Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Nghĩ lại, vẫn thấy mình may mắn

Thứ Tư, 21/04/2010, 16:22

- Thưa nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, khán giả đã biết tới anh qua những ca khúc nổi tiếng như "Trăng chiều", "Ru con mùa đông"... Tại sao đến giờ phút này anh mới quyết định làm album thu âm toàn bộ tuyển tập 60 bản romance của mình?

+ Tuyển tập 60 bản romance của tôi từ lâu đã trở thành giáo trình cho các sinh viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Những bản như "Trăng chiều", "Ru con mùa đông", "Tiếng mùa xuân"... rất gần với ca khúc nên được khán giả yêu mến và phổ biến trong đời sống âm nhạc đã lâu. Nhưng để có thể làm album, thu âm một cách hệ thống toàn bộ tác phẩm của mình thì đến giờ phút này tôi mới thấy mình tạm có đủ điều kiện. Vì mình xưa nay chỉ là người nhạc sĩ sáng tác và dạy học thuần túy.

Nói ví von thì mình như bông hoa, cứ nở thôi. Công nghệ lăngxê mình không biết, cũng không có thời gian. Mình cũng chẳng biết kêu gọi tài trợ như những nhạc sĩ khác. Thành ra các bản romance của mình cứ nằm im trên giấy. Hơn nữa, tôi cảm thấy romance là thứ gần gũi nhất với tai nghe của khán giả Việt hiện nay, vì đây là thể loại âm nhạc dễ nghe, dễ thưởng thức, nhưng lại tiệm cận với khí nhạc nhất.

- Rất nhiều khán giả chưa có khái niệm cụ thể về các bản romance. Anh có thể nói rõ romance và ca khúc khác nhau ở những điểm gì?

+ Vâng, ca khúc là thứ các bạn đang nghe rất nhiều trong đời sống âm nhạc hiện nay. Người nhạc sĩ viết ca khúc thường không có phần đệm, và phần phối phải cần tới người khác làm. Với mỗi người phối khí khác nhau, tác phẩm của nhạc sĩ sẽ trở thành những phiên bản khác nhau, có khi rất phản cảm, không còn đúng ý đồ của người nhạc sĩ. Còn với một người viết nhạc chuyên nghiệp thì bao giờ phần lời và phần đệm cũng phải gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời. Romance là một thể loại thanh nhạc, đặc điểm của nó là trữ tình và được viết cho giọng ca với phần đệm piano. Với những bản romance, trong trường hợp nếu phối lại cho dàn nhạc, kể cả dàn nhạc điện tử, thì người phối phải trung thành tuyệt đối với phần đệm piano của chính tác giả. Những tác phẩm của tôi như "Trăng chiều", "Ru con mùa đông" sở dĩ được khán giả yêu mến vì nó chứa đựng tính lãng mạn vốn có của một bản romance.

- Vì sao anh lại trao những bản romance của mình cho một ca sĩ Sao Mai rất trẻ là Hoàng Quyên? Anh có ngại một ca sĩ trẻ như thế sẽ rất khó chuyển tải những trải nghiệm già dặn trong các sáng tác của anh?

+ Hoàng Quyên đúng là một ca sĩ còn quá trẻ. Năm nay cô mới chỉ 18 tuổi, là người dân tộc Tày. Nhưng giọng hát của Hoàng Quyên đã làm tôi kinh ngạc. Tôi cho rằng bắt gặp giọng hát Hoàng Quyên là một may mắn của mình, vì nói thật là tìm một giọng ca hợp với những bản romance thật chẳng dễ dàng. Hoàng Quyên có một giọng hát đẹp đến run rẩy. Cô không hát bằng kỹ thuật hay sự khôn ngoan như các ca sĩ tên tuổi có nhiều năm trong nghề, mà hát bằng trái tim mình. Còn nói về việc lo sợ Hoàng Quyên không đủ già dặn để chuyển tải hết những trải nghiệm của tôi trong âm nhạc ư?

Nghệ thuật chả cần so sánh, và so sánh nhiều khi lại là khập khiễng. Trong bản năng của người nghệ sĩ đích thực, những trải nghiệm đời sống  dường như đã có sẵn, mà không cần phải đợi tới khi người ta đủ lớn về tuổi đời. Ca sĩ Khánh Ly đã từng chuyển tải rất tốt những ca khúc nặng tính suy tư của Trịnh Công Sơn khi cô còn rất trẻ đấy thôi. Với Hoàng Quyên, bảo là tôi hài lòng 100% với cô thì chưa hẳn đúng, cô còn phải cố gắng nhiều hơn. Nhưng Hoàng Quyên là một giọng ca đẹp và hiếm thấy trong số các ca sĩ trẻ hôm nay, và giọng hát của cô rất phù hợp với những bản romance của tôi. Phù hợp đến nỗi, lúc đầu tôi chỉ định làm album với 12 bản romance, nhưng tôi đã phải tăng lên con số 20, rồi 40, thậm chí là tất cả 60 bản.

- Ca sĩ Ái Vân từng vừa là một người bạn, vừa là một mối tình trong sáng thời trẻ của anh. Ngoài "Trăng chiều", còn có những bản romance nào được anh viết lấy cảm hứng từ mối tình thơ mộng này?

+ Những kỷ niệm đầu đời bao giờ cũng mang một hương vị tươi trẻ, lung linh trong đời sống của một con người. Tôi không thể nói cụ thể những bản romance nào, nhưng tôi biết rằng, ngoài "Trăng chiều" tôi viết đề tặng Ái Vân ra, bóng dáng của Ái Vân còn hiện hữu trong tôi khi tôi viết rất nhiều tác phẩm khác. Khi đã đủ từng trải trong đời, tôi nghĩ rằng, hình ảnh của Ái Vân thực ra là cái cớ để khơi gợi toàn bộ những khát khao tuổi trẻ của mình. Ái Vân đã từng thu âm đến 20 bản romance của tôi, nhưng vì kỹ thuật thu âm hồi đó kém nên bây giờ chỉ có thể giữ làm kỷ niệm. Song, tôi không bao giờ quên rằng, người bạn gái xinh đẹp thuở học trò ấy đã phổ biến nhiều ca khúc của mình vào đời sống. Trong lòng tôi, Ái Vân mãi là hình ảnh của thời thanh xuân lãng mạn, đẹp đẽ. 

- Tự bỏ tiền làm album, không có nhà tài trợ, anh nghĩ mình có thể thu hồi vốn trong tình hình băng đĩa lậu tràn lan hiện nay?

+ Tôi làm album trước tiên là để cho mình. Làm hay nhất, tốt nhất có thể. Tôi thu âm ở những phòng thu kỹ thuật nhất, và làm kỹ lưỡng chứ không ào ào như những album chạy theo thị trường hiện nay. Cũng may là Hoàng Quyên chỉ nhận tiền catsê ở mức tượng trưng để đảm bảo đời sống sinh viên giản dị của mình (Hoàng Quyên đang là sinh viên năm thứ 2 hệ trung cấp thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) nên tôi cũng dễ bề xoay xở hơn. Vì mình không có nhiều tiền.

- Có bao giờ anh chạnh lòng khi nhìn thấy các nhạc sĩ cùng thế hệ mình đã trở nên vừa nổi tiếng, vừa giàu có hơn nhờ nắm bắt được thị hiếu khán giả và năng động trong đời sống kinh tế thị trường, còn anh thì vẫn... nghèo?

+ Khoảng thời gian từ năm 1983 đến 1984, có một trào lưu các nhạc sĩ Hà Nội "Nam tiến". Họ hiểu rằng, muốn khẳng định mình, thì Sài Gòn là mảnh đất tốt nhất, béo bở nhất. Những năm đó ai cũng nghèo, ai cũng nghĩ đến tiền để thay đổi cuộc sống, và tôi cũng không ngoại lệ. Lúc đó, một số bạn bè của tôi, trong đó có anh Trịnh Công Sơn cũng khuyên tôi nên vào Nam sống và làm âm nhạc. Nhưng tôi nấn ná không đi. Sau này vào Sài Gòn, tôi không phải không có lúc ngậm ngùi khi nhìn thấy các nhạc sĩ Nam tiến hồi đó đã trở nên giàu có và sang trọng.

Họ có nhà lầu xe hơi, và cơ hội làm ăn tốt, trong khi mình vẫn ở nhà tập thể, lương giáo viên ba cọc ba đồng và cặm cụi với khí nhạc - vốn là món ăn chả có tí "khoái khẩu" nào với các khán giả đang say mê ca khúc quần chúng ngoài kia. Song, bình tĩnh nghĩ lại, tôi lại thấy mình may mắn là hồi đó đã không vào Sài Gòn. Bởi nếu vào, rất có thể ngày hôm nay mình đang là một tác giả ca khúc quần chúng, mình quên khí nhạc đi và hoạt động âm nhạc không theo nghĩa chuyên nghiệp nhất của từ này nữa. Sài Gòn đúng là một cái chợ lớn về âm nhạc, mà mình thì muốn làm âm nhạc theo cách tinh túy nhất.

Đến giờ tôi vẫn là một nhạc sĩ nghèo, nhưng tôi thấy may mắn là mình đã làm được những điều mình muốn. Những tác phẩm khí nhạc của mình được chọn đi biểu diễn ở các nước có nền âm nhạc tiên tiến. Mình được ghi nhận không chỉ trong nước về lĩnh vực này. Những thành công ấy, bất cứ người làm âm nhạc chuyên nghiệp nào cũng mơ ước. Điều quan trọng nhất với một người làm nghệ thuật là anh có thể để lại cái gì cho tương lai, chứ không phải chuyện anh giàu như thế nào.

- Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên, hình như âm nhạc đã choán hết đời sống của anh hay sao, mà đến bây giờ anh vẫn cô đơn một mình?

+ Cái này thì khó đây. Cuộc sống, như quy luật, cứ cuốn mình trôi đi mỗi ngày. Mong muốn về một đời sống riêng hạnh phúc thì ai mà chả có. Nhưng chuyện này lại thuộc về duyên số, trời đất thế nào đó, đâu phải mình cứ muốn là được. Ngay lúc này đây tôi chỉ tập trung vào âm nhạc và sống với âm nhạc.

- Là giảng viên Nhạc viện Hà Nội, anh có nhiều học trò cưng không, và anh nhận xét gì về các bạn trẻ làm âm nhạc hôm nay?

+ Làm thầy, tôi lúc nào cũng thích có học trò giỏi. Dạy những học trò giỏi, tài năng thì còn gì hạnh phúc bằng. Nhưng, phải rất buồn mà nói rằng, học trò của tôi trong khí nhạc hình như chưa có ai khiến tôi có thể tự hào. Các em ra trường, hầu hết cuốn vào vòng quay cơm áo. Các em đi làm công việc hòa âm phối khí cho các ca khúc quần chúng, thay vì tiếp tục dấn thân vào khí nhạc. Các em ngại trả giá, sợ nghèo, sợ khổ và lại ham muốn được nhanh chóng nổi tiếng. Nhưng, làm nghệ thuật, nhất là khí nhạc mà không chịu dấn thân, không chịu hy sinh thì "cái chết" dường như được báo trước. Nghĩa là anh sẽ chẳng bao giờ bước gần đến thành công được cả.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc

Vũ Quỳnh Trang
.
.