Những kỷ niệm khó quên với nhạc sĩ Trọng Loan

Thứ Bảy, 02/03/2019, 08:15
Trong số những nhạc sỹ gạo cội của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, Trọng Loan (1923 - 2011) là một tên tuổi rất gần gũi với công chúng, đặc biệt là bộ đội. Suốt cuộc đời cầm bút, ông mặc áo lính đã đành. Điều quan trọng hơn là nhiều ca khúc của ông nổi rõ hình tượng người lính Cụ Hồ được các chiến sỹ rất ưa thích.


Đông đảo bạn đọc hẳn là rất quen với những bài hát của ông: "Lời ca dâng Bác", "Người Châu Yên em bắn máy bay", "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng", "Trăng sáng trên rừng quế", "Cồn Cỏ anh hùng", "Nếu em tới thăm đảo"….

Giai điệu những ca khúc của ông luôn thắm đượm âm hưởng dân gian, lại được bố cục trong những khúc thức rất khúc chiết, gọn gàng, mạch lạc và những quãng thuận tai nên rất dễ vào lòng người. Một bài ông vừa viết xong, chỉ cần nghe qua vài lần là sẽ nhập tâm ngay và có thể hát được dễ dàng.

Cố nhạc sỹ Trọng Loan.

Trọng Loan là một trong những người thầy của tôi về sáng tác ca khúc. Tuy ông chưa có dịp giảng dạy trong các trường nhạc nhưng là người được nhiều trại sáng tác trong cũng như ngoài quân đội mời đến nói chuyện, truyền thụ kinh nghiệm viết bài hát. Và không ít tác giả trẻ khi mới bắt đầu bước chân vào con đường sáng tác ca khúc đã tìm đến ông, thụ giáo.

Riêng tôi có "duyên nợ" với ông từ khi còn là sinh viên. Hồi đó, ông phụ trách phần âm nhạc ở buổi phát thanh binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Nội dung chương trình này là tuyên truyền, kêu gọi binh lính ngụy quyền từ bỏ con đường lầm lạc, về với cách mạng. Công việc này không thể thiếu vắng văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc.

Buổi phát thanh này ở khung giờ 23 giờ hằng ngày. Tôi rất thích nghe vì xuất hiện nhiều bài hát hay, có giai điệu rất du dương, lắng đọng, tâm tình. Ban ngày, sau khi nghe nhiều bài sôi sục khí thế chiến đấu và chiến thắng, đến đêm nghe những bài ở buổi binh vận thì rất thích.

Đây là những bài hát đã góp phần không nhỏ trong việc dẫn dụ binh lính ngụy trở về với cách mạng để góp sức giải phóng quê hương. Vì rất thích nghe mà tôi đã mạnh dạn sáng tác rồi từ Thái Nguyên (nơi chúng tôi sơ tán vào những năm giữa thập niên 60 của thế kỷ trước) gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam. Gửi vậy nhưng tôi chưa tự tin với ý nghĩ chắc chẳng ai để ý đến bài của mình.

Không ngờ, chỉ sau khi gửi đi chừng hai tuần, tôi nhận được thư hồi âm của Trọng Loan - người nhạc sỹ phụ trách âm nhạc của chương trình như đã nói. Tôi xiết đỗi vui sướng vì đã nghe danh Trọng Loan từ trước đó gắn với hai bài hát nổi tiếng của ông mà tôi rất thích là "Người Châu Yên em bắn máy bay" và "Lời ca dâng Bác".

Niềm vui của tôi càng được nhân thêm khi được ông chấp nhận sử dụng bài hát. Nhưng ông yêu cầu phải sửa lại. Và ông đã chủ động sửa rồi chép gửi qua bưu điện cho tôi bản đã sửa theo ý ông. Như vậy có nghĩa ông đã mất nhiều thời gian cho việc này.

Tuy nhiên, cuối thư ông vẫn viết đại ý rằng tùy tôi, có thể nghe theo ông sửa, có thể không. Nếu không đồng ý, ông vẫn sử dụng chứ không bỏ, nhưng theo ông sửa thì hiệu quả hơn. Tức là ông rất tôn trọng tác giả dẫu còn non choẹt và chỉ mới tập toạng sáng tác (năm đó, tôi 20 tuổi). Tất nhiên là tôi "chịu" phần ông sửa vì sự thực là giai điệu nghe hay hơn rất nhiều và bài hát cũng ngắn gọn, hàm súc hơn. Bài hát đầu tay của tôi là như vậy và được cả hai ca sỹ rất nổi tiếng lúc đó thể hiện là Quốc Hương và Bích Liên.

Đang đà hứng khởi, vài tháng sau đó, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, tôi lại gửi về cho ông sáng tác thứ hai. Lần này, ông chỉ thay đổi cho tôi một nốt và cho thu thanh. Tôi quá sung sướng vì cả hai bài "đầu tay" đều thành công. Tôi kể chuyện này cho một nhạc sĩ là bạn của Trọng Loan nghe. Vị này nói với tôi: "Số cậu đỏ đấy. Trọng Loan rất khó tính trong việc dùng tác phẩm.

Vậy mà cậu không phải là nhạc sỹ đã được dùng liền 2 bài". Rồi vị này cho tôi biết Trọng Loan rất thích uống trà Thái Nguyên, gợi ý tôi đem về biếu để tỏ lòng biết ơn. Lời gợi ý đúng với bản tính của tôi là rất thích tặng quà những người mình có tình cảm, biết ơn.

Nhưng ngày ấy là thời "ngăn sông, cấm chợ", mang hàng hóa đi tàu xe bị nhà chức trách kiểm soát rất chặt. Riêng trà Thái Nguyên chỉ được mang tối đa là 1 lạng (vì sợ đương sự mang buôn). Nhưng thấy 1 lạng quá ít, tặng sẽ không ổn, tôi đánh liều mua 3 lạng với hy vọng mình sẽ "thoát" vì sự thực tôi chưa bị ai lục soát bao giờ. Nhưng rủi thay, lần đó tôi bị "tóm".

"Túi này của ai? Đề nghị mở ra cho chúng tôi xem!" - Người kiểm soát trên tàu còn rất trẻ, chỉ chừng ngoài 30 tuổi chỉ vào túi đồ của tôi, hỏi.

- Thưa, của em ạ - Tôi trả lời.

Sau khi mở túi, thấy bọc trà không thể là 1 lạng, anh ta nói:

- Cậu bị tịch thu theo quy định vì chắc chắn gói trà này phải mấy lạng chứ không thể 1 lạng.

Nói rồi, anh ta giở biên lai yêu cầu tôi ký vì bị tịch thu. Tôi phân trần là mua về làm quà chứ không buôn bán gì vì là sinh viên.

- Sinh viên cũng có thể kết hợp buôn. Yêu cầu cậu chấp hành để chúng tôi làm tròn nhiệm vụ.

Trong lúc tôi năn nỉ, xin xỏ thì bỗng từ chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu của một hành khách ngồi bên cạnh phát ra mấy câu hát "Con gái trắng nõn những búp tay. Em có dám bắn máy bay? Bắn ngay!..." (bài "Người Châu Yên em bắn máy bay"). Tôi thấy anh nhân viên kiểm soát nói với chủ nhân chiếc đài:

- Bài này hay quá. Bác ơi, bật to thêm chút đi.

NSND Thanh Huyền - người hát ấn tượng nhất "Lời ca dâng Bác" - ca khúc đặc sắc của nhạc sĩ Trọng Loan.

Tôi bỗng nhanh trí:

- Anh thích bài này à?

- Thích chứ. Bài hay lắm. Nhiều người thích mà.

- Vậy anh có biết tác giả bài hát là ai không?

- Làm sao mà biết được.

- Thưa anh, của nhạc sỹ Trọng Loan là ông thầy của em đó. Em mang gói trà này về là để biếu thầy. Thầy mê trà này lắm. Anh tha cho em đi.

Anh ta nhìn tôi có vẻ chưa hoàn toàn tin. Một vài người xung quanh đỡ lời tôi:

- Thôi, tha cho cậu ấy. Quà biếu thầy. Thật quý.

Thế là tôi được "tha". Nhưng anh ta không quên nhắc:

- Chỉ lần này thôi đấy. Chúng tôi cũng chỉ làm nhiệm vụ theo quy định.

Lúc đó, tôi mới chỉ nghe danh Trọng Loan và thuộc lòng nhiều bài hát của ông chứ chưa biết mặt. Lần đầu tiên, tôi đến gặp để biếu trà ông là dịp cận Tết năm đó. Lúc này, ông sống ở một căn hộ tập thể bộ đội tại số 3 phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, Hà Nội, là hàng xóm của mấy gương mặt văn nghệ nổi tiếng khác: Nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn.

Nhìn thấy Trọng Loan, tôi có cảm giác gần gũi, thân quen ngay. Ông có phong cách rất bộ đội: Bình dân, giản dị, hòa đồng, chân tình, thân mật và cởi mở. Đặc biệt có giọng hát tuy nhỏ, không "cộng minh" nhưng rất hay, truyền cảm. Tôi nghe ông hát lại mấy bài đã nổi tiếng mà thấy thú vị hơn nhiều so với các ca sỹ tài danh đã hát. Tôi kể lại cái kỷ niệm suýt bị "bắt" trên tàu vì mang trà quá quy định, Trọng Loan nói:

- Lần sau em không được làm vậy. Đến thăm anh là quý rồi. Không có quà cáp chi cho vất vả. Cứ gửi cho anh sáng tác có chất lượng, dùng được là quý nhất rồi. Anh luôn cần có ca khúc mới để phát sóng.

Rồi ông dặn tôi là cần khơi gợi tình yêu Tổ quốc, quê hương, dân tộc, ý thức chống ngoại bang xâm lược trong tình cảm của các lính ngụy hơn là nói những nội dung chính trị lộ liễu, cứng nhắc, sẽ ít sức thuyết phục với đối tượng mình hướng tới.

Đang ngồi đàm đạo thì có nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn sang chơi. Sau lời giới thiệu tôi, Trọng Loan liền sẻ một nửa gói trà tặng lại tác giả bài "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" và mời cả tôi và người đồng nghiệp hàng xóm ở lại ăn cơm vì cũng đã sát bữa trưa. Tuy ngại nhưng trong lòng rất thích vì tôi nghĩ chẳng mấy khi được ăn cơm cùng hai nhạc sỹ tài ba mình rất đỗi ngưỡng mộ. Rất may là Nguyễn Đức Toàn không khách sáo, đã nhận lời.

Từ đó, tôi trở thành học trò và là bạn vong niên của Trọng Loan. Sau đó, cho tới khi ông sắp qua đời vì già yếu, cứ có sáng tác nào mới, ông lại gọi tôi đến để hát cho nghe. Ông luôn nói: "Chớ nhận xét đãi bôi. Miệng khen mà tai không lắng nghe là tớ biết. Tốt nhất hãy nhận xét đúng ý nghĩ. Tớ sẽ rất quý và cảm ơn".

Tôi biết chính xác không ít bài ông viết ra, vẫn còn say sưa với đứa con tinh thần mới khai sinh nhưng có vài nhạc sỹ có "gu" sành góp ý, tỏ ra chưa ưng ý là ông bỏ liền, không thương tiếc. Đủ thấy ông là người luôn cầu thị, không chủ quan, ngộ nhận tác phẩm của mình như nhiều người vẫn mắc.

 Rồi lúc tôi mới tốt nghiệp, ra trường, cứ đi nói chuyện về sáng tác ở đâu là ông lại báo để tôi tham dự, nghe ông truyền thụ kinh nghiệm. Có được chút thành công nào đó trong những tác phẩm của mình, tôi thấy rõ có công sức dìu dắt của Trọng Loan ở những buổi đầu mình mới chập chững bước vào con đường âm nhạc.

Nhạc sĩ Trọng  Loan đã đi xa được gần 10 năm, nhưng với tôi, ông vẫn luôn hiện hữu thật gắn bó, thân thuộc.

PV
.
.