hartnett và được các vị giám khảo giải Astrid Lindgren đánh giá cao

Đăng Bẩy
.
.