Nhà ‘bình luận” điện ảnh đặc biệt của đạo diễn Joris Iven

Thứ Hai, 09/04/2007, 15:00

“Cuộc đời nghệ thuật Điện ảnh của tôi có biết bao nhiêu nhà bình luận trên thế giới đánh giá. Nhưng lúc này, cái lúc tôi đang ngả lưng xuống ván thì mới thấy những bài viết của Bác Hồ về con đường nghệ thuật của tôi từ ngày mới lên đường, mà lại đúng với tôi hơn tất cả”, đạo diễn Joris Iven nói với đồng nghiệp của mình khi lâm bệnh nặng.

Thân thế sự nghiệp của ông lừng lẫy khắp năm châu bốn biển. Ông đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới trong cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, và đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời nghệ thuật và sự nghiệp chính nghĩa của mình cho nhân loại, cho hòa bình. Ông là Đạo diễn điện ảnh Joris Iven, người Hà Lan. Và khi mà cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc ta ở giai đoạn quyết liệt nhất thì đạo diễn Joris Iven đã đến Việt Nam.

Giữa lúc tiếng loa báo tin máy bay Mỹ xâm nhập bầu trời thủ đô thì một chiếc xe con vẫn lướt nhẹ dưới những vòm cây cổ thụ phủ bóng đêm mát dịu đỗ trước Phủ Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ trong xe bước ra là đạo diễn Joris Iven và bà Marcelinc Loridan – vợ ông. Nguyện vọng đầu tiên của Joris Iven khi đến Việt Nam là được gặp Bác Hồ. Bác đã tiếp nhà đạo diễn trong một bầu không khí thân mật. Cùng tiếp với Bác có nhà thơ Tố Hữu. Điều bất ngờ là câu đầu tiên Bác nói là đọc hai câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:

“Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai”.

Bác Hồ nắm chặt đôi bàn tay của nhà đạo diễn trong bàn tay mình với một nụ cười đằm thắm như gặp lại người bạn cũ thân thiết. Bác nói: “Tôi đã biết tài nghệ của đồng chí từ năm 1922 kia”.

Nhà đạo diễn vô cùng sửng sốt và cảm động, cầu mong được Bác kể lại điều bí ẩn của cuộc đời mình còn đọng lại trong thời gian gần nửa thế kỷ.

Nhưng ông cũng nhận ra rằng, dù là trong không khí rất thân mật nhưng cũng rất trang nghiêm này, điều ông cần nói trước tiên là trình bày mục đích chuyến đi, và ý tưởng về bộ phim tương lai. Bác hứa với nhà đạo diễn sau khi hoàn tất công việc sẽ dành thời gian cho bằng hữu, sẽ kể lại câu chuyện của 46 năm về trước. Vượt qua khuôn thước ngoại giao, trước khi ra về Bác nắm tay thân mật nhà đạo diễn nói: “Chúng ta đến với nhau trước hết vì tình anh em bốn bể cùng chống kẻ thù chung. Vậy thì tôi nhiều tuổi hơn đồng chí, là anh. Còn đồng chí ít tuổi hơn tôi, là em”.

Bác thực sự cảm động khi thấy bóng dáng một ông già phương Tây ở độ tuổi 70 bồng bềnh trên đầu mái tóc đã bạc mà vẫn tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho nhân loại. Bác dặn dò thêm và động viên chị Phương, người thầy thuốc trong chuyến đi đầy bom đạn và gian khổ này: “Cháu phải gắng bảo vệ sức khỏe cho Joris Iven và Marceline. Cho Đoàn đi đến nơi về đến chốn. Làm tốt, Bác sẽ có thưởng...”.

Và, chỉ 3 ngày sau ông già Joric Ivens và những người cộng sự Việt Nam đã có mặt dưới hầm địa đạo giới tuyến Vĩnh Linh. Không phải là một vài ngày, mà là suốt 3 tháng trời đạo diễn Joris Iven, bà Marceline Lorida, và những người cộng sự Việt Nam đã tắm mình trong khói lửa chiến tranh ác liệt để ghi vào ống kính của mình những hình ảnh sản xuất và chiến đấu của nhân dân Vĩnh Linh anh hùng. Họ đã trải qua những tháng ngày khốc liệt nhất trong cuộc đời làm phim của mình.

Chị Phương đã kể lại: “Những bước chân dò dẫm từng bậc một, một tay vịn vào thành vách đất mới đào xới. Càng xuống càng mịt mùng. “Cõi âm ty...”. Sau lưng tôi hơi thở của ông già Ivens ngắt quãng, nặng nhọc. Tôi quay lại... nhưng một bàn tay của ông già đã vỗ nhẹ lên vai tôi: “Không sao đâu... còn chịu được...”. Mồ hôi vã ra như tắm, cứ nửa ngủ, nửa thức, tôi chập chờn lò dò từng bước xuống sâu dần trong lòng đất. Ivens và Marceline đã trải qua những giây phút như thế đấy”.

Thời gian đạo diễn Joris Iven và Đoàn làm phim hoạt động ở giới tuyến Vĩnh Linh, Bác Hồ vẫn dõi theo hàng ngày. Bác vui vẻ nói với mọi người: “Joris Iven! Ông đã đến với chúng ta!”. Ai cũng nghĩ câu nói của Bác mang một hàm ý sâu rộng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam không chỉ còn của một dân tộc mà tiếp theo nó là những làn sóng giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Trong nội dung kịch bản phải quay bằng được lá cờ đỏ sao vàng ở giới tuyến Vĩnh Linh. Lá cờ rất lớn được treo trên đỉnh một cột cờ cao, để hàng ngày bà con phía Nam có thể ngắm nhìn lá cờ của Tổ quốc. Điều khắc nghiệt là cột cờ lại ở ngay đầu cầu Hiền Lương, trong tầm quan sát cảnh giới của Cảnh sát Sài Gòn, những điều bất trắc có thể xảy ra.

Khi đoàn làm phim tiếp cận được cột cờ thì xảy ra một sự cố, lá cờ bị gió quấn chặt vào cột, không quay được, cần có người trèo lên gỡ ra. Nhà quay phim Quang Trấn đã xung phong làm việc này. Đúng như mọi người đã phán đoán, khi gỡ được lá cờ tung bay trong gió, anh Quang Trấn đang tụt xuống dưới chân cột cờ thì máy bay địch đến ném bom. Đạo diễn Joris Iven bị đất đá vùi lấp. Một vệt máu chảy dài trên cánh tay nhà đạo diễn. Chị Phương lao tới vực ông dậy, ông đã gạt chị Phương ra. Trong lúc miệng còn đầy đất, vẫn hỏi mọi người có việc gì không... Và sau này khi bộ phim ra đời người xem vẫn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay một cách ngạo nghễ bên bờ “Lũy thép Vĩnh Linh!”.

Sau 3 tháng vật lộn với bom đạn Mỹ ở giới tuyến Vĩnh Linh, đạo diễn Joris Iven cùng với các đồng nghiệp đã chuẩn bị đủ tư liệu để sau này cho ra đời một tác phẩm có giá trị “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân”.

Có một điều mãi sau này ông mới tiết lộ, ấy là trước khi cùng vợ sang Việt Nam làm bộ phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân”, ông phải cầm cố ngôi nhà đang ở để lấy tiền làm phim.

Ngày trở lại Hà Nội đạo diễn Joric Ivens và bà Marcelic Loridan được Bác Hồ đón tiếp như những người chiến thắng trở về. Nhưng đối với đạo diễn Joris Iven, phần thưởng quý giá nhất lúc này là được nghe Bác Hồ kể những bí ẩn về cuộc đời mình 46 năm trước.

46 năm trước - năm 1922, Bác Hồ (lúc ấy là Nguyễn Ái Quốc) đem số báo “Người cùng khổ” mới phát hành ở Paris đến biếu văn hào Henri Barbusse. Cũng đúng lúc ấy nhà danh họa Picasso đến. Ông mặc nguyên chiếc áo còn lấm thuốc vẽ, nói giọng sôi nổi:

- Anh Hăngri, anh Nguyễn! Xếp chuyện báo chí lại đi. Đi xem phim mới, thật là bản lĩnh của Joris Iven (bộ phim tài liệu “Tư bản và tôn giáo”).

Sau khi xem phim, Nguyễn Ái Quốc được Vaillant Couturier cho biết tác giả bộ phim là đạo diễn Joris Iven, người Hà Lan. Ngay từ khi ra đời, bộ phim “Tư bản và tôn giáo” đã bị cấm chiếu. Tác giả đã bị vua Hà Lan trục xuất ra khỏi đất nước của mình.

Bác Hồ kể: “Ngày ấy bạn bè đã trao một nhiệm vụ nặng nề cho tôi: “Anh Nguyễn phải viết ngay một bài bình luận về nội dung bộ phim tố cáo tư bản đã lợi dụng tôn giáo để áp bức và đi xâm lược các dân tộc... và ca ngợi bản lĩnh nghệ sĩ tài hoa của Joris Iven”. Bài báo ấy tôi đã đăng trên báo Nhân đạo tháng 6 năm 1922”.

Nghe Bác Hồ kể, đạo diễn Joris Iven vô cùng cảm động. Ông không ngờ bước đi đầu tiên của cuộc đời nghệ thuật của mình đã được Nguyễn Ái Quốc - một nhà bình luận Điện ảnh Việt Nam đồng tình và bảo vệ cách đây gần nửa thế kỷ. Và giờ đây trước mắt ông là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hôm đạo diễn Joris Iven đến chào từ biệt, Bác Hồ nói: “Trước đây tôi xem phim của đồng chí, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ tôi đã viết được bài đăng báo. Ngày ấy tôi mới ngoài 30 tuổi, là một người dân mất nước, mất tự do. Lần này tôi lại được xem phim của đồng chí, phim về Việt Nam đã được độc lập và đang tiếp tục chiến đấu giành độc lập thống nhất Tổ quốc, bảo vệ hòa bình và tiến bộ xã hội. Rất tiếc là tôi không viết được bài đăng báo về bộ phim mới này của đồng chí. Tôi gần 80 tuổi rồi phải biết sức mình”.

Năm 1990, Phrideuman - một đạo diễn phim tài liệu, người cộng sự thân thiết của đạo diễn Joris Iven đến Việt Nam để làm bộ phim tài liệu về Hồ Chí Minh “Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới” – mà Tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học (UNESCO) của Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận và tôn vinh.

Đạo diễn Phrideuman đã hết sức xúc động kể lại: “... Lúc lâm bệnh nặng, đạo diễn Joris Iven đã gọi tôi đến bên ông. Ông đã nói với tôi: Tôi có một món nợ với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi sẽ không đền đáp được với Người. Giữa những năm đế quốc Hoa Kỳ rải thảm lửa xuống hai miền đất nước Việt Nam, tôi đã đến với nhân dân, với Tổ quốc của Bác Hồ. Tôi đinh ninh mình sẽ sớm cất cao tiếng ngợi ca Người, một vĩ nhân của những vĩ nhân trong thời đại nhiều biến cố, nhiều đỉnh cao của thành tựu. Nào ngờ tôi đã muộn màng đến với Hồ Chí Minh. Trái lại Bác Hồ, chính Bác Hồ đã phát hiện ra tôi, lúc tôi hãy còn chập chững đi vào con đường Điện ảnh. Tôi đã tìm được bài của Nguyễn Ái Quốc viết về tôi đăng trên tờ báo Nhân đạo tháng 6/1922. Nhiều giọt nước mắt của tôi nhỏ xuống trang báo, giấy đã ngả màu gần nửa thế kỷ nay. Cuộc đời nghệ thuật Điện ảnh của tôi có biết bao nhiêu nhà bình luận trên thế giới đánh giá. Nhưng lúc này, cái lúc tôi đang ngả lưng xuống ván thì mới thấy những bài viết của Bác Hồ về con đường nghệ thuật của tôi từ ngày mới lên đường, mà lại đúng với tôi hơn tất cả. Hồ Chí Minh - người là nhà nghệ thuật lớn trong diện mạo của một vĩ nhân”

.
.