Nhà văn Phong Thu: Không viết là thấy nhớ

Thứ Năm, 23/09/2010, 10:56
Đã 55 năm từ ngày truyện ngắn đầu tay của nhà văn Phong Thu viết cho thiếu nhi được đăng trên báo Thiếu niên tiền phong, đến nay, chưa có tháng, năm nào ông ngưng viết. Một mình một lối, Phong Thu "thủy chung" với con đường mình đã chọn, với 76 đầu sách viết cho thiếu nhi đã được xuất bản - số đầu sách nhiều gần bằng tuổi đời của ông. Nhiều tác phẩm của ông được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học. Đó quả là một phần thưởng quý đối với một người như ông.

Cho đến tận hôm nay, nhà văn Phong Thu vẫn giữ nguyên vẹn được tình yêu mến đối với trẻ thơ, cứ đi đâu thấy có đám trẻ là muốn sà vào. Những câu chuyện giản dị mà xúc động đầy tính giáo dục của ông viết cho trẻ nhỏ cũng ra đời từ những chuyến đi "la cà dọc đường" ấy.

Nhiều thế hệ học trò còn nhớ những tác phẩm đầy chất thơ in trong sách giáo khoa bậc tiểu học như "Bàn tay mẹ", "Chim sâu", "Xe lu và xe ca", "Cua đồng thức giấc", "Chim sẻ"… của nhà văn Phong Thu. Những năm tháng tuổi thơ đã qua từ lâu, nhưng gần như tôi vẫn còn thuộc lòng những mẩu đối thoại của mẹ con nhà cua trong bài "Cua đồng thức giấc": "Mẹ ơi, bao nhiêu là mặt trời mẹ ạ!". Cua mẹ bò ra hớt hơ hớt hải, định dẫn đàn con đi chỗ khác. Sợ nhỉ! Lại cả tiếng gì ầm ầm nổ giòn giã lạ tai ghê. Thấy vậy cô cá rô phi nổi lên mách: Máy cày đấy, nhà chị cua ạ! Mẹ con nhà cua giương mắt lên ngơ ngác: "Lại những chuyện máy cày, đèn điện nữa ư, thế thì lạ quá". Chỉ có bác trâu tơ là khoái nhất. Bác ta nhìn mẹ con nhà cua và lăn ra cười. Có máy cày bác ấy đỡ vất vả hơn…". Gặp và trò chuyện với nhà văn Phong Thu - nhà văn của trẻ nhỏ - dường như khoảng trời tuổi thơ trong tôi ùa về cùng với những trang văn hồn nhiên, trong sáng mình được đọc từ những năm tháng đầu đời. Phong Thu thực sự đã góp phần nuôi dưỡng nhiều tâm hồn trẻ thơ, đưa các em đến với thế giới đẹp đẽ và rộng mở như trong cổ tích quanh mình.

Nhà văn Phong Thu sống cùng vợ và gia đình người con trai trong một căn hộ khiêm nhường ở phố Trương Hán Siêu. Ông vẫn giữ nếp sinh hoạt giản dị, gọn gàng, ngăn nắp của một nhà giáo khi xưa. Phong Thu dáng người nhỏ nhắn, mặc dù đã ở tuổi 78 nhưng ông vẫn giữ được vẻ rắn rỏi của một nhà báo nhiều năm liền một mình một xe đạp đi đến khắp miền quê để lấy tài liệu viết tin bài. Chỉ có điều, tai ông đã "nghễnh ngãng", phải cần đến máy trợ thính, người đối thoại phải cố gắng nói to hơn, dùng câu ngắn hơn thường lệ thì ông mới nghe được.

Nhà văn Phong Thu kể rằng, ông bắt đầu viết báo từ năm 1954, là cộng tác viên của hàng chục tờ báo và cho đến tận bây giờ, ông vẫn là cộng tác viên "ruột" của một số báo như An ninh Thủ đô, Phụ nữ Việt Nam, Nhi đồng, Chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam... Vừa qua, truyện ngắn "Thầy quyền không dùng võ" của ông tham dự cuộc thi viết truyện ngắn và ký "Về người chiến sĩ công an Hà Nội vì Thủ đô bình yên, vì nhân dân phục vụ" được trao giải Nhì khiến ông rất phấn khởi.

Viết văn, viết báo với ông là một niềm vui thích đặc biệt, ngày nào ông cũng viết cái gì đó: làm thơ, viết truyện, viết báo… chứ chẳng chịu ngồi yên. Ông bảo rằng, ông viết không phải vì muốn kiếm tiền bằng nhuận bút, vì nhuận bút viết cho thiếu nhi thấp lắm, chả đáng là bao, mà vì không viết là thấy nhớ, thấy thiếu, cứ như mắc bệnh nghề nghiệp vậy. Hằng ngày, ông vẫn dùng chiếc hòm gỗ đóng từ thời đi dạy học trên Hòa Bình làm bàn viết. Khi viết, bao giờ cũng kê thêm một tờ giấy than để khi bản chính gửi đi vẫn còn bản giấy than giữ lại lưu trữ. Nét chữ nhà giáo ngay ngắn, mạch lạc và thẳng đều tăm tắp. Ông cho biết, ông vừa gửi 4 tập truyện thiếu nhi cho Nhà xuất bản Kim Đồng, trong đó vừa in  tập "Truyện cổ tích bên cửa sổ", còn 3 tập sẽ in rải rác trong thời gian tới.

Nhà văn Phong Thu tâm sự, từ khi bắt đầu cầm bút ông đã viết cho thiếu nhi và cứ thích viết mãi. Chưa bao giờ ông thấy mảng đề tài này cũ, không thấy mình bị cùn mòn và tình yêu với con trẻ trong ông chưa bao giờ vơi. Nhiều tác phẩm của ông đã trở nên quen thuộc với thiếu nhi và cũng đem đến cho ông hàng chục giải thưởng như "Hoa mướp vàng" (Giải Nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn, NXB Kim Đồng và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam tổ chức); tập truyện "Điểm 10" (Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội); kịch bản phim hoạt hình "Cá sấu ngứa răng" (Bông Sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam năm 1970) và nhiều tập truyện được thiếu nhi yêu thích như "Bức tường có nhiều phép lạ", "Bồ nông có hiếu", "Xe lu và xe ca", "Vì sao đuôi cò lại ngắn"…

Có lẽ, có được điều ấy là vì trong cuộc đời mình, nhà văn có nhiều cơ hội tiếp xúc với trẻ con. Ông vốn là thầy giáo dạy xóa mù chữ cho các em nhỏ ở Hòa Bình gần chục năm. Các em nhỏ đa phần là con em các dân tộc thiểu số, cái chữ chưa biết nhưng luôn đối đãi với thầy giáo miền xuôi thật ân tình. Bắt được cá dưới suối, các em chọn con to nhất đem tới biếu thầy. Khi thầy ốm, mỗi em đem biếu thầy một quả trứng, thế là thành cả một rổ trứng đầy. Những kỷ niệm ấy, những ân tình ấy nhà văn Phong Thu không bao giờ quên được.

Sau này, có mấy chục năm về làm phóng viên báo Thiếu niên tiền phong, ông lại có cơ hội rong ruổi đến các vùng quê gặp gỡ, tiếp xúc với thiếu nhi. Đến khi công tác tại Hội đồng Đội Trung ương, ông lại có nhiều dịp đi giảng bài cho thiếu nhi ở cung văn hóa, các nhà trường. Thói quen của ông khi đi công tác là về thẳng thôn xóm, đến thẳng nhà các em trước chứ không bao giờ đến ủy ban xã. Cứ một mình một xe đạp, ông đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, gặp đám chăn trâu, bắt cá nào ông cũng lân la đến gần làm quen, quan sát, hỏi chuyện rồi ăn cùng, ngủ cùng, chơi cùng các em, đặc biệt là lắng nghe để hiểu tâm lý, tình cảm của các em, ghi chép lại những lời ăn tiếng nói của các em… nên những câu chuyện ông kể bao giờ cũng chân thực, giản dị, sinh động. Nhà văn kể rằng, ông viết tác phẩm "Cua đồng thức giấc" trong một lần đi công tác ở Hải Dương, thấy lũ trẻ bắt cua trên đồng vui quá, cũng nhảy xuống ruộng góp vui. Vậy là tối về ông đã hoàn thành ngay tác phẩm ấy, có thêm hình ảnh chiếc máy cày là niềm vui, hạnh phúc cho người nông dân và lũ trẻ ở quê thời kỳ hợp tác xã.

Mỗi chuyến đi như thế, mỗi lần ngồi vào bàn viết về tuổi thơ, ông như gặp lại tuổi thơ của chính mình ở vùng quê lúa Thái Bình, thời còn chăn trâu, cắt cỏ, ra sông tắm, bắt cua, cá trên đồng, những đêm mải chơi rồi ngủ quên luôn ở sân đình... Nhà văn Phong Thu cho biết, suốt mấy chục năm qua, cứ đến ngày khai giảng là ông lại đạp xe lang thang đến cổng các trường xem khai giảng. Ông chỉ lặng lẽ đứng bên ngoài quan sát chứ không vào. Ông bảo rằng, cái ngày ấy đối với trẻ em rất đặc biệt, nó cũng trở nên đặc biệt với ông - một người quanh năm suốt tháng viết về trẻ nhỏ. Chỉ có vài năm trở lại đây, sức khỏe yếu không đi được nữa ông mới chịu ngồi ở nhà.

Nhà văn Phong Thu là một người đôn hậu. Có lẽ bởi thế mà ông chọn thiếu nhi làm đối tượng chính trong tác phẩm của mình. Ông bộc bạch rằng, ông thích viết về thiếu nhi bởi vì nó hợp với cái "tạng" của mình: "Viết về thế giới của thiếu nhi nó trong trẻo, hiền lành, vui vẻ, nhân hậu nên tôi thích viết hơn và việc viết với tôi dễ hơn vì mình có nhiều vốn sống. Còn thế giới của người lớn vốn nhiều gai góc, buồn phiền nên tôi không thích viết bằng. Hơn nữa, "sân" dành cho thiếu nhi vốn ít người viết, nên khi đã chìm đắm trong thế giới ấy rồi, tôi cứ một mình một ngựa rong ruổi suốt chừng ấy năm thôi. 55 năm qua, tôi chưa bao giờ ngưng nghỉ!".

Cho đến nay, Phong Thu đã viết hàng ngàn truyện ngắn cho thiếu nhi mà chưa bao giờ thấy bí, vẫn luôn cảm thấy hào hứng và không có gì cản trở, vướng mắc mà càng viết càng thấy mình sung sức. Đúng như lời ông tâm sự trong cuốn sách vừa in còn thơm mùi giấy: "Viết cho thiếu nhi, tôi gặp lại tuổi thơ. Chú bé cách đây hơn 76 năm ấy đã rong ruổi cùng tôi qua từng câu văn, trang viết. Ký ức, kỷ niệm xa xưa mãi hớn hở, thơ ngây. Viết gì đây? Chú bé ngày trước khác gì với các em bây giờ qua từng ngày, từng ngày. Những gì tôi viết suốt 55 năm qua dù mới buông bút đã trở thành cổ tích. Thành thử tôi phải sống và nghĩ như các em để viết. Xịch một cái, tóc đã bạc, tuổi đã già. Thế là tự nhủ: Trang viết không được già nua. Mà nhớ có lần cô bé cháu nội của tôi nói, nói thật: "Cháu không cho ông già!"…

Hà Anh
.
.