Những bước thăng trầm của vị nguyên soái huyền thoại

Thứ Tư, 11/04/2007, 10:30

Trong lần về quê, Georgiy Zhukov có ấn tượng xấu về hai chàng thiếu úy trẻ tốt nghiệp trường thiếu sinh quân, nên ông đã giấu trình độ học vấn của mình để không phải vào học trường thiếu sinh quân, mà được ra mặt trận như một người lính bình thường.

Nguyên soái Georgiy Zhukov là một thiên tài quân sự, nhưng đồng thời lại là một con người rất mâu thuẫn. Tài năng thao lược kiệt xuất ở ông kết hợp với sự khắc nghiệt đối với thuộc cấp; lòng quyến luyến gia đình - với một cá tính nóng như lửa.

Có lẽ vì thế mà đã xuất hiện nhiều cuốn sách và công trình khoa học khá mâu thuẫn về cuộc đời và sự nghiệp của vị thống lĩnh này. Sau đây chúng tôi xin giời thiệu một số sự kiện ít được biết đến trong tiểu sử của ông qua lời kể của con gái đầu lòng Era Georgievna Zhukova.

Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước bố tôi chơi rất thân với nhà thơ Konstantin Simonov. Qua ông chúng tôi được biết nhiều điều mà bố không kể. Hóa ra, để không phải vào học trường thiếu sinh quân, mà được ra mặt trận như một người lính bình thường, bố tôi đã giấu đi trình độ học vấn của mình.

Ở Nga trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ nhất, những người có một ít học vấn đều được cử đi học trường thiếu sinh quân hay hạ sĩ quan. Bố tôi đã tốt nghiệp lớp 4 trường tiểu học, trình độ đó cho phép ông vào học trường thiếu sinh quân. Nhưng tại ủy ban tuyển sinh ông khai rằng chỉ mới học hết lớp hai trường dòng - và đó là con đường thẳng để ra mặt trận. Bố đã giải thích với nhà thơ Simonov vì sao phải làm như thế.

Số là trước khi có lệnh nhập ngũ, bố tôi về thăm người thân ở quê. Cùng lúc có hai thiếu úy trẻ cũng về quê nghỉ phép. Cuộc gặp gỡ với họ đã để lại cho ông ấn tượng xấu: đó là những anh chàng ẻo lả, vụng về, nói năng thô lỗ. Hình dung rằng sau khi tốt nghiệp trường thiếu sinh quân mình cũng là một anh chàng như vậy và đi chỉ huy những người lính già dặn, đã từng vào sinh ra tử, bố tôi thấy hoảng sợ. Chính vì lẽ đó bố đã giấu trình độ học vấn tiểu học của mình.

Quả thật, sau khi bị thương, dù sao bố vẫn bị gọi vào học trường hạ sĩ quan. Nhân tiện cũng xin nói, bố tôi rất tự hào về cái cấp bậc sĩ quan đầu tiên của mình, ngay cả khi ông đã chuyển sang phục vụ trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô.

Có một tình huống thú vị trong tiểu sử của vị nguyên soái tương lai suýt nữa khiến ông phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Năm 1921 với cương vị Chỉ huy trưởng Đại đội kị binh, Zhukov đã tham gia vào một vụ đàn áp cuộc nổi loạn của nông dân ở tỉnh Tambov. Cùng với các chiến sĩ của mình, Georgiy Konstantinovich đã xông vào cuộc tấn công. Trong một trận chiến đấu, Zhukov một mình một ngựa truy đuổi một kẻ phiến loạn - đó là một gã trai cao gần hai mét, cưỡi ngựa, vừa khỏe mạnh, vừa có tài đấu kiếm.

Khi bố tôi đuổi kịp kẻ phiến loạn và chuẩn bị vung kiếm, thì ngay tức khắc hắn ta cũng vung ngược kiếm  qua vai về phía sau trúng ngực bố tôi. Nhát kiếm mạnh đến mức bố tôi bị ngã ngựa.

Ông thoát chết nhờ một sự may mắn kỳ diệu. Mũi kiếm của gã kị sĩ chọc thủng tấm dây da đeo kiếm, ống nhòm và súng lục của bố tôi, xuyên qua chiếc áo lông cộc may chần và áo varơi, nhưng áo lót vẫn còn nguyên. May mà quân tiếp viện đến kịp thời, và kẻ phiến loạn đã bị giết chết.

Khi khám xét thi thể của hắn, bố tôi xem giấy tờ tùy thân và biết hắn cũng là một thiếu úy quân đội Nga hoàng như mình.

Một lần khác, bố tôi cùng với chính ủy Đại đội Nicolay Yanin dừng lại nghỉ đêm trong một ngôi nhà nông dân. Hóa ra, có một linh mục sống ở đấy, bỗng nhiên trong đêm họ nghe thấy tiếng sột soạt bên bếp. Tất nhiên, họ nghĩ rằng đó là kẻ địch và ngay lập tức cầm lấy vũ khí chuẩn bị chiến đấu.

Nhưng khi vén tấm màn lên, họ phát hiện ra một cô gái đang nằm bên bếp. Đó là Alexandra Zuykova, cô giáo làng, vốn là người bà con xa của vị linh mục, đang trốn trong nhà chờ cho trận chiến kết thúc. Bố tôi và chính ủy quyết định lấy cô gái làm thư ký, hy vọng rằng đi cùng họ cô gái có được chỗ dựa tin cậy hơn.

Quả thật, hai ngày sau bố tôi buộc phải giải cứu cô gái. Ông trở thành người tình cờ chứng kiến việc một số chiến binh từ đại đội  bên cạnh đuổi theo Alexandra với những ý định khá mờ ám. Và Zhukov đã trừng trị chúng một trận nên thân.

Hồi thanh niên bố tôi là người rất khỏe. Sau đó mối tình giữa bố và Alexandra bắt đầu nảy nở, rồi họ tổ chức lễ cưới. Bất chấp tất cả những khó khăn và mất mát trong cuộc đời, mẹ không bao giờ rời xa bố.

Mẹ luôn luôn biết tìm ra lối thoát trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Sau cuộc nội chiến Zhukov phục vụ ở Belorussiya. Gia đình sống rất kham khổ. Không có tiền mua sắm gì, mọi thứ đều được cung cấp theo tem phiếu, và mẹ đã cắt những bộ quân phục cũ của bố khâu lại thành váy và áo quần cho cả nhà mặc. Rồi mẹ lấy những chiếc thắt lưng da cũ của bố đan thành dép cho chúng tôi đi.

Chỉ đến năm 1932, khi gia đình chuyển đến Moskva, bố mẹ tôi mới mua sắm được một vài thứ đồ dùng nào đó. Mẹ kể rằng có một người bà con tặng mẹ một chiếc áo bành tô bằng lông thú (thời đó là một món đồ  quý), nhưng mẹ không dám mặc, mà cất giữ trong tủ để phòng khi khó khăn có thể dùng đổi lương thực cho gia đình.

Gia đình chúng tôi thay đổi chỗ ở liên tục, đến nỗi tôi không kịp nhớ tên những ngôi trường nơi tôi đã học, những đường phố và ngôi nhà nơi chúng tôi đến ở. Tất cả gia tài của chúng tôi chỉ gói gọn trong hai chiếc vali. Chiếc thứ ba dành để đựng những phần thưởng của bố giành được trong các cuộc thi khác nhau, bố tôi vốn là người rất thích đi ngựa.

Lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy mình có nhà là hồi ở Kiev vào mùa thu năm 1939, sau khi kết thúc những trận chiến đấu ở vùng Khalkhin-Golye.

Bố rất thích sống ở Kiev. Thứ nhất, quân khu Kiev là một đơn vị  tinh nhuệ, vì vậy đối với một cán bộ quân sự được chỉ huy một đơn vị như vậy là một vinh dự lớn. Và thứ hai, bố tôi rất thích thành phố này. Đến Kiev là chúng tôi như được lạc vào một thế giới khác.

Thời đó Kiev phát triển rất nhanh, sau 5 năm nó lại trở thành thủ đô của Ucraina, nhiều công trình lớn được xây dựng ở đây. Gia đình chúng tôi được cấp một ngôi nhà nhỏ trên phố Kirov (nay gọi là phố Grushevskiy). Đó là một ngôi nhà thoáng mát và có nhiều đồ gỗ rất đẹp.

Hồi đó tôi còn bé nên rất mê khoảng sân và mảnh vườn nhỏ phía sau nhà. Thời gian đầu ngôi nhà của chúng tôi là địa điểm yêu thích trong thành phố, được nhiều du khách đến tham quan...

Chúng tôi rất yêu thành phố Kiev và thật nặng nề khi phải chia tay nó. Ngay cả bố, vốn là một con người mạnh mẽ và cương nghị mà vẫn không kìm được nước mắt. Nhưng công việc của một vị thống lĩnh bắt buộc phải như vậy.

Tháng giêng năm 1941 bố được đề bạt chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô. Bố tôi hiểu rằng chiến tranh sắp nổ ra, vì vậy khi chia tay mẹ con tôi trên sân ga Kiev, ông không cầm được nước mắt. Lần cuối cùng bố nói rằng sẽ không bao giờ nhìn thấy một thành phố nào đẹp như Kiev trong đời. Những lời của bố trong một chừng mực nào đó đã trở thành lời tiên tri.

Chúng ta biết rằng chiến tranh đã trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp của Nguyên soái Zhukov. Kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống bọn phát xít Đức, ông trở thành một trong những con người nổi tiếng nhất không chỉ ở Liên Xô mà cả thế giới. Rất có thể điều đó đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn tới việc ông bị thất sủng dưới thời Khrushov. Và đây là một trong những trang nặng nề trong tiểu sử của vị thống lĩnh tài ba này.

Trong gia đình mọi người biết rằng khi bố im lặng đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông gặp rắc rối. Ông bị sốc khi biết tin phải nghỉ hưu, bởi phục vụ quân đội là ý nghĩa của cả cuộc đời ông. Bỗng nhiên trong giây lát bố đánh mất tất cả những gì đã gắn bó với ông suốt cuộc đời. Giọt nước cuối cùng làm tràn li là việc bố bị khai trừ ra khỏi thành phần Ban Chấp hành Trung ương.

Để không bị ngã gục, bố đã thực hiện một quyết định ban đầu tưởng như điên rồ: uống thuốc ngủ. Thế nhưng rốt cuộc điều đó đã cứu sống ông. Sau khi uống thuốc, Zhukov ngủ một giấc, thức dậy, ăn uống, tắm rửa, cạo râu - rồi lại uống thuốc ngủ...

Cứ như vậy, tình trạng đó kéo dài trong 15 ngày đêm. Chúng tôi lo cơ thể của bố không chịu nổi điều đó. Nhưng bố cấm tuyệt đối mọi người gọi bác sĩ. Sau đó bố dừng uống thuốc ngủ và suốt ngày đi câu cá. Ông trở về như một người hoàn toàn khác.

Bố tôi thay đổi hẳn sau 15 ngày đó, nhưng chúng tôi hiểu ông đã mệt mỏi chiến đấu với nỗi đau, sự tuyệt vọng của mình, và đã chiến thắng. Sau đó Zhukov viết một lá thư gửi Ban Chấp hành Trung ương cho phép cùng gia đình đi nghỉ an dưỡng.

Điều đó rất có lợi cho ông: sức khỏe được bình phục nhanh chóng. Khi trở về bố viết một lá thư gửi Khrushov, xin được giữ bất cứ chức vụ gì, kể cả giảng viên trong một trường đại học quân sự. Nhưng bố chỉ nhận được câu trả lời: “Hiện tại không có điều kiện đó”

Trần Hậu
.
.