Nhớ Hoàng Hồng Cẩm

Thứ Năm, 15/10/2015, 08:08
Tôi đặt chân tới sân 51 - Trần Hưng Đạo lần đầu từ cuối năm 1960, lúc mới vào năm thứ nhất Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp, viết bài phê bình tiểu thuyết "Hai trận tuyến" của Hà Minh Tuân, được nhà văn Đào Vũ gọi lên, đề nghị sửa chữa để đăng trên Tạp chí Văn Nghệ, bấy giờ trụ sở ở tầng 2. Bài viết đầu tiên ấy được đăng ở Tạp chí số 1/1961. Không ngờ, 25 năm sau, sau khi tốt nghiệp đại học, về Viện Văn học được mấy tháng, đi bộ đội một mạch 20 năm, đầu năm 1986, lại chuyển ngành về làm biên tập viên ở Tạp chí Sân khấu.

Phòng làm việc của Tạp chí nhiều năm, là tầng hai cơi nới trên khu nhà vệ sinh, đúng là hằng ngày, "Ngồi trên hố xí đợi ngày mai" (Nhật ký trong tù), cũng được tròm trèm 20 năm nữa. Ba cây long não cổ thụ vươn cao chắn phía trước như cố gắng thanh lọc những bụi bặm thế gian bớt tràn vào. Gốc sấu năm nào cũng cho quả chín ngọt lịm. Khóm tre đằng ngà tương truyền là do cụ Nguyễn Tuân mang về trồng, như gửi gắm ước mong một ngày không xa sẽ xuất hiện một Thánh Gióng trong làng văn nghệ nước nhà, giờ bị rợp bóng, theo thời gian phai bớt sắc vàng.

Họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm bên người cha nổi tiếng là họa sỹ Hoàng Lập Ngôn.

Cây si sân sau, một thời vươn ra cành lá sum suê, rợp mát như một mái nhà. Gần một thế kỷ qua, nơi đây đã là chỗ dừng chân của biết bao con người có số phận đặc biệt, mật độ những người nổi tiếng thuộc loại cao nhất nước, nhiều người tên tuổi được ghi  trong các cuốn sách lịch sử chính trị cũng như của hầu hết các ngành Văn học Nghệ thuật nước nhà. Chỉ có điều thang bậc đánh giá - cái quan định luận - là vẫn tiếp tục thay đổi theo thời gian, và cả thời thế, không chỉ một mình ông vua Bảo Đại (từng ở ngôi nhà này 1945-1946, khi được Cụ Hồ mời ra làm Cố vấn cho Chính phủ lâm thời). Đó là các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Phan Khôi, Tú Mỡ, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Kim Lân, Nguyễn Quang Sáng… Các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Viết Lãm…

Sân khấu có các vị Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Trần Bảng, Học Phi, Hoàng Châu Ký, Nguyễn Ngọc Bạch, Lưu Chi Lăng, Dương Ngọc Đức, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Lưu Quang Thuận, Xuân Trình, Trần Vượng, Tất Đạt, Lưu Quang Vũ…

Âm nhạc có các vị Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Văn Ký, Huy Du, Trọng Bằng, Hồng Đăng,… Hội họa có các vị Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Thuận, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, Dương Viên, Vũ Giáng Hương, trẻ hơn có Nguyễn Quân, Đặng Thị Khuê.  Bên Điện ảnh có Lý Thái Bảo, Thanh An, Đặng Nhật Minh…

Ấy là chưa kể các vị khách hay ngồi quán nước chè 5 xu, hay cafe góc sân nhỏ: Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Trần Duy, Nguyễn Xuân Khánh, Thu Bồn, Tào Mạt, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Quả thật tên tuổi những người nổi tiếng không thể nào kể hết.

Năm 1986, khi tôi về, mới chỉ một số ít các vị thành người thiên cổ. Còn phần lớn những cây đa cây đề của làng văn nghệ vẫn thường xuyên lui tới nơi này. 20 năm sau, khi một kẻ tiểu tốt vô danh là tôi về hưu, quay lại, thấy như "Rừng xưa đã khép", chẳng khác gì rừng đại ngàn Tây Nguyên đã được dọn sạch cho những dự án mới. Mảnh sân hẹp, ngôi nhà cũ, mấy gốc cây già nua chẳng lưu được dấu vết gì của những người tên tuổi một thời lừng lẫy. Có chăng, chỉ trong ký ức bạn bè, đồng nghiệp mỗi lần nhớ về địa chỉ 51 Trần Hưng Đạo, ngoài những tác phẩm họ để lại.

Những ý nghĩ đó tới với tôi khi đặt bút viết mấy dòng này cho người bạn vong niên, không thể gọi là yểu mệnh, nhưng  rõ ràng đã chen hàng, ra đi trước lớp đàn anh chúng tôi, đó là họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm.

Ở sân 51 - chúng tôi thường gọi trụ sở chung của nhiều Hội sáng tạo văn học nghệ thuật ở đây như vậy. Hoàng Hồng Cẩm thuộc thế hệ có 4 chữ C: "CCCC", kiểu như Lưu Quang Vũ - con nhà văn Lưu Quang Thuận; Nông Quốc Bình; con nhà thơ Nông Quốc Chấn; Đỗ Hồng Quân - con nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và thân sinh Cẩm là họa sĩ tài danh Hoàng Lập Ngôn. Có điều, đây là nghề cần phải có năng khiếu, nên đến lượt mình, họ đều phải thân tự lập thân, chả có bóng nào che mát cho mình được cả.

Cẩm tuy còn trẻ, nhưng là người không dễ tính, nên phải hàng chục năm về sân 51, chúng tôi mới có dịp ngồi trà lá với nhau, để sau đó trở nên thân thiết. Trong mọi cuộc tụ bạ, khác tính tôi, chẳng thấy Cẩm nể ai bao giờ. Chỉ thấy ai cũng nể Cẩm, kính thì ít, nhưng chiều thì nhiều, mà chẳng vì thế mà Cẩm vừa lòng đâu. Trong công việc, đòi hỏi giờ giấc với Cẩm hơi khó. Đặt mấy bìa sách, nhờ mấy minh họa, không giục đừng hòng Cẩm đúng hẹn. Mà Cẩm vẽ gì thì cứ thế mà chấp nhận, đừng có góp ý gì cho "rách việc".

Khi đã thân thiết, năm 1995, biết con gái thứ của tôi cưới, chú Cẩm bảo việc trang trí để chú lo. Đám cưới tổ chức ở biệt thự Tây Hồ, tiệc đứng, khách cả nghìn người, tây ta lẫn lộn, lo không chu đáo thì người ta cười. Mọi chuẩn bị xong xuôi, chỉ phông sân khấu vẫn trống trơn. Dạo đó, hình như điện thoại di động còn chưa phổ biến nên liên lạc khó khăn. Sân biệt thự đã đổ đầy xe quan khách, mãi mới thấy Cẩm ngồi vắt vẻo trên xích lô mang theo tấm pano lù lù vào sân. Đúng là với Hoàng Hồng Cẩm là miễn bàn. Cẩm vẽ mấy nét một đôi anh chị bán thân cỡ nhỏ giữa một khung tranh trắng lớn. Mấy người bàn, tranh này treo ở một đêm Thơ nào thì hợp hơn. Nhưng các cháu thích chú Cẩm cả những việc không giống ai như thế. Sống hồn nhiên, thoải mái, mê và hát Quan họ như một liền anh chính hiệu.

Họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm.

Không ít lần chàng diện áo the, khăn đóng, quần dải rút trắng, chân đi guốc mộc, dạo lang thang ngoài phố, rồi tạt vào nhà bạn bè. Mà bạn bè của Cẩm thì hơi… mênh mông. Căn nhà nhỏ trong ngách sâu 60 Hàng Bông của tôi nhiều lần được vinh dự đón Cẩm, dù nhiều khi bạn bè bù khú, gọi mời Cẩm cũng không dễ. Thường khi tới thì chàng đã ngấm rượu từ đâu đó, giọng không còn trong trẻo, véo von. Xem ra, ai cũng biết Cẩm, thích Cẩm quậy chơi. Mà Cẩm đã cất giọng "Khách đến chơi nhà"… thì ai cũng phải phục.

Điều không bao giờ Cẩm quên: "Tiền taxi em đâu"? Ấy là "Cẩm  diễn", để thông báo cho mọi người mối thâm giao với chủ nhà. Cẩm thích trò chuyện, mà không phải ai cũng chịu khó lắng nghe. Lắm khi thích phá bĩnh cho bõ tức những lề thói tưởng nghiêm túc mà giả dối của không ít người, ngay cả trong giới được coi là có lối sống phóng khoáng nhất. Trong sân 51, hình như Cẩm cũng không có nhiều bạn. Công tác ở Tạp chí Âm nhạc, phụ trách trình bày và minh họa, Cẩm đã nâng cấp tờ Tạp chí Hội Nhạc sĩ, vượt lên hẳn so với các Hội cùng sân về gu thẩm mỹ và sự sang trọng.

Từng nhiều năm gắn bó với Tạp chí Sân khấu, tôi phải xấu hổ mà thừa nhận điều đó. Một số bìa sách của Nhà xuất bản Sân khấu được Cẩm nhận vẽ bìa cũng tạo được một phong cách riêng. Tranh Cẩm là một thế giới sắc màu kỳ ảo, trong trẻo, vượt ngoài khuôn phép nghiêm ngắn một thời. Trong sự tìm tòi của lớp họa sĩ thời mở cửa, giữa nhiều tên tuổi sáng giá, Hoàng Hồng Cẩm vẫn có một bộ mặt không lẫn.

Trong công việc, Cẩm là một người nghiêm cẩn. Nhưng lối sống hồn nhiên hơi hoang dã, thích phá cách, thì tạo một ấn tượng khác, người lạ dễ hiểu lầm. Thích uống rượu, nhưng Cẩm uống không nhiều, có khi chỉ là mượn rượu quậy để giải tỏa một tâm trạng trống vắng, một sự không hoàn toàn bằng lòng với công việc và với bao nhiêu biến hóa khôn lường của nhân tình thế thái xung quanh. Tâm hồn trẻ thơ, mong manh, dễ bị rạn vỡ khi va đập với đời sống vốn không phải bao giờ cũng thuận chiều.

Nhớ Cẩm, tôi lại nhớ đến Định Nguyễn, một người bạn làm báo, ra đi từ hơn 20 năm trước, văn hay, chữ tốt, vóc dáng cao ráo, đẹp trai, chỉ thiếu một chút nghị lực mà ở tuổi 50, anh vẫn là một đứa trẻ. Chất trẻ thơ của Hoàng Hồng Cẩm, nếu làm nên vẽ đẹp trong tranh, thì trong đời sống những người thân trong gia đình có lẽ đã có cảm nhận khác.

Trong nhà tôi vẫn giữ một bình gốm đất nung đời Trần mà Cẩm tước từ kho đồ cổ của nhà một người bạn ở đường Trần Phú, gần chỗ đường tàu chạy qua. Mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ bao kỷ niệm vui buồn, trong nhiều năm ở sân 51, trong nhiều chuyến đi, nhiều buổi nhậu, khi đông, khi chỉ vài ba người.

Tết năm 2003, Cẩm còn đưa cụ Hoàng Lập Ngôn ghé thăm nhà. Cụ gửi một số bài thơ xem có đăng Tạp chí Sân khấu được không. Khi Cẩm đề nghị cụ ký họa mấy nét cho tôi, thay lời từ chối, cụ vẽ tặng tôi hình chiếc xe lăn Mê Ly, nhớ về một thuở phiêu lưu giang hồ, và đặc biệt hai tranh vẽ nét chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ từng vẽ năm 1945. Khi tôi nhắc với cụ về cô chủ quán cafe ở gần Nhà sáng tác VHNT ở đường Yên Thế, Đà Lạt, mê mẩn cụ họa sĩ 90, Hoàng Lập Ngôn cười ha hả: "Nào biết ai mê ai! Mà sao còn sống lại không biết dành thời gian cho yêu thương". Nhìn hai cha con du xuân, tôi nghĩ, gien sống thọ, yêu đời này nhất định Cẩm sẽ được tiếp nhận.

Nào ngờ, sau một thời gian bệnh tật ngắn ngủi, Cẩm đã bỏ thế gian mà đi. Trong ký ức bạn bè, khi nhớ về sân 51, giữa bao nhiêu gương mặt thân quen, sẽ nhớ mãi về một Hoàng Hồng Cẩm với cá tính riêng, một phong cách sáng tác riêng, và tấm lòng trẻ thơ nguyên vẹn sự hồn hậu và hiền hòa, dù mảnh sân nhỏ này gần một thế kỷ qua đã chứng kiến bao bão táp phong ba của tình người, và tình đời.

Saigon Pearl 9/9/2015

Ngô Thảo
.
.