Nhớ lại hai cái Tết ở Hà Nội

Thứ Ba, 15/02/2005, 14:25

Cho đến nay, tôi chỉ ăn Tết ở Hà Nội có hai lần. Hai lần thôi nhưng đầy kỷ niệm. Tết Hà Nội bây giờ chắc chắn không khác Tết Sài Gòn bao nhiêu. Cả nước đang thực hiện được một sự thống nhất rất cơ bản, ấy là trình độ kinh tế chung của đất nước đã đồng đều. Đó là một thành công lớn của Việt Nam chúng ta. Dù thế, hai lần Tết mà tôi có mặt ở Hà Nội, vượt lên tất cả, đã ăn sâu vào ký ức của tôi.  

Lần đầu, Tết Canh Tuất 1970. Đầu tháng 11/1969 (âm lịch là năm Kỷ Dậu), tôi được điện của Trung ương Cục gọi lên Nam Vang. Điện không nêu lý do. Bấy giờ, Khu ủy Sài Gòn đang thực hiện một phân công mới do Trung ương Cục quyết định: Đồng chí Võ Văn Kiệt được chỉ định làm Bí thư Khu 9 và tôi thay đồng chí ở Khu Sài Gòn. Cả anh Kiệt cũng chưa biết Trung ương Cục gọi tôi vì việc gì, nhưng thỏa thuận anh sẽ nán lại một số ngày trao đổi thêm công tác ở Khu với các anh Mai Chí Thọ, bấy giờ là Phó bí thư và anh Nguyễn Thái Sơn, ủy viên Thường vụ phụ trách nội thành.

Đến Nam Vang, tôi gặp anh Phạm Hùng thì mới hay Trung ương gọi anh Phạm Hùng và tôi ra Hà Nội để nhìn Bác lần cuối cùng. Như ta biết, Bác qua đời ngày 2/9/1969, Trung ương muốn có mặt đại biểu của Nam Bộ trước khi tẩm liệm Bác. Anh Phạm Hùng là Bí thư Trung ương Cục, đồng thời có chân trong Bộ Chính trị, còn tôi đang phụ trách Sài Gòn, thành phố mà Bác luôn nghĩ tới lúc sinh thời.

Chúng tôi, với hộ chiếu là người Hoa ở Nam Vang, đáp máy bay của Hãng Air France bay sang Thượng Hải. Ông Hàn Niệm Long, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chờ chúng tôi trong phòng khách sân bay. Đây là lần đầu tiên tôi đến Thượng Hải, giữa mùa cách mạng văn hóa đang rộ cao, vào mùa đông, thành phố đen xám. Người dân chỉ một sắc phục – áo bông màu xanh đậm. Tuy tò mò, song tôi không đi đâu, chỉ nằm trong nhà khách, trước kia thuộc tô giới Anh. Chiếc IL-18 do đồng chí Phạm Chung, Phó Văn phòng Trung ương Đảng ta đón, chở chúng tôi từ Thượng Hải về Hà Nội, ghé Quảng Châu một thời gian ngắn, theo lời mời của Tỉnh ủy Quảng Đông, dùng cơm trưa và nói đôi lời xã giao. Từ trên máy bay nhìn đường biên giới phân chia hai nước, tôi lấy bút ghi vội một bài thơ và đọc cho các anh Phạm Hùng, Phạm Chung nghe:

Xanh xanh một dãy bạt ngàn
Con đường uốn khúc vạch ngang góc trời
Cột đồng xưa đã ngã rồi
Mà nay thiên cổ chói ngời chiến công.
Thoát Hoan và chiếc trống đồng
Sac-tông và cả trăm dòng bại binh
Phải đâu thế núi điệp trùng
Trông mây nghe khúc anh hùng Việt Nam.

Hai câu sau tôi mượn ý của vua nhà Trần sau hai lần chiến thắng quân Nguyên -  Mông:
Thùy tri vạn cổ trùng hưng nghiệp
Bán tại sơn hà, bán tại nhân.
Tạm dịch:
(Ai có biết sự nghiệp trùng hưng trước nay
Nửa nhờ sông núi, nửa nhờ dân).

Đến Hà Nội, chúng tôi được đưa vào Bệnh viện 108 để nhìn Bác. Các nhà khoa học Liên Xô đang thực hiện công đoạn chót bảo trì di hài của Bác. Chúng tôi – anh Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Văn Thái và tôi – không thể cầm được nước mắt. Bác thanh thản nằm đó. Tôi chỉ còn có thể nắm bàn tay và bàn chân giá lạnh của Bác.

Hà Nội đập vào mắt tôi, phố xá ở đây khác Nam Bộ, song cùng hoàn cảnh chiến tranh cả, bề ngoài rất giống nhau.

Tôi mơ quê cũ thuở lọt lòng
Mây Sài Gòn mang trời Thăng Long
Tình xưa da diết câu quan họ
Sừng sững hoa đào cợt gió đông!

Bức tranh chấm phá đẹp ngàn năm
Núi uốn lưng chừng triền sông lam
Một buồm trăng nhuộm nghiêng cành trúc
Một sáo diều, đồng rạ vàng cam.

Yêu lắm Nhị Hà nơi mở cõi
Cuộn phù sa máu mẹ nuôi con
Dẫu mấy thác ghềnh xuôi không mỏi
Đất có hồn nới rộng giang sơn.

Buổi về quê cũ mưa phùn bay
Chiếc áo bông ôm nhớ những ngày
Ru giấc ngủ trưa hè tiếng võng
Cầu Long Biên mỗi nhịp vòng tay.

Lần đầu ngã vào lòng Thủ đô
Muốn ngược thời gian giữ tuổi thơ
Để lắng bờ đê Yên Phụ hát
Gặp bây giờ rõ được bao giờ!...

Bài thơ này tôi bắt đầu viết ở Hà Nội nhưng hoàn thành tại chiến khu Nam Bộ.

Năm ấy, tôi ăn cái Tết đầu tiên ở Hà Nội. Trời rét, mưa phùn. Xa con chín năm, xa vợ hai năm, tôi mới gặp lại và gia đình cùng đón xuân. Ta và Mỹ thỏa thuận ngừng ném bom miền Bắc trong một thời gian, tôi có thể đi lại được một số nơi như rừng Cúc Phương, vịnh Hạ Long.

Rồi những ngày ở Hà Nội cũng qua nhanh. Tôi lại bay sang Thượng Hải theo lời mời của Tỉnh ủy Hồ Nam, quan sát một cuộc diễn tập thủy quân trên sông Tương, từ trực thăng. Lần này, đoàn có anh Nguyễn Văn Linh và tôi, do anh Minh Châu, Phó Văn phòng Trung ương Đảng đưa đi. Làm việc ở Thượng Hải với đại diện từ Bắc Kinh đến, gồm Thôi Hội Tác, Tổng tham mưu phó Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh, Bí thư Hoa Đông Cục, Bí thư Thượng Hải (tôi quên tên), Hàn Niệm Long và một số cán bộ nữa. Tôi có gặp tại cuộc họp một nhân vật lẫy lừng trong “bè lũ bốn tên” sau này – Vương Hồng Văn. Lúc ấy, Vương còn là Chủ tịch Công hội Thượng Hải, ngồi ở hàng ghế phía sau. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói ngắn về tình hình miền Nam sau Tết Mậu Thân 1968 và giới thiệu tôi thông báo tình hình khu Sài Gòn, về chính trị và quân sự. Phía Trung Quốc ghi chép chứ không phát biểu gì, chỉ hỏi về Hoa kiều – tôi kiêm phụ trách Ban Hoa vận Khu ủy mà họ biết rõ.

Vài hôm sau, chúng tôi đáp máy bay cũng của Hãng Air France về Nam Vang – đường hàng không duy nhất nối Đông Dương với Trung Quốc vào lúc đó.

Đáp xuống Nam Vang ngày hôm trước thì ngày hôm sau Lonnol đảo chánh, lật đổ Hoàng thân Sihanouk. Tôi phải lánh vào Sứ quán Cuba, trên mình độc quần đùi, may ô. Cùng “tị nạn” với tôi có dược sĩ Nguyễn Duy Cương – cán bộ Bộ Y tế được Trung ương phân cho Sài Gòn – và ông, bà giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ. Sau đó, chúng tôi trở về chiến khu. Tôi thấy cần nói thêm chi tiết sau đây: Đại sứ Cuba ở Campuchia về nước, một Công sứ xử lý công việc, là một phụ nữ da đen. Sứ quán hết sức ân cần đón chúng tôi, lập tức báo về La Havana sự có mặt của chúng tôi và – quá sức cảm động – Bộ Ngoại giao Cuba chỉ thị cho Sứ quán bảo vệ chúng tôi, nếu gặp bất trắc, thì bằng con đường ngoại giao đưa chúng tôi sang Cuba để từ đó tìm đường khác về nước.

Tôi sửng sốt khi thấy tại phòng khách của Đại sứ một tờ giấy lớn viết chữ to – chữ Tây Ban Nha – treo nơi trân trọng, dưới là tên tôi. Hóa ra, đó là một bài thơ ngắn tôi làm nhân ngày Quốc khánh Cuba:

Con dao chặt mía
Lưỡi bén xanh
Cầm ngang
Quắc mắt trông về lục địa
Nón bành che mát rượi
Châu Mỹ Latin
Đôi chân đứng tấn
Trên hòn đảo nhấp nhô
Lồng lộng thiên thần
Giữa bốn bề sóng xô.

Chị Công sứ, khi biết tôi là tác giả bài thơ (bài này tôi lấy bút danh Hưởng Triều), bắt tay tôi thật chặt...

Lần thứ hai tôi ăn Tết ở Hà Nội vào năm Đinh Tỵ 1977. Lúc ấy, tôi công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương. Trước Tết mấy hôm, tôi ngã bệnh và phải vào điều trị trong Bệnh viện Việt-Xô, tức ăn Tết trong bệnh viện. Lục trong nhật ký bằng thơ, tôi gặp mấy bài thơ ngắn làm trong dịp Tết này.

Cội đào

Hết Tết cội đào nảy lộc xanh
Còn hoa – xin đợi, nhựa vẫn dành
Mùa sau lại rộ – hoa có chủ:
Riêng của người yêu đất nước xuân!

Cô tưới rau đêm

Chiều gọi đèn đường lên lấm tấm
Nghiêng vai, cô gái múc bóng mình
- Đầu năm xưởng bận, ơi là bận
Tạ lỗi cùng rau: mấy gánh tình!

Qua Đống Đa

Đỉnh gò, gặp Quang Trung – áo giáp
Tay đại đao trỏ lối xa xa
Ngựa chồm vó đường xuân nắng ngập
“Năm 2000! Tất cả theo ta!”.

Có lẽ cần nói thêm về bài thơ chót. Lúc đó, năm 1977, còn những 23 năm nữa mới đến năm 2000, tôi cho là xa lắm. Còn bây giờ, viết bài này thì chúng ta đã đi vào năm 2000 được 5 năm. Tâm trạng kia có liên quan đến cảm nhận về bước đi thời gian của tôi – năm đó, đất nước ta còn quá nhiều khó khăn. Hàng tháng, tôi gom các thực phẩm được cung cấp ở cửa hàng Tông Đản và mậu dịch quốc tế, gói ghém gởi về cho cháu ngoại tôi đang suy dinh dưỡng. Thiếu thốn đủ thứ, nhất là đường và sữa. Sài Gòn đang ăn bo bo, khoai sùng. Người miền Bắc có lẽ còn cực hơn, trừ số cán bộ “có cỡ” như chúng tôi. Cửa hàng Tông Đản và mậu dịch quốc tế được các vị “phu nhân” mua, cuốn sổ mua hàng phải dán thêm giấy dài thòng, bởi công nghệ phẩm và cả thực phẩm nữa có thể bán ra chợ trời, kiếm thêm đôi đồng bù vào lương. Khổ thì khổ thật, nhưng tôi chưa thấy chuyện tham nhũng nào nổi cộm…

Từ đó, tôi không dự cái Tết nào ở Hà Nội nữa vì ngày Tết trời rét lắm, chỉ ra Hà Nội làm việc khi trời ấm. Đất nước ta có những vùng thời tiết khác nhau, cho nên tránh nóng hay tránh rét vẫn có chỗ

.
.