Chuyện làng văn nghệ

Những lời cuối cùng của các nhà văn lớn

Thứ Năm, 22/12/2011, 08:00

Người đời thường nói "Con chim sắp chết tiếng kêu ai oán, con người sắp chết lời nói khôn ngoan". Tìm hiểu những lời nói cuối cùng trước khi lìa xa dương thế của các nhà văn cũng là điều thú vị, giúp chúng ta có thể rút ra nhiều chiêm nghiệm bổ ích.

Nổi tiếng với các truyện khoa học viễn tưởng, nhưng trước khi mất, nhà văn Pháp Jules Verne chỉ thốt lên mấy tiếng ngắn gọn để dặn dò con cháu: "Các con cháu nên tốt bụng" - một lời khuyên thật giản dị, rất hiện thực chứ không cao siêu, viễn tưởng chút nào.

Thi hào Nga Pushkin đã tắt thở ít ngày sau cuộc đấu súng định mệnh với gã sĩ quan người Pháp Dantes. Trước khi mất, ông ngước ánh nhìn về phía bạn bè: "Bạn hỡi, hãy nâng tôi lên… Ta lên đây, cao nữa, cao mãi…". Phút lìa trần của Pushkin đã được một người chứng kiến kể lại: "Tôi chưa bao giờ thấy khuôn mặt người chết nào trong sáng, thanh thản và nên thơ như thế". 

Thi hào Đức Heinrich Haine trước khi mất, mặc dù rất xuống sức vẫn gắng gỏi làm việc. Câu nói cuối cùng mà mọi người nghe được từ ông là: "Viết, viết, giấy đâu… bút chì đâu?".

Nhà văn Anh Charles Dickens sau một chuyến "bát phố" về, thấy người khác lạ. Em gái ông nhắc ông nằm xuống giường cho đỡ mệt. Ông lẩm nhẩm: "Phải rồi, nằm xuống đất". Nói xong nhà văn ngã xuống đất, bất tỉnh. Ít phút sau ông ra đi.

Nhà văn Nga Ivan Turgenev trước khi mất (ở tuổi 68) đã cố mở to mắt nhìn người bạn gái  - nữ nghệ sĩ Polina Viardot mà ông thầm yêu trộm nhớ. Đoạn, ông cầm tay bà, nghẹn ngào: "Em là nữ hoàng của những nữ hoàng". Nói xong, nhà văn của những câu chuyện tình trứ danh như "Mối tình đầu", "Asia" đã… rời xa trần thế.

Văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky trước khi mất trằn trọc suy nghĩ. Sáng ấy, vợ ông tỉnh dậy và nhận thấy chồng đang nhìn mình. Dostoyevsky nói: "Anna, em biết không, anh đã không chợp mắt suốt ba giờ đồng hồ rồi. Nằm suy nghĩ mông lung, anh hiểu rằng hôm nay anh sẽ chết". Rồi ông cho gọi các con tới, dặn dò chúng phải biết yêu thương mẹ, phải giúp mẹ sau khi bố mất. Đoạn ông quay về phía vợ, dặn: "Anna, em hãy nhớ rằng bao giờ anh cũng rất yêu em và không bao giờ phản bội em, ngay cả trong ý nghĩ". Đó được xem là lời nói cuối cùng của Dostoyevsky.

Nhà thơ Alfred Musset trước khi mất chỉ thốt lên một câu ngắn gọn: "Ngủ, ôi đến giờ tôi mới được ngủ ngon".

Văn hào Pháp Honore de Balzac, tác giả bộ tiểu thuyết "Tấn trò đời" đồ sộ trước khi mất ở vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Trong cơn mê, ông thường lẩm bẩm một câu: "Bianson! Bianson, phải có Bianson mới cứu được tôi". Bianson là nhân vật bác sĩ mà Balzac hư cấu nên trong bộ "Tấn trò đời". Nhà văn đã xem nhân vật mình hư cấu như một nhân vật có thật ở ngoài đời.

Khi hấp hối trên giường bệnh, nhà văn lớn của nước Nga là Mikhail Bulgakov, tác giả nhiều vở kịch, tiểu thuyết xuất sắc nhưng không được phổ biến rộng rãi lúc sinh thời đã thốt lên mấy câu: "Mong sao người ta biết… Mong sao người ta biết". Ấy là ước nguyện cháy bỏng (và chính đáng) của một nhà văn tài năng muốn tác phẩm của mình phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Trong phút lâm chung, ở văn hào Pháp Victor Hugo đã xuất hiện những trạng thái rất lạ. Một người bạn thân cúi sát giường ông và nghe ông thều thào: "Tôi đã nhìn thấy ánh sáng đen".

Trong những ngày tháng cuôië đời, văn hào Nga Lev Tolstoy đã phải bỏ nhà ra đi và mất tại một phòng chờ ở nhà ga. Trong giờ phút hấp hối, một số người thân của ông đã túc trực bên ông và một người con trai đã nghe thấy những lời nói cuối cùng thốt lên từ cái miệng xồm xoàm râu ria của cha mình: "Chân lý… cha yêu lắm… Tất cả bọn họ…". Trước khi đi vào giấc ngủ muôn đời, Tolstoy lẩm nhẩm như nói với ai đó: "Tôi sẽ đi đâu đó để không làm phiền ai cả. Hãy để cho tôi yên"

Tiến Thành
.
.