Nhớ người “vườn khuya một mình”

Thứ Năm, 05/06/2008, 10:00
Chuyến xe chở cơ quan chúng tôi đi nghỉ mát ở Sầm Sơn mỗi lúc một rời xa Hà Nội. Tôi đang thiu thiu ngủ bỗng cảm thấy có mùi quen quen là lạ. Tôi mở mắt và thấy mấy anh bạn ngồi quanh tôi cũng đang ngoái nhìn xuống phía cuối xe, nơi phát ra cái mùi đặc trưng ấy. Rượu! Ai đó thốt lên rồi một người, hai người đầu tiên đã nhổm dậy, nhìn quanh.

"Rượu đây! Bạn nào muốn uống, xin mời" - Tiếng đáp lại từ phía cuối xe. Lúc này tôi mới để ý đến cái người đứng tuổi đội mũ phớt ngay từ lúc lên xe đã lui xuống ngồi ở đằng cuối, mặc cho mọi người mời lên phía trước: Anh Văn Tâm, "rể" của Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật nơi tôi công tác. Anh vừa mở nút cái bi đông đựng rượu, rót ra một chiếc li nhỏ xíu, thế mà hơi rượu đã phưng phức khắp xe.

Không ai bảo ai, mấy đứa chúng tôi đều đứng cả dậy, theo nhau xuống phía cuối xe. Anh ngồi dịch ra nhường chỗ cho chúng tôi, rồi lấy trong túi ra mấy cái li nữa rót mời bạn...

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Văn Tâm là chồng chị Cao Thị Xuân Cam, trưởng nữ của nhà Hán học Cao Xuân Huy nổi tiếng. Là đồng nghiệp với nhau, chúng tôi rất nể trọng chị Cam về sự đọc rộng biết nhiều và tính hóm hỉnh. Chúng tôi biết chị thông minh lắm, nhưng ở cơ quan chị chỉ nguyện làm một chân biên tập viên bình thường, còn ở nhà thì dồn toàn tâm toàn ý phục vụ chồng con.

Anh Văn Tâm là một nhà giáo dạy văn giỏi có tiếng của Hà Nội, trước đấy vào nửa cuối những năm 50 (của thế kỷ XX) anh đã có sách về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng khá có tiếng vang, nhưng lúc này, vào giữa những năm 80, anh đã gác bút từ lâu, sau "sự cố” từ những cuốn sách ấy, hay còn vì lý do gì khác nữa, tôi không được rõ lắm.

Chỉ biết rằng lúc này, anh là "rể" của cơ quan chúng tôi, một anh rể quá ư là trí thức so với cánh biên tập viên chúng tôi xuất thân từ đủ các ngành khoa học kỹ thuật chả biết gì ngoài chuyên môn được đào tạo của mình...

Không ngờ rượu của anh Văn Tâm ngon thế, không chỉ thơm mà còn êm nữa, uống rất vào. Anh cho biết đó là rượu "thửa", anh vẫn đặt ở một chỗ quen, bao giờ trong nhà cũng phải trữ sẵn một vò lớn. Đi đâu là phải mang "rượu nhà" đi, chứ uống rượu khác không được...

Từ chuyện rượu, chúng tôi lan man nói đủ mọi chuyện khác nữa, hết văn thơ lại chuyển qua hội họa. Anh Văn Tâm có hẳn một bộ sưu tập tranh khá phong phú của nhiều họa sĩ, trong đó có cả những bậc tài danh như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Trần Đông Lương... Anh bảo bao giờ về Hà Nội thì đến anh chơi, uống rượu, xem tranh...

Bẵng đi một thời gian tôi ít gặp anh Văn Tâm, thỉnh thoảng có gặp thì câu chuyện thường là trên mức xã giao một chút. Đến thời Đổi Mới thì tôi được biết anh đã trở lại viết nhiều, ngoài các bài xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí, anh còn tập trung chuẩn bị cho một công trình lớn về Đoàn Phú Tứ. Tôi mừng cho anh nhưng nói chung ít đọc bài của anh. Không hiểu sao cái hình ảnh anh đội mũ phớt, hai tay đút túi đứng nhìn đâu đâu trên bờ biển năm nào, trong khi mọi người đang nô nức giỡn sóng, cứ gây cho tôi cảm giác anh cách biệt quá, và có lẽ, văn anh cũng thế (?).

Đầu năm 1992, Viện Văn học phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo nhân 80 năm sinh cha tôi - Hội thảo khoa học Nguyễn Huy Tưởng. Công việc chuẩn bị diễn ra khá tốt đẹp, nghe nói đã quy tụ được nhiều chục bản tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học...

Chỉ ít hôm nữa là đến đến ngày hội thảo, tôi được biết trong các tham luận có một công trình viết rất công phu về vở kịch "Vũ Như Tô" của cha tôi. Tên tham luận đã lạ - "Vũ Như Tô trong cuộc đời bát nháo", nhưng tên tác giả của nó, với tôi, còn bất ngờ hơn: Nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo Văn Tâm!

Tôi vẫn nghĩ đối tượng mà anh quan tâm là các nhà văn, nhà thơ cận đại hoặc tiền chiến, như Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Đoàn Phú Tứ cơ. Những tác phẩm mà anh quan tâm phải là những gì được dạy trong nhà trường, lĩnh vực "tác nghiệp" của anh kia, chứ không thể là một vở kịch như "Vũ Như Tô" bấy giờ còn quá ít được biết đến!

Hôm hội thảo, đến phần tham luận của Văn Tâm, diễn giả được chủ tọa yêu cầu rút gọn lại, vì bài quá dài. Mặc dù vậy, phần trình bày của anh vẫn vào loại có thời lượng dài nhất trong suốt cuộc hội thảo. Thế nhưng, theo như tôi nhớ, đó cũng là một trong những tham luận gây ấn tượng nhất, được trình bày lôi cuốn và có bài bản nhất.

Bản tham luận kết thúc bằng lời "kêu gọi" của diễn giả: "Vở bi kịch lịch sử "Vũ Như Tô" ra đời đã nửa thế kỷ, nhưng giờ đây tính thời đại của nó mặc nhiên vẫn chưa nhạt nhòa. Thiết nghĩ các đạo diễn sân khấu tài danh: Nguyễn Đình Nghi, Phạm Thị Thành có thể lưu tâm đến nó".

Tôi nhớ lúc ấy, cả hội trường đã bùng lên trong tiếng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt, và diễn giả thì từ tốn rời bục micrô, mãn nguyện như khi hoàn thành một việc tốt.

Thế nên tôi đã rất ngạc nhiên khi đến bắt tay anh, chưa kịp nói lời ngưỡng mộ thì anh đã hỏi: "Mình nói thế có hăng quá không?". Hóa ra, đằng sau cái vẻ đĩnh đạc tưởng như đã thành tự nhiên ở anh, là cả một mối băn khoăn về phép ứng xử của một nhà trí thức đầy trách nhiệm trước sự lập ngôn.

Năm 1995, tại Hội diễn sân khấu toàn quốc, vở kịch "Vũ Như Tô" của cha tôi được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng làm tác phẩm tham gia hội diễn. Phải nói đây là một quyết định dũng cảm của nhà hát, vì kịch "Vũ Như Tô" cho đến khi ấy vẫn bị coi là một tác phẩm khó dựng, thậm chí có người còn cho là nó thiếu tính kịch, để đọc thì hay chứ để diễn thì...

Đạo diễn Phạm Thị Thành sau này đã tâm sự với người viết bài này, lý do để chị quyết định dựng "Vũ Như Tô" chính là lời kêu gọi của diễn giả Văn Tâm ba năm trước đó, lời kêu gọi đã đến với chị như một sự thách đố "thiện chí" và "tài năng" của người nghệ sĩ. Tóm lại, hội diễn chỉ là một cái cớ, một cơ hội, còn quyết định dàn dựng "Vũ Như Tô" đã đến với chị ngay khi nhận được "cú huých" của anh Văn Tâm.

Cuối năm 1995, cuốn "Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm" của Văn Tâm ra mắt bạn đọc. Mọi người đều mừng cho nhà viết kịch cuối cùng đã có được người tri kỷ thấu hiểu sự nghiệp của mình, và mừng cho anh Văn Tâm đã có được một công trình ra tấm ra món, xứng đáng với tài năng và công sức của anh. Nhưng không biết có phải do làm việc quá sức cho cuốn sách đó không, sau đấy anh bị xuất huyết não.

Hôm chúng tôi đến thăm anh, anh đã qua được cơn kịch biến nhưng vẫn còn yếu lắm. Thế mà anh vẫn cố gượng dậy, và tuy nói chưa được rõ tiếng, anh vẫn cố kể lại cho chúng tôi tình đầu câu chuyện.

Anh nói, giọng thều thào, hôm ấy về gần đến nhà thì tự nhiên thấy trong người khác lắm. Một bên tay đã bại, không làm chủ được, và cơ chừng đôi chân cũng không còn muốn nghe theo. Lúc ấy anh đang đi ngang các hàng ăn san sát dọc phố nhà anh, hàng nào hàng nấy kín mít người.

Tự anh không cho phép mình ngã xuống trước mặt bàn dân thiên hạ! Thế là anh cố cất bước, gần như lết đi, qua từng nhà hàng một, tới khi về đến chân cầu thang nhà mình mới đổ sụp xuống không còn biết gì...

Với cùng một nghị lực như thế, anh đã chống chọi với bệnh tật, đầu tiên là tập đứng, tiếp đến tập đi, rồi là tập thiền một cách thật chuyên cần; từ tập cầm đũa gắp thức ăn, tiến đến anh tập viết bằng bàn tay phải may không bị liệt, thế rồi cuối cùng cũng viết được; từ việc soạn "giáo án" môn văn cho hai đứa cháu nội, ngoại quyết tâm thi đại học báo chí, anh đã dần dần trở lại với công việc trước tác như là lẽ sống của đời anh.

Chúng tôi đến chơi, anh chỉ chồng bản thảo đang soạn dở và cho biết anh đang "viết" cái này cái kia, tất nhiên là theo cách của anh: ở đó có các trang bản thảo tự anh viết, tất nhiên là hết sức nguệch ngoạc, và các trang chị Cam theo đó chép lại, sau đó đọc cho anh duyệt lại. Cứ thế, mỗi trang bản thảo của anh sẽ được viết đi đọc lại nhiều lần cho đến khi nào được thì thôi...

Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, hứng lên, anh hỏi, một cách thật tự nhiên: "Hay là làm tí rượu nhé". Tất nhiên là chúng tôi từ chối, nhưng là chủ nhà mến khách, anh nói cho chúng tôi yên tâm: "Không, các bạn uống thôi, còn mình sẽ chỉ ngửi".

Thế rồi anh bảo người nhà lấy rượu ra rót cho chúng tôi, mùi rượu tức thì thơm phức khắp căn phòng. Chúng tôi đã toan chỉ nhấp cho phải phép, nhưng thấy anh hoan hỉ nhìn mấy đứa đầy khích lệ, cánh mũi phập phồng như muốn nói thơm quá, thơm quá, bấy giờ liền mạnh dạn cạn chén chúc sức khỏe anh...

Sau năm năm sống và viết theo cách như thế, anh Văn Tâm cho ra đời cuốn sách tập hợp các bài viết khi bị liệt nửa người, cuốn "Vườn khuya một mình" (NXB Văn hóa, 2001). Ba năm tiếp theo (2004), anh tự biên soạn bộ tuyển tập của mình, công trình mà nếu in ra cũng phải cỡ trên ngàn trang khổ lớn. Nhưng bản thảo còn đang trong quá trình hoàn tất thì anh bị nặng trở lại, lần này anh đã không qua khỏi. Tác giả "Vườn khuya một mình" ra đi, để lại sự tiếc nuối cho đông đảo bạn đọc và cảm giác cô đơn không gì bù đắp được cho người bạn đời của anh, chị Cao Thị Xuân Cam.

Có lẽ chỉ ý thức về bổn phận trước ý nguyện của người ra đi mới khiến chị Cam vượt qua được nỗi đau mất mát. Mấy tháng sau khi anh Văn Tâm qua đời, chị bắt tay tiếp tục biên soạn bộ tuyển tập của anh. Công việc bộn bề nên cũng phải mất đến hàng năm, cuốn sách mới hoàn thành: một ngày đẹp trời năm 2006, cuốn "Tuyển tập Văn Tâm" đồ sộ, hoành tráng cuối cùng đã ra mắt bạn đọc!

Không nghi ngờ gì nữa, đây là một cuốn sách quý, rất cần cho những ai quan tâm tìm hiểu văn học nước nhà, nhất là về những giá trị của một thời suýt đã bị lãng quên nếu không được phủi bụi thời gian nhờ tâm huyết của tác giả

Nguyễn Huy Thắng
.
.