“Những người muôn năm cũ…”

Thứ Bảy, 05/06/2021, 11:08
Thiên hạ bảo, người ta phát hờn ghen với người làng Gang của tôi ở cái xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình ấy, vì họ biết hát chèo và mê chèo tự thuở các bậc tiên tổ tự tin đạp bàn chân trần gân guốc của mình lên sóng dữ mà hào sảng tiến ra Biển Đông khai thiên lập địa để có làng.


Điều đó hư thực thế nào, cũng chẳng mấy ai tỏ tường. Nhưng vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ trước, ngày tôi còn là cậu bé chân đất, guốc mộc, áo nâu sồng của trường làng thì cái duyên chèo của làng Gang đã có tiếng có tăm vô cùng thăng hoa linh diệu rồi.

Những “ngôi sao” đã tắt, và…

Cứ như là “cổ tích” khi mà các thế hệ người làng Gang xưa cũng như nay chả ai có thể trả lời được câu hỏi: “Gánh chèo truyền thống của làng ra đời từ bao giờ?!”. Bởi lẽ, khi mà họ chào đời, ở làng đã tồn tại, phát triển một gánh chèo do cụ này, cụ kia đóng vai “ông trùm”. Cũng lại như thể “cổ tích”, không biết từ khi nào mà trong đời sống dân gian của người làng Gang đã tồn tại mấy câu lục bát thể hiện chức việc của mỗi một thành viên trong gánh chèo làng thế này: “… Sáo Chi, Nhị lục, Đàn Kì, Trống Hoa, Phách Chỉnh, Phông màn ông Thi. Trò hề thì có ông Ky. Gia mắm, gia muối ông Tư thêm vào…”.

Diễn viên Hồng Tĩnh tại Liên hoan các gánh chèo truyền thống của huyện Thái Thụy - Thái Bình.

Người làng kể, trước khi cụ trùm Luận thành lập gánh chèo làng thì trước đó, ở thôn đã từng xuất hiện nhiều chiếu chèo truyền thống “có tên, có tuổi” trong vùng. Gánh chèo của cụ trùm Luận lại chỉ rặt những người trong dòng họ Ngô Hữu nhà cụ. Thấy bảo, ngoài những diễn viên, nhạc công, cụ trùm Luận “lôi” cả những anh chị em ruột thịt của mình vào gánh chèo làng. Mỗi người mỗi việc khác nhau: người lo đèn đóm, người lo khoản chiếu trải sân đình làm sàn diễn, kẻ lo phục vụ nước nôi. Lại có người ở nhà chuyên lo nồi cháo loãng để sau mỗi đêm diễn trở về, các thành viên của gánh cùng xúm vào xì xụp lấy lại năng lượng “gọi là”. Những năm sau hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), gánh chèo của cụ trùm Luận đã ít nhiều góp phần động viên tinh thần những người nông dân vùng quê lúa trong việc “diệt giặc dốt”, “diệt giặc đói” và thực hiện quá trình công hữu hóa; cũng như tích cực đoạn tuyệt với kiểu làm ăn riêng lẻ, tiểu nông để tham gia xây dựng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, theo hướng làm ăn mới.

Đầu thập niên 60, khi gánh chèo của cụ trùm Luận ngừng hoạt động, một gánh chèo mới của làng Gang ra đời kế tiếp do cụ Rụy cầm trịch. Ban ngày, cụ trùm Rụy cùng với ông Kỳ, ông Chi, ông Thép,…vật lộn với những mẻ đất thịt vàng óng để tạo hình hài cho những viên gạch. Và nữa là, xếp những tảng đá vào lò để nung mẻ vôi mới cho HTX thời còn bao cấp. 

Hễ cứ nhọ mặt trời, cụ trùm Rụy lại sấp ngửa rời khỏi khu lò gạch, lò vôi trở về nhà đôn đáo lo nồi nước chè xanh; lo chuẩn bị sẵn những tấm chiếu cói để sau khi cơm nước xong là các nghệ sĩ chân đất của làng kéo tới tập tành diễn xướng với những trổ chèo nào là Lới lơ; nào là Sắp qua cầu; nào là Đường trường thu không; Quân tử vu dịch…mê lịm khiến tâm thế bà con trong làng nguôi ngoai nỗi lo cơm áo gạo tiền thời bao cấp và trong hoàn cảnh chiến tranh.

Những năm 60 rồi 70 của thế kỷ trước, khi đế quốc Mỹ leo thang dùng máy bay đánh phá miền Bắc, gánh chèo làng Gang càng thăng hoa vi diệu hơn bao giờ hết. Nói không ngoa, những năm tháng đó, gánh chèo Gang đã góp phần rất lớn vào phong trào “Thóc không thiếu một cân/ Quân không thiếu một người”, nổi tiếng một thời của người dân Thái Bình.

…Những cây tre già, nhưng…

Đã có một thời, gánh chèo làng Gang tưởng như đã phải rã đám, bởi không có người cầm trịch. Ấy là khi thời buổi “mở cửa” và cơn gió “cơ chế thị trường” những năm 80, 90 của thế kỉ 20 đưa nhiều luồng gió văn hóa ngoại nhập tốt có, xấu có, tràn vào quê tôi. Có ai đó cho rằng, hát chèo là cổ hủ, không hợp thời với công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” nữa! Thế là gánh chèo làng Gang coi như rã đám. 

Đúng lúc đó, ông bác trưởng dòng họ Lê Công của tôi nghỉ hưu. Ông là Lê Công Nhật Tân. Bác trưởng của tôi vốn là một ông giáo làng những năm “giảm tô”. Đáng lẽ nghỉ chế độ, như người khác, ông sẽ vui thú điền viên sau bao năm cống hiến cho ngành giáo dục địa phương. Nhưng ông bác trưởng của tôi thì không. 

Diễn viên Hồng Tĩnh và Ngô Uy trong một hoạt cảnh chèo về đề tài Kế hoạch hóa gia đình.

Vừa lo chăm sóc phần đời, phần hồn của gia tộc và cũng chính ông tự nguyện sắm vai người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, đôn đáo vực lại gánh chèo làng bằng sự nhiệt huyết và bằng chính những đồng lương hưu của mình. Làm vậy là bởi ông bác cả của tôi nhận chân ra cái điều giản dị này: Chèo là hồn cốt của làng. 

Từ khi được hồi phục, gánh chèo truyền thống làng Gang đã hoạt động với một khí thế mới, tinh thần mới: Trân trọng, nâng niu các tích chèo cổ, nhưng đặc biệt bám sát hơi thở cuộc sống bằng các đề tài hiện đại. Với chủ trương đó, đồng thời với việc ông giáo già Lê Công Nhật Tân đặt lời, và ông Kỳ - một trong những nhạc công chơi đàn tam trứ danh - soạn nhạc, những thành viên của gánh chèo làng Gang vô tư bỏ những đồng tiền túi mà mình chắt chiu một cách khó nhọc mới có được để đặt hàng những nhà biên kịch chuyên nghiệp những vở diễn mới với đủ các loại đề tài mang đương đại.

Không chỉ mang lời ca cùng những vai diễn “có hồn có vía” của mình phục vụ bà con ở làng, ở xã, gánh chèo làng Gang còn đến với người dân tại các xã trong huyện, trong tỉnh… trong các dịp lễ tết, hội thi. Những tác phẩm sân khấu của những nghệ sĩ chèo chân đất ấy đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” không chỉ với riêng làng Gang, ấy thế!

 …Măng không chịu mọc!

Một ngày, đang vui với câu chuyện về gánh chèo làng, bất giác ông  Ngô Hữu Chi - một nhạc công sáo trúc có tiếng có tăm từ “ngày xửa...ngày xưa” - cười buồn và cất cái giọng ảm đạm: “Chắc cũng chỉ vài ba năm nữa là chuyện về gánh chèo làng ta thành cổ tích thôi anh ạ!”.  Thấy tôi ngạc nhiên, người nhạc công chân đất ấy nói như thở hắt ra: “Hầu hết các thành viên trong gánh chèo làng Gang giờ đều như những cây tre gà cỗi, nhưng nào có măng nào chịu mọc thì làm gì có chuyện kế thừa trong tương lai!”.

Ông Lê Công Túy, người cựu chiến binh của mặt trận B3 Tây Nguyên năm nào và nay là một tay trống chèo cự phách kiêm vai “ông trùm” của gánh chèo làng Gang bảo: “Điều trăn trở của ông Chi là có lý do cả đấy!”. Rồi thì ông Túy bộc bạch: Gánh chèo Gang đang ở trong tình trạng già hóa hết cả rồi. Người cao tuổi nhất là hai anh em ruột ông Kỳ - ông Chi đều đã xấp xỉ tuổi 90. Người trẻ nhất là diễn viên Hải Lượn và Hồng Tình cũng U50 mất rồi. 

Ông Túy thủ thỉ tâm sự, là “đất chèo”, từ thời thượng cổ, thế hệ nào làng Gang cũng xuất hiện những hạt nhân sân khấu tiềm năng. Hiện nay cũng thế. Vì muốn có những thế hệ kế thừa, nhiều năm nay các thành viên của gánh chèo tìm kiếm và vận động rất nhiều người trẻ tham gia gánh chèo làng. “Nhưng vận động kiểu gì họ cũng nhất định ngoảnh mặt làm ngơ!” - Ông Túy “trống chèo” rầu rĩ.

Giải thích về điều đó, ông Túy thẳng thắn: Lý do mà những người trẻ từ chối làm người kế cận thật ra chẳng phải vì mức thu nhập. Bởi họ biết, ở gánh chèo làng, làm gì có “đồng ra đồng vào” cơ chứ. Điều khiến họ xem như “gương tày liếp” là các bậc cha chú của mình cả một đời gắn bó với chèo; với quá trình phát triển của làng, của xã thông qua chèo, nhưng rốt cuộc chẳng được ghi nhận thành tích. Điều đó đã khiến những người trẻ chả thiết tha gì với việc kế thừa nữa. 

Ông Lê Công Túy thổ lộ gan ruột: “Thật ra, các thế hệ đi trước cũng như chúng tôi bây giờ nào đâu có đòi hỏi bất cứ điều gì đâu ạ. Chỉ tại “cái tội say chèo” và vì tình, vì nghĩa với làng mà cánh tôi quần tụ nhau lại để nên gánh chèo. Nhưng giá như Nhà nước hay các tổ chức nghề nghiệp có hình thức ghi danh, biểu dương các thế hệ gánh chèo làng Gang bằng một danh hiệu hay kỷ vật gì đó thì chắc chắn, đám trẻ chả đời nào nhạt lòng với gánh chèo của làng. Nhưng đằng này…”. 

Buông chén trà chưa kịp nhấp môi, ông Túy buông tiếng thở dài và hướng cái nhìn với ánh mắt đầy vẻ bấn loạn căng hết kích tấc vào miền vô định: “Ôi trời! Cứ đà này, chả mấy nữa đâu, nhắc đến gánh chèo làng Gang, thiên hạ chỉ còn biết ngơ ngác hỏi nhau: “Những người muôn năm cũ. Hồn bây giờ ở đâu?!” thôi anh ạ!”. 

Tôi hiểu niềm trăn trở chứa chất sự hoang mang của ông Túy trống chèo về một gánh chèo truyền thống mang tính kế thừa của làng Gang. Nhưng dường như đó không phải nỗi âu lo của riêng những người nghệ sĩ làng Gang mà còn là nỗi niềm chung của các nghệ sĩ chân quê thuộc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống tại rất nhiều miền làng bản trên dải đất mang hình chữ S. này. Âu là  thế chăng?!.

Lê Công Hội
.
.