Những kịch tính trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012

Thứ Sáu, 23/11/2012, 08:04
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do tổ chức GlobeScan thực hiện và được đăng tải trên báo Thư tín địa cầu của Canada số ra ngày 29/10 vừa qua thì hiện trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đương kim Tổng thống Barack Obama đang nhận được sự ủng hộ lớn hơn so với đối thủ của đảng Cộng hòa - Thống đốc Mitt Romney. Cuộc khảo sát được thực hiện với 22.000 người ở 21 quốc gia trên thế giới.

Ngày 25/10, ông Barack Obama đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống tại quê nhà ở Chicago, bang Illinois. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đi bỏ phiếu sớm. Trước đó, phổ biến nhất là hình ảnh các ứng viên tổng thống và bạn đời đi bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử - một nghi lễ được xem như một dấu chấm kết thúc đợt tranh cử kéo dài.

Việc bỏ phiếu sớm từng được dành riêng cho các cử tri là quân nhân và những người xa xứ. Với hành động của mình, ông Obama muốn kêu gọi cử tri thay đổi nhận thức về bỏ phiếu sớm, điều mà cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều đã nhận ra lợi thế của nó trong tiến trình bầu cử. Thực tế, trong cuộc bầu cử 2008, khi hàng nghìn lá phiếu bầu sớm giúp cho ông Obama dẫn đầu cuộc đua ở một số bang thì việc bỏ phiếu sớm đã trở thành một chiến lược được cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa tìm cách triệt để khai thác. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, cả hai phe đều tích cực kêu gọi các cử tri đi bỏ phiếu sớm với hy vọng giành được lợi thế ban đầu…

"Với tất cả các bạn, những người chưa đi bỏ phiếu, tôi muốn các bạn chứng kiến quá trình vô cùng hiệu quả này" - Ông Obama nói với các nhân viên và các nhà quan sát việc bỏ phiếu của mình. Đoạn băng ghi hình này đã được phát trên sóng truyền hình. Và ông đùa vui: "Tôi sẽ không nói cho các bạn biết tôi sẽ bầu cho ai đâu".

Có lẽ là hơi "gở" chăng khi - cũng trong lần bỏ phiếu này, ông Obama khuyên các cử tri: "Nếu trong ngày bầu cử có chuyện gì đó xảy ra, bạn không cần phải lo lắng. Nếu thời tiết xấu, bạn sẽ không bị ướt. Hay như tại Chicago, trời sẽ có tuyết". Trái ngược với sự lạc quan của ông Obama, chỉ ít ngày sau phát biểu trên, đích thân ông Obama đã phải tạm rời chiến dịch tranh cử của mình để chỉ đạo chính phủ đối phó với siêu bão Sandy - cơn bão được xem là mạnh nhất tấn công nước Mỹ trong vòng 100 năm qua - gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhiều cư dân.

Về phần mình, ứng cử viên Romney đã hủy bỏ một số chương trình trong chiến dịch tranh cử như một cách sẻ chia với người dân đang gặp thiên tai. Mặc dầu vậy, tại Iowa và Ohio - hai bang quan trọng, được xem là có tính then chốt phân bại thắng thua (trong 12 lần bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây, bang Ohio là bang duy nhất xảy ra hiện tượng: Ai thắng ở bang này đều trở thành tổng thống), ông Romney vẫn tiếp tục lịch trình như dự kiến. Đây là cơ hội để ông thu hút thêm cử tri. Tuy nhiên, việc làm này khá liều lĩnh, bởi nếu không cẩn thận, ông Romney dễ rơi vào nguy cơ bị công luận đánh giá là thờ ơ trước số phận người dân Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Sandy. Còn nhớ, cách đây gần hai tháng, ông Romney từng bị lên án là đã lợi dụng thảm kịch đại sứ quán Mỹ tại Benghazi (Libya) bị tấn công để đạt được mục đích chính trị của mình.

Ở Mỹ, những người "thích" đương kim Tổng thống Barack Obama đa phần là các bạn trẻ, những người già yếu, người nghèo, những người di cư từ các quốc gia khác tới - những đối tượng mà các chính sách của ông Obama có nhiều ảnh hưởng tích cực. Hơn thế, với những đối tượng này, họ yêu quý Obama bởi ông là vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ và cũng là một trong những tổng thống không xuất thân từ tầng lớp "đại gia".

Hai ứng viên Barack Obama và Mitt Romney trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trước khi bước vào vòng bỏ phiếu.

Nói vậy có nghĩa là những người thuộc tầng lớp "đại gia" không phải ai cũng ưng thuận sự ở lại của ông Obama. Ví dụ điển hình nhất là vào ngày 22/10 vừa qua, nhà tỉ phú Donald Trump đã bất ngờ tung ra một tin gây xôn xao dư luận, rằng tới ngày 24/10, ông sẽ công bố một thông tin thuộc loại "bom tấn" liên quan tới Tổng thống Obama và thông tin này có khả năng làm thay đổi cục diện cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Những bạn bè thân hữu với nhà tỉ phú Mỹ đã đoán non đoán già rằng, rất có thể Donald Trump sẽ công bố việc ông có trong tay bản nháp tờ giấy ly hôn của vợ chồng đương kim Tổng thống Mỹ.

Thật ra, những thông tin này từng được tác giả Ed Klein nhắc tới trong một cuốn sách xuất bản hồi đầu năm nay và đã bị Nhà Trắng bác bỏ, cho là thông tin bịa tạc.

Và rồi, đúng 12h trưa ngày 24/10, Donald Trump đã gửi tin nhắn trên mạng xã hội kèm một video trên YouTube. Theo nội dung tin nhắn thì tỉ phú Trump đã thách thức Tổng thống Obama, rằng nếu tổng thống "công khai bảng điểm và đơn xin học của mình" thì ông ta sẽ ngay lập tức tặng ngài tổng thống một tờ séc trị giá 5 triệu USD để tổng thống tặng lại bất kỳ một quỹ từ thiện nào. Tỉ phú Trump còn tự tin đặt ra thời hạn để tổng thống xoay xở, đó là ngày 31/10. Ông yêu cầu tới ngày hôm đó, ông Barack Obama phải đưa ra câu trả lời.

Trước đây, ông trùm kinh doanh bất động sản Donald Trump cũng từng thu hút sự chú ý của dư luận bởi lời kêu gọi giới chức Mỹ mở cuộc điều tra về nguyên quán thật sự của ông Obama. Ông yêu cầu ông Obama phải công bố trước công chúng Mỹ giấy khai sinh của mình. Đến khi ông Obama công bố giấy khai sinh thật của mình, nhà tỉ phú lại quay sang đặt vấn đề nghi vấn về học lực của tổng thống. "Tôi từng nghe nói thời còn là học sinh, ông ấy học rất kém, rất dở" - Donald Trump nói với Hãng tin tức AP hồi tháng 4/2011 - "Tại sao một học sinh khả năng học tập kém như thế mà lại có thể thi được vào Trường Đại học Harvard? Tôi có những người bạn, mặc dù điểm học tập của con cái họ rất cao, vậy mà trầy trật mãi cũng không thể thi nổi vào Trường Harvard. Tôi thấy tôi cần phải điều tra, làm rõ việc này. Chúng ta không biết một chút gì về quá khứ của tổng thống. Cần phải để ông ấy công bố bảng điểm của mình…".

Đối ngược với cách xử sự của tỉ phú Donald Trump, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell hôm 26/10 đã thẳng thắn phát biểu trên kênh truyền hình CBS: "Tôi đã bỏ phiếu cho ông Obama hồi năm 2008 và bây giờ, tôi vẫn tiếp tục lựa chọn ông ấy".

Ông Colin Powell vốn thuộc đảng Cộng hòa, song ngay từ năm 2008, ông đã "phá lệ" khi bầu cho ông Obama thay vì phải bầu cho Thượng nghị sĩ John McCain. Theo cách nhìn nhận vấn đề của ông Colin Powell thì Tổng thống Obama lên nắm quyền đúng vào thời kỳ tình hình đất nước khó khăn. Nay mọi việc đang dần ổn định trở lại. "Chúng ta phải duy trì chiều hướng mà chúng ta đã có" - Ông cho biết.

Về ứng viên Tổng thống Mitt Romney, ông Powell nói rằng điều ông lấy làm lo ngại nhất là ứng viên của đảng Cộng hòa này luôn thay đổi quan điểm, nhất là về các vấn đề quốc tế. "Trong cuộc tranh luận lần thứ ba với Tổng thống Obama, ông đã nói những điều rất khác so với những gì ông đã nói trước đó. Tôi không biết là trong các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại, chúng ta nên chọn ngài Romney nào".

Đúng là, những phát biểu tiền hậu bất nhất của ứng viên Romney đã khiến ông ít nhiều bị "mất điểm" với những người… trí nhớ tốt và luôn biết giữ chữ tín trong phát ngôn. Bản thân ông Obama cũng như các cộng sự của ông đã tận dụng yếu điểm này của ông Romney để có những lời bài bác, chỉ trích. Chỉ xin đơn cử một vài ví dụ: Nếu như trước đây, ông Romney từng phát biểu đại thể rằng, 47% cử tri Mỹ vô trách nhiệm, không chịu nộp thuế cho chính quyền thì sau cuộc tranh luận ban đầu, ông xin lỗi rằng quan niệm đó "hoàn toàn sai". Sau cuộc tranh luận thứ hai, khi thấy quan điểm xoay quanh việc phụ nữ với vấn đề tránh thai bị chỉ trích, ông Romney lại thay đổi quan điểm. Đến độ, Phó Tổng thống Biden phải mỉa mai rằng, ông Romney hẳn "đã quên hoặc thay đổi hết quan điểm" của bản thân.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do tổ chức GlobeScan thực hiện và được đăng tải trên báo Thư tín địa cầu của Canada số ra ngày 29/10 vừa qua thì hiện trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đương kim Tổng thống Barack Obama đang nhận được sự ủng hộ lớn hơn so với đối thủ của đảng Cộng hòa - Thống đốc Mitt Romney. Cuộc khảo sát được thực hiện với 22.000 người ở 21 quốc gia trên thế giới

Hoàng Mạnh Thắng
.
.