Nữ sĩ ngồi ngắm bóng mình đang khô

Thứ Hai, 13/11/2017, 08:23
Trong những nữ sĩ "tri thiên mệnh", tôi tương đối ấn tượng với Nguyễn Thị Ánh Huỳnh! Tôi dùng thơ để hiểu chị, như cách chị triết - tự tên mình: "Khi tên riêng vô ý viết thường/ Tôi mang danh từ chung chỉ loài đom đóm/ Nặng ơn mẹ hạ sinh khi ngày chưa rạng/ Lấy tên côn trùng dân dã đặt cho con".


Chẳng biết nhờ cơ duyên gì, hai thập niên đầu thế kỷ 21 ở Thành phố Hồ Chí Minh hình thành cả một đội ngũ nhà thơ nữ trên dưới 50 tuổi khá đông đảo. Bên cạnh nhiều tên tuổi đã gắn bó với duyên nghiệp làm thơ như Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Thị Kim, Phan Ngọc Thường Đoan, Tôn Nữ Thu Thủy…thì thật kỳ lạ, lại có vài nữ sĩ bất ngờ xuất hiện với giọng điệu và tâm tình khá riêng biệt.

Tôi tạm giải thích theo hai cách, có thể thời thiếu nữ các chị đã làm thơ nhưng giấu trong ngăn kéo đến bây giờ mới có nhu cầu chia sẻ cùng người khác, hoặc nỗi niềm chất chứa tháng ngày son trẻ gặp không khí văn hóa cởi mở nên có dịp trỗi dậy cảm hứng thi ca.

Trong những nữ sĩ "tri thiên mệnh", tôi tương đối ấn tượng với Nguyễn Thị Ánh Huỳnh! Tôi dùng thơ để hiểu chị, như cách chị triết - tự tên mình: "Khi tên riêng vô ý viết thường/ Tôi mang danh từ chung chỉ loài đom đóm/ Nặng ơn mẹ hạ sinh khi ngày chưa rạng/ Lấy tên côn trùng dân dã đặt cho con".

Điều đặc biệt trong thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh nằm ở sự trọng ý chứ không phải trọng lời. Người đàn bà sôi nổi ngoài đời không nhỏ nhẹ lên vần xuống điệu, mà cồn cào ném ra trang thơ những suy nghĩ dằn vặt và đau đớn: "Học thêm được cách bơi của cá/ Học cách thấu nghe hiểm nguy biển cả/ Để thương nơi cư ngụ mình: Ao-tự-do". Sự bất an thường trực khiến thơ chị luôn buông những câu ngắn trắc ẩn giãi bày.

Đây là minh chứng cho sự tự vệ của thi ca trước số phận, nhưng không khéo sẽ làm mất nét đằm thắm ưu việt của thơ nữ. Ngay cả lúc chị "Tự ru" cũng ngổn ngang xô dạt: "Anh hứa tặng em hết thảy phù sa/ Em chỉ nhận được dòng chảy lẻ/ Khi màu mỡ đã tận cùng dâng bể/ Chẳng cách gì/ Con lạch phải đành khô". 

Thỉnh thoảng Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cũng bộc lộ khao khát kiếm tìm chữ hay, chữ mới. Đáng tiếc, trò chơi ngôn ngữ của chị càng cầu kỳ thì càng nao núng: "Tiếng không gọi mà vang/ Lòng không bờ nên gió".

Chính lý do này mà Nguyễn Thị Ánh Huỳnh có nhiều bài lục bát tuy đầy gửi gắm vẫn bị chênh chao xa mờ: "Nỗi người cũng hóa mênh mông/ Xin cho ta với biển gồng gánh nhau/ Nhưng mà muối xót quá lâu/ Vết thương ngày đó không đau như giờ", hoặc "Bắt đền con sóng được đâu/ Vỗ lành bên lở lại đau bên bồi/ Trăng tràn để bãi bờ trôi/ Cắm sào đếm khoảng chơi vơi đời mình". Chỉ khi sự mẫn cảm vượt khỏi gồ ghề suy tư thì chị mới có những câu thơ thơm thảo đàn bà: "Lòng an nhiên trước trời đất thiếu thừa/ Thương hai ta nửa đời còn trắc trở/ Đi tìm vị ngọt đường/ Trong trái chanh chua".

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh sáng tác trong quan niệm về sự tồn tại của thi ca trong cuộc sống bận bịu hôm nay: "Thơ và người đọc hình như có lúc đang xa dần nhau. Sự thưởng ngoạn của công chúng càng đòi hỏi, càng kỹ tính thì sáng tác nhà thơ càng có giá trị. Điểm qua những gương mặt trẻ tuổi và trẻ về thơ của một số tác giả tôi nhận thấy người viết trẻ cần bổ sung thêm vốn sống, từng trải để nhìn thấy nhiều hơn những điều bên trong sự việc.

Làm thơ không phải là việc khó nhưng làm thơ hay để truyền đạt đến với người đọc thì không phải ai cũng có thể làm được. Thơ xuất bản nhiều quá, có số mà không có chất, người đọc một lần thấy không hay, từ đó làm họ quay lưng". Tôi tẩn mẩn đọc liền mạch hơn 100 bài thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh để hòng định vị những cột mốc trong thơ chị, nhưng hầu như thấy mất mát đổ dài qua thinh lặng. Chị đã gọi tên những mất mát ấy thành thơ.

Những câu thơ vừa dùng dằng níu kéo kỷ niệm vừa phờ phạc mong ngóng bình yên: "Mắt trắng đen mà nhận đủ sắc màu/ Thì hạnh phúc ngay trong hàng lệ chảy". Tôi tin rằng, phải bằng tinh tế yếu mềm phụ nữ mới nhận ra được sự thật tin cậy ấy. Bài thơ "Ánh lửa" dù nhiều câu, nhiều đoạn rời rạc nhưng cái thổn thức của một người đàn bà đã neo lại một tứ thơ: "Sáp hồng mua ở chợ một ngàn/ Ai tính được giá thương nhau ngọn lửa/ Người về chậm thản nhiên trời khép cửa/ Trong khoảng đợi của mắt anh/ Em lại thấy mình". 

Có thể hơi chủ quan, nhiều năm lọ mọ nghiền ngẫm hết thi tuyển này đến thi tuyển khác, tôi thấy rằng, cái cô độc trong thơ đàn ông lâu lâu lại hét lên như một lời rao giảng, còn cái cô độc trong thơ đàn bà lúc nào cũng để dành cho cam chịu và tha thứ. Ưu điểm của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là chọn những ý niệm gồ ghề mà các nhà thơ nữ Việt Nam thường né tránh.

Thế nhưng, khi Nguyễn Thị Ánh Huỳnh muốn chuyển tải những ý niệm gồ ghề theo cách lên giọng của đàn ông thì thơ chị lại nhang nhác giống vài nhà thơ nam. Chỉ lúc chị "Không dám tắt đèn" bằng mê đắm phụ nữ thì mới có những câu xao xác lòng: "Những người đàn bà làm như không biết khóc, chỉ quen cười/ Giữ đất cho bằng để người đàn ông nhớ mà quay về/ Còn người đàn bà phải bám vào gì, để đi qua miệng vực?".

Muốn trả lời câu hỏi mang bóng dánh định mệnh kia không đơn giản chút nào, nên chị hóa thân "người đi lượm nắng trời" lẫm chẫm niềm riêng bất tận: "Người đàn bà đi đâu ngày đông bão rớt/ Cười với mưa rừng tóc rối đại ngàn/ Lòng ngỡ gặp tình nhân thuở trước/ Biết đâu mình từ đấy lang thang". 

Ngoài mảng tình yêu chấp chới muộn màng cứ đeo bám dai dẳng, thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cũng lóe lên dăm cung bậc khác. Chị thương cháu bé khiếm thị nhọc nhằn băng qua phố xá chộn rộn: "Để không chạm tiếng còi xe/ Dặn bàn chân biết lắng nghe con đường".

Chị âm thầm "giữ gió đồng diều" cho con với tất cả sự động viên và hồi hộp: "Nhanh lên con! Đừng sợ giấy mỏng manh/ Lát nữa thôi nói chở bốn phương trời khát vọng…/ …Khoảng trống nhiều bề sẽ giằng co với sợi cước cong/ Để giữ gió, con đừng quên, vừa buông vừa níu".

Chị nhớ người em tha hương đêm cuối năm: "Một mình chị chụm củi đêm/ Cách nửa trái đất bên em là ngày/ U… u… gió thổi bờ ngoài/ Lần ngần ngọn khói cứ bay trong lòng". Tuy nhiên, bài thơ hay nhất ở mảng thơ hướng ra xã hội của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh phải kể đến "Nơi về".

Từ một phát hiện đơn sơ, chị trải ra mấy câu ngắn ngủi mà trĩu nặng tâm tư: "Hai gia đình lâu rồi nhận chung phần mộ/ Cùng tiếc thương từng ấy tháng ngày/ Giám định gen xong rồi, tìm ra ruột thịt/ Một liệt sĩ trở về nhà/ Một khoảng trống/ Khói hương cay". Trên một đất nước đã thấm thía khốc liệt chiến tranh, cuộc trở về này không thấy nước mắt mà chua chát không ai lường được. Một lần đoàn tụ trong hai lần chia biệt, bài thơ ấm áp mà xót ruột xót gan! 

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh vốn sinh ra ở Long An, trước khi nhập cư đô thị với nhiều ngổn ngang. Mảnh đất chôn nhau cắt rốn được chị ghi chú bằng ân tình vừa ấm áp vừa ngậm ngùi: "Không ai là người dưng/ Khác làng cùng lối xóm/ Quầng mây thành bà con/ Người khuất mặt khuất mày tiên tổ/ Ổ chim trên bàn thờ/ Ly rượu uống tàn nhang".

Hình ảnh con chim bìm bịp quen thuộc vùng sông nước Cửu Long cũng đi vào thơ chị khá lạ lùng, nửa như gần gũi, nửa như cồn cào: "Ai bịp mày chim ơi/ mà bìm bịp suốt đời/ Hay sông Vàm Cỏ bỏ mày/ đi lấy vợ/ Hay Đồng Tháp Mười bỏ mày/ đi lấy chồng/ Bìm bịp/ tiếng chim kêu/ làm góa cả buổi chiều/ Cho chị ngủ nốt đêm Cần Đước/ kêu thương chi cho đau lòng nhau…".

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh có nhiều năm làm giáo viên một trường trung học ở quận 8. Thế nhưng, trước hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp, chị rời khỏi bục giảng để chạy chợ nuôi con. Hết bán muối rồi đến bán bánh mì, và có lúc mở một quán ăn đặt tên là Tía Tô, nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cũng nuôi được ba người con khôn lớn và thành đạt.

Bằng trái tim người mẹ, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ru con theo nhịp điệu trúc trắc thơ mình: "Có phải trời theo gió leo vào mũi con/ Đất hóa thành cơm chui vào bụng con/ Sông nước mượn cơn khát chảy vào máu thịt con/ Nên khi con nhắm mắt/ Vẫn nhìn rõ bầu trời/ Khi con ngủ say/ Vẫn sờ được tay vào sông vào bể/ Con là hạt ủ mầm trong lòng mẹ/ Con là chồi vươn tự khoảng trời cha/ Cái con nhìn thấy khi thức/ Nhỏ hơn nhiều lần từ giấc ngủ sinh ra!".

Ngược lại, bằng cảm thức của một giáo viên, chị nhận lại những bài học từ con: "Mẹ cằn khô nụ cười, nước mắt/ May còn có con dạy mẹ học/ Bao giờ cho mẹ bé lại/ Bao giờ mắt mẹ mới lên ba, lên năm/ Để mẹ được nhìn thấy như con đang thấy/ Dề lục bình trôi trên các mái nhà/ Sấm đùng đùng giận vợ/ Hạt mưa quẹt lửa bông mào gà…".

Chân trời thi ca vốn không có đích, nên không có kẻ nhanh chân và người chậm chân. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã có mặt, đã mang đến cho làng thơ một dáng vẻ khắc khoải của người đàn bà bắt đầu nhận diện cõi nhân duyên lận đận: "Nơi trở về - cánh cửa/ Chẳng chạm nỗi đợi chờ/ Giấc mơ là ngồi ngắm/ Bóng của mình đang khô".

Tôi không biết thi ca đã giúp chị giải tỏa bao nhiêu ngậm ngùi, nhưng tôi tin ngụp lặn giữa sóng gió những câu thơ sẽ cho chị giây phút sống thật và sống đủ với bản thân: "Hỏi về đâu. Gởi về đâu/ Nếu ngày nào gió thôi thất thường/ Ta phẳng lỳ thành một vết thương".

Lê Thiếu Nhơn
.
.