Nhớ tác giả bài hát "Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long"

Thứ Năm, 22/03/2012, 08:00

Nhạc sĩ Huỳnh Thơ (tên thật là Ngô Văn Thi). Anh sinh năm 1936 ở thị trấn Nhà Bè, Sài Gòn. Anh vào bộ đội thời kỳ chống Pháp trong phong trào Trần Văn Ơn của học sinh, sinh viên miền Nam.

Huỳnh Thơ yêu thích âm nhạc từ bé. Năm 1954 anh tập kết ra Bắc. Mấy năm sau, nhà nước có chủ trương đưa bộ đội đi xây dựng, thành lập các nông trường quân đội, do Cục Nông Binh (sau đổi thành Bộ Nông Trường) quản lý. Huỳnh Thơ là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Nông trường Lam Sơn - Thanh Hóa. Sau đó Nông trường chọn cử anh đi học Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương (đóng ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội).

Khóa học chúng tôi bấy giờ đa phần là học sinh phổ thông đồng trang lứa, ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc. Số còn lại là bộ đội giải ngũ, đa số là bộ đội miền Nam tập kết. Lúc đó Huỳnh Thơ đã là đảng viên. Học Nông lâm, cái nghề chuyên bùn đất, sâu bọ… mà tâm hồn thì bay bổng những âm thanh! Không khí học hành thật sôi nổi. Chúng tôi không chỉ say mê trong chuyên môn mà sinh hoạt văn nghệ cũng đầy ấn tượng. Những cuốn sách văn học Nga như "Thép đã tôi thế đấy", "Sông Đông êm đềm", "Đất vỡ hoang" được chúng tôi chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Tình yêu của Paven Coócsaghin (nhân vật trong "Thép đã tôi thế đấy") thời trai trẻ với Tonhia, Rita, Thaia thật lãng mạn và đầy sức chiến đấu. Phim màn ảnh rộng chiếu đều đặn vào tối thứ 3 hằng tuần, giữa sân trường rộng rãi; giọng thuyết minh ngọt ngào của cô giáo Trâm, học sinh Đào Toán nhớ mãi đến giờ.

Những ngày cuối năm bao giờ nhà trường cũng tổ chức cho học sinh đi thực tập tận các Nông trường Tây Hiếu, Sông Con - Nghệ An hay lên trại chè Phú Hộ, luyện tay nghề chiết ghép, bón chăm. Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh hoa cà phê, hoa cam nở trắng rừng, hương chè thơm ngào ngạt lưng đồi Phú Thọ. Đường xá xa xôi là vậy, trên phương tiện chỉ là những chiếc xe tải mui trần, ghế nan, đứng ngồi mà say sưa ca hát…

Trước mỗi buổi học bao giờ thầy cô giáo cũng dành mươi phút văn nghệ cá nhân. Các lớp, các khối, nhà trường đều có đội văn nghệ biểu diễn, hát thi vào dịp cuối kỳ, cuối năm, cuối khóa thường những bài hát mang đầy màu sắc thiên nhiên đất trời, hoa lá đẹp và thơ mộng. Ngoài những bài hát tình ca: "Chiều Mátxcơva", "Đôi bờ" của Nga, chúng tôi còn chọn những bài hát Việt, lời ca, âm sắc in vọng mãi đến giờ: "Nắng vàng vừa xuống, rừng dừa in bóng lưng nương/ Hoàng hôn nắng vàng tỏa xuống nông trường tít trên trời màu lúa chín đưa hương…". Màu vàng của lúa, của nắng; màu xanh của biển, của rừng cất lên thành lời ca trộn trong thao thiết tiếng đàn. Những bài hát mang đầy âm sắc đồng quê ấy do Huỳnh Thơ tìm chọn và uốn luyện. Đêm đêm, đến giờ "giới nghiêm", Huỳnh Thơ còn ôm cây đàn violon ra cột điện xa nơi ký túc, ò e cho mãi tới khuya, như ru, như rót văng vẳng vào khu chúng tôi ngủ. Qua nhiều đêm như vậy, Huỳnh Thơ viện cớ, lúc thì bảo đang luyện bài cho đội văn nghệ nhà trường chuẩn bị hội diễn, lúc lại bảo chuẩn bị về Hà Nội hội thi, nên bảo vệ cũng cho qua. Lâu dần thành quen, đêm nào vắng tiếng đàn ru, lại nhớ! Đội văn nghệ chúng tôi từng có lần được lên biểu diễn tại sân khấu sang trọng, dưới ánh đèn điện lung linh của Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi hát thi và được giải.

Ca sĩ Quỳnh Ngân thể hiện ca khúc "Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long" của nhạc sĩ Huỳnh Thơ.

Học với Huỳnh Thơ 3 năm, giữa chúng tôi có bao nhiêu kỷ niệm thơ mộng. Ra trường, Huỳnh Thơ về Nông trường Sông Bôi (Hòa Bình), làm chuyên môn thì ít, văn nghệ thì nhiều.

Một dịp tình cờ, Huỳnh Thơ được gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Biết Huỳnh Thơ yêu nhạc và hé lộ năng khiếu, nhạc sĩ đàn anh đã giới thiệu Huỳnh Thơ vào học khoa sáng tác Nhạc viện Hà Nội. Bấy giờ khoảng năm 1968-1970. Ngoài việc học, Huỳnh Thơ còn được Nhạc viện cử đi thực tế tìm "những giọng hát hay" ở Hải Phòng và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng đưa về cho Nhạc viện để bổ sung cho chương trình giảng dạy thêm phong phú. Những lời ca, tiếng hát ấy còn được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình văn nghệ "Khắp nơi ca hát" ngày càng được nhiều người ưa thích.

Sau khi học xong Nhạc viện, Huỳnh Thơ về công tác tại Ban Văn nghệ Đài Phát thanh giải phóng (đóng ở Hà Nội). Bài hát "Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long" chính là bài thi tốt nghiệp của Huỳnh Thơ. Bút danh Huỳnh Thơ của anh cũng được dùng từ đấy.

Hôm rồi, trên chuyến xe bus Cầu Giấy - Nội Bài, bất chợt tôi nghe vọng lên bài hát "Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long" của Huỳnh Thơ. Tôi lặng người đi trước những âm thanh tha thiết, bay bổng. Hình ảnh những cô gái đồng bằng sông Cửu Long hiện lên sao mà đẹp vậy: "Những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng sao/ Những xóm thôn đồng xanh trải rộng…", những "nhịp cầu tre lắt lẻo dòng kinh/ In bóng hình người con gái quê tôi", mà nét đẹp thật riêng ấy chỉ mảnh đất Đồng Bằng Sông Cửu  Long mới có. Và "áo bà ba, súng quàng vai hôm sớm ra đi…". Họ đi cứu nước chỉ chọn vào giờ khắc "hôm sớm", khi vừa tắt nắng, đi lẫn dưới trăng sao, mờ vào sương khói miệt đồng, che mắt kẻ thù mà đánh giặc… Bài hát đã chọn những hình tượng: "Đẹp thay tuổi xuân con gái quê tôi", càng "đẹp thay tuổi xuân đi giải phóng quê hương"; và "đang cùng toàn dân viết đẹp những bài ca", cùng hình ảnh "Cây súng bên mình cũng đẹp như em". Ngô Thi đã chọn ca từ, nét nhạc chăm chút cho cái đẹp thật điển hình, thật toàn vẹn về những người con gái của dòng sông quê hương anh, trong chiến trận gian lao mà anh dũng! Bài ca còn "chở" một tư tưởng lớn - đời tự do có gì đẹp hơn! Một chân lý hát lên vang động, chân lý mà vì nó, cả dân tộc đã không tiếc gì xương máu!

Sau giải phóng miền Nam, Huỳnh Thơ về sống ở Sài Gòn. Vợ anh là một cô giáo dạy trẻ. Những năm cuối đời, anh bị bệnh tim và đột ngột ra đi năm 1993! Biết nhiều, đi lại giao lưu thân thuộc những năm cuối đời với Huỳnh Thơ là nhạc sĩ Tăng Minh Thành, người cùng công tác với anh ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói nhân dân Tp HCM.

Kể từ ngày chúng tôi chia tay nhau ra trường tính tới nay đã vừa vặn nửa thế kỷ. Từ bấy, chúng tôi mỗi người mỗi ngả và không có dịp gặp lại nhau nữa. Tôi thì lặn lội bùn đất với nông dân; Huỳnh Thơ thì đắm mình cùng dòng sông Cửu Long khói lửa quê nhà; hóa thân vào lời ca nốt nhạc hào hùng lãng mạn; góp phần làm nên chiến thắng hôm nay. Khi nghe bài hát "Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long" cất lên từ miền Nam, tôi vô cùng xao xuyến, thấy bài hát thật hay, thật khơi gợi. Mãi sau này mới biết tác giả bài ca ấy - nhạc sĩ Huỳnh Thơ chính là Huỳnh Thơ người bạn mà mình đã từng nhiều năm cùng đèn sách. Thật vui và tự hào!

Bức ảnh trên báo này cũng có số phận long đong. Góc ảnh là bút tích của Huỳnh Thơ đề: "Mến tặng cô Cũ Thị Phê tập bài hát của người bạn cùng lớp, từng chia sẻ nhiều nỗi buồn vui", ký tên Huỳnh Thơ. Không thấy đề ngày tháng. Chỉ tiếc mãi đến cuối năm 2000, khi Huỳnh Thơ mất đã 7 năm, kỷ vật ấy mới đến tay người nhận! Khi chong đèn viết bài này, nhìn kỹ tấm ảnh Huỳnh Thơ, tôi thấy hình như mắt anh rớm lệ. Không biết có phải giọt lệ ấy biểu hiện sự sung sướng khi nghe khúc hát của mình, hay vì nhớ bạn phương trời đất Bắc xa xôi. Có lẽ cả hai, bởi Huỳnh Thơ vốn người đa cảm.

Bây giờ, sau nửa già thế kỷ, mảnh đất trường xưa đã qua mấy chủ, di tích chẳng còn gì. Mỗi lần gặp bạn đồng môn khoa Trồng trọt VI - Trường Nông lâm Trung ương ngày xưa ở ngoài Bắc, chúng tôi thường kéo nhau về thăm trường cũ, ngẩn ngơ như người khách lạ… Ở chính nơi bao nhiêu kỷ niệm một thời mà nhớ, mà vui buồn khôn tả. Dòng sông Nhuệ vẫn lững lờ, chỉ con người thì đã "muôn năm cũ". May - có lẽ trong khóa học, nhờ có người sau này "làm to" nên con đường tăm tắp hai hàng phi lao ấy vẫn giữ được cái tên: "Đường Nông lâm", vuông góc với tuyến xe bus Trần Cung - Đông Ngạc.

Và mỗi lần bạn bè gặp nhau, bao giờ cũng chụm lại những mái đầu tơ tóc phong sương, hát lên bài ca tha thiết, để vừa nhớ về ngôi trường, nhớ về những người thầy, người bạn đã từ đây tung cánh bay đi khắp nẻo chân trời; và nhớ tới người bạn đã làm nên tác phẩm âm nhạc dư ba "Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long" với "Những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng sao...".

Tình cảm ấy, con người ấy với chúng ta quyện vào lời ca, mãi mãi "đi cùng năm tháng"…

Hà Nội, mùa xuân 2012

Phạm Ngọc Khảnh
.
.