Nhạc sĩ Vũ Thành An: Ta sống ta yêu, yêu nồng nàn..

Thứ Năm, 10/08/2017, 12:25
"Nếu không gặp lại ở thế gian, thì xin cầu chúc bình an cho đời/ Hãy vui từng ngày còn nhau..." - Giọng hát ông run run. Đôi bàn tay nhăn nheo như chạm vào bao gương mặt thân thương quê nhà mà gửi trọn bài hát cuối đời với tha nhân. Chiều mưa ấy, ông về kể chuyện tình của mình...


Hơn 50 năm qua, biết bao giai thoại đã trỗi lên về những bóng hồng phía sau chuỗi tình khúc không tên Vũ Thành An. "Tại sao lại là những bài không tên?" - Ai hỏi, ông chỉ  cười. Ông muốn cất riêng khoảng trời ký ức, trân trọng đời sống riêng tư của bóng hồng hạnh ngộ trên đường đời. Câu chuyện tình nhiều khi chỉ là phút rung động trước tà áo dài thướt tha trên con đường Sài Gòn rợp lá me bay.

Yêu trong vòng lễ giáo phương Đông, nồng thắm lắm cũng chỉ là cái nắm tay, một nụ hôn phớt nhẹ trên môi. Vậy mà ông cứ sợ khi nhắc chuyện cũ, mái ấm người xưa biết đâu lại nổi giông gió. Dẫu tơ trời lỡ làng thì nơi xa này, ông vẫn nguyện giữ gìn cho đóa hồng một thời khỏi mưa sa bão táp bằng tất cả lời kinh cầu.

Sân khấu Phương Nam Book ở đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh chiều chớm thu ấy không còn một chỗ trống. Người ta đội ô đứng đông nghẹt để nhìn cho tỏ mặt, nghe cho ấm tiếng người nhạc sĩ mình hằng mến mộ mặc gió mưa ướt sũng. Đó là buổi ra mắt hồi ký "Vũ Thành An - Những chuyện tình không tên".

Ngưỡng tuổi 75, phút về trời chỉ chớp mắt hư không, ông muốn kể ngọn ngành để tường minh cho mọi giai thoại. Cuốn sách được trình bày dưới dạng 15 cánh thư gửi cho "Em". "Em" ở đây là người yêu, người vợ, người em gái, bạn gái... Vũ Thành An không tiết lộ tên tuổi cụ thể.

Vũ Thành An luôn sống vì người, trân trọng từng khoảnh khắc hữu duyên, dù ngắn dù dài. Ông không hé nửa lời về những mối tình xưa. Xuyên suốt tập sách là lời bình yên ông gửi chúc đến người thương. Và đây cũng là lý do ông viết lại lời cho nhiều ca khúc vốn đã nổi tiếng. "Bài không tên cuối cùng" (tức "Bài không tên số 10") là một ví dụ.

Năm 1963, khi mới trở thành cậu sinh viên năm nhất Đại học Luật khoa Sài Gòn, Vũ Thành An quen cô chị sinh viên năm thứ ba học cùng trường. Ông chẳng dám ngỏ vì nàng hơn tuổi, gia cảnh lại thuộc hàng khá giả. Nhưng cái nắm tay rất nhẹ của nàng vào một chiều xuân xóa nhòa khoảng cách. Tình nhân quấn quýt không rời như đôi sẻ non.

Hương đang nồng, tình đang đượm thì nàng đột ngột chia tay vì gia đình cấm cản, chê cậu sinh viên nghèo. Mới đầu, nàng còn chống đối gia đình, hứa hẹn với Vũ Thành An đủ điều nhưng cuối cùng, chịu không nổi áp lực, nàng đành cắt đứt liên lạc. Ngày nàng nấc nghẹn buông câu tiếng Pháp: "Une fois pour toutes" (Một lần cho tất cả) trong cuộc trò chuyện cuối cùng, Vũ Thành An rơi xuống vực thẳm, trái tim vỡ vụn. Cậu thanh niên đôi mươi không biết tin vào ai, tuyệt vọng, thảng thốt trước đổ vỡ đầu đời.

Ông viết nên bản nhạc đau đớn trên tê tái đường về: "Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó đúng hay sao em? Xa nhau rồi thiên đường thôi lỡ/ Cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si...".

25 năm sau, gió sương dãi dầu mái tóc, ông mới chợt nhận ra bài hát hờn oán ấy khác nào trăm mũi dao xoáy thẳng vào người tình. Xót xa thay bài hát nhanh chóng nổi tiếng vang dội, được phổ biến rộng khắp. Mỗi lần nghe là một lần ông ứa lệ. Lời mới cất lên trong "Bài không tên cuối cùng tiếp nối" như ngàn lần tạ tội cố nhân: "Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó đúng đấy em ơi/ Nếu chúng mình có thành đôi lứa/ Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?...".

Khi hai người đang trên đỉnh yêu đương, một lần nàng thỏ thẻ: "Anh viết tặng em bài hát kỷ niệm tình yêu chúng mình đi". Chàng trai trẻ khi đó chỉ mới tập tọe viết nhạc. Hồi học đệ tam (tức lớp 10 bây giờ) ở trường Nguyễn Trãi, quận 1, cậu thanh niên mới lớn hăng tập tành học sáng tác với nhạc sĩ Chung Quân. Bài nào viết xong, An đều hí hửng đưa thầy xem. Nhìn lướt qua, thầy phán gọn lỏn: "Chưa được!". Thấy người yêu lần lữa không chịu động bút, nàng nước mắt ngắn dài: "Anh không yêu em sao mà không chịu viết?".

Một buổi chiều năm 1965 trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn, nhìn trời chiều bàng bạc, giai điệu bất ngờ như suối nguồn trong tâm trí chàng trai trẻ. Câu ca đầu tiên thành hình: "Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở...".

Chơi thân với nhà thơ Nguyễn Đình Toàn (lúc ấy 28 tuổi) ở Đài Phát thanh Sài Gòn, ông đưa bài này cho đàn anh xem. Điệu bộ của đàn anh y chang ông thầy Chung Quân: "Chưa được!". Thấy cậu chàng ủ rũ với bài hát tán gái đầu đời bị chê tơi tả, anh Toàn viết lời giùm.

"Tình vui theo gió mây trôi/ Ý sầu mưa xuống đời/ Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi/ Mấy tuổi xa người/ Ngày thần tiên em bước lên ngôi/ Đã nghe son vàng tả tơi...". Kéo nhau đi ăn mừng ca khúc đầu tay, Vũ Thành An thắc mắc: "Mình sẽ đặt tên bài hát là gì?". Ngẫm nghĩ một hồi, anh Toàn tuyên bố chắc nịch: "Tình khúc thứ nhất" để khỏi đụng hàng. Quả thật, bài hát với giai điệu và lời ca đẹp, dự cảm bao tan tác nhanh chóng được khán giả mộ điệu yêu thích qua giọng hát Lệ Thu.

Sách "Chuyện tình không tên" của nhạc sỹ Vũ Thành An.

Cái tên ca khúc đơn giản nhưng lạ lẫm trở thành nguồn cảm hứng để liên tiếp 50 nhạc phẩm sau này, Vũ Thành An đều đặt là "Bài không tên" và đánh số thư tự 1, 2, 3, 4... Cậu thanh niên nhớ lời vị giáo sư Luật khoa Sài Gòn "Muốn thành công thì cần phải làm điều gì khác lạ" nên đặt cái tên kiểu lạ đời như vậy để gây chú ý và mau nổi tiếng. Sau này có nhiều ca khúc của ông được đặt tên riêng nhưng nhắc tới Vũ Thành An, giới yêu âm nhạc vẫn nhớ đến những bài không tên đã đưa tên tuổi ông vào hàng các nhạc sĩ trẻ nổi tiếng khắp miền Nam trước 1975 như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng…

Tình khúc Vũ Thành An đẹp nhưng buồn, một nỗi buồn lắng sâu. Câu ca dự cảm màu ly biệt, tan tác mai sau. Bởi đời ông, "Tình vui trong phút giây thôi/ Ý sầu nuôi suốt đời". Lỡ để hồn mình lọt vào mắt xanh của tiểu thư lá ngọc cành vàng, khi mình là chàng thư sinh nghèo khó, ông hoang mang. Vết thương tình đầu ngày nào bỗng sưng tấy. Vậy là "nếu xa em là yêu em/ anh cũng đành biến mất".

Nhạc sĩ Vũ Thành An tâm sự: "Âm nhạc với tôi thiêng liêng lắm. Nó như cuốn album ghi nhật ký cuộc đời. Mỗi lần có một kỷ niệm đáng nhớ, tôi lại viết một bài hát". Và "Bài không tên số 5" là để dành tặng người vợ đầu trong ngày trọng đại. Tiền bán ca khúc được 10 ngàn đồng.

Thời đó, số tiền này rất lớn. Muốn nhìn thấy niềm hạnh phúc tột cùng trong đáy mắt nàng, ông dùng số tiền này tặng nàng may chiếc váy cưới đẹp nhất, lộng lẫy nhất. "Mai rồi ngọt bùi sẻ chia/ Nâng niu cô đơn từng ngày/ Xoa tay khi em vào đời/ Mà đời còn nhiều đắng cay...". Ngay trong hạnh phúc đã nghe phút ly biệt.

Trầm mình với khổ đau nên ông vô cùng trân quý từng hơi thở trên mặt đất này. Trái tim bệnh tật ấy vẫn không thôi hát khúc ca yêu người, yêu đời. Chia tay người vợ đầu, ông đến với người vợ hai qua bao thăng trầm, lận đận thời cuộc, trong lòng luôn nung nấu ý định đi tu. Người vợ góa chồng từ khi còn rất trẻ, 15 năm trung trinh nuôi hai con. Nên duyên với bà, ông biết ơn vô cùng.

"Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc/ Có oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêu" là câu hát ông dành tặng bà. Ngay trong cả khổ đau, ông vẫn cảm tạ đời bởi nhờ đó đã làm nên một Vũ Thành An hôm nay.

Bà là người hiểu ông, đồng ý để ông đi học đạo. Năm 1981, ông chuyển sang viết các bài thánh vịnh, nhân bản ca và ngừng viết tình khúc từ năm 1996 để tập trung cho chương trình cao học Thần học. Năm 2002, ông nhận chức Phó Tế Công giáo thuộc Tổng giáo phận Portland, bang Oregan, Hoa Kỳ để trọn đời phụng Chúa giúp đời.

Giờ đây, dù bệnh tật hành hạ, dù già yếu, người nhạc sĩ ấy vẫn không ngừng đi đây đi đó để góp gạo cứu trợ người già, người nghèo neo đơn với Quỹ từ thiện Teresa do mình thành lập. Khối tình xưa ông gửi theo những bóng hồng thì giờ đây, ông đem nó ủ ấm cho phận đời bất hạnh.

Chuyến trở về này ông bảo biết đâu lại là chuyến trở về cuối. "Đời một người dưới thế/ Ước mơ đã nhiều/  Trời cho không được mấy/ Đến khi lên Trời/ Chỉ còn khối tình mang theo". Bên kia dốc cuộc đời, ông viết lại lời cho "Bài không tên số 2". Với Vũ Thành An, nếu còn phút nào trên thế gian thì cứ sống, cứ yêu người nồng nàn, nồng nàn….

Mai Quỳnh Nga
.
.