Nhạc sĩ nổi tiếng không viết tình ca

Thứ Năm, 11/07/2019, 09:58
"Tình ca" nói ở đây chỉ với nghĩa hẹp là những bài ca về tình yêu lứa đôi chứ không với nghĩa rộng là những ca khúc trữ tình. Người nhạc sỹ được nói đến trong bài viết này cũng thật độc đáo, có lẽ là trường hợp hy hữu trong làng nhạc Việt Nam.


Độc đáo ở chỗ ông là nhạc sỹ nổi tiếng với nhiều ca khúc sống mãi với thời gian, được nhiều thế hệ công chúng ưa thích, truyền tụng nhưng lại hầu như không có bài nào nói đến tình yêu nam nữ, ngoại trừ một bài duy nhất phổ thơ của người khác.

Ông là Hồ Bắc - tác giả những ca khúc để đời: "Làng tôi","Ca ngợi Tổ quốc", "Dòng nước mát", "Sài Gòn quật khởi","Bến cảng quê hương tôi", "Hoa hồng trên điểm tựa", "Tổ quốc yêu thương", "Hà Nội - thành phố của niềm tin"...

Nhạc của Hồ Bắc khá… ướt át - tức có giai điệu đẹp, điệu đà, mềm mại, du dương, uyển chuyển với những quãng giai điệu dân tộc, nghe thuận tai, dễ vào lòng người. Có vị nắm giữ cương vị lãnh đạo văn nghệ trong quá khứ từng đã nói rằng nhạc của ông tiểu tư sản. Họ phê phán bài "Làng tôi" - một ca khúc rất nổi tiếng của ông ra đời từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp - là có phần ủy mỵ, không xốc được tinh thần chiến đấu của bộ đội khi ấy.

Nhạc sỹ Hồ Bắc.

Nhưng thực tế thì các chiến sỹ và nhân dân rất thích bài hát này. Có anh bộ đội ghi trong nhật ký của mình đại ý rằng, nghe bài hát, thấy nhớ nhà da diết và càng thêm yêu quê, muốn chiến đấu hăng hơn để nhanh chóng giải phóng quê hương. Bài hát ra đời năm 1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đang ở vào thời kỳ cầm cự, tức là lúc khó khăn, cam go, ác liệt nhất, lúc hai bên ta và địch ở thế giằng co, chưa phân thắng bại. Hồ Bắc có lần kể cho tôi nghe về sự ra đời bài hát này: Năm 1949, ông 19 tuổi (sinh năm 1930), là bộ đội, làm công tác văn nghệ ở Sư đoàn 316.

Một buổi chiều, ra ngồi bên bờ suối, ông phóng tầm mắt nhìn về phía xa nơi quê nhà là một làng ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh khi ấy đang bị giặc Pháp chiếm đóng. Trỗi dậy nỗi nhớ quê da diết, ông nảy ra những nốt nhạc đầu tiên với tiết tấu 3/4 của điệu "van" quen thuộc: "Làng tôi sau lũy tre mờ xa. Tình quê yêu thương những nếp nhà. Làng tôi yên ấm bao ngày qua.

Những chiều đàn em vui hòa ca…". Đôi nét chấm phá về một vùng quê Bắc Ninh cụ thể nhưng đã mang tính khái quát chung của mọi làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ thơ mộng, êm đềm trước khi có giặc chiếm đóng. Nhưng rồi "quân cướp tràn qua đốt phá tan hoang. Quê nhà tôi xơ xác…".

Vẫn tiết tấu của đoạn trước nhưng âm nhạc lúc này đã xáo động hơn để diễn tả sự biến động của quê hương khi bị giặc tấn công, chiếm đóng. Bài này của Hồ Bắc là 1 trong 3 bài cùng có tên "Làng tôi", cùng sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, cùng nổi tiếng, được công chúng truyền tụng (hai bài còn lại của Văn Cao và Chung Quân).

Nhớ lại, từ năm tôi còn là cậu bé thiếu nhi vẫn nghe một bài rất quen thuộc có lời lẽ thật "buồn cười": "Bố con mình dắt nhau về quê. Ra đến bến nhỡ tàu nhỡ xe. Con ơi con cứ về. Mai bố về…". Tôi rất thích thú bài này. Thế là cứ thế hát theo.

Mãi về sau, lớn lên, tôi mới biết đó là lời lẽ được "xuyên tạc" từ một bài rất nổi tiếng dành cho tuổi nhi đồng của Hồ Bắc có tên "Ánh trăng hòa bình" như sau: "Bóng trăng vàng lướt qua rặng tre. Trăng lấp lánh ánh vàng xóm quê. Trông trăng thanh sáng ngời, em hát cười. Trăng trông em múa hát, trăng cũng cười". Toàn bài hát chỉ ngắn gọn như thế. Hầu như em nhỏ nào cũng biết và thích bài này. Rất ngộ là nhiều bé chỉ thuộc lời "xuyên tạc" mà không biết lời chính thức. Nhưng nội dung cũng vô hại, lại vui vui.  Đây là lần duy nhất Hồ Bắc sáng tác cho tuổi thơ.

Thường thì nhạc sỹ nào cũng ít nhất có một bài hát về tình yêu lứa đôi. Ngay như các nhạc sỹ tưởng như chỉ sở trường với những đề tài về chính trị, xã hội như Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Văn Chung, Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng… cũng có những bài tình ca hay (Đỗ Nhuận với "Tình ca biển cả", Phạm Tuyên với "Gửi nắng cho em", Văn Chung với "Hồ Vị Xuyên", Nguyễn Văn Tý với "Dư âm", Xuân Hồng với "Mùa xuân bên cửa sổ"…).

Có nhạc sỹ gần như cả đời chỉ viết tình ca như Phan Huỳnh Điểu hoặc có nhiều tình ca hay như Hoàng Hiệp, Hoàng Vân. Riêng Hồ Bắc mặc dù đã nói là có giai điệu rất ướt át, trữ tình nhưng không viết tình ca ngoại trừ bài "Bên kia sông Đuống" nhưng là phổ thơ của Hoàng Cầm. Và cần thấy rằng bài thơ thì rất nổi tiếng, là thi phẩm đặc sắc nhất của Hoàng Cầm nhưng bài hát của Hồ Bắc đã không có được số phận như bài thơ - không nhiều người biết ca khúc này ("Em ơi! Buồn làm chi. Anh đưa em về bên kia sông Đuống. Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ…").

Tôi lại hỏi về hiện tượng này thì được ông cho biết: "Sau hòa bình lập lại -1954, mình công tác ở Đài phát thanh cho tới lúc về hưu, luôn phải đáp ứng những yêu cầu về tuyên truyền chính trị nên bọn mình cần sáng tác phục vụ những nhiệm vụ trước mắt, không nghĩ tới những vấn đề khác. Và cái chính là có lẽ do đời sống riêng tư của mình quá chân phương nên không viết ra được tình ca chăng. Lớn lên, mình quen bà xã, yêu rồi lấy.

Sống bên nhau êm đềm mãi cho đến bây giờ. Bà ấy không phải dân văn nghệ nhưng rất hiểu và chia sẻ với công việc của mình, tất cả vì chồng, con. Mình biết ơn bà ấy. Chẳng bao giờ mình để ý đến ai khác nên trái tim chẳng thể rung rinh trước ai".

Do Hồ Bắc là bậc đàn anh thân thiết, lại có tới cả chục năm là hàng xóm nên tôi thường xuyên sang thăm ông, thấy rõ điều ông nói. Phu nhân của ông là "típ" phụ nữ "cổ", tức hội được đủ các yếu tố: Công, dung, ngôn, hạnh. Bà là người của gia đình, tề gia nội trợ, đôn hậu, hiền hòa.

Ông kể rằng hồi sống ở phố Nguyễn Thiện Thuật, cả nhà chỉ ở trong căn phòng chật hẹp, đêm đêm ông phải bật đèn sáng tác, có lúc lại phải đánh đàn, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà nhưng bà vẫn rất vui, luôn động viên ông làm việc, chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, một đời tận tụy với ông. Có lần tôi tò mò hỏi cố nhạc sỹ Tân Huyền, là bạn thân thiết của Hồ Bắc rằng, trông tác giả "Ca ngợi Tổ quốc" thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ, chắc phải được nhiều bóng hồng để ý lắm.

Nhạc sĩ Hồ Bắc và vợ thời trẻ.

Vậy mà chẳng thấy có "phi vụ" nào, cũng chẳng nghe tình ca của anh ấy bao giờ thì được vị nhạc sỹ quê Nghệ An cho biết: "Hắn như vậy mà chẳng để ý đến phụ nữ bao giờ đâu". Rồi Tân Huyền phán một câu xanh rờn: "Thật là quá… phí!".

Tôi kể lại cho Hồ Bắc nghe. Ông cười mà rằng: "Vấn đề là mình không có nhu cầu gì hơn". Tôi tặng ông một câu khiến ông cười rất tươi và nhớ mãi cho tới lúc phu nhân của ông sắp qua đời. Câu rằng: "Chị nhà đẹp như thế thì làm sao anh còn để ý được đến ai nữa". Bởi bà là một trang giai nhân, có lẽ xinh đẹp nhất ngành lương thực Thủ đô (trước khi nghỉ hưu, bà là nhân viên ngành này).

Một lần - sau đó tới mấy chục năm - tôi đến thăm Hồ Bắc đúng lúc ông đang "dỗ" bà ăn bởi bà đã yếu lắm. Ông nói với bà: "Bà còn nhớ ai đây không? Người từng nói bà đẹp nhất ngành lương thực Hà Nội đấy. Cố ăn đi để còn giữ mãi nhan sắc chứ". Đó là lần rất hiếm hoi tôi thấy ông đùa tếu. Còn phong cách thường ngày của ông là kín đáo, ít nói, sống nội tâm, vui lắm chỉ khẽ cười với ánh mắt rạng ngời trên gương mặt tươi sáng, có làn da mỏng như da phụ nữ..

Gần đây, một người khoe với tôi là đang viết một cuốn chân dung về các nhạc sỹ gạo cội. Tôi hỏi có Hồ Bắc không? Ông ta nói không. Tôi hỏi tại sao, chẳng lẽ không biết người nhạc sỹ rất nổi tiếng này? Ông ta cho biết: Một tiêu chí rất quan trọng để ông ta viết là các nhạc sỹ nổi tiếng nhưng phải có "chuyện" để nói đến.

"Chuyện" ở đây là những góc khuất riêng tư, càng éo le càng hay. Mà Hồ Bắc thì không có điều đó. Vì ông có ý muốn tôi "góp ý" về danh sách nhạc sỹ sẽ được viết trong cuốn sách nên tôi đã nói thẳng: "Tiêu chí của ông như vậy không ổn. Ông phải tìm cách lôi cuốn người đọc bằng những chuyện mang tính hiếu kỳ, chẳng khác gì phim ảnh hấp dẫn khán giả nhờ ở những cảnh "nóng" với gu thẩm mỹ tầm thường chứ không bằng tài năng đích thực của người đạo diễn.

Hồ Bắc là tấm gương sáng về cuộc sống giản dị, thanh bạch, nghiêm túc, có hiệu quả cao trong sáng tác mà chỉ với hai ca khúc "Làng tôi" và "Ca ngợi Tổ quốc" cũng đủ xếp ông vào hàng những nhạc sỹ lớn của Việt Nam. Hiện tại, ông đã yếu nhiều, không còn đi lại được. Nhưng mỗi lần có ai đến chơi với ông mà gợi lại những kỷ niệm của những năm tháng xưa, hát lại những giai điệu của ông là mắt ông lại sáng lên như là được truyền thêm sức sống. Những lúc như thế, không ai nghĩ ông đã ở tuổi… U90.

Nguyễn Đình San
.
.