Nhà viết kịch Lưu Quang Hà: Ngày xanh múa bút vượt ba sinh

Thứ Năm, 28/01/2021, 11:15
Mới đây, tôi có dịp gặp nghệ sĩ Lưu Lan Hương tại Nhà hát Kịch Việt Nam, nơi vừa dựng lại vở kịch “Đêm trắng” của cố tác giả Lưu Quang Hà. Đây là kịch mục sẽ được diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào dịp đón xuân Tân Sửu. Lưu Lan Hương luôn nhớ đến cha của mình với hình ảnh về cây tùng: “Trên vách đá vẫn vươn cao thẳng tắp/ Chí chọc trời, không chịu uốn lưng” .


Một khí phách thi ca ngang tàng

Là một người chiến sĩ có cá tính và rất yêu thơ ca, ngay từ khi tham gia kháng chiến vào tuổi 16 (1944), Lưu Quang Hà đã tỏ ra khác người. Mạnh mẽ và quyết đoán, chàng trai sớm rời bỏ quê hương Quảng Ninh dâng hiến tuổi trẻ cho cách mạng. Lưu Quang Hà trải qua nhiều mặt trận rồi được điều sang Đại đoàn quân Tiên phong. Đây là thời gian anh xông pha trên chiến trường Tây Bắc với cây súng trên tay. 

Sau đó Lưu Quang Hà được điều về Tổng cục hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày toàn thắng. Đi tới đâu hồn thơ Lưu Quang Hà luôn trào dâng với khí phách hào sảng. Trong trái tim thi sĩ họ Lưu luôn vang lên tuyên ngôn: “Đấu tranh là hạnh phúc-Mác”. Với tính cách sống ngay thẳng và trong sạch cho dù mọi cám dỗ vật chất kề bên với một cán bộ hậu cần như Lưu Quang Hà.

Cảnh trong vở “Đêm trắng” Nhà hát Kịch Việt Nam 2021.

Có lẽ chính vì thế sự kiện Cục trưởng Cục Hậu cần Trần Dụ Châu tham nhũng ăn chơi trác táng trong kháng chiến làm cho trái tim Lưu Quang Hà luôn nhức nhối. Vụ án xử tử hình Đại tá Trần Dụ Châu (năm 1950) là bài học nhớ đời cho những chiến sĩ cách mạng. Người ký quyết định bản án cuối cùng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nỗi đau đó đã làm chấn động tâm hồn người thi sĩ. 

Ngay sau ngày Bác Hồ mất vào năm 1969, Lưu Quang Hà bắt tay viết vở kịch “Đêm trắng” với bao niềm trăn trở. Vào thời điểm này, không ít người ngại ngần khuyên ông hãy dừng tay. Họ quan niệm việc nêu lại vụ án tham nhũng là việc vạch áo cho người xem lưng dễ bị kẻ địch lợi dụng, không khéo lại bị cấp trên khiển trách vì không bảo vệ danh dự của đảng. 

Bởi cho dù vụ án Trần Dụ Châu là có thật nhưng không tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Nay đưa lên sân khấu không hẳn là việc có lợi cho công tác tuyên truyền. Lắng nghe mọi dư luận nhưng Lưu Quang Hà không ngần ngại và đã ngày đêm thực hiện phân cảnh kịch bản.

Sau hơn mười năm viết và sửa chữa, đến 1980 vở kịch mới hoàn thành. Tác phẩm đầu tiên viết về đề tài chống tham nhũng và được hiệu chỉnh cùng bao mâu thuẫn giằng xé trong lòng. Kịch bản hấp dẫn và nóng bỏng thời sự nhưng mang đến đâu người ta cũng ngần ngại. Trong thời điểm đất nước còn bao cấp, ai dám đầu tư cho các đoàn dàn dựng một kịch mục về vụ án tố cáo quan tham cách mạng. Cho dù là nhân vật chính đã được thay tên đổi họ là Hoàng Trọng Vinh, song nhiều đoàn kịch vẫn từ chối. 

Lưu Quang Hà đã ngỡ rằng kịch bản dễ “nhập kho” lưu trữ theo thời gian. Mãi tới 7 năm sau, có một đạo diễn đã mạnh tay nhận lời dàn dựng cho Đoàn kịch Quân khu II- đó là đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang. Trước đó, anh đã nổi tiếng với những kịch bản của Lưu Quang Vũ. Nhưng với “Đêm trắng” là một thử thách ở một cung bậc khác. 

Một sự thật trần trụi, một câu chuyện luận tội tham nhũng của một quan chức cách mạng. Thật vô cùng khó. Hơn nữa, đây là vở kịch đầu tiên nói về đạo đức cách mạng gắn với hình tượng sâu sắc về Bác Hồ. Việc chọn ai thể hiện hình tượng Người không dễ dàng. “Đêm trắng” là một đêm đấu tranh căng thẳng trong quyết định hành xử của người cách mạng chân chính.

Như đóa hoa xuân nở giữa đời

Nghệ sĩ Lưu Lan Hương hồi lâu tâm sự cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về nghệ sĩ trẻ Tiến Hợi thể hiện rất xuất sắc hình tượng Bác Hồ trong “Đêm trắng”. Tiến Hợi như một sự khởi động cho mạch nguồn nghệ thuật thể hiện những chân dung lãnh tụ. Sau đó vào năm 1990, Nhà hát Kịch Việt Nam dựng lại “Đêm trắng” để dự hội diễn và đã gặt hái nhiều thành công lớn. 

Kịch mục đã đem lại nhiều Huy chương Vàng và Huy chương Bạc cho vở và các vai diễn trên sân khấu. Đặc biệt nghệ sĩ Trần Thạch trong vai Bác Hồ đã có những nét diễn xuất tinh tế và thấm đẫm tình thương bao la của Người. 

Tính thời sự của “Đêm trắng” được tô đậm trước những tệ nạn tham nhũng và hối lộ luôn xuất hiện trong đời sống. Đồng thời những bài học về đạo đức cách mạng mà Bác Hồ luôn được nêu lên trong những giai đoạn cách mạng quan trọng nhất. Rồi tới 15 năm sau “Đêm trắng” lại được nêu lên là kịch mục mang tính nghệ thuật điển hình trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Nhà viết kịch Lưu Quang Hà (1928-2008).

Vào năm 2005, NSƯT Trần Thạch thêm một lần thử thách vào việc thể hiện hình tượng Bác Hồ. Cho dù đã 15 năm trôi qua nhưng nghệ sĩ Trần Thạch không thể nào quên nhưng chi tiết đầy bi kịch trong lòng Bác vào đêm thức trắng. 

Đó là sự cân nhắc đầy day dứt với đồng chí của mình trong sự biến chất và tự chuyển biến đến tệ hại. Người luôn hỏi đồng chí giúp việc về thời gian: “Bây giờ là mấy giờ rồi”. Đó là đêm thức trắng của Bác dẫn tới quyết định tử hình một tội phạm mà cách đó 4 năm đã được chính Người đề bạt. 

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang muốn nêu bật sự công phẫn của Bác Hồ đối với tệ nạn tham nhũng chung trong giới quan cách mạng. Vậy nên thông qua nhân vật Đại tá Hoàng Trọng Vinh là một điển hình cần phải xử nghiêm với hình thức cao nhất. 

Sau đó không ít đoàn đã dàn dựng “Đêm trắng” với những sự chuyển đổi hình thức biểu diễn như cải lương và chèo. Đặc biệt là đoàn chèo Tổng cục Hậu cần đã dựng vở này, nơi mà tác giả Lưu Quang Hà đã từng có thời gian công tác khá dài với vai trò là chủ nhiệm hay chính trị viên.

Sau năm 1975 khi chuyển sang làm Hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, Lưu Quang Hà đã viết thêm được một số kịch bản hay khác và cũng được nhiều đoàn dàn dựng như vở “Đêm ức trai”, “Người anh hùng áo vải”, hoặc vở “Đêm diễn Rồng tre ở Paris” và “Người thầy của danh tướng”.

Hình tượng Bác Hồ được tác giả khai thác trong không ít vở sau đó. Nhưng sức sống của kịch bản “Đêm trắng” luôn vượt lên với thời gian. Nếu tính từ đầu thập niên 80, kịch bản hoàn thành tính đến nay đã hơn 40 năm, vở diễn lại tiếp tục được đưa lên sân khấu. Nhà hát Kịch Việt Nam đã hoàn thành kịch mục “Đêm trắng” mới trong tháng đầu tiên của năm 2021. 

Vở đã được công diễn vào ngày 15-1-2021 và là một trong những kịch mục biểu diễn phục vụ toàn quốc vào dịp xuân 2021. Điều đặc biệt lần này, vở diễn “Đêm trắng” do chính Giám đốc NSƯT Xuân Bắc đạo diễn. 

Khán giả đã đánh giá cao nghệ thuật dàn dựng của Xuân Bắc cùng với dàn diễn viên mới. Một góc nhìn trẻ trung về sự tiếp nối trên con đường đấu tranh chống tham nhũng mà Đảng lãnh đạo triển khai khá quyết liệt để làm trong sạch bộ máy của lãnh đạo nhà nước ta. 

Đó chính là sự lấy lại niềm tin trong lòng dân mà Bác Hồ luôn hướng tới. Những câu nói của Bác trong vở kịch luôn vang lên khi nói với tội phạm Hoàng Trọng Vinh rằng: “Bác không đòi chú trả lại vàng bạc chú đã biển thủ, chỉ đòi chú trả lại cho Cách mạng lòng tin” (trích trong cảnh 6)

Những câu thơ còn lại

Nghệ sĩ Lan Hương nói sinh thời cố tác giả Lưu Quang Hà rất hay làm thơ. Nó là thú vui, cũng là sự giải tỏa những ẩn ức và niềm vui chợt tới với ông. Bố chị thường ngâm thơ và hát cho các con nghe. Lưu Lan Hương nhớ ông hát “Trường ca sông Lô” (Văn Cao) như một ca sĩ thực thụ với cảm xúc bỏng cháy. Đó là những ký ức kháng chiến trường kỳ mà ông đã sống trên Việt Bắc. 

Chị bất ngờ nhớ đến câu đối của nhà thơ kiêm tác giả kịch bản Nguyễn Khắc Phục đã ghi trên một bức trướng khi đến viếng cha mình (1928- 2008). Đó là những lời tỏ bày về một khí phách của Lưu Quang Hà. Nhà thơ khắc họa: “Đêm trắng vung gươm trừ thập ác/ Ngày xanh múa bút vượt ba sinh”. 

Đúng vậy “Đêm trắng” đã ghi dấu ấn đỉnh cao về hình tượng Bác trên sân khấu với hàng trăm đêm diễn. Những câu thơ của Lưu Quang Hà vẫn còn đó, ngang tàng và cháy bỏng: “Tiêu Vân sơn ầm ầm gió nổi/ Vui với suối ngàn, cất tiếng tùng reo/ Rung động cả không gian vũ trụ/ Khúc tùng ca bất khuất thanh cao” (Lưu Quang Hà-Tác phẩm chọn lọc.).

Chung Tử
.
.