Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác

Chủ Nhật, 30/09/2007, 14:07
Xin mượn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu làm tiêu đề cho bài viết này. Khi báo VNCA số 63 đến tay bạn đọc cũng vừa đúng dịp toàn dân tộc Việt Nam kỷ niệm tròn 62 năm ngày Quốc khánh 2-9 và 38 năm ngày Bác kính yêu của chúng ta vĩnh viễn đi xa.

Những năm gần đây, mỗi dịp nhớ tới sự kiện này, dường như trong tôi lại hiển hiện những dòng chữ nặng lòng thương dân yêu nước trong bản Di chúc thiêng liêng của Bác. Liên hệ với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mà Đảng ta phát động, tôi nhận thấy chỉ riêng việc đọc và tìm hiểu nội dung các bản Di chúc Bác viết từ năm Bác 75 tuổi đến năm Bác 79 tuổi, cùng việc nghiền ngẫm, phân tích những chỗ gạch xóa, sửa chữa của Bác trong những bản viết ấy cũng đủ cho chúng ta có nhiều điều để học tập.

Đối với người làm công tác Đảng, Di chúc của Bác là một bài học về thực hành dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Trên cương vị lãnh tụ tối cao, Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, với những mục tiêu bất di bất dịch đối với dân, với nước, với sự sống còn của chế độ, bao giờ Bác cũng dùng từ mang tính khẳng định, chẳng hạn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân"; "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng" (bản viết ngày 15/5/1965). Tuy nhiên, đến những chính sách, những giải pháp cụ thể thì Bác không dùng chữ "phải" nữa mà Người thay vào đó bằng chữ "nên" hoặc "theo ý tôi".

Như trong bản Bác viết hồi tháng 5/1968, nói về việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn thành, Bác viết: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng...". Về việc miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, Bác viết: "Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất".

Đối với các nhà văn, nhà báo, những người lao động chữ nghĩa thì bản Di chúc của Bác là một biểu hiện của tầm nhìn mang tính chiến lược, rất anh minh, đồng thời cũng cho thấy sự kỹ càng đến cao độ về cách đặt câu, chọn chữ của Bác.

Trong bản viết tháng 5/1968, có một câu thoạt đầu Bác viết là "Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ dã man gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược" nhưng liền sau đó, Bác cho chuyển chữ "dã man" xuống cuối câu, đọc ra thành "...do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man".

Như vậy, chỉ đảo vị trí 2 chữ, ý của câu văn trở nên chính xác, khoa học hơn, đồng thời cũng lại vẫn nhấn mạnh được sự tàn khốc mà nước Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Với câu kết của bản này cũng vậy. Thoạt đầu Bác viết "Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác", nhưng liền đó, Bác đổi chữ "phải" thành chữ "sẽ", chỉ thay một chữ mà tinh thần của câu văn được nâng cao hẳn, nó cho thấy Bác của chúng ta rất bình tĩnh, lạc quan trước phút giây đi vào cõi vĩnh hằng.

Với những dòng đề cập tới thực trạng sức khỏe của mình, ở đoạn gần cuối bản Di chúc viết ngày 10/5/1969, Bác cũng có sự điều chỉnh rất tinh tế. Thoạt đầu, Bác còn viết "Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người "xưa nay hiếm" nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường", sau, Bác gạch bỏ mấy chữ "như thường" và thêm chữ "rất" vào trước chữ "sáng suốt".

Bình luận về đoạn sửa chữa này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cảm động thốt lên: "Đúng là phải rất sáng suốt ở tuổi 79, mới có thể để lại một bản Di chúc có tầm vóc lớn lao và có giá trị nhiều mặt như thế".

Là người trọn đời lo cho dân, cho nước, Bác Hồ đã để lại cho các thế hệ mai sau nhiều bài học quý giá. Tôi thật sự cảm động khi được biết, trong thời gian soạn thảo Di chúc, dù có những bản mà về cấu trúc đã hoàn chỉnh, nhưng mỗi khi nảy ra ý kiến gì mới góp cho việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, Bác lại lấy bút ghi thêm đôi dòng ngoài bản đã có.

Bởi vậy, với tôi, mặc dù bản Di chúc của Bác được Trung ương Đảng ta công bố năm 1969 là bản hoàn thiện nhất, có thể coi là một áng văn mẫu mực lưu truyền mãi muôn đời, song để hiểu thêm kích cỡ tâm hồn của vị Cha già dân tộc, ta không thể không tiếp xúc với tất cả những bản mà Người đã từng viết...

Phạm Nhật Linh
.
.