Những bức vẽ của lòng tri ân

Thứ Sáu, 19/08/2011, 10:10
"Hành trình nét thời gian" là công trình mỹ thuật do nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, vợ của Anh hùng Lao động Phạm Khắc - cố Giám đốc Đài truyền hình Tp HCM thực hiện. Bắt đầu từ ngày 19/2/2010, với chiếc xe Chaly cũ kỹ, nữ họa sĩ đã đi xuyên Việt với tâm nguyện vẽ ký họa chân dung tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống trên cả nước. Sau hơn 16 tháng miệt mài ngược xuôi, đến nay, nữ họa sĩ đã vượt qua trên 10.000km, ký họa được gần 600 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam....

Vượt qua chặng đường gần 2.000km từ Tp HCM với 11 ngày liên tục ngồi trên chiếc xe máy Chaly cũ kỹ, buổi chiều một ngày giữa mùa hạ oi bức năm 2011, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đặt chân lên mảnh đất Sơn La. Tôi thực sự bị bất ngờ bởi không thể hiểu tại sao một người phụ nữ mảnh mai, yếu đuối thế này mà lại có thể một mình thực hiện chuyến đi xuyên Việt trên chiếc xe máy cũ kỹ với lỉnh kỉnh đồ đạc kèm theo. Đứng giữa ngã tư Cầu Trắng, trung tâm thành phố Sơn La, bà thốt lên đầy vẻ ngạc nhiên: "Sơn La đây ư, lần đầu tiên tôi lên với Sơn La, Tây Bắc, tôi không ngờ giữa trùng điệp núi rừng lại có một thành phố đẹp và nhộn nhịp thế này. Công lao của biết bao thế hệ cha anh, biết bao liệt sĩ, trong đó có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH) của đất nước mình mới có được như ngày hôm nay…". 

Sau một đêm nghỉ tại nhà khách Hoa Đào của Công an tỉnh, ngay ngày hôm sau bà đã nhờ chúng tôi đưa đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh trình bày tâm nguyện muốn được thực hiện việc ký họa chân dung các BMVNAH vì qua cập nhật thông tin, nữ họa sĩ được biết, toàn tỉnh hiện có 6 mẹ còn sống mà phần lớn lại ở các huyện xa, đường đất đi lại khó khăn, mùa này mưa nhiều, quỹ thời gian hạn hẹp nếu không tranh thủ thì rất khó hoàn thành…

Trong ngày đầu tiên ở Tp Sơn La, được sự giúp đỡ của Phòng LĐTBXH thành phố, họa sĩ đã hoàn thành ký họa chân dung BMVNAH Đoàn Thị Diệp 90 tuổi. Mẹ Diệp có chồng và hai người con hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện mẹ đang sống cùng con cháu tại tổ 10, phường Quyết Thắng, Tp Sơn La. Tại Công ty cổ phần Du lịch Công đoàn Sơn La, nữ họa sĩ được Ban lãnh đạo công ty đón tiếp chu đáo và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ký họa chân dung mẹ Mùi Thị Dậu, dân tộc Mường, 90 tuổi, quê ở xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu. Mẹ Mùi Thị Dậu có người con trai duy nhất hy sinh trên chiến trường Lào năm 1970, năm 1995 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu BMVNAH và được Công ty cổ phần Du lịch Công đoàn Sơn La nhận phụng dưỡng suốt đời. Để tiện cho việc chăm sóc mẹ lúc tuổi cao, sức yếu, từ năm 2000 đến nay mẹ đã được đón lên phụng dưỡng ngay tại trụ sở Công ty.

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đang ký họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Khan.

Tiếp cuộc hành trình, họa sĩ Đặng Ái Việt đã vượt trên 40km đến với bản Khau Ban, xã Mường Trai, huyện Mường La để ký họa chân dung mẹ Quàng Thị Pháng, 97 tuổi. Mẹ Pháng có người con trai duy nhất hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1997 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu BMVNAH và được Công an tỉnh Sơn La phụng dưỡng suốt đời. Gặp được mẹ Pháng, họa sĩ Đặng Ái Việt không nén được xúc động vì trong số các BMVNAH mà bà đã vẽ khắp các miền đất nước, còn rất ít mẹ ở độ tuổi gần 100 mà còn khỏe mạnh, minh mẫn như mẹ Pháng. Bà vẽ mẹ Pháng trong tâm trạng của một người con đi xa lâu ngày mới trở về, bức chân dung được hoàn thành khi mặt trời đã đứng bóng. Ăn với mẹ bữa cơm trưa, nắm chặt bàn tay BMVNAH đã gần trăm tuổi mà trong lòng bà cầu mong "Lần sau trở lại Sơn La, con vẫn còn được gặp mẹ…". Nói lời cảm ơn với cấp uỷ, chính quyền địa phương và Công an huyện Mường La, họa sĩ lại hối hả lên đường đến huyện Phù Yên nơi còn 3 BMVNAH đang chờ…

Vượt chặng đường 120km giữa trời nắng như đổ lửa, chiều tối họa sĩ Đặng Ái Việt có mặt ở mảnh đất Phù Hoa. Không kịp nghỉ ngơi, bà đề nghị các đồng chí lãnh đạo Phòng LĐTBXH huyện Phù Yên cho bà được "tác nghiệp" ngay. Chia sẻ với tâm nguyện của nữ họa sĩ, một đồng chí cán bộ của Phòng LĐTBVXH huyện làm tình nguyện viên đưa họa sĩ đến nhà BMVNAH Hoàng Thị Miền ở bản Rèm Hạ 1, xã Huy Bắc. Mặc cho trời vần vũ chuẩn bị mưa dông, họa sĩ vẫn miệt mài bên giá vẽ cố nắm bắt cho được những nét thần thái của mẹ…. Mẹ Hoàng Thị Miền năm nay đã 90 tuổi, mẹ có người con trai duy nhất hy sinh tại chiến trường Lào. Ngày tết, ngày lễ, nhà mẹ thường đông vui vì con cháu lại tụ tập về đây để nghe mẹ kể chuyện ngày kháng chiến…

Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa thức dậy, họa sĩ Đặng Ái Việt đã giục chúng tôi đưa bà đến xã Quang Huy để ký họa chân dung mẹ Hà Thị Khan, 97 tuổi. Anh cán bộ của Phòng LĐTBXH huyện lại sốt sắng đưa họa sĩ đến bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy. Được tin họa sĩ đến vẽ chân dung mẹ Hà Thị Khan, cấp uỷ, chính quyền xã, bản và con cháu trong gia đình đã dậy từ sáng sớm để chuẩn bị cho mẹ. Nhìn gương mặt phúc hậu của mẹ Hà Thị Khan, người họa sĩ không kìm được lòng. Cây cọ trên tay bà lướt nhanh và chân dung mẹ Hà Thị Khan hiện ra thật sống động trong nắng sớm, trước sự thán phục của tất cả mọi người…

Chia tay gia đình mẹ Hà Thị Khan, họa sĩ lại tất tả lên đường đến với bản Suối Cốc, xã Mường Cơi, nơi BMVNAH Bàn Thị Nái, 90 tuổi, dân tộc Dao đang sinh sống. Quãng đường vào nhà mẹ Bàn Thị Nái thật khó đi, nhưng rồi, nhờ chiếc xe "đặc chủng" của Công an huyện Phù Yên, họa sĩ cũng đã đến được nhà mẹ Bàn Thị Nái. Mẹ Nái có người con trai duy nhất hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào năm 1965. Năm nay mắt mẹ đã mờ đi nhiều không nhìn rõ ai, nhưng giọng nói thì còn rất trong. Khi nữ họa sĩ hoàn thành xong bức ký họa chân dung mẹ Bàn Thị Nái thì trời đã quá trưa, các đồng chí lãnh đạo xã và gia đình giữ họa sĩ lại để ăn với mẹ Nái bữa cơm nhà đạm bạc giữa núi rừng Tây Bắc.

Một chi tiết khá thú vị là khi họa sĩ trở ra UBND xã Mường Cơi để chứng thực vào bức họa, bà đã được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy - Công an huyện Phù Yên đang rượt đuổi và bắt giữ thành công một đối tượng đang trên đường vận chuyển trái phép chất ma túy với tang vật 2 bánh heroin. Sự cảm phục xen lẫn sự lo lắng cho các chiến sĩ Công an khi phải đối mặt với tội phạm nguy hiểm, bà tâm sự: "Sau khi hoàn thành "Hành trình nét thời gian", tôi sẽ dành thời gian để ký họa chân dung những chiến sĩ CAND đã và đang ngày đêm âm thầm lặng lẽ đấu tranh với tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân…". 

Ba ngày được sống bên các BMVNAH của tỉnh Sơn La, được thăm Nhà máy Thủy điện Sơn La, rồi đến cánh đồng Quang Huy rộng thứ ba vùng Tây Bắc, thăm di tích nhà tù Sơn La… quãng thời gian tuy không nhiều nhưng với nữ họa sĩ Đặng Ái Việt là thời gian bà cảm nhận được nhiều nhất tình cảm, con người mảnh đất Sơn La anh hùng, sự hy sinh vô bờ bến của các liệt sĩ, các BMVNAH và đó chính là động lực giúp nữ họa sĩ hoàn thành tâm nguyện mà bà đã ấp ủ bao năm…

Tiễn họa sĩ Đặng Ái Việt lên đường để tiếp tục "Hành trình nét thời gian" với ký họa chân dung các BMVNAH trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, tôi không khỏi chạnh lòng: 64 tuổi đời, dáng người mảnh mai, mái tóc bạc, một thân một mình cùng bạn đồng hành là chiếc xe Chaly cũ kỹ, cung đường Tây Bắc lại xa xôi hiểm trở, mưa nắng thất thường… liệu tất cả có đến đích an toàn và bà có hoàn thành tâm nguyện "Tri ân các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tri ân đồng đội, tri ân cuộc đời…" như bà đã tâm sự với chúng tôi trước lúc chia tay? Chiếc xe Chaly nổ máy vượt đèo Sơn La, ánh mắt bà ánh lên niềm vui và sự tự tin đến kỳ lạ. Tôi thầm hiểu bà đã chuẩn bị rất kỹ cho lộ trình chinh phục Tây Bắc, lộ trình mà theo bà là khó khăn, vất vả nhất nhưng nhiều ý nghĩa nhất trong "Hành trình nét thời gian" mà bà đang đeo đuổi…

Huy Thắng (Công an tỉnh Lạng Sơn)
.
.