Những chuyện thú vị trong làng văn nghệ 2011

Thứ Tư, 28/12/2011, 08:00

Vậy là lại thêm một năm nữa, năm 2011, đi qua. Làng văn nghệ Việt Nam cũng bước qua một năm tất bật với nhiều sự kiện. Thành công cũng lắm mà thất bại cũng nhiều. Bài viết này không tham vọng tổng kết đầy đủ các sự kiện "làng nghệ" 2011, mà chỉ cố gắng đưa đến độc giả nét phác thảo thông qua 7 câu chuyện với những sắc thái tươi tắn.

1. Cuốn thư tình đắt nhất Việt Nam

Dù không đăng ký với Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam nhưng nhiều người chắc cũng thống nhất cuốn "Thư tình cho một người" do NXB Trẻ ấn hành nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xứng đáng là cuốn "Thư tình" đắt nhất Việt Nam. 344 trang khổ lớn, in giấy tốt, trình bày sang trọng, bản in đặc biệt, cuốn "Thư tình cho một người" có giá bìa là 600.000 đồng.

Cuốn sách tập hợp hơn 100 bức thư tình do Trịnh Công Sơn viết và gửi "người tình" xứ Huế Ngô Vũ Dao Ánh. Được sự đồng ý của bà Dao Ánh, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mời thêm nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Nguyễn Trọng Chức để tiến hành làm nên cuốn sách độc đáo này.

2. Buổi ra mắt thơ… dài nhất

Năm 2011, có hàng trăm buổi ra mắt sách, tuy vậy, chưa có buổi ra mắt nào… dài bằng buổi ra mắt tập "Nguyễn Trọng Tạo - Thơ và trường ca" do NXB Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức ngày 13/11, kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối.

Thật không quá để ví von rằng, đây  là buổi ra mắt giới thiệu sách dài nhất trong lịch sử lễ ra mắt sách của Việt Nam.

Để chương trình có thể kéo dài từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, ngoài phần giới thiệu sách còn có các tiết mục phụ đọc thơ, ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ...

3. Sách in ra để… xé

Không kể tới những tập "xé dán" dành cho các độc giả nhí hay các bạn theo học ngành Mỹ thuật, thì "Những người bạn lớn" (The Giant Friens) sẽ có tên đầu tiên trong "danh mục" này.

Đây là cuốn sách ảnh do tạp chí Xưa & Nay cùng nhóm Enter Vietnam thực hiện. Sau 2 tháng "ăn dầm nằm dề" với Tây Nguyên để chụp ảnh, cuốn sách ra mắt dày hơn 100 trang, khổ 13x18cm; giới thiệu 51 con voi trong tổng số 52 voi nhà cuối cùng của Tây Nguyên. 51 "người bạn lớn" đều được đặt tên đáng yêu, như voi Bắc Lanh (Gã điển trai), Bun Kon (Cô nàng may mắn), Chrool (Cỗ chiến xa), Khăm Gụt (Gã Khùng)..., ngoài ra còn kèm những dòng lý lịch để độc giả hiểu được những thông tin cơ bản nhất, ai là nài voi, ai là chủ voi… Nhưng điều làm nên sự độc đáo và khác biệt là ở chỗ, người làm sách chủ ý thiết kế mỗi chú voi trong 2 trang sách, như một tấm bưu thiếp sang trọng để muốn độc giả khi sở hữu cuốn sách sẽ tiện xé từng trang và gửi cho nhiều người nhằm lan truyền đi thông điệp bảo vệ đàn voi Việt Nam, "đừng để voi chỉ còn trong ký ức".

Vì ý tưởng này, có thể bình chọn "Những người bạn lớn" là cuốn sách độc đáo nhất 2011?

4. Album đầu tiên có chữ… braille

Bìa album "Thiên sứ" của ca sĩ Hiền Thục.
Xin nói ngay, chữ braille là hệ thống chữ nổi, dành cho người khiếm thị. Và album nhạc Việt đầu tiên có in chữ braille, đó là "Thiên sứ" của ca sĩ Hiền Thục (do Viettan Studio và Gia Bảo Productions sản xuất).

Ca sĩ Hiền Thục ra mắt sản phẩm âm nhạc này vào thời điểm kỉ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn. Ngoài tên album được lấy từ ca khúc "Thiên sứ bâng khuâng", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tháng 12/1999, phổ thơ Trịnh Cung, album còn giới thiệu 9 ca khúc của Trịnh như: "Những con mắt trần gian", "Tình sầu", "Ru đời đã mất", "Để gió cuốn đi" (hát cùng ca sĩ Đức Tuấn),…

5. Cuốn sách nghiên cứu có nhiều minh họa nhất

Giấy mời dự buổi ra mắt cuốn "Văn minh vật chất của người Việt" với 5 trong số 505 minh họa trích từ cuốn sách.
Không kể tới những cuốn truyện tranh hay những cuốn sách dành cho thiếu nhi, thì "Văn minh vật chất của người Việt" dày 664 trang, khổ 18x24cm, gồm 5 chương, với những câu chuyện của các đồ vật do con người làm ra và sử dụng - của nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng xứng đáng là cuốn sách có nhiều hình vẽ minh họa nhất năm 2011: 505 hình vẽ.

Theo họa sĩ Nguyễn Quân: "Văn minh vật chất của người Việt" do NXB Tri Thức ấn hành là "một cuốn sách lạ. Trong thư mục trước tác của các tác giả Việt Nam, tôi chưa thấy một cuốn nào cùng loại". Thêm một chi tiết "là lạ" nữa, ngay đầu cuốn sách tác giả Phan Cẩm Thượng đề: "Nam mô A di đà Phật. Cuốn sách này là lời tri ân với đất nước và mẹ cha".

Điều thú vị nữa, đây là một cuốn sách của một nhà nghiên cứu độc lập, không "treo" bất cứ logo nhà tài trợ nào. Theo tác giả Phan Cẩm Thượng, nếu "không viết sách có lẽ tôi có đến 3 - 4 cái nhà". Có lẽ vì sự "độc và lạ" nên 3.000 cuốn sách khá nặng - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng - đã bán hết trong vòng 2 tháng.

6. Triển lãm… 1.000 nông dân

Đó là triển lãm mỹ thuật mang tên "Kịch bản đương đại" của họa sĩ Phạm Khắc Quang, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội) hồi đầu tháng 12 vừa qua. Nếu bước vào xem triển lãm này, bạn có thể bị choáng ngợp bởi, thứ nhất, đây là lần đầu tiên có triển lãm mỹ thuật với chất liệu khắc gỗ truyền thống nhưng đề cập tới người nông dân Việt Nam.

Choáng ngợp thứ hai, ấy là sự xuất hiện của tác phẩm sắp đặt mang tên "Thở". Đây cũng là phần hai của triển lãm, sau phần thứ nhất là chùm 10 bức tranh khắc gỗ màu với kỹ thuật khắc phá bản, thể hiện suy ngẫm của tác giả trước nhiều vấn đề xã hội trong cuộc sống nông thôn hiện nay, với "nhân vật chính" là chú Tễu. Với phần hai này, họa sĩ đã sử dụng mặt bằng 30m2 để "biến" làm mảnh ruộng quê, và cắm lên đó 1.000 bản khắc chân dung người nông dân ở nhiều lứa tuổi, trong đó phụ nữ chiếm đa số. Các chân dung được khắc trên bề mặt của chiếc xẻng gỗ, rộng nhất (7x9cm). Những nét khắc tỉ mỉ đã giúp thể hiện một cách sống động chân dung người nông dân hôm nay.

Với triển lãm này, Phạm Khắc Quang gọi đây là "Bản hợp ca chất chứa đủ vui buồn cất lên từ những thửa ruộng". Anh hy vọng mang tới cho người xem những câu chuyện thời cuộc - một thú vị trong việc kết nối các yếu tố truyền thống và đương đại trong nghệ thuật.

7. Nghệ sĩ gửi thư ngỏ "tuyệt tình" với báo chí

Có thể nói, trong thời gian qua, đỉnh điểm là trong cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo, cái tên Đàm Vĩnh Hưng (Mr Đàm) đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí; còn trên báo mạng, tin, ảnh về Mr Đàm cũng dễ gây bội thực cho độc giả thời bận rộn. Khi năm 2011 sắp kết thúc, giới truyền thông đã nhận được bức thư ngỏ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, bày tỏ sự cảm ơn và thông báo từ nay sẽ "đóng cửa" với báo chí để "tu luyện". Xin trích: "Sau rất nhiều bài phỏng vấn mà quý vị ưu ái dành cho, Đàm Vĩnh Hưng tự nhận thấy mình chưa có gì mới hơn để có thể chia sẻ và cần thay đổi mọi thứ trong các mối quan hệ, công việc cũng như hình ảnh của chính mình trong thời điểm hiện tại. Đàm Vĩnh Hưng đã suy nghĩ rất nhiều và cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định cuối cùng là "đóng cửa" tất cả các cuộc gặp trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông từ thời gian này trở đi (…)".

Nhiều người cảm thấy bất ngờ, nhưng nhiều người cảm thấy… mừng vì như vậy, trong thời gian tới, những trang báo sẽ có thêm "đất" để những gương mặt nghệ sĩ mới xuất hiện

Thư Hoàng - Mai Anh
.
.