Những nhà văn lớn từng nếm mùi tù ngục

Thứ Sáu, 30/11/2012, 08:00

Trong lời tựa bộ tiểu thuyết "Don Kihote, nhà quý tộc tài ba xứ Mantra", văn hào Tây Ban Nha Miguel De Cervantes (1547-1616) đã viết: "Tôi thai nghén nó (tức bộ tiểu thuyết) trong một nhà tù, nơi trú ngụ của mọi bất tiện và mọi âm thanh buồn thảm". Tìm hiểu những tư liệu liên quan tới cuộc đời của nhà văn lớn này, ta được biết, ngoài việc từng bị giam cầm với tư cách tù binh chiến tranh, Cervantes đã có tới vài ba lần phải ra tòa, thậm chí ngồi tù vì bị nghi có sự khuất tất về tiền nong (giai đoạn ông làm công việc đi thu thuế).

Oscar Wilde (1854 - 1900) là một nhà văn lớn của nước Anh giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Sự cố bê bối lớn nhất trong đời Wilde là việc ông có mối quan hệ đồng tính với nhà thơ điển trai Alfred Douglas. Vì chuyện này, ông đã bị chính cha đẻ của Alfred Douglas là Hầu tước John Sholto Douglas thóa mạ bằng việc cho dán một dòng chữ lên cổng câu lạc bộ mà Wilde thường lui tới: "Dành cho kẻ bệnh hoạn Oscar Wilde". Để bảo vệ danh dự của mình, Wilde quyết định kiện Hầu tước John Sholto Douglas ra tòa. Tòa xử Wilde thua kiện và lợi dụng cơ hội, Hầu tước John Sholto Douglas đã kiện ngược lại. Chiểu theo đạo luật chống đồng tính luyến ái năm 1885, Oscar Wilde bị tòa tuyên án 2 năm lao động khổ sai.

Thời gian trong tù, Wilde đã viết nhiều tác phẩm gửi ra cho "người tình" Alfred Douglas. Tuy nhiên, phải sau khi mãn hạn tù, Wilde mới có nhiều điều kiện để viết nên tác phẩm "Khúc ballad của nhà tù Reading", một tác phẩm đã phơi bày những khắc nghiệt, với cách đối xử tàn tệ mà Wilde phải chịu đựng trong thời gian bị giam hãm tại nhà tù Reading.

Cũng có mối quan hệ đồng tính tương tự trường hợp của Oscar Wilde và Alfred Douglas là cuộc tình đồng tính không kém phần nổi tiếng giữa hai thi sĩ tên tuổi của nước Pháp là Arthur Rimbaud (1854 - 1891) và Paul Verlaine (1844 - 1896). Tuy nhiên, mối quan hệ của cặp đôi này sau đó đã bị phủ bóng đen bởi một sự cố động trời: Một lần, sau trận tranh cãi gay gắt, Verlaine đã nổi nóng rút súng bắn Rimbaud. Vết đạn xuyên qua cổ tay Rimbaud. Vì vụ này, Verlaine đã phải lãnh án hai năm tù giam. Trong thời gian ngồi tù, Verlaine đã viết nên bài thơ trứ danh "Những bài ca không lời" với những câu dành tặng Rimbaud: "Này là trái, là hoa, là cành lá/ Là trái tim tôi thổn thức chỉ vì em". Tuy nhiên, những vần thơ ấy không đủ để hâm lại tình cảm đã mất sau vụ nổ súng điên khùng của Verlaine.

Nhà thơ Pháp nổi tiếng Guillaume Apollinaire (1880 - 1918) từng phải chịu cảnh giam cầm một tuần lễ chỉ bởi sau vụ trộm tranh gây chấn động dư luận tại Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) ngày 20/8/1911, cảnh sát đã nghi ngờ ông có liên quan tới vụ trộm bức họa "Mona Lisa" của danh họa Italia Leonardo da Vinci. Tuy sự việc sau này đã được chứng minh là Apollinaire bị nghi oan, song việc bị mất tự do trong một tuần lễ như vậy cũng khiến nhà thơ thực sự… sốc.

Nhà văn Mỹ nổi tiếng O. Henry (1862 - 1910) có tên thật là William Sydney Porter. Sở dĩ ông lấy bút danh nói trên là để ghi dấu những năm tháng phải chịu cảnh tù ngục (O.Henry là những chữ cái được nhặt ra từ cụm từ "Ohio penitentiary" - tức "nhà tù Ohio" - nơi nhà văn phải thụ án trong 5 năm). Lý do đẩy O. Henry vào vòng lao lý là bởi ông bị nghi biển thủ công quỹ (trong khi thực tế, trước đó, ông đã trình báo là ông không thể hợp lý hóa được sổ sách, chứng từ vì ở ngân hàng nơi ông làm việc, những người tiền nhiệm đã thực hiện việc này quá cẩu thả). "Tội" của O.Henry nặng hơn khi - thay vì ra tòa - ông đã bỏ trốn. Ông chỉ trở về trình báo với nhà chức trách khi nghe tin vợ bị ốm nặng. Sau khi lo xong tang lễ cho vợ, ông bị đưa ra xét xử và chịu mức án 5 năm tù giam. Thời gian ngồi tù, O.Henry đã nảy hứng viết văn (cũng là để có tiền gửi về nuôi con). Một số tác phẩm ông viết thời kỳ này đã được bạn đọc chào đón nồng nhiệt

Tiến Thành
.
.