Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11:

Nhớ mãi thầy - "Bố" Châu ơi!

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:04
Tưởng nhớ Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Hữu Châu,  nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm I Hà Nội.

"Ngày mai các con sẽ bay đi khắp bốn phương trời, sẽ vươn tới những đỉnh cao chưa hề tới, sẽ lên thuyền ra biển vượt trùng khơi. Nhưng các con sẽ không bao giờ quên tổ ấm khoa văn - nơi từ đó các con khôn lớn..." - Những lời ấm áp nghĩa tình của thầy vang lên bên tai tôi, thấm vào trái tim tôi từ lần đầu tiên trong lễ khai giảng năm thứ nhất đời sinh viên của tôi, cũng là lễ chia tay các anh chị văn 4 ra trường...

Lần đầu tiên tôi tiếp nhận hình ảnh vị Chủ nhiệm khoa quyền uy đường bệ, vị Giáo sư nổi tiếng tài hoa, nghiêm túc trong khoa học với tấm lòng một người cha.

Dặn dò bọn sinh viên mới nhập trường còn đầy bỡ ngỡ chúng tôi, thầy Châu lên giọng "Phú ông": "Khoa không đòi môn đăng hộ đối, cũng không bảo cháu còn bé lắm, Khoa chỉ bảo rằng: - Ối các con ơi, các con đừng bôi gio trát trấu vào mặt Khoa!". Cả hội trường cười ồ bởi câu đùa ngoa ngoắt mà dí dỏm, nhưng cũng thật thấm thía vì chẳng có lời nhắc nhở nào ân cần chu đáo mà chí tình hơn. Đúng là tâm tư của một người cha có con gái "rượu": kiêu hãnh, tự hào mà biết mấy lo âu!...

Có lẽ trong lịch sử Khoa Văn, chưa có vị chủ nhiệm khoa nào mà lại là người chỉ đạo và tham gia trực tiếp vào nhiều "chuyên án" bắt trộm phòng gian như thế và đạt nhiều thành công đến thế. Đất nước những năm 80 của thế kỷ trước còn nghèo khó và thiếu thốn. Mất một chiếc áo, một món tiền với một sinh viên nghèo có thể trở thành một khó khăn lớn. Những cuộc "lấy cung", "thẩm vấn", "điều tra" ở ngay tại phòng ký túc xá, bất chấp giờ giấc sớm trưa với "nghiệp vụ" Sherloc Homes và tấm lòng Bao Thanh Thiên của thầy đã đem lại kết quả. Nhiều "vụ án" mà thầy vừa là người chỉ đạo phá án, vừa là "thám tử", vừa "công tố viên" lại kiêm cả "chánh án" và "bồi thẩm đoàn"… đã được giải quyết, không chỉ giúp cho việc ổn định đời sống của sinh viên, an ninh ký túc xá mà còn góp phần gìn giữ đạo đức, lương tâm cho các thế hệ học trò Khoa Văn. Có nhiều "can phạm" nay đã nên người, thậm chí "thành danh", mãi mãi biết ơn thầy vì điều đó. Để có được những "chuyên án" thành công như thế, ít ai biết được rằng công đầu lại thuộc vị "tham mưu trưởng" giàu mưu lược, sáng suốt và có một trực giác hết sức nhanh nhạy cùng với tấm lòng tận tụy vì học sinh - luôn ở bên thầy: Đó là cô Nguyễn Thị Ngọc Diệu, phu nhân của thầy.

GS. TS Đỗ Hữu Châu (1932 - 2004).

Suốt mười mấy năm làm lãnh đạo Khoa của thầy có lẽ cùng là thời kỳ "hoàng kim" của Khoa Văn, không chỉ với những hoạt động chuyên môn nghiêm túc, nền nếp mà còn sôi nổi với những hội diễn văn nghệ, thể thao, đêm thơ sinh viên… thu hút sự quan tâm không chỉ của Khoa Văn mà cả các khoa bạn và trường bạn; để lại ấn tượng sâu sắc và trở thành hành trang quý báu trong ký ức mỗi người… Trong những hoạt động này, thầy Châu cũng nhận được sự khích lệ nhiệt tình và cả sự tham gia đóng góp bằng niềm say mê lẫn khả năng lôi cuốn, vận động quần chúng đầy thuyết phục của cô Nguyễn Thị Ngọc Diệu. Vai Thị Kính, Thị Mầu, mẹ Đốp, xã trưởng  - sinh viên do cô "đạo diễn" là một trong những vai gây ấn tượng sâu sắc nhất với người xem. Và cũng chẳng mấy ai biết được cô còn là một tay chơi măngđôlin có hạng, một giọng ca "tiền chiến" cừ khôi! Cô là người cùng song tấu măngđôlin - ghita với thầy những đêm hè oi bức. Cô là người chia sẻ niềm rung cảm sâu xa với thầy những ca khúc Văn Cao. Cô cũng là nguồn cảm hứng vô tận và dẫn chứng sinh động cho thầy khi viết về hội thoại và giao tiếp trong lý thuyết dụng học Việt ngữ.

Đằng sau những thành công và sự nghiệp của người đàn ông tài năng là một người phụ nữ. Một điều chắc chắn rằng thầy không thể có những công trình khoa học nếu thiếu bàn tay ân cần chăm sóc của người vợ hiền. Gần 2 năm cuối đời nằm trên giường bệnh, cần được chăm nom như đứa trẻ sơ sinh, có những thời gian "chết lâm sàng", thầy có dịp hiểu hơn tấm lòng người bạn đời tri âm chung thủy. Tuổi cận 70, cô lặn lội đi về ngày mấy lượt như con thoi, săn sóc chồng trong những cơn nguy kịch và kiên trì tìm thuốc hay thầy giỏi khắp mọi phương. Với giọng ca run rẩy đầy cảm xúc, cô hát đi hát lại những ca khúc tiền chiến mà thầy từng yêu thích với hy vọng khiến thầy tỉnh lại, dù chỉ để cho cô được đi đổ gạt tàn, dù phải bán cả nhà đi! Cô giới thiệu với thầy từng đồng nghiệp cố tri, từng đứa học trò… để mong thầy nhận biết. Cũng như trước đây thầy cô từng chia sẻ, thông cảm và trăn trở rất nhiều trước những buồn vui số phận học trò… Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Hai người yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng". Với thầy Châu - cô Diệu, trong tình yêu với Khoa Văn và với học trò - quả đúng là như vậy. Hai người có thể dành thời gian hàng tiếng đồng hồ để lắng nghe tâm tư học trò, để cùng nhau tìm cách giúp đỡ các em. Đằng sau những trái ngược vẻ ngoài và tính cách, thực sự là một tình yêu lớn của hai nhân cách đáng trọng.

Ở Khoa Văn Đại học Sư phạm I chúng tôi, Giáo sư Đỗ Hữu Châu được biết đến không những như một nhà khoa học lớn, vị Giáo sư đầu ngành, nhà quản lý - người thầy nghiêm khắc, mà còn là một người cha hiền từ, đôn hậu. Và có lẽ không có vị Chủ nhiệm khoa nào mà lại được học trò các thế hệ của khoa (và cả các khoa bạn) gọi bằng cái tên dân dã mà âu yếm và thân mật như thế: "Bố Châu ơi!". Mỗi một lần thầy lượn "cá ươn" qua hay đủng đỉnh với chiếc xắc da từ văn khoa trở về, qua kí túc xá sinh viên, chúng tôi cùng đồng thanh gọi "Bố Châu ơi!". Chỉ để thấy thầy cười, mái tóc bạc rung rung, đôi mắt kính ngước lên như tò mò, lạ lẫm và giọng cười vang rõ tiếng "hà hà" hồn nhiên, thân mật, lành hiền. Chỉ để thấy ấm lòng…

Thực sự thầy quan tâm đến chúng tôi với tấm lòng của một người cha. Hiếm có vị Chủ nhiệm khoa nào lại dành nhiều thời gian để quan tâm đến học trò đến thế. Sáng, trưa, chiều, tối - bất cứ lúc nào thầy cũng có thể rẽ qua, tạt vào ký túc xá để "kiểm tra" đứa nào hay đi chơi, để hỏi thăm đứa ốm, an ủi đứa vừa "đánh rơi" một mối tình, để truy tìm "thủ phạm" "vụ án" vừa xảy ra… Và cũng chẳng có vị chủ nhiệm khoa nào lại thuộc hết tên, hết mặt học trò cùng cả các "đối tượng", "vệ tinh" của học trò của mình nữa! Thầy xét nét như một ông bố khó tính với những anh chàng "Táctuýp", "Đông Gioăng" và ra sức "bênh vực"; "mách nước" cho những anh hiền lành, tội nghiệp... Thầy như sắp sửa kêu to kiểu phú ông: "Ối các con ơi! Đừng…". Và chúng tôi hiểu rằng: Chỉ có người cha thật sự mới có thể thương và lo cho con như thế. Và thêm nữa: chỉ có người nghệ sĩ mới hiểu và cảm thấu được cái mong manh của một kiếp hoa hay số phận con người…

Đọc lại những trang viết của thầy trong bộ "Tuyển tập Đỗ Hữu Châu" đồ sộ, tôi ứa nước mắt vì nhận ra tên mình giữa tên bao bạn bè cùng thế hệ chúng tôi trong những ví dụ về ngữ dụng của thầy. Thì ra, những học trò vô danh, nhỏ bé như tôi đã chiếm một phần trong cuộc sống, tâm hồn thầy và cũng là một phần trong sự nghiệp lớn của thầy. Như hạt cát trong sa mạc, giọt nước giữa đại dương.

Tôi nhớ đến cách kết bài uy - mua mà trữ tình của thầy trong bài giảng Kiều theo phương pháp hệ thống: "Chơi đàn phải như Thúy Kiều. Nghe đàn phải như Kim Trọng. Tả tiếng đàn phải như Tố Như. Và… phân tích tiếng đàn Kiều thì phải … như Đỗ Hữu Châu!". Thầy trò chúng tôi đã cùng phá lên cười vì cái lối "tập" Phạm Quỳnh như thế…

Bằng phương pháp hệ thống và thao tác luận, thầy đã chỉ ra thật xác đáng nét khu biệt trong chân dung Từ Hải so sánh với các hiệp sĩ phương Tây: Từ Hải chết không phải vì chủ quan, không tại thói kiêu căng tự phụ, càng không phải ngu hèn, không phải vì người đẹp, vì thói "nữ nhi thường tình". Chàng chết cái chết oanh liệt đầy bi tráng của bậc quân tử Tầu, của kẻ đại trượng phu: "Sĩ vị tri kỷ tử giả!".

Nếu có gì phàn nàn về bài học của thầy lại cũng là điểm ấy: Thầy đã dựng nên chân dung đại vương tên Hải họ Từ thật rõ rệt trong tâm tưởng chúng tôi: thật khí phách mà đầy lãng mạn hào hoa. Rất nhiều nữ sinh Khoa Văn chúng tôi đã đi tìm, đã đợi chờ đến mòn mỏi kẻ anh hùng cái thế - hào hoa ấy: con người đàng hoàng trong đến cả cái cười: "Cười rằng tri kỷ trước sau mấy người…" để rồi có thể không bao giờ gặp…

Không chỉ là một tác giả của Bách khoa Từ điển Việt Nam, thầy thực sự là Bách khoa toàn thư sống của nhiều thế hệ học trò Khoa Văn chúng tôi. Không hiểu một từ tiếng Anh, tiếng Pháp; cần biết nghĩa một điển tích hay điển cố văn chương, chưa hiểu một thuật ngữ ngôn ngữ học… chúng tôi đều đến tìm thầy. Với chúng tôi, thầy là biển học mênh mông, là kho tri thức không bao giờ vơi cạn, là người "biết tuốt" mọi điều… Những lời "bình giá" vu vơ của thầy lại đầy giá trị "phán quyết" với chúng tôi, bởi có nền tảng là kho tri thức đầy ắp và uyên bác ấy.

"Nhớ mãi em, cô bé hay cười. Mong rằng tiếng cười sẽ cùng em đi suốt cuộc đời cô giáo…" - Tôi đã để cho nước mắt mình mặc sức tuôn rơi trên những dòng lưu bút mà thầy đã viết cho tôi từ gần 30 năm trước, trong lễ ra trường.

Bây giờ thầy ở đâu? Chỉ có đôi mắt với ánh nhìn ấm áp vẫn lấp lánh cười sau cặp kính. Mái tóc bay bay đầy kiêu hãnh trên vầng trán rộng và cao khiết… Văng vẳng bên tai tôi lời ca khúc Văn Cao mà thầy hằng ưa thích. Tiếng ca như da diết, não nùng hơn qua giọng ca của người tri kỷ - người vợ hiền yêu quý, thủy chung: "Từng hẹn ngày xưa cùng xây nhà bên suối/ Nghe suối róc rách trôi, hoa lừng hương gió ngát, đàn ai đùa trong khóm lá vàng tươi…"

Lê Thị Tuyết Hạnh
.
.