Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa: Ví đây đổi phận làm trai được...

Thứ Tư, 27/04/2011, 11:07
Bộ sách "Những kỷ lục Việt Nam" được NXB Thông tấn ấn hành đầu tháng 11/ 2004 đã chính thức ghi nhận người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết  Quốc ngữ là bà Huỳnh Thị Bảo Hòa, một phụ nữ sinh trưởng trong một gia đình danh gia thế phiệt ở Đà Nẵng.

Trước đấy, vào năm 2003, trong cuốn sách có tên gọi "Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên" in tại NXB Văn học, tác giả Thy Hảo Trương Duy Hy cũng đã cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý về cuộc đời người phụ nữ đặc biệt này. Tới nay, trải qua thời gian, mặc dù đây đó đã có thông tin cho rằng, người viết tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên trong các nữ tác giả Việt Nam không phải Huỳnh Thị Bảo Hòa mà là Đạm Phương nữ sử, thân mẫu của nhà lý luận, phê bình văn học Hải Triều, song không vì thế mà vị thế của người nữ sĩ có nhiều cách tân táo bạo trong địa hạt văn học này không tiếp tục nhận được sự tôn kính của giới văn học sử... Cuộc đời và những đóng góp của bà làm chúng ta nhớ tới hai câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: "Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu"...

1.Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982) tên khai sinh là Huỳnh Thị Thái, là người làng Đa Phước, Hòa Minh, Hòa Vang (nay là quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Bà là con của một võ quan triều Nguyễn, sau tham gia Hội Cần vương Quảng Nam.

Từ nhỏ, Huỳnh Thị Bảo Hòa đã được học hành chu đáo. Bà học chữ Hán do cụ thân sinh dạy tại nhà, sau đó học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp. Vốn bản tính thông minh, lanh lợi, bà tiếp thu chữ Hán rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể làm được thơ Đường luật. Với việc cắt tóc ngắn và sử dụng xe đạp đi lại trong thành phố, bà được ghi nhận là người phụ nữ có lối sống tân tiến nhất ở địa phương thời bấy giờ, cũng là người phụ nữ đầu tiên của Đà Nẵng sớm thích nghi được với nhịp sống văn minh thành thị. 

Thẻ phóng viên Thực nghiệp dân báo của Huỳnh Thị Bảo Hòa.

Một số nhân chứng cùng thời với Huỳnh Thị Bảo Hòa từng kể lại rằng, Bảo Hòa là một phụ nữ đẹp, nhưng đó là vẻ đẹp cứng cỏi, có cá tính chứ không phải lối yểu điệu thục nữ nơi khuê phòng như người ta vẫn thấy ở các tiểu thư con nhà "lá ngọc cành vàng" thời bấy giờ. "Nước da trắng mịn, sống mũi thẳng, đôi mắt to sáng luôn nhìn như xuyên thấu vào người đối diện, đó là một khuôn mặt toát lên sự thông minh, lanh lẹ và bản lĩnh cao cường" - Nhà nhiếp ảnh Phụng Ký từng nhận xét như vậy về nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa.

Thời kỳ trước cách mạng, Huỳnh Thị Bảo Hòa từng được tín nhiệm cử giữ chức Hội trưởng Hội Phụ nữ Đà Nẵng. Bà đồng thời còn là một trong tốp 7 người phụ nữ đầu tiên ở Đà Nẵng tham gia Nữ công học hội và được cử làm hội trưởng. Với tác phong sôi nổi, Huỳnh Thị Bảo Hòa rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội. Bà kêu gọi chị em học chữ Quốc ngữ, đấu tranh đòi nam nữ bình quyền. Bà hướng dẫn chị em quen với lối sống mới. Để giúp chị em biết đi xe đạp, bà đã mang xe của nhà đến Hội để chị em tập. Bà dạy mọi người cách ăn ở sao cho khoa học, vệ sinh. Hội Lạc thiện Tourane và Công quán Tourane (nay là Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng) từng chứng kiến nhiều buổi bà đăng đàn diễn thuyết, cổ súy cho lối sống văn minh. Với uy tín của mình, khi cần quyên góp tài trợ cho đâu đó, chỉ cần Huỳnh Thị Bảo Hòa cất lời kêu gọi là chị em - nhất là chị em tiểu thương vui vẻ hưởng ứng liền.

Năm 1926, tại Đà Nẵng, Hội Ái hữu cùng với một số người có tài lực, trong đó có nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa đã đứng ra tổ chức trọng thể lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Tinh thần yêu nước của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa đã được các đảng viên Cộng sản kỳ cựu của thành phố này nhắc lại trong một số bài hồi ức, với ấn tượng đẹp.  

Về chuyện đời tư: Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa kết duyên với một công chức ngành thương chánh - đại học sĩ Vương Khả Lãm. Nét nổi bật trong cuộc sống gia đình của Huỳnh Thị Bảo Hòa là bà rất nghiêm khắc trong giáo dục con cái. Bà chỉnh đốn họ từ mỗi lời ăn, tiếng nói, phải "đi thưa về bẩm". Có trường hợp, dù đã có gia đình rồi song khi mắc lỗi, bà vẫn nọc ra đánh bằng roi. 

2. Theo tài liệu của ông Trương Duy Hy, tác giả cuốn "Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên" thì tiểu thuyết "Tây phương mỹ nhân" của Huỳnh Thị Bảo Hòa gồm 15 hồi, chia làm hai tập, được in tại nhà in Bảo Tồn (36 bis Boulevard Bonnard Sài Gòn) năm 1927, với độ dày cả thảy 76 trang, khuôn khổ 14x20 cm. Bìa sách in hình bán thân một phụ nữ Pháp, cổ đeo một chuỗi hạt trai.

Cuốn tiểu thuyết đã được "nghênh đón" khá rầm rộ, với việc nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng viết lời tựa, thi sĩ Tản Đà viết lời đề tặng, và nhà báo Bùi Thế Mỹ (chủ bút tờ Đông Pháp thời báo) viết lời bạt. Tản Đà nổi tiếng là "ông thần ngông", vậy mà với cuốn tiểu thuyết mỏng mảnh này, đã phải thốt lên rằng: "Bách niên giai lão với một mỹ nhân, đó là người đàn ông An Nam ta... Truyện Tây phương mỹ nhân có trọng giá nhất ở chỗ đó; lại là quyển tiểu thuyết thứ nhất của trong bạn quần thoa mới soạn ra...". Ông chủ bút Bùi Thế Mỹ thậm chí còn tỏ ra "cung kính" hơn, khi tâm sự rằng: "Trong sự xuất bản, tôi xin trái lời dặn của bà Vương Khả Lãm (tức nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - NV) mà không thêm bớt, sửa đổi một chữ nào, là cố ý không muốn làm mất đi vẻ tự nhiên của một bộ trường thiên tiểu thuyết như bộ Tây phương mỹ nhân này vậy".

Theo như những gì mà Huỳnh Thị Bảo Hòa ghi trên sách, thì đây là bộ tiểu thuyết luân lý, và "Câu chuyện Tây phương mỹ nhân này vốn là chuyện thiệt xảy ra ở xã hội ta", thậm chí, xảy ra ngay tại Tam Kỳ (Quảng Nam) trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918).

Tác giả Tuệ Lãng, trong một bài nghiên cứu về "Tây sơn mỹ nhân" đã nhận định, mặc dù cuốn tiểu thuyết chứa đựng trong nó tất cả những nhược điểm cơ bản của một cuốn tiểu thuyết ở thời kỳ chuyển giao văn học, như nhân vật theo mô hình đạo đức truyền thống (trọng nghĩa khinh tài); hình thức chưa thoát khỏi nghệ thuật "tiểu thuyết" cổ (cốt truyện được coi trọng hơn vấn đề, hành động được chú ý hơn tâm lý…); ngôn ngữ đậm chất biền ngẫu; tác giả thường xuyên "xông vào" diễn giải, bình luận các sự kiện vv và vv thì cũng vẫn phải khẳng định: "Với việc xây dựng một câu chuyện tình vượt biên giới như Tây phương mỹ nhân, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa một lần nữa đã làm một cuộc cách mạng trong việc thay đổi nhãn quan văn hóa cho xã hội, xóa bỏ ít nhiều tinh thần dân tộc hẹp hòi, nhìn rộng ra xa hơn cảnh quan của mình để thấy một thế giới khác…, dù chưa chắc là ưu việt nhưng vẫn mới lạ và có quá nhiều điều cần phải suy ngẫm và học tập, trực tiếp đặt vấn đề về mối xung đột giữa dân tộc và văn hóa Pháp đang tồn tại trong xã hội …".

Ngoài vai trò là một trong những phụ nữ đi tiên phong trong lĩnh vực tiểu thuyết (như ở đầu bài đã nói, hiện có ý kiến cho rằng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết là Đạm Phương nữ sử, với cuốn tiểu thuyết "Kim Tú Cầu" in trên tạp chí Trung Bắc tân văn từ năm 1923 - tư liệu do nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền khẳng định trên một tờ báo vào năm 2005), Huỳnh Thị Bảo Hòa còn là một ký giả xông xáo, với nhiều bài viết đăng tải trên nhiều tờ báo có uy tín khắp Trung, Nam, Bắc. Bà còn là tác giả của cuốn biên khảo "Chiêm thành lược khảo" từng gây tiếng vang trong dư luận và được đích thân học giả Phạm Quỳnh viết lời tựa; là tác giả kịch bản vở tuồng "Huyền Trân Công Chúa" (đã được dàn dựng năm 1933) và được công chúng hoan nghênh. Ngoài ra, bà còn là tác giả cuốn "Bà Nà du ký" (đăng trên Tạp chí Nam Phong hồi tháng 6/1931), hiện được nhiều nhà nghiên cứu nhắc tới. Cuốn sách đã lưu lại những nét đáng quý của một thời quá vãng. Dẫu đã 80 năm trôi qua, nhưng những dòng chữ đầy cảm xúc mà nữ sĩ viết về một địa danh du lịch hiện vẫn làm xao xuyến và đủ sức mời gọi mọi người…

Đây là một đoạn tác giả kể lại những điều mắt thấy tai nghe qua mấy ngày lên thăm núi "Chúa": "Đương khi lửa hạ nấu nung, ở giữa chỗ bụi lầm xe ngựa, cái thú nước biếc non xanh dễ ai không mơ ước. Chiều chiều đứng trên bờ biển Đà Hải, nhìn làn sóng lao xao, ngọn trào xô đẩy, ngoảnh trông về phía tây núi non trùng điệp, đối ngọn Hoành Sơn, thấy một trái núi cao ngất mấy tầng, chót núi như đụng mây xanh, chung quanh thì núi nhỏ xúm xít như đàn con chầu mẹ; núi này đại danh là núi "Chúa", vì núi "Chúa" có nhiều thắng cảnh và thời tiết khí hậu lại có phần đặc biệt lắm. Mùa đông mây ủ như tuyết sa băng đóng, mùa hè mát mẻ êm đềm như xuân phong hòa khí, cảnh sắc tuyệt trần, không nơi nào sánh kịp"...

Nguyễn An Định
.
.