“Nữ hoàng” Bolero Hương Lan: Cuối đời gặp được tình yêu

Thứ Bảy, 08/12/2018, 08:09
Tôi đoan chắc, bất cứ ai say mê dòng nhạc nào cũng đều yêu thích giọng hát ấm áp và buồn da diết của Hương Lan. Ca sĩ Hương Lan có một giọng hát với màu sắc riêng biệt, ở mọi cung bậc tình cảm, thu hút lòng người. Cho dù hát cải lương hay tân nhạc, Hương Lan bao giờ cũng thể hiện được nét đặc sắc của tác phẩm, thấm đậm chất dân ca, chân tình và nồng ấm...


Hào quang và đổ vỡ

Ca sĩ Hương Lan là một trong số những giọng ca hiếm hoi, khi mới 5 tuổi bước lên sân khấu biểu diễn đã thu hút người xem. Đó là ấn tượng khó quên trong vở cải lương "Thiếu phụ Nam Xương". Giọng hát của cô bé Trần Thị Ngọc Ánh (tên khai sinh của Hương Lan) ngày ấy thể hiện một màu sắc và âm vực độc đáo, đầy triển vọng.

Đượm buồn, trong trẻo làm xao xuyến lòng người. Ngọc Ánh được sự dìu dắt của người cha là nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, cùng với những người bạn trong đoàn hát như Sáu Tửng, Thanh Minh, Thanh Nga…

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu Ngọc Ánh đã bị khủng hoảng tinh thần, khi chứng kiến sự chia tay của bố mẹ (năm 1965). Lúc đó cô mới lên 9. Một tuổi thơ mênh mang nỗi buồn ám vào giọng hát làm cho người nghe nặng trĩu tâm tư. Từ đó Ngọc Ánh phải theo bố đi hát để vượt qua nỗi vất vả trong sự mưu sinh.

Năm 1966, nhạc sĩ Trúc Phương phát hiện Ngọc Ánh có giọng hát phù hợp với tân nhạc hơn nên khuyến khích nghệ sĩ Hữu Phước cho con theo đuổi dòng nhạc mới. Cái tên Hương Lan ra đời từ đó, bắt đầu một hành trình dấn thân vào xứ sở âm nhạc Bolero tràn đầy hy vọng.

Sự định hướng của Trúc Phương đã đem lại hiệu quả lớn cho cuộc đời âm nhạc của Hương Lan. Hầu như ca khúc nào do Hương Lan hát trên Đài Phát thanh đều được khán giả ái mộ và gửi thư khen ngợi. Kể cả những ca khúc được thu trên đĩa nhựa, giọng hát ngọt ngào, thanh khiết như ru lòng người của Hương Lan cũng để lại dấu ấn khó quên.

Đặc biệt ai nấy đều yêu thích Hương Lan khi biểu diễn bài "Ai ra xứ Huế" của Duy Khánh. Báo chí trầm trồ khen ngợi, tôn vinh cô bé Hương Lan là "Thần đồng" ca nhạc. Từ đó sự nghiệp Bolero của Hương Lan bừng sáng, kéo dài được 8 năm.

Có trung tâm ca nhạc định tổ chức thu âm và phát hành "Tiếng hát Hương Lan" thì bị ngừng lại bởi những biến sự xã hội vào năm 1975. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Một cuộc đời mới mở ra trước mắt đối với mỗi người nghệ sĩ vào ngày đó. Nhưng không ngờ, ca sĩ Hương Lan đột ngột quay lại với sân khấu cải lương, cùng cha về diễn cho đoàn Kim Chung.

Đây quả là bước ngoặt đặc biệt của Hương Lan khi cô gặp nghệ sĩ Chí Tâm trên sàn diễn. Hai người tỏa sáng, thu hút khán giả qua các vở diễn nổi tiếng như: "Hán đế biệt Chiêu Quân", "Cây sầu riêng trổ bông", "Nắng thu về ngõ trúc", "Tình yêu và bạo chúa"… Đồng thời, bên cạnh sự thành công nghệ thuật, giữa hai người nảy sinh tình cảm và họ kết hôn vào cuối năm 1975. Hương Lan vừa tròn 19 tuổi, rạng rỡ trong tình yêu và vinh quang trên sân khấu. Ngay năm sau, Hương Lan sinh cậu con trai đặt tên là Bảo Nhi.

 Nhưng kèm theo một gia đình hạnh phúc là sự đưa đẩy trắc trở của số phận. Ba năm sau (1978), hai vợ chồng Hương Lan cùng con trai di cư sang Pháp theo sự bảo lãnh của gia đình. Đầu tiên, họ định cư ở ngoại ô Paris, bắt đầu một cuộc sống tha hương, vất vả. Bởi khi mới sang, Hương Lan lại sinh con trai thứ hai, trong điều kiện kinh tế eo hẹp.

Cả hai phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Hương Lan kiếm việc ở một nhà hàng, hỗ trợ cho chồng đi học tiếng Pháp và học nghề, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Hơn một năm sau, nghệ sĩ Chí Tâm xin được việc làm ở một công ty điện tử, cuộc sống phần nào đỡ vất vả hơn. Nhưng không ngờ khi dấn thân vào cuộc sống vì miếng cơm manh áo, cuộc tình nghệ sĩ đã vơi cạn, sự lo toan đã nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người.

Những rạn nứt không thể hàn gắn theo thời gian. Bốn năm sau, mỗi người một ngả. Hương Lan dẫn hai con sang Mỹ định cư (năm 1982). Tại đây, Hương Lan tìm lại niềm đam mê âm nhạc đã từng gắn bó hơn 10 năm trước, với những niềm tin yêu và sự khích lệ của khán giả. 

Bến bờ hạnh phúc

Vượt qua đổ vỡ, Hương Lan vững bước tiến lên phía trước khi tìm được động lực sống và khát khao sáng tạo nghệ thuật. Ngay chỉ năm sau, Hương Lan được mời thu âm và ghi hình cho một tuyển tập chương trình Paris By Night, với hai nhạc phẩm "Muộn màng" và "Trên đỉnh mùa đông".

Đó là mốc son đầu tiên trên đất Mỹ. Giọng hát Hương Lan lại thêm một lần tỏa sáng trên nền tảng âm nhạc Bolero tân kỳ. Khán giả nô nức đi tìm băng đĩa ghi âm giọng hát Hương Lan. Từ đó, giọng hát Hương Lan trở thành hiện tượng trong dàn nghệ sĩ hải ngoại. Hàng loạt album ra đời, giọng hát ngọt ngào chan chứa nỗi niềm tha hương của Hương Lan trở thành sự khích lệ tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Đó là sự xa nhớ quê hương, hy vọng một ngày về. Liên tiếp những bài hát của Hương Lan được nhiều người yêu thích như: "Còn thương rau đắng mọc sau hè", "Em đi trên cỏ non", "Chiếc áo bà ba", "Điệu buồn phương Nam", "Mùa xuân của mẹ", "Mắt Huế xưa", "Dạ cổ hoài lang", "Quê nghèo"…

Khán giả và đồng nghiệp coi 10 năm ca hát liên tiếp sau đó là "Thập niên huy hoàng của Hương Lan". Trong thời gian này, Hương Lan còn tìm được giọng hát song ca ăn ý với mình, đó là ca sĩ Tuấn Vũ. Hai người cũng được coi là cặp đôi âm nhạc ăn ý nhất trên sân khấu ca nhạc Paris By Night.

Vợ chồng ca sĩ Hương Lan.

"Lộc tổ" ban phát cho Hương Lan một người con hết lòng vì sự nghiệp âm nhạc, cùng những hoạt động trên sân khấu. Bên cạnh đó, có thể nói “lộc tổ” còn đem lại hạnh phúc cho Hương Lan, bù đắp cho những ngày tháng lận đận. Bởi đúng vào ngày lễ tổ chức sinh nhật ca sĩ Evis Phương năm 1986, Hương Lan đã gặp được ý trung nhân như một sự tình cờ.

Đó là kỹ sư Đặng Quốc Toàn, người cũng đã từng một lần đổ vỡ hôn nhân, nuôi ba con riêng. Họ làm quen như những người bạn tâm giao ban đầu. Sau những lần gặp gỡ tìm hiểu, hai người có những chia sẻ tâm đầu hợp ý. Anh Toàn có lần bộc bạch, anh yêu Hương Lan không chỉ vì giọng hát, mà đó là tấm lòng của một người con hiếu thảo với cha mẹ và sự chăm nuôi con trẻ.

Đúng là hai người đến với nhau vì sự cảm thông và thành thật. Mỗi bên, đều có những nỗi đau buồn đã trải qua, những nỗi lo toan về những đàn con thân yêu trước mắt. Nhưng phải hai năm sau họ mới kết hôn, cùng nuôi dưỡng, che chở cuộc sống cho cả 5 người con ngày một lớn khôn.

Tính đến nay, hai người đã gắn bó hạnh phúc gia đình được 30 năm. Đi đâu hai người cũng có mặt, vượt qua mọi khó khăn và là điểm tựa tinh thần cho nhau. Ngay từ những chuyến trở về quê hương đầu tiên năm 1996, Hương Lan cũng được chồng ủng hộ hết lòng, bởi anh biết vợ mình luôn khát khao được trở về quê hương biểu diễn, cống hiến cho nghệ thuật.

Mãi đến sau này, vào năm 2009, anh  có mặt cùng Hương Lan về Việt Nam tổ chức Liveshow với chủ đề "Ơn đời một khúc dân ca". Những giọt nước mắt rơi vì tình yêu quê hương sâu nặng. Ơn nghĩa ấy giờ mới được trả. Tình yêu của khán giả bao lâu nay mới có dịp đền đáp. Hai vợ chồng Hương Lan hạnh phúc trong từng nét yêu thương ấy. Sống vì những niềm vui trong nhau.

Bí quyết tình yêu

Gần đây, khi các con trưởng thành, hai vợ chồng Hương Lan đã về quê (Bình Phước) mua một mảnh đất rộng lập nông trại. Đây là chốn đi về sau những đêm biểu diễn, hay làm từ thiện của ca sĩ Hương Lan. Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, anh Toàn mỉm cười từ tốn nói: "Tất cả vì tình yêu. Giữa chúng tôi luôn có sự tôn trọng, tuyệt đối thành thật, không giấu giếm điều gì".

Còn ca sĩ Hương Lan tâm sự: "Chỉ biết rằng giờ đây, lúc nào chồng tôi cũng đòi vợ hát cải lương cho nghe và luôn đứng bên cánh gà nghe hát những ca khúc về quê hương và những bản nhạc say đắm về tình yêu". Đúng là cả hai cùng yêu tiếng quê hương và nguyện sống chết trên mảnh đất quê hương. Đó chính là cặp đôi lý tưởng trong cuộc đời nghệ sĩ.

Bội Kỳ
.
.