Nhớ lại sự kiện “Trang thơ 1978”

Chủ Nhật, 06/11/2016, 08:04
Có thể thế hệ nhà thơ trẻ thì không biết, chứ thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hẳn nhiều người còn nhớ sự kiện "Trang thơ 1978" do báo Nhân Dân tổ chức. Đấy là sáng kiến rất đặc biệt của báo Nhân Dân, phối hợp cùng các báo, tạp chí cả nước, cùng sự tham gia của đông đảo các nhà thơ, bạn đọc, tuyển chọn các bài thơ hay đã in, hoặc chưa in, trên các sách, báo, tạp chí trong cả nước năm 1978. 

Tuy không phải là cuộc thi Thơ, nhưng sự lôi cuốn và ảnh hưởng rất lớn tới phong trào thi ca không kém gì cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 (mà giải nhất dành cho nhà thơ Phạm Tiến Duật với chùm thơ: "Lửa đèn", "Tiểu đội xe không kính", "Gửi em cô gái thanh niên xung phong", "Nhớ"…), một cuộc thi thơ được đánh giá là một sự kiện quan trọng của nền văn học nước nhà.

Ban Văn Nghệ của báo Nhân Dân ngày đó có nhiều cây bút uy tín, như: nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà thơ Thợ Rèn, nhà thơ Gia Ninh, cùng các nhà thơ trẻ độ ấy như: Phạm Đình Ân, Xuân Nguyên… chung sức tuyển chọn thơ hay cho "Trang thơ 1978".

Theo nhà thơ Xuân Nguyên, người từng được Ban Văn nghệ của báo Nhân Dân giao trực tiếp theo dõi, tuyển chọn, thì có đến gần nghìn bài thơ khắp nơi gửi về tham dự. Không khí thơ cả nước năm ấy thật sôi động. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã kết thúc; cả nước hát bài ca khải hoàn, chung tay khôi phục, xây dựng đất nước, sẵn sàng chống trả thù địch ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Thơ ngày đó cất lên với giọng thơ hào sảng, thiết tha, trữ tình.

Cuối năm 1978, Ban tổ chức "Trang thơ 1978" thống nhất chọn được trên ba chục bài thơ tiêu biểu. Để thêm phần khách quan, ban tuyển chọn còn mời các nhà thơ danh tiếng như: Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông làm cố vấn.

Nhà báo Thép Mới, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân bấy giờ có đem số thơ đã tuyển chọn lên nhờ nhà thơ Tố Hữu cho ý kiến và  duyệt lần cuối.

Theo lời kể lại, khi nhà báo Thép Mới cùng anh em cộng sự đem những bài thơ lên gặp nhà thơ Tố Hữu thì nhà thơ rất vui và lấy chiếc khăn sạch lau lại mặt bàn làm việc, cho dù mặt bàn làm việc của ông đã sạch lắm rồi, ấy rồi mới trịnh trọng đặt tập thơ lên bàn. Đấy là nghĩa cử tôn trọng thơ của nhà thơ Tố Hữu.

Kết quả cuối cùng, 16 bài thơ đã được chọn vào "Trang thơ 1978", lần lượt được in trang trọng trên bốn số báo Nhân Dân chủ nhật. Ấy là số báo ra ngày 14-1-1979, in 5 bài thơ của 5 tác giả (danh sách lần lượt từ trên xuống, theo báo in): Lữ Huy Nguyên, Lê Hoài Minh, Trần Hòa Bình, Nguyễn Hồng Hà, Ngô Minh. Số báo ra ngày 21-1-1979, in sáu bài thơ của sáu tác giả: Chu Linh Lâm Thi, Minh Hà, Dương Kỳ Anh, Vũ Từ Trang, Nguyễn Phan Hách, Phan Quế. Số báo ra ngày 28-1-1979, in hai bài thơ của hai tác giả: Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh. Số báo ra ngày 4-2-1979, in ba bài của ba tác giả: Trinh Đường, Trần Mạnh Hảo, Anh Ngọc.

Trên số báo Nhân Dân ngày 14-1-1979, ban tuyển chọn "Trang thơ 1978" đã trình bày:"Từ mấy tháng nay, chúng tôi tổ chức chọn những bài thơ hay đã in thành sách, đăng báo hoặc chưa từng ra mắt bạn đọc trong năm 1978. Chúng tôi vô cùng cảm ơn các nhà thơ và bạn đọc cùng các bộ phận theo dõi về thơ của các tuần báo và tạp chí trong cả nước đã hưởng ứng nồng nhiệt và góp nhiều ý kiến trong việc tuyển chọn này.

Điều hết sức đáng vui mừng là năm lớn đã qua, cũng là năm khá được mùa về thơ hay. Cuộc sống lớn làm nảy mầm nhiều tứ thơ tươi mới, và quý nhất là sự khẳng định bước đầu của nhiều giọng thơ vui trẻ, chân thực, thiết tha trong rung động".

16 bài thơ được tuyển chọn "Trang thơ 1978", thể thơ đa dạng, đề tài thơ mở rộng, phong phú. Tinh thần chủ đạo của thơ năm ấy là ngợi ca đất nước đang vào mùa dựng xây mới, như các bài: "Hoàng Liên Sơn", "Đi trong rừng Cúc Phương", "Trăng Phồn Xương", "Với dòng sông ấy", "Nón bài thơ và hương đất cao nguyên", "Làng có một ngày như thế", "Mảnh đất các anh gửi lại". Ca ngợi tình người, tình quân dân, như các bài: "Người mẹ Cà Mau thăm Mộ Tổ", "Làng Tung", "Tình xóm vườn cau", "Chúng tôi đi bốc mộ ở Trường sơn".

Ngợi ca tinh thần cảnh giác, bảo vệ lãnh thổ tổ quốc, như các bài: "Đêm ở Đồng Đăng", "Gửi từ đảo nhỏ", "Mùa thu tiễn bạn", "Đêm An Giang", "Nhà bên cây số không". Trong 16 bài thơ được tuyển chọn vào "Trang thơ 1978" thì có 9 bài thơ đã được công bố trên sách báo (2 bài in trên báo Nhân Dân, 3 bài in trên báo Văn Nghệ, 3 bài in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1 bài in trên báo Quân đội nhân dân), có 7 bài thơ chưa in trên sách, báo nào.

Ban tuyển chọn đã làm việc nghiêm túc, công khai, khách quan. Các tác giả, đều có niềm vui bất ngờ  khi được tuyển chọn vào "Trang thơ 1978". Những người yêu văn học đều ghi nhận cuộc tuyển chọn "Trang thơ 1978"  như cuộc thi thơ đạt kết quả cao. Các nhà nghiên cứu văn học, đánh giá "Trang thơ 1978" là một sự kiện văn học đáng lưu ý.

Nhiều tác giả lấy sự kiện "Trang thơ 1978" là một điểm mốc trong sự nghiệp sáng tạo văn học của mình. Đọc lại những bài thơ này, sau gần bốn mươi năm, người đọc vẫn nhận được tình yêu thiết tha, niềm tự hào với quê hương đất nước, vẫn nhận được tình yêu thẳm sâu giữa con người và con người. Nhịp thơ vẫn theo kịp sự tiến triển của thơ ca hiện đại.

Nhiều bài thơ trong "Trang thơ 1978" đã đứng được với thử thách của thời gian. Điều đáng lưu ý, hầu hết các tác giả này, nay đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trừ mấy người đã quá cố, số còn lại, hiện họ vẫn là những cây bút thơ chủ lực của nền văn học nước nhà.

Việc tổ chức tuyển chọn và công bố  "Trang thơ 1978" vừa xong thì cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra, nên tiếc là kết quả của "Trang thơ 1978" không được tuyên truyền, quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, sự kiện văn học "Trang thơ 1978" còn in đậm trong tâm trí nhiều lớp nhà thơ và bạn đọc. Sự kiện diễn ra đã gần bốn mươi năm, việc lưu giữ tư liệu còn lại đến nay, nhờ công của nhà thơ Phạm Đình Ân và nhà thơ Xuân Nguyên.

Ấy chính là tình yêu thiêng liêng với thi ca. Tôi có niềm vui được tuyển chọn bài thơ "Trăng Phồn Xương" vào "Trang thơ 1978". Tôi còn nhớ, bài thơ được viết ra khi đang ở trọ tại căn gác nhỏ của người bạn ở phố Mã Mây (Hà Nội). Ngày đó, tôi là phóng viên của một tờ báo. Cảm xúc về miền đất Yên Thế trữ tình và thượng võ, ám ảnh tôi. Rồi tứ thơ vụt hiện.

Tôi viết một mạch xong bài thơ, khi quá nửa đêm. Bài thơ được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khi ấy nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh làm biên tập. Viết bài thơ "Trăng Phồn Xương" khi tôi chưa được lên Phồn Xương. Sau này, có nhiều dịp về thăm Phồn Xương (Yên Thế), cảm xúc về người và cảnh vật nơi đây vẫn giống y hệt thuở tôi viết bài thơ này.

                                  Tháng 10-2016

Vũ Từ Trang
.
.