Những vĩ nhân đãng trí

Thứ Bảy, 06/10/2012, 08:00
Nhà văn lớn người Anh Walter Scott, tác giả thiên tiểu thuyết bất hủ "Ivanhoe" vốn dĩ là người rất mê thơ và làm nhiều thơ. Có điều, những câu thơ, bài thơ hay nhất của mình ông ít khi nhớ được. Thậm chí có chỗ ông còn nhầm là của Byron...

Có lần, trong một tửu quán, khi có người lên tiếng bài bác một bài thơ mà Nhà văn Walter Scott thích và nhớ được loáng thoáng đôi câu chữ, thì ngay lập tức ông đứng lên… phản đối, ra sức bảo vệ cho nhà thơ "bất khả xâm phạm" Byron, thay vì bảo vệ cho chính mình. Đó là bài thơ "Công nương bên hồ" - một bài thơ thường được nhắc tới của Scott.

Nhà viết truyện ngụ ngôn kiệt xuất của nước Pháp La Fontaine là người nổi tiếng về tật đãng trí. Lần nọ, ông tìm đến thăm một người bạn văn. Bà vợ của chủ nhà nghe câu hỏi của ông thì rất đỗi ngạc nhiên: "Ô nhà tôi mất đã cách nay một tháng rồi còn gì. Chính ngài đọc điếu văn đó thôi". Đến lúc bấy giờ La Fontaine mới giật mình nhớ ra. Để chữa ngượng, ông đáp: "À, à, đúng rồi. Bà yên tâm, trí nhớ của tôi rất tuyệt. Tôi có thể chép lại ngay bài điếu văn tôi đọc hôm đó, không sai lấy một từ". La Fontaine nói vậy là nói thật. Ông có thể đãng trí ở mặt này song ở mặt khác, trí nhớ của ông lại có thể xếp vào hạng… siêu phàm.

Nhà văn lớn người Mỹ Mark Twain cũng là người "làm trước quên sau". Một lần, ông làm chuyến du lịch bằng tàu hỏa sang Pháp. Khi người kiểm tàu đến hỏi vé, ông lục hết các túi mà vẫn tìm không thấy vé. Nhận ra đứng trước mình là nhà văn lớn của nước Mỹ, người mà ảnh đã xuất hiện trên báo chí Pháp nhiều ngày nay, người kiểm tàu bèn nói:

- Nếu quả tình ông không tìm thấy vé thì cũng chẳng sao.

- Chẳng sao là thế nào? Nếu không tìm thấy vé thì tôi biết là mình cần phải dừng ở ga nào bây giờ?

Một lần khác, khi Mark Twain từ tỉnh lên New York. Ông dừng lại ở một kiôt hỏi mua báo. Cô chủ đưa ông một tờ báo và nói thêm: "Báo đưa tin tối nay, nhà văn Mark Twain đến nói chuyện tại thư viện thành phố ta đấy. Ông này nói chuyện dí dỏm, hấp dẫn lắm. Nếu bác không đi sớm, hết chỗ là phải đứng đấy".

Mark Twain (vốn dĩ tên thật là Samuen Langhorn Clememmens) như quên khuấy người ta đang nói về mình. Ông thở dài: "Cô bạn trẻ ạ, ấy là chuyện thường. Thì trong nhiều buổi diễn thuyết tôi vẫn thường phải… đứng mà". Nhà văn Anh nổi tiếng Arthur Conan Doyle, người sáng tạo nên nhân vật thám tử Sherlock Holmes nổi tiếng thế giới không hẳn là người đãng trí. Vậy nhưng có lúc, do thiếu tập trung, ông đã có những hành vi… ngờ nghệch đến không thể tưởng tượng nổi. Một lần, ông gọi taxi đưa ông đến một khách sạn ở thủ đô Paris. Trên đường, người tài xế im lặng không nói gì, song khi ông trả tiền thì anh ta lễ phép đáp lại bằng một câu: "Xin cảm ơn ngài Arthur Conan Doyle". Quá ngạc nhiên, nhà văn lên tiếng hỏi: "Tại sao anh biết tên tôi?". Người tài xế trả lời hết sức tự nhiên: "Thưa ông, tên ông chẳng ghi rành rành trên chiếc vali đó thôi".

Nhà bác học Ampere vốn dĩ không để ý tới những gì ngoài lĩnh vực mà mình đam mê. Là người Pháp sống vào đầu thế kỷ XIX song ông không biết đến tên tuổi của Hoàng đế Napoléon. Một lần, trên đường phố, vì mải theo đuổi một công trình lớn đang ấp ủ trong đầu, ông thấy trước mắt xuất hiện một tấm bảng đen. Quá mừng rỡ, ông móc trong túi ra thỏi phấn và viết lên đó. Nhưng vì "chiếc bảng" di động nên buộc lòng nhà bác học phải chạy đuổi theo để viết. Phải đến khi nghe thấy tiếng cười rộ lên bên cạnh, nhà bác học mới sực tỉnh và nhận ra "chiếc bảng đen" đi động kia chính là chiếc xe nhà táng màu đen đang lăn trên đường phố

Hoàng Mạc Ninh
.
.