Nhân lễ trao giải Oscar 2009: Thấy gì từ hai vụ kiện?

Thứ Sáu, 06/03/2009, 10:00

1. Ngày 4/12/2008, dư luận ở Mỹ đã xôn xao về việc ba phụ nữ thừa kế của siêu sao Mary Pickford (1892-1979) và người chồng thứ ba của bà Charles Roger (1904 -1999) dự định bán một tượng Oscar của bà để lấy tiền làm từ thiện. Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ, cơ quan trao tặng Oscar lên tiếng phản đối và kiện họ ra tòa.

Hóa ra, dù giải Oscar khởi đầu từ 1929, song mãi tới 1950, Viện mới có quy định các nghệ sĩ khi nhận giải phải ký thỏa thuận không bao giờ chuyển nhượng bức tượng Oscar, hiện thân huy hoàng nhất của sự nghiệp của Viện. Mary Pickford được thưởng một Oscar năm 1929. Năm 1976, Viện nêu trên tặng một Oscar danh dự cho cuộc đời nghệ thuật của bà. Những người thừa hưởng di sản của vợ chồng bà tưởng rằng Oscar thứ nhất chưa bị ràng buộc bởi hợp đồng pháp lý được thực hiện từ năm 1950, nên mới đem bán nó.

Khi bị Viện Hàn lâm khiếu kiện, họ mới vỡ lẽ năm 1976, bà đã ký cam kết không chuyển nhượng cả hai bức tượng Oscar của mình. Song họ cho rằng chữ ký của bà trong hợp đồng nói trên là giả. Phiên tòa xét xử phải hoãn hai lần. Cuối cùng, do chữ ký của Pickford được giám định là thật, tòa tuyên thắng kiện cho Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ. Như vậy, các tượng Oscar từ năm 1950 về sau không được phép mua bán. Còn trước thời điểm đó sẽ bị Viện mua lại với giá… 10 đôla, một khi thấy nó trên thị trường. Còn nhớ, một số nhà điện ảnh tâm huyết và có lực, chẳng hạn Steven Spielberg, đã thu lại cho Viện các bức Oscar của Bette David và Clark Gable bằng những món tiền không nhỏ, 578.000 và 600.000 USD.

2.Từ đầu tháng 2 vừa rồi, bỗng nhiên ầm ĩ trong làng điện ảnh toàn cầu một vụ bê bối hy hữu. Đó là việc một nữ nhà văn Italia khởi kiện các hãng phim Hoa Kỳ, Paramount Pictures và Warner Bros, đã sản xuất bộ phim "Chuyện lạ Benjamin Button" được đề cử tới 13 giải Oscar. Theo bà này, chuyện phim được giới thiệu là dựa vào một truyện ngắn của văn hào Mỹ Scott Fitzerald, in năm 1921. Hai tác giả kịch bản, Eric Roth và Robin Swicord, được công bố rõ ràng và được tiến cử cho Oscar hạng mục kịch bản chuyển thể. Bộ phim vốn được tiên đoán sẽ đoạt Oscar phim hay nhất năm nay, được quảng cáo rầm rộ, như một thành quả tất yếu của quá trình hợp tác lâu dài rất hiệu quả giữa nhà điện ảnh Anh Danny Boyle và diễn viên Brad Pitt của Hoa Kỳ. Đùng một cái, nữ nhân viên văn phòng Adriana Pichni tuyên bố trên báo chí Italia rằng chính bà đã viết và cho ấn hành năm 1979 câu chuyện ly kỳ về một người sinh ra già lụ khụ, rồi cứ trẻ lại mãi.

Sau đó, năm 1994, bà dựa vào tác phẩm văn học đó của mình để soạn kịch bản điện ảnh "Il Ritorno di Arthur all'innocenza" (Chuyện Arthur trở về thời ngây thơ). Bà đã đăng ký bản quyền kịch bản ấy tại cơ quan sở hữu trí tuệ nước mình. Rồi bà gửi nó cho nhiều hãng phim lớn của Mỹ song không hề có hồi âm.

Tòa án Rome đang thụ lý vụ án và sẽ đưa ra xét xử sau ngày trao giải Oscar, 22 tháng này. Một hội đồng hay ít nhất một thẩm phán được giao trách nhiệm xem kỹ bộ phim và đối chiếu với kịch bản gốc mà bà Adriana Pichni giao nộp. Nếu có quá nhiều trùng lặp, một cuộc điều tra đạo văn sẽ được tiến hành tức khắc. Bất luận kết cục thế nào, vụ án sẽ gợi mở nhiều điều thú vị về bản chất và vai trò của văn chương và nghệ thuật

Nguyễn Văn Quảng
.
.