Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Dâng đời những tiếng ca vui

Thứ Hai, 01/10/2007, 12:15
Gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên sau khi đêm nhạc “Những cung bậc thời gian” đã diễn ra hơn 1 tháng trước nhưng trong ánh mắt, nụ cười của ông vẫn lấp lánh niềm vui.

Đây là một đêm nhạc diễn ra vào thời khắc hết sức đặc biệt, thời khắc hội tụ của những con số 7, vào lúc 7h77’ tối thứ bảy, ngày 7/7/2007, cũng là đêm nhạc tôn vinh những ca khúc vượt thời gian của người nhạc sĩ tài năng Phạm Tuyên nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 77 của ông mà bạn bè đồng nghiệp trong Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tổ chức.

Mọi công việc chuẩn bị cho đêm nhạc đều được giấu kín, chỉ đến sát ngày biểu diễn thì nhân vật chính mới được tiết lộ. Sự bất ngờ này cũng chính là niềm vui, là tình cảm mà bạn bè, công chúng đã dành tặng cho ông.

Điều khiến nhiều người ấn tượng ở nhạc sĩ Phạm Tuyên đó là nụ cười hiền hậu, cách nói chuyện chân thành, cởi mở. Không phải vô cớ khi nhạc sĩ Phạm Tuyên được mệnh danh là “nhạc sĩ của nhân dân”, “nhạc sĩ của cả nhà” bởi các ca khúc của ông dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau.

Gần 60 năm gắn bó với âm nhạc, ông có một gia tài khá đồ sộ: khoảng 600 ca khúc, trong đó có tới 200 ca khúc viết cho thiếu nhi. Đó là một chặng đường dài và gian nan với người sáng tạo mà ông luôn tâm niệm: chỉ có thể đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Rất ít khi thấy ông tuyên ngôn hay phát biểu đao to búa lớn bởi ông quan niệm: tác phẩm chính là câu trả lời chính xác nhất. Vì thế, Phạm Tuyên luôn chọn cách lặng lẽ làm việc, lặng lẽ sáng tác.

Phạm Tuyên (người trên cùng) và các bạn trong đội văn nghệ Trường sĩ quan Lục quân Khoá 5 tại Việt Bắc (1950).

Hàng trăm ca khúc ra đời, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng từ những tháng ngày âm thầm sáng tạo ấy như: “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Từ một ngã tư đường phố”, “Con kênh ta đào”, “Gửi nắng cho em”... cùng một loạt những ca khúc cho thiếu nhi được các em rất yêu thích như: “Tiến lên đoàn viên”, “Cánh én tuổi thơ”, “Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội”, “Chú voi con ở bản Đôn”...

Cùng các cháu thiếu nhi trong tốp ca Hoạ Mi.

Nhìn vào các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, điều mà mọi người nhận thấy rõ, đó là không có đề tài dễ hay khó mà chỉ có người viết có hiểu sâu sắc vấn đề hay không thôi. Đề tài nào cũng có thể viết được hay nếu như biết tìm ra cái mới, cái độc đáo của nó. --PageBreak--

Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ban đầu chỉ là viết về một ngành, một nghề nào đó nhưng tự thân bài hát đã đến với trái tim của đông đảo công chúng.

Và, ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” cũng ra đời và sống trong lòng công chúng như thế. Ít ai biết rằng ca khúc trở thành nhạc hiệu rộn rã trong nhiều chương trình “An toàn giao thông” này đã có tuổi đời hơn 30 năm. Đó cũng là một trong những bài hát hay nhất về Lực lượng Công an nói chung và Cảnh sát giao thông nói riêng.

Về hoàn cảnh ra đời ca khúc, nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: Bài hát được sáng tác năm 1971, khi ấy, đất nước vẫn còn chiến tranh, Hà Nội là thành phố đầu tiên ở miền Bắc có đèn xanh, đèn đỏ. Chọn góc nhìn từ một ngã tư thân quen, nơi đã mở ra cả một bức tranh về cuộc sống tươi đẹp vẫn đang tiếp diễn.

Và đằng sau đó, hình ảnh khiêm tốn của người chiến sĩ công an, những người làm công việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông để góp phần tạo nên bức tranh cuộc sống tươi đẹp ấy.

Bài hát ra đời, từ ngày đầu tiên đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng. Và trong nhiều lần hội diễn của Lực lượng Công an, ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” đã được lấy làm bài đồng diễn.

Âm nhạc của Phạm Tuyên cũng giống như con người ông vậy: đằm thắm và đầy tình cảm. Đó là kết tinh văn hóa phương Đông và phương Tây mà ông được thấm từ nhỏ.

Mười tám tuổi, ông là học viên Trường sĩ quan Lục quân Khóa 5, gắn bó với cuộc kháng chiến của dân tộc và bén duyên cùng âm nhạc. Càng gần gũi với cuộc sống của nhân dân, cảm xúc âm nhạc của ông càng mãnh liệt.

Mỗi bài hát đều là những rung động tinh tế, những tiếng reo vui ông góp cho đời. Trong đó, ông luôn dành một tình cảm đặc biệt với khán giả nhỏ tuổi. Những bài hát viết cho thiếu nhi của ông là những giai điệu hồn nhiên, trong sáng có ý nghĩa trong việc giáo dục và bồi dưỡng thẩm mỹ cho các em.

Ngoài ca khúc, nhạc sĩ Phạm Tuyên có những đóng góp ý nghĩa đối với âm nhạc dân tộc. Những năm 60, khi công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, ông là một trong những người đề xướng và thực hiện chương trình “Khắp nơi ca hát”, góp phần vào phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông cũng là người đề ra cuộc thi “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” từ năm 1977 trên làn sóng phát thanh được thiếu nhi cả nước hưởng ứng nhiệt liệt. Ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách lý luận về âm nhạc và dịch lời nhiều bài hát nước ngoài... ở tuổi 77, ông vẫn say mê sáng tác và nhiều trăn trở với âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ hòa nhập…

Bên vợ và các con, cháu.

Và, trên tầng 3 của khu tập thể ở ngõ Vạn Bảo, tiếng dương cầm vẫn thường vang lên thánh thót như tâm hồn của người nhạc sĩ ấy vẫn trẻ mãi, bởi ông có bên cạnh mình một gia đình hạnh phúc lúc nào cũng làm điểm tựa cho ông trong cuộc sống và tình yêu mến từ đông đảo công chúng

Khánh Thảo
.
.