Những nhà thơ… bất tài “trường tồn” cùng quê hương

Thứ Sáu, 11/02/2005, 15:19
Thơ của họ không hay nhưng mọi người phải công nhận một điều: chúng cũng có đặc trưng là khó lòng… bắt chước. Dù vậy, thơ của các nhà thơ “ít tài” này vẫn được xuất bản và dịch ra nhiều thứ tiếng(!?).

Người đầu tiên cần phải kể đến là nhà thơ William McGonagall. Ông sinh năm 1825 tại Edinburgh, Scotland và lớn lên tại Dundee. Qua tuổi trung niên McGonagall mới có ý định đến với nàng thơ. Là người không mấy tài cán nhưng ông lại ngộ nhận mình là một thi sĩ vĩ đại và luôn tìm cơ hội để chứng minh điều đó.

Wiliam McGonagall.

Đây chính là lý do biến ông thành chủ đề đàm tiếu của người đương thời. Tuy nhiên điều đó không hề làm ông nao núng. Khi ông mất, thi hài ông được an táng trong nghĩa trang của những người nghèo khó nhưng ký ức về ông thì vẫn còn sống mãi đến ngày nay.

Trong cuộc đời làm thơ 24 năm, McGonagall đã viết vô số bài thơ, dở về đủ các mặt, từ vần điệu, nội dung đến chủ đề, dở tới mức người ta đổ xô đến nghe ông đọc thơ để gật gù với nhau rằng: “Thơ của cha này quả là tệ!”. Dẫu vậy, tới nay thơ của McGonagall vẫn được dịch ra các thứ tiếng Nga, Trung Quốc và Thái Lan.

Dưới đây là một đoạn trong bài thơ Thảm họa trên dòng sông Tây, một bài thuộc loại dở nhất của William McGonagall được in trong tuyển tập đầu tiên của ông có tựa đề Những hòn ngọc văn thơ, xuất bản năm 1878: Chiếc cầu xinh xắn trên dòng sông Tây/ Đáng tiếc là ta phải nói điều này/ Cái ngày cuối năm bảy chín ấy/ Chín mươi mạng sống thế là bay/ Chuyện này ta sẽ nhớ dài dài đây...

Đoạn thơ này vần gieo quá gượng gạo. Hơn nữa, tuy lời lẽ có vẻ chân thật nhưng một chủ đề buồn thảm lại được nói một cách tưng tửng như vậy thì rõ là không hợp.

Các nhà phê bình văn học mang chuyện một nhà thơ khác cũng vào loại rất dở ra để so sánh với William McGonagall, đó là James McIntyre. McIntyre sinh tại Forres, Mỹ. Đến năm 14 tuổi ông rời quê hương đến Canada. Ông là một người đáng kính nhưng không có gì nổi bật.

James McIntyre.

Sau khi học được nghề phục vụ lễ tang, ông trở thành nhân viên nhà đòn, sau đó ông mở xưởng sản xuất đồ gỗ tại Ingersoll, Ontario - một trong những nơi sản xuất phomát đầu tiên của Canada. Có lẽ đây là nguồn cảm hứng cho những bài thơ đã làm ông trở nên “nổi tiếng”.

Chúng được in trong tập Những vần thơ về các chế phẩm từ sữa và phomát. Dưới đây là một đoạn trích trong bài thơ ông viết kỷ niệm cục phomát khổng lồ nặng bảy nghìn cân Anh: Chúng tôi đã chiêm ngưỡng nàng/ Hoàng hậu của các loài pho mát/ Nghỉ ngơi trong cảnh thanh bình/ Phe phẩy quanh mình là làn gió lúc chiều tà/ Không có ruồi muỗi nào làm phiền nàng được.

Bấy nhiêu cảm hứng chỉ để nói về một cục phomát thôi đấy.

Người Canada hiện vẫn thừa nhận McIntyre là nhà thơ dở nhất tại nước này, song nghịch lý là thơ ông vẫn trường tồn cùng năm tháng.

Cũng có tên trong danh sách này là thi sĩ Solomon Brown. Ông đã viết cả một trường ca dài 50 trang về ngành nha khoa mang tên Nha khoa: trường ca về các bệnh răng miệng. Trường ca này có đoạn: Cứ khi nào thấy lớp men/ Răng ta bị chớm màu đen dần dần/ Ai ơi xin chớ ngại ngần/ Đến ngay bác sĩ chữa răng khỏi muộn.

Hiện nay nhìn chung người ta không còn viết nhiều thơ về răng, hàm, mặt nữa. Bên cạnh đó những chủ đề có xu hướng phân biệt chủng tộc như bài thơ của Martin Farka Tuppa nói về tính vượt trội của chủng tộc Anglo Saxon cũng không được chấp nhận. Xin giới thiệu một trích đoạn từ bài thơ này: Ngày qua ngày rồi lại qua ngày/ Các chủng tộc dần dần sẽ đổi thay/ Phương Nam, phương Bắc rồi sẽ khác/ Saxon giống ấy mới thật hay.

Thật là tiêu biểu cho chủ nghĩa đế quốc thời Nữ hoàng Victoria. Vậy có nên cười trước những cố gắng sáng tạo của họ hay không? Xin tùy bạn đọc quyết định. Nhân dịp mở đầu “năm Con Gà”, để kết thúc bài viết này, mời bạn đọc thưởng thức đoạn thơ dưới đây của William McGonagall: Con gà là một loài thú quý/ Con bò thì bất hạnh hơn nhiều/ Đứng một mình dưới mưa rơi tầm tã/ Mình ướt đầm chân cẳng liêu xiêu

Lương Lê Giang
.
.