Những vần thơ ấm áp trái tim người lính

Thứ Năm, 17/12/2020, 16:21
Với những nhà thơ đã đi qua chiến tranh, trong đó có Nguyễn Hồng Hà, Trần Nhương, Trần Chấn Uy - những người mà tôi may mắn được gần gũi - họ đã, đang và sẽ làm thơ ghi chép cuộc đời mình, đồng đội mình, đất nước mình với một cảm hứng mãnh liệt.


1. Nhà thơ, Đại tá Nguyễn Hồng Hà, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân là một người thơ lặng lẽ. Anh thuộc “những người lính ít lời” như tên một bài thơ được anh viết từ những năm tháng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. 

Anh và đồng đội là những người rất đỗi gần gũi, im lặng nhẫn nại hi sinh: “Chân không giày, đội mưa bay trên điểm tựa”; “Hành quân xa mười ngày không tắm giặt/ Đào hầm trắng đêm”. Bởi các anh ý thức rằng: “Tổ quốc chẳng bao giờ có thể/ Vắng đi những người ít lời” (Những người lính ít lời).

Nguyễn Hồng Hà nhập ngũ từ năm 1966, là lính trinh sát của Sư đoàn 308, trực tiếp chiến đấu ở nhiều chiến dịch, trận đánh lớn, trong đó có chiến dịch đường 9 - Nam Lào, trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Những trải nghiệm tháng năm quân ngũ, chiến trường trở thành nguồn chất liệu, cảm hứng chính cho sáng tác của anh. 

Đến nay, Nguyễn Hồng Hà đã có 7 tác phẩm thơ và văn xuôi, trong đó tác phẩm mới nhất là “Người lính ít lời” - tuyển chọn những bài thơ hay nhất và những trang nhật kí còn thơm mùi đạn bom của tác giả. 

Những thi phẩm ấn tượng như “Bài thơ viết ở nhà mình”, “Chúng tôi đi bốc mộ ở Trường Sơn”, “Khấn động thổ”, “Thương nhớ”, “Chú Lục tâm thần”… đã giúp Nguyễn Hồng Hà lần lượt nhận về mình những phần thưởng danh giá: Giải thưởng thơ Báo Văn nghệ (năm 1975 - 1976); Giải thưởng thơ Báo Nhân dân (năm 1979); Giải thưởng thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1986)...

Nhà thơ Nguyễn Hồng Hà.

Chiếm tỉ lệ lớn trong gia tài thơ Nguyễn Hồng Hà, như đã nói, là thơ viết về đời lính và thân phận người lính nói riêng, thân phận con người nói chung trong chiến tranh. Đây là sự nghẹn ngào ứa lệ trước tình cảnh của một người lính trở về và tình yêu thương của một người mẹ phải tiếp tục chăm con, nuôi con sau khi biết con mình bị di chứng chiến tranh: “Chú như là con của mọi nhà/ Cánh chim tật trong vườn, cây tre vẹo bụi tre/ Giọt máu mẹ đón về từ bão tố/ Chú nhớ gì mà mắt vẫn ngẩn ngơ; Đứa con choán hết phần đời của mẹ/ Đếm từng ngày, từng thang thuốc, mẹ mong” (Chú Lục tâm thần). 

Đây là sự thương tiếc chân thành đến xót xa những người đã ra đi và sự day dứt đến quặn thắt tâm tưởng trước những người ra đi: “Tụi bay đi… thật tiếc thay/ Những thằng lính trận hây hây má hồng/ Tụi bay chưa biết phải lòng/ Cuộc đời trai, những chấm hồng chiến tranh/ Nhoàng một cái! Thế là "xanh"/ Chiến trường còn lại những anh lính già” (Thương nhớ);“Có gió bấc gì đâu mà mảnh đạn xé thịt da/ Lại lần nữa cứa tôi nhức nhối/ Có thể nào những người đồng đội/ Tôi gọi tìm trong khoảng đất hiu hiu” (Chúng tôi đi bốc mộ ở Trường Sơn)…

Ở chiến trường lúc nào cũng sẵn sàng hứng bom rơi đạn lạc, nhưng bên cạnh sự đối mặt sự khốc liệt, Nguyễn Hồng Hà và đồng đội vẫn có những phút giây tranh thủ tận hưởng vẻ đẹp, chất thơ của thiên nhiên vũ trụ. 

Có nghĩa, người chiến sĩ - thi sĩ không chỉ hiện thực đến trần trụi mà còn lãng mạn đến hào hoa; họ không phải là cỗ máy mà là những chủ thể sống rất nhân bản: Từ lúc trên trời cà kếu bay ra/ Nửa đêm gọi cả Trung đoàn bừng thức” (Nửa đêm ở một trạm rừng); “Súng sắp nổ rồi không làm sao yên được/ Chỉ vì bầy ong lùa mãi không đi” (Bầy ong)… 

Biết yêu thương quý trọng cuộc sống, chắt chiu nâng niu giá trị của sự bình yên cũng là điểm sáng trong trái tim người lính Cụ Hồ. Đó là một trong những xung lực để họ sống, chiến đấu hết mình và thanh thản chấp nhận hi sinh.

2. Nhà thơ, Trung tá Trần Nhương nguyên là lính lái xe trên đường Trường Sơn huyền thoại. Năm 1965, khi đang là giáo viên, anh rời phấn trắng bảng đen lên đường vào tiền tuyến. Cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt. Ở miền Bắc, chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ bắt đầu. Phải nói thế để thấy những người lính như Trần Nhương ra trận với tất cả khát khao được tận hiến cho Tổ quốc.

Nhà văn Trần Nhương.

Năm 1993 anh rời quân ngũ. 28 năm đời lính, trong đó có 11 năm thuộc biên chế lực lượng vận tải quân sự, hầu hết các tuyến đường chiến dịch anh đều đi qua. Quãng thời gian hơn 10 năm này thực sự là những năm tháng hào hùng của đất nước, "tất cả hành quân, tất cả cùng ra trận".

"Ở đâu có lính lái xe, có lính hậu cần là chúng tôi đến. Đó là những năm tuổi xuân của mình trong sáng nhất, tươi đẹp nhất, khỏe mạnh nhất. Chúng tôi đi cùng nhau, ôm nhau ngủ hầm, thậm chí có nhiều đêm thức trắng". Trần Nhương nhớ lại những năm tháng đầy kỉ niệm của tuổi trẻ gắn với cabin xe giữa rừng Trường Sơn. 

Như thơ anh từng viết: “Nước chè một bát trao anh/ Đã xanh màu nước lại xanh mắt nhìn; Bâng khuâng anh lái xe đi/ Đầy buồng lái cái hương chè ngát xanh” (Chè rừng). 

Đường Trường Sơn huyền thoại (sau này mang tên đường Hồ Chí Minh) ngày ấy không chỉ có những người lính mà còn có hàng vạn thanh niên xung phong, chủ yếu là nữ. Những cuộc gặp dẫu thoáng qua luôn gieo vào lòng người lính trẻ Trần Nhương và đồng đội biết bao cảm xúc. Đây là khung cảnh đèo Pa Bông qua cửa kính ô tô về đêm: “Trăng rất gần suối thì xa tít/ Em ở trên này như trên cung mây”. 

Ở đó có cuộc gặp gỡ giữa những anh lính lái xe và những nữ thanh niên xung phong bảo đảm an toàn giao thông, hiến dâng một thời trăng "trinh nữ" vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tâm hồn người lính trên đường hành quân vụt thăng hoa: “Em đứng gác đường miệng cười bỡ ngỡ/ Môi em nở hiện một vầng trăng nhỏ/ Thắp giữa đỉnh đèo tỏa sáng đêm đêm” (Vầng trăng trên đèo Pa Bông).

Gia tài văn xuôi của nhà văn cựu chiến binh Trần Nhương cho đến nay là 3 tiểu thuyết, 5 tập truyện và tản văn. Nhà văn Trần Nhương vinh dự nhận giải thưởng văn học sông Mê Kông năm 2017. Về mĩ thuật, anh đã có 3 triển lãm tranh cá nhân mang tên "Thi hứng". Riêng thơ, anh có 8 tập thơ và 1 trường ca.

Trước khi về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tá Trần Nhương là  Trưởng phòng Văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, bản thân Trần Nhương đã rời quân ngũ 27 năm; tuy nhiên, kí ức chiến tranh chưa bao giờ rời xa anh. Anh đã, đang và sẽ viết về đồng đội. 

Chiến tranh “đâu phải trò đùa”, mà luôn là “nỗi buồn”. Đồng đội của anh vào tuyến lửa nhiều người nằm lại mãi với rừng xanh. Thi sĩ thường trực ám ảnh về lẽ còn - mất, về cái giá của chiến thắng: “Có lẽ nào em đã đi xa/ Ngày toàn thắng biết bao người đều hỏi/ Con đường đỏ cháy lên như tiếng gọi/ Em ở đâu? Ngơ ngẩn rừng già” (Có lẽ nào em đã đi xa).

3. So với các nhà thơ trải qua cuộc chiến thì Trần Chấn Uy “trẻ trung” hơn, thời gian qua đạn lửa ít hơn. Đến nay Trần Chấn Uy đã xuất bản các tác phẩm: “Mùa thu thành phố” (in chung với Đỗ Anh Tịnh, 1984), “Tình ca hát một mình” (1990), “Xin đừng quên tôi” (1992), “Chân trời khát” (1996), “Nẻo về” (in chung với Giang Nam và Tôn Phong, 1999), “Trăng lạnh xứ người” (2003), “Giấc ngủ khuyết vầng trăng” (2005, tái bản năm 2007), “Bên dòng sông đa tình” (2012), “Bóng làng” (2018). 

Nhà thơ Trần Chấn Uy.

Trần Chấn Uy sinh ra tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, trong một gia đình dòng dõi (ông nội anh là đại thần triều Nguyễn). Lớn lên, anh không là kẻ ngoài cuộc, vô can trước vận nước. Tháng 2/1975, anh và nhiều bạn bè cùng trang lứa gác sách vở lên đường nhập ngũ, tăng cường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Vào cuộc chiến/ Tuổi đời chưa tới hai mươi/ Biết bắn súng trước khi biết yêu/ Biết nhảy qua chiến hào/ Qua dây thép gai/ Qua lửa đạn/ Chưa hề biết nhảy đầm, khiêu vũ” (Chiến tranh cận cảnh). 

Người lính Trần Chấn Uy kịp có mặt trên các chiến trường miền Nam, rồi tham gia tiễu trừ Fulro ở Tây Nguyên, sau đó sang Campuchia giúp nước bạn… Hoàn thành nghĩa vụ quốc gia và quốc tế, anh vào học khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, ra trường về nhận công tác tại Cao đẳng Sư phạm Nha Trang…

Cuộc đời gió bụi của Trần Chấn Uy trôi qua, lắng lại. Chỉ có chiến tranh là chưa bao giờ nguôi ngoai. Anh mạnh về thơ tình, nói như cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì thơ tình Trần Chấn Uy là “những đợt sóng”. Thế nhưng, trong ngăn thơ Trần Chấn Uy vẫn ăm ắp thơ về hậu chiến, thơ thế sự qua góc nhìn của một cựu binh. 

Anh trầm buồn nhớ lại những năm tháng trên chiến trường K: “Những người bạn không bao giờ về nữa/ Lửa binh đao hóa cát bụi cả rồi” (Trở lại chiến trường).“Sau chiến tranh/ Tôi trở lại cánh rừng già ngày ấy/ Rừng mênh mông, em yên giấc đâu đấy/ Giữa mịt mùng cây cỏ bạt ngàn xanh/ Không tìm được mộ em/ Tôi đốt nén nhang cắm vào chân cỏ/ Như phép nhiệm màu, nén nhang cháy đỏ/ Em đang về, làn gió bỗng lạnh hơn” (Giọt máu thanh xuân). Nếu như thơ tình Trần Chấn Uy cuồn cuộn “những đợt sóng” thì thơ hậu chiến của anh khắc khoải những nỗi niềm.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nó chưa thể phai nhòa trong kí ức dân tộc. Lòng yêu nước, sự lãng mạn, tính nhân văn luôn được gìn giữ, bồi đắp nơi những Bộ đội Cụ Hồ. 

Với những nhà thơ đã đi qua chiến tranh, trong đó có Nguyễn Hồng Hà, Trần Nhương, Trần Chấn Uy - những người mà tôi may mắn được gần gũi - họ đã, đang và sẽ làm thơ ghi chép cuộc đời mình, đồng đội mình, đất nước mình với một cảm hứng mãnh liệt. 

Thơ của họ chân mộc như cuộc sống người lính, ấm áp như trái tim người lính. Những gì đi ra từ trái tim thì chạm gặp được trái tim. Cảm ơn những nhà thơ mặc áo lính đã sống, chiến đấu và viết để nâng giữ kí ức chiến tranh, để tôn vinh giá trị của hòa bình.

Ngô Đức Hành
.
.