Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của văn hào Trung Quốc Quách Mạt Nhược (1892 - 2012)

Nhọc nhằn yêu và sống

Thứ Sáu, 25/05/2012, 08:00
Quách Mạt Nhược là nhà thơ, nhà soạn kịch, là học giả và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là một trong những đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Trung ương các khóa X, XI. Sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật. Quách Mạt Nhược còn là Phó chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, được trao giải thưởng Quốc tế Lênin năm 1951...

Thời kỳ diễn ra cuộc "Đại cách mạng văn hóa" tàn khốc, trong khi không hiếm văn nghệ sĩ tên tuổi ở Trung Quốc bị đối xử tàn tệ, thậm chí bị đưa ra đấu tố, bức hại thì Quách Mạt Nhược vẫn được trọng dụng. Quách Mạt Nhược là trường hợp hy hữu được cả "quan" lẫn "dân" Trung Quốc kiềng nể trong một thời đại nhiều biến động. Bởi vậy, tìm hiểu một số tình tiết, sự kiện xảy ra trong đời Quách Mạt Nhược hẳn cũng đem lại cho độc giả nhiều suy ngẫm thú vị...

1.Quách Mạt Nhược tên thật là Quách Khai Trinh, sinh năm 1892 trong một gia đình quý tộc ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ông có khiếu văn thơ từ bé, từng được mẹ dạy cho rất nhiều thơ Đường. Tương truyền, ông là học giả hiếm hoi ở Trung Quốc thuộc tới 4 vạn chữ Hán. Năm 1914, ông du học tại Nhật và cũng như văn hào Lỗ Tấn, ban đầu ông theo học nghề thuốc, những mong cải tạo sức khỏe cho quốc dân đồng bào, sau rồi mới chuyển sang hoạt động văn học nghệ thuật nhằm chấn hưng tinh thần cho họ - điều mà ông cho là cần kíp hơn cả. Chính tại đây, sau một thời gian học tập quá cường độ, chàng sinh viên Quách Mạt Nhược đã bị rơi vào tình trạng suy nhược thần kinh trầm trọng. Ông luôn có cảm giác hoang mang, bồn chồn, trí nhớ suy giảm, mỗi đêm chỉ ngủ được chừng 3-4 tiếng. Từng có lúc chàng sinh viên muốn tự sát. Có lúc lại muốn xuất gia làm… hòa thượng. Một vị sư biết chuyện đã khuyên ông nên tập tĩnh tọa - một phương pháp dưỡng sinh cổ được lưu truyền rộng rãi ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…Từ đó, mỗi ngày, trước khi đi ngủ và khi thức dậy, ông đều dành ra 30 phút để tĩnh tọa. Việc tập luyện đã đem lại cho Quách Mạt Nhược hiệu quả đáng kể. Và ông đã tập luyện đều đặn hàng ngày như vậy cho tới tận lúc cuối đời. Không biết có phải vì vậy mà tuổi thọ của Quách tiên sinh cao hơn nhiều so với một số nhà văn cùng thời khác (ông mất năm 1978, khi đã 86 tuổi).     

Trước đây, trong một bài viết về nhà văn Brazil Jorge Amado in trên Văn nghệ Công an, tác giả có kể lại câu chuyện liên quan đến Quách Mạt Nhược (được ghi lại trong hồi ký của Amado), đại thể như sau: Trong tiệc chiêu đãi tại một hội nghị quốc tế, mặc dù thuộc hàng chức cao vọng trọng (Phó chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới), song Quách Mạt Nhược đã có một hành xử bất ngờ, gây sửng sốt cho nhiều đại biểu: Ông chậm rãi đi vòng quanh ghế ngồi của nữ diễn viên điện ảnh xinh đẹp Valentina, phu nhân của nhà thơ Nga nổi tiếng Simonov (tác giả thi phẩm "Đợi anh về" mà nhiều độc giả Việt Nam đã biết) rồi bất ngờ đặt hai bàn tay lên bầu ngực gần như để trần sau lần áo rộng cổ của nữ diễn viên.

Chuyện không rõ thực hư song căn cứ vào những dữ liệu liên quan đến cuộc đời tình ái của Quách Mạt Nhược, ta có thể khẳng định ông là một người đàn ông hấp dẫn và đa tình. Ông đi tới đâu đều có những bóng hồng ở cạnh bên. Chính thức thì trong đời, có ba lần ông lập gia đình. Lần đầu là với một cô gái cùng quê do gia đình sắp đặt từ trước ngày ông sang du học tại Nhật Bản. Lần thứ hai do ông chọn lựa và người mà ông gắn bó chính là cô hộ lý xinh đẹp người Nhật làm việc tại một bệnh viện ở Tokyo - nơi ông có thời gian đến chữa trị. Hai người có với nhau cả thảy 5 mặt con, cả trai lẫn gái. Bốn giờ rưỡi sáng ngày 25/7/1937, sau khi để lại một bức thư từ biệt, Quách Mạt Nhược đã bí mật chia tay vợ con để về nước tham gia kháng Nhật. Tại cố quốc, ông đã nên duyên chồng vợ với bà Vu Lập Quần và đây là người vợ đầu gối tay ấp của ông cho tới ngày ông giã biệt cuộc đời. 

Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp nhà văn Quách Mạt Nhược.

Ngoài các cuộc hôn nhân chính thức như đã nói ở trên, Quách Mạt Nhược còn có không ít tình nhân, trong đó có những người như Vu Lập Thầm (em gái Vu Lập Quần) thậm chí vì quá yêu ông mà tự sát. Đã có nhiều ý kiến chỉ trích Quách Mạt Nhược về mặt đời sống tình ái, cho là ông "thiếu đứng đắn", song lạ thay, đó chỉ là ý kiến nhận xét từ những người ngoài cuộc. Còn bản thân những người trong cuộc, dù ông có "phũ phàng" với họ thế nào đi chăng nữa, cũng không thấy ai lên tiếng đay nghiến, chỉ trích ông. Âu đây cũng là cái "duyên riêng" của ông.

2. Quách Mạt Nhược đến với văn học từ nhỏ, nhưng ông chỉ thực sự nổi tiếng khi cho xuất bản tập thơ "Nữ thần" vào năm 1921. Tập thơ được ghi nhận như một cột mốc khai mở nền thơ mới ở Trung Quốc. Trước khi sáng tác "Nữ thần", Quách Mạt Nhược đã có dịp tiếp xúc nhiều với cả hai nền văn hóa Đông, Tây. Ông đặc biệt hâm mộ tác phẩm của Goethe, Henrich Heine, Tagor. Ông cũng thấm đẫm tinh thần "nổi loạn" của nhà thơ Mỹ Walt Whitman sau khi được đọc tập thơ "Lá cỏ".

Với quan điểm, "thơ là sự rung động của sự sống", "là tiếng kêu vang của tâm hồn", thơ phải giàu tình cảm và giàu tưởng tượng, trong tập thơ đầu tay của mình, Quách Mạt Nhược đã kế thừa được truyền thống thơ ca lãng mạn cổ điển Trung Quốc cũng như thơ ca lãng mạn phương Tây nên ngay từ lúc mới ra đời, tập "Nữ thần" của Quách Mạt Nhược đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Chính nhà thơ Hồ Thích - tác giả tập "Thường thí tập" xuất bản năm 1920 rất có ảnh hưởng tới phong trào làm thơ bạch thoại ở Trung Quốc cũng phải thốt lên lời nhận xét, rằng "Nữ thần" là một tập thơ tuyệt vời.

Không chỉ là người đặt nền móng cho nền thơ mới ở Trung Quốc, Quách Mạt Nhược còn là một đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản. Ông là một trong những trợ thủ đắc lực của Chu Ân Lai, Chu Đức, Hạ Long - những người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam Xương (tháng 8-1927) và đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay khi đang tham gia cuộc khởi nghĩa này. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch truy nã gắt gao. Theo chỉ đạo của Chu Ân Lai, Quách Mạt Nhược đã rời Thượng Hải sang Nhật để chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài. Chính vì thời gian đứt đoạn này mà nhiều người hiểu lầm là Quách Mạt Nhược có thời gian ly khai với Đảng Cộng sản và chỉ tính tuổi Đảng của ông từ năm 1958, khi ông làm đơn xin vào Đảng. Sau này, tại lễ tang của ông, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có động tác "sửa lỗi" với ông: Trong điếu văn do Đặng Tiểu Bình đọc tại lễ truy điệu, tuổi Đảng của Quách Mạt Nhược được tính từ năm 1927.

Lại nói về thời kỳ diễn ra cuộc đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, không phải không có lúc cái tên Quách Mạt Nhược lọt vào "tầm ngắm" của "bè lũ bốn tên" gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên. Lợi dụng một bài thơ của Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi Quách Mạt Nhược, phê phán việc Quách tiên sinh có cái nhìn "thiếu công bằng" với Tần Thủy Hoàng (nặng về chê Tần Thủy Hoàng, ca ngợi Khổng Tử, trong khi quan điểm của Mao Trạch Đông là ngược lại), "bè lũ bốn tên" đã nhiều lần định đưa Quách Mạt Nhược ra phê đấu. May nhờ Chu Ân Lai (và cả Mao Trạch Đông) kịp thời can thiệp nên Quách tiên sinh được "tạm yên". "Bù lại", Quách tiên sinh đã làm một số bài thơ đả phá quan điểm cũ của mình, cho rằng những gì mình viết trước đây là "đáng cho vào lò lửa", đồng thời làm thơ ca ngợi "Tầm cao tư tưởng nghiêng thiên hạ" của Mao Chủ tịch. Vì việc này mà có người đã hiểu lầm cho rằng, Quách Mạt Nhược là "người của phe Giang Thanh". Đó là một nhận xét sai lầm.

Nên nhớ, chính con trai thứ ba của Quách Mạt Nhược là Quách Thế Anh đã bị "bè lũ bốn tên" khép vào tội danh "phần tử đi theo con đường tư bản chủ nghĩa" và phải chết thảm ở trong tù. Quách Mạt Nhược cũng chính là tác giả của mấy câu thơ bừng sáng niềm vui "Vui lớn không thể quên/ Đập tan "lũ bốn tên" mà một thời, người dân Trung Quốc ai cũng biết…Bởi vậy, đọc những gì ông viết ra, bạn đọc cần phải có cái nhìn cảm thông để hiểu được đâu mới là ý nghĩ thực của ông. Dẫu sao, Quách Mạt Nhược đã sống và làm việc trong một thời kỳ quá nguy hiểm và khó khăn…

Tiến Thành
.
.